Sau khi đại dịch Covid-19 qua đi đã gây ra sự đảo lộn lớn trong nền kinh tế thế giới. Đến năm 2023, nền kinh tế lại phải hứng chịu đợt suy thoái nghiêm trọng, các doanh nghiệp phải đối mặt với giảm doanh số, lợi nhuận giảm sút, và khó khăn trong việc duy trì tất cả các vị trí làm việc. Để sống sót trong tình trạng hiện nay, họ phải cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí hoặc buộc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh của mình.
Vậy trong những hoàn cảnh nào thì doanh nghiệp được cắt giảm nhân sự? Luật Ánh Ngọc mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây về cắt giảm nhân sự trong doanh nghiệp.
1. "Cắt giảm nhân sự" là gì?
Cắt giảm nhân sự là một biện pháp mà các tổ chức và doanh nghiệp thường thực hiện khi họ cần giảm bớt số lượng nhân viên hoặc tài nguyên nhân sự trong công ty. Lý do để thực hiện có thể là doanh nghiệp đang gặp khó khăn tài chính, cần tiết kiệm chi phí, hoặc do sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh.
Cắt giảm nhân sự có thể bao gồm việc sa thải nhân viên, giảm bớt giờ làm việc, không tuyển thêm nhân viên mới hoặc chuyển nhân viên sang công việc khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và tình hình tài chính của các nhân viên bị ảnh hưởng và có thể gây ra căng thẳng trong tổ chức. Các quyết định về cắt giảm nhân sự thường được đưa ra sau khi xem xét kỹ lưỡng về tình hình tài chính và cơ cấu tổ chức của công ty.
Xem thêm bài viết: Người lao động có được doanh nghiệp bồi thường khi cắt giảm nhân sự?
2. Khi nào doanh nghiệp được "cắt giảm nhân sự"?
Pháp luật lao động quy định các trường hợp mà doanh nghiệp được cắt giảm nhân sự, là người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động, căn cứ tại khoản 1 Điều 36 và Điều 42 Bộ luật lao động 2019, cụ thể như sau:
Một là, người lao động thường xem xét mức độ hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá được xác định theo nội quy của doanh nghiệp. Nếu công ty nhận thấy người lao động không đáp ứng các tiêu chí đó dẫn đến không thể hoàn thành công việc đúng hoặc đầy đủ thì công ty có quyền cân nhắc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
Lưu ý rằng, nội quy do doanh nghiệp ban hành nhưng nếu có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì cần tam khảo ý kiến của tổ chức này.
Hai là, người lao động, sau khi trải qua một thời gian điều trị bệnh tật kéo dài trong vòng 12 tháng (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn) hoặc điều trị 06 tháng liên tục (đối hợp đồng lao động xác định thời hạn) hoặc điều trị thời gian quá nửa thời hạn hợp đồng lao động (đối với hợp đồng lao động thời hạn dưới 12 tháng) mà vẫn chưa bình phục hẳn để quay trở lại làm việc.
khi người lao động phục hồi được sức khỏe, người sử dụng lao động có thể cân nhắc việc tái ký hợp đồng lao động.
Ba là, do các tình huống bất khả kháng như thảm họa, dịch bệnh, xã hội chính trị,... hoặc doanh nghiệp phải thu hẹp, di dời cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của chính quyền, cho dù người sử dụng lao động đã sử dụng mọi biện pháp để khắc phục hậu quả.
Bốn là, người sử dụng lao động nhận thấy người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hai bên có thỏa thuận khác
Năm là, người lao động nghỉ hưu theo quy định của luật;
Sáu là, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động trái pháp luật mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
Bảy là, người lao động gian dối trong việc cung cấp các thông tin cơ bản theo luật quy định cũng như người sử dụng lao động yêu cầu khi giao kết hợp đồng lao động gây ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng;
Tám là, vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ (thay đổi trong cơ cấu, tổ chức hoặc thay đổi trong quy trình công nghệ, thiết bị sản xuất, máy móc) hoặc lý do kinh tế (khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương chính sách của nhà nước hoặc cam kết quốc tế).
Trường hợp cắt giảm nhân sự rơi vào hai lý do này, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các phương án sử dụng lao động. Nếu không thể giải quyết được việc làm thì phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Mặt khác, để chấm dứt việc làm đối với người lao động, theo hai lý do trên, người sử dụng lao động chỉ có thể thực hiện sau khi đã thảo luận với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở ở nơi mà người lao động là thành viên, và thông báo trước ít nhất 30 ngày cho UBND cấp tỉnh đồng thời cho người lao động.
