Tổ chức đua xe trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?


Tổ chức đua xe trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hầu hết trong mọi trường hợp diễn ra đua xe trái phép trên đường, chúng ta thường quan tâm đến việc những người đua xe trái phép bị xử lý như thế nào mà ít khi quan tâm những người khởi xướng nên cuộc đua trái phép đó bị xử lý ra sao. Do đó, trong bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc xin đưa ra các quy định của pháp luật về tội tổ chức đua xe trái phép, cách thức xử lý tội tổ chức đua xe trái phép cũng như trả lời cho câu hỏi tổ chức đua xe trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

1. Tội tổ chức đua xe trái phép là gì?

Tội tổ chức đua xe trái phép là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn giao thông do người từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất hoặc gây ra tình trạng nguy hiểm trong lĩnh vực an toàn giao thông. Tội tổ chức đua xe trái phép được cấu thành bởi các dấu hiệu sau:

Về mặt khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép. Tổ chức đua xe trái phép là hành vi chỉ huy, lôi kéo, xúi giục, rủ rê, tập hợp người khác hoặc tạo điều kiện để nhiều người cùng tham gia vào việc điều khiển xe máy, ô tô hoặc các loại xe khác có gắn động cơ chạy thi với tốc độ cao trên các trục đường giao thông nhưng không được Nhà nước cho phép, gây mất trật tự an toàn giao thông xung quanh, ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác hoặc có thể gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người khác. Người tổ chức đua xe trái phép có thể thực hiện một hoặc tất cả các hành vi sau đây:

  • Người đó trực tiếp chỉ huy, đứng ra tổ chức, khởi xướng các cuộc đua xe máy, đua xe mô tô, ô tô chạy đua trên đường giao thông khi không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  • Người đó thực hiện các hành vi tổ chức, rủ rê, lôi kéo người khác hoặc tạo các điều kiện như cung cấp tiền, phương tiện đua xe cho người khác để họ có thể tham gia vào cuộc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe gắn động cơ khác một cách trái phép.
  • Có hành vi tổ chức, tụ tập người khác tham gia vào việc cổ vũ, kích động những người tham gia hành vi đua xe trái pháp luật như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ hoặc đuổi nhau trên đường một cách trái pháp luật.
  • Người đó lập kế hoạch đua xe, chỉ dẫn việc đua xe hoặc có hành vi dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, kích động người khác đua xe; thực hiện các hành vi quyên góp tiền để làm giải thưởng kích thích người khác tham gia vào cuộc đua xe trái pháp luật hoặc có hành vi ngăn cản, bảo vệ cuộc đua xe trước các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giải tán cuộc đua.
  • Người tổ chức đua xe trái phép có thể là người trực tiếp tham gia hành vi đua xe hoặc chỉ đứng bên ngoài chỉ đạo cuộc đua.

Cần phân biệt hành vi tổ chức đua xe trái phép với hành vi phạm tội có tổ chức. Trường hợp người phạm tội tổ chức đua xe trái phép cũng tham gia trực tiếp đua xe thì bị truy tố hai tội Tổ chức đua xe trái phép và Tội đua xe trái phép.

  • Hành vi tổ chức đua xe trái phép có thể gây thiệt hại về an toàn giao thông đường bộ, hoặc có thể gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người khác. Tuy nhiên, trong trường hợp chưa gây ra thiệt hại thì người tổ chức đua xe trái phép vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
  • Phương tiện đua xe là xe máy, ô tô, xe khác có gắn động cơ ( công nông, máy cày, xe máy điện, xe đạp điện…) Do đó, nếu người tổ chức đua xe trái phép là xe đạp, xích lô thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức đua xe trái phép mà chỉ bị xử phạt hành chính.
  • Thông thường, người tổ chức đua xe trái phép thường phạm tội vào ban đêm, vào thời điểm vắng vẻ trên các trục đường giao thông.

Về mặt khách thể: Tội tổ chức đua xe trái phép xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng, an toàn công cộng, xâm phạm đến sự ổn định của xã hội, gây nguy hiểm đối với mọi người xung quanh. Ngoài ra, tội tổ chức đua xe trái phép còn gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác ..

Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép với lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi tổ chức đua xe khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép là trái pháp luật, biết hậu quả của hành vi đua xe trái phép có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình giao thông xung quanh nơi tổ chức nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc mong muốn hậu quả xảy ra.  

Đối tượng tác động của tội tổ chức đua xe trái phép là người đua xe, người cổ vũ đua xe chứ không phải là phương tiện dùng để đua xe trái phép.

Về mặt chủ thể: Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép là người có độ tuổi từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, bản thân người phạm tội có khả năng kìm chế để không thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép nhưng vì động cơ cá nhân vẫn cố tình thực hiện.