Giống như người lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động cũng phải tuân thủ thời hạn báo trước để người lao động nắm bắt kịp thời và thực hiện các công việc còn lại:
- Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì người sử dụng lao động phải có thông báo trước ít nhất 45 ngày đến người lao động bị cắt giảm, còn với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 năm đến 03 năm thì phải báo trước 30 ngày;
- Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng thì phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, trừ trường hợp người lao động không có mặt tại nơi làm việc hoặc nghỉ ngang việc như nêu trên thì người sử dụng lao động không cần phải thông báo trước.
Nếu người sử dụng lao động không thông báo cắt giảm nhân sự theo đúng thời hạn như luật quy định thì sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 01 triệu đồng đến 10 triệu đồng, ngoài ra người sử dụng còn có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục tùy theo mức độ vi phạm.
Xem thêm bài viết: thời gian báo trước nghỉ việc trong thời hạn thử việc
3. Tác động của việc "cắt giảm nhân sự" trong doanh nghiệp
- Đối với người lao động
Việc cắt giảm nhân sự trong một tổ chức có thể có tác động đáng kể đối với người lao động. Đầu tiên, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc cắt giảm có thể phải đối mặt với mất việc làm hoặc áp lực tìm kiếm công việc mới. Điều này có thể gây ra căng thẳng tinh thần và tài chính đáng kể, đặc biệt nếu họ đã dành nhiều năm để xây dựng sự nghiệp trong tổ chức đó.
Họ có thể cảm thấy lo lắng về tương lai và không chắc chắn về khả năng tìm được công việc mới trong thời gian ngắn. Điều này có thể gây ra mất tự tin và tạo ra tình trạng lo sợ.
Tuy nhiên, cắt giảm nhân sự cũng có thể đưa ra cơ hội cho các người lao động còn lại để phát triển kỹ năng mới và đảm bảo sự ổn định tài chính. Biết đâu, đây cũng là cơ hội để họ tìm kiếm một vị trí phù hợp khác và phát triển ở vai trò mới. Đôi khi, một cánh cửa đóng lại sẽ mở ra những điều tốt đẹp hơn, vậy nên, hãy suy nghĩ tích cực và hướng tới tương lai, cơ hội luôn gõ cửa.
- Đối với doanh nghiệp
Về mặt tích cực:
- Tiết kiệm chi phí: Cắt giảm nhân sự có thể giảm chi phí liên quan đến lương, phúc lợi, và nhiều khoản chi phí khác, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tiền và tăng khả năng sinh lợi nhuận trong ngắn hạn.
- Tăng hiệu quả lao động: tạo ra cơ hội để tối ưu hóa tổ chức và quy trình làm việc, đặc biệt đối với các vị trí không hiệu quả được loại bỏ.
- Giảm sự cạnh tranh nội bộ: Khi tỷ lệ nhân sự bị cắt giảm, có thể giảm áp lực cạnh tranh nội bộ giữa nhân viên và tạo ra môi trường làm việc thoải mái hơn, tăng cường tập trung vào mục tiêu công ty.
Về mặt tiêu cực:
- Cắt giảm nhân sự có thể dẫn đến mất mát kiến thức và kỹ năng quý báu nếu nhân viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu rời bỏ công ty. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của công ty trong tương lai.
- Vấn đề này tạo ra căng thẳng trong tổ chức, khi các nhân viên sợ mất việc làm hoặc phải chịu áp lực với khối lượng công việc tăng thêm.
- Ngoài ra, còn có thể dẫn đến việc mất cơ hội phát triển và mở rộng doanh nghiệp trong tương lai khi không có đủ nhân lực để thúc đẩy sự phát triển.
Xem thêm bài viết: Có được sa thải, chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ đang mang thai?
Không một doanh nghiệp nào mong muốn phải cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, điều này có thể là một quyết định cần thiết trong một số tình huống để cải thiện tài chính tổ chức hoặc điều chỉnh chi phí. Để giảm tác động tiêu cực lên người lao động, tổ chức nên thực hiện quy trình cắt giảm nhân sự một cách công bằng và nhân văn, cung cấp hỗ trợ cho nhân viên bị ảnh hưởng, và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu sự không chắc chắn và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động còn lại.
Trên đây là bài viết về cắt giảm nhân sự trong doanh nghiệp của công ty Luật Ánh Ngọc. Nếu bạn có thắc mắc hoặc cần giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chúng tôi.