Một điều cần lưu ý là tội tổ chức đua xe trái phép được coi là hoàn thành khi người phạm tội thực hiện các hành vi để tổ chức nên một cuộc đua xe mà không cần quan tâm cuộc đua xe có thật sự diễn ra trên thực tế hay không. Cho nên, nếu một người đã tổ chức xong cuộc đua xe nhưng trước khi diễn ra, cuộc đua xe bị phát hiện và không thể diễn ra do bị ngăn chặn thì người đó cũng không bị coi là phạm tội tổ chức đua xe trái phép chưa đạt. Trường hợp người vi phạm đã tự nguyện dừng việc đua xe trước khi tiến hành cuộc đua xe mà không bị tác động của bên thứ ba thì chỉ được xem xét miễn truy cứu trách nhiệm hình sự chứ không được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Xem thêm bài viết: Tìm hiều về năng lực trách nhiệm Hình sự theo quy định hiện hành!

2. Tội tổ chức đua xe trái phép bị xử lý như thế nào?

Căn cứ theo Điều 265 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi tổ chức đua xe trái phép mà người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức đua xe trái phép với mức hình phạt khác nhau.

 

Tội tổ chức đua xe trái phép bị xử lý như thế nào
Tội tổ chức đua xe trái phép bị xử lý như thế nào

2.1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Đối với mức hình phạt này, người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi tổ chức trái phép đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ như tổ chức cho dưới 10 xe tham gia cuộc đua, tổ chức đua xe tại nơi vắng vẻ vào ban đêm,….thì đã có thể bị áp dụng một trong ba loại hình phạt:

  • Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
  • Phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt áp dụng cho người phạm tội đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú, sinh sống rõ ràng và xét thấy không cần thiết phải cách ly người đó ra ngoài đời sống xã hội. Trong thời gian cải tạo không giam giữ, người phạm tội phải thực hiện một số các nghĩa vụ và bị khẩu trừ từ 05% đến 20% thu nhập để sung quỹ nhà nước mỗi tháng.
  • Phạt tù có thời hạn là hình phạt buộc người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội và chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng không đáng kể thì có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Xem thêm bài viết: Vượt đèn đỏ gây tai nạn thì bị xử phạt như thế nào?

2.2. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm

Khác với mức phạt ở trên, người phạm tội tổ chức đua xe trái phép bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm nếu hành vi tổ chức đua xe có quy mô lớn hơn và gây ra những thiệt hại về người, tài sản, cụ thể:

  • Người phạm tội tổ chức đua xe trái phép với quy mô 10 xe tham gia đua xe trở lên hoặc tổ chức đồng thời 02 cuộc đua xe trở lên.
  • Người phạm tội tổ chức cá cược. Tổ chức cá cược là hành vi của người phạm tội đã giao hẹn, giao kết giữa mọi người với nhau cùng đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong cuộc đua xe, mang tính thắng thua ví dụ cá cược xem ai là người về đích đầu tiên trong cuộc đua,… dưới hình thức đánh bạc. Người tham gia dự đoán sẽ được trả thưởng bằng tiền hoặc vật chất nếu phỏng đoán đúng. Hoạt động cá cược có thể diễn ra giữa người tổ chức, những người đua xe hoặc với người khác không đua xe.  Nếu người tổ chức tham gia vào hành vi cá cược thì người đó còn có thể bị truy tố thêm về tội Đánh bạc. Nếu hành vi cá cược được thực hiện bởi những người đua xe hoặc những người khác (người cổ vũ, người đứng xem cuộc đua,..) không bao gồm người tổ chức đua xe thì người tổ chức đua xe không bị truy cứu về tình tiết này.
  • Người phạm tội chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua trái phép. Ngoài việc tạo điều kiện để tổ chức cuộc đua xe diễn ra trên thực tế, người phạm tội còn có sự chuẩn bị chu đáo về công cụ, phương tiện chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông,…Nếu chống người gây thiệt hại đến sức khỏe của người có trách nhiệm bảo đảm hoặc người giải tán đám đông thì có thể bị truy cứu tội cố ý hoặc giết người. Cần phân biệt tình tiết này với tội chống người thi hành công vụ. Tội chống người thi hành công vụ là hành vi cản trở việc thi hành công vụ không thực hiện được công vụ. Trong khi đó, hành vi này ở tội tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội có hành vi chống người thi hành công vụ chỉ nhằm mục đích thoát khỏi sự ngăn chặn bắt giữ hành vi tổ chức đua xe trái phép. Tuy nhiên, nếu người tổ chức hoặc người đua xe trái phép có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép không phải để thoát thân mà để giành lại phương tiện giao thông bị bắt giữ, để đánh tháo những người đua xe đã bị bắt giữ thì trong trường hợp này, người tổ chức đua xe trái phép có thể bị truy cứu về tội Chống người thi hành công vụ bởi người phạm tội đã có hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ.
  • Người phạm tội tổ chức đua xe tại nơi tập trung đông dân cư. Người phạm tội thực hiện tổ chức đua xe trái phép ở những nơi có mật độ dân số cao như thị trấn, thị xã, đô thị, khu dân cư nơi có nhiều người sinh sống, làm việc. Ngoài ra, trong một số thời gian nhất định, những nơi như sân vận động, nơi tổ chức lễ hội, mít tinh đang tập trung đông đúc mà người phạm tội tổ chức đua xe thì vẫn được xem là tổ chức đua xe nơi tập trung đông dân cư. Đây là điểm khác biệt so với tội gây rối trật tự công cộng. Tội gây rối trật tự công cộng xâm phạm đến trật tự công cộng, vi phạm nếp sống văn minh, quy tắc cuộc sống, trong khi tội tổ chức xâm phạm đến an toàn công cộng, thậm chí cả sức khỏe, tính mạng của người khác. Tội gây rối phải gây ra hậu quả và thường xảy ra ở nơi công cộng, đông người như nhà ga, bến xe, rạp hát, công viên trong khi tội tổ chức đua xe trái phép thường diễn ra ở các tuyến đường giao thông, tuyến đường phố lớn, quốc lộ ,…
  • Người tổ chức đua xe trái phép tháo dỡ các thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua như tháo dỡ phanh xe, ống bô, xoáy xi – lanh, tháo ống xả, tháo gương xe. Hành vi tháo dỡ có thể do người đua xe tháo dỡ hoặc người khác tháo dỡ, người tổ chức biết đã bị tháo dỡ thiết bị an toàn nhưng chấp nhận đồng ý cho người đua xe đó tham gia. Dù người phạm tội tổ chức có xúi giục, chủ trương tháo dỡ các thiết bị an toàn ra khỏi xe hay không nhưng người đua xe có hành vi tháo dỡ các thiết bị thì người tổ chức đua xe vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe theo tình tiết này.
  • Hành vi đua xe trái phép xảy ra gây chết người hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc nếu có từ 02 người trở lên bị thương tích, tổn hại sức khỏe mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%. Hành vi gây chết người, gây tổn hại sức khỏe có thể là đối với cả người đua xe và người không tham gia đua xe như người đi đường, người cổ vũ.
  • Hành vi tổ chức đua xe trái phép đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của người tham gia đua xe hoặc người cổ vũ đua xe, người đi đường mà trị giá tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Trường hợp người tổ chức đua xe cùng tham gia đua xe và gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cho chính họ thì không được tính để xác định là tình tiết định khung với người phạm tội.
  • Người phạm tội tái phạm nguy hiểm. Tức là người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm, chưa được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội tổ chức đua xe trái phép.

Xem thêm bài viết: Người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy thì bị xử phạt như thế nào?

2.3. Phạt tù từ 08 năm đến 15 năm tù

Người tổ chức đua xe trái phép có thể bị áp dụng hình phạt tù với thời hạn từ 07 năm đến 15 năm nếu hành vi tổ chức đua xe trái phép có những đặc điểm sau:

  • Hành vi tổ chức đua xe trái phép dẫn đến thiệt hại cho tính mạng của người đua xe hoặc người không tham gia đua xe, cụ thể làm 02 người chết. Người chết ở đây có thể do hành vi đua xe hoặc hành vi cá cược khi đua xe,…
  • Hành vi tổ chức đua xe trái phép chưa xảy ra chết người nhưng gây thiệt hại về sức khỏe như gây thương tích, tổn hại sức khỏe của hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
  • Do việc tổ chức đua xe đã gây ra thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua xe hoặc người đi đường, người cổ vũ đua xe mà giá trị tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng

2.4. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

 

Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm

Đây là mức khung hình phạt cao nhất của tội tổ chức đua xe trái phép. Trong trường hợp do tổ chức đua xe trái phép, đã có từ 03 người chết trở lên, hoặc nếu không có người chết nhưng khiến người tham gia đua xe hoặc người đi đường bị thương tích, tổn hại sức khỏe từ 03 người trở lên với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản cho họ từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội phải đối mặt với hình phạt tù với mức phạt cao nhất là 20 năm tù.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu người đó bị áp dụng các hình phạt chính không phải là phạt tiền.

3. Khi nào thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép?

 

Khi nào thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép
Khi nào thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức đua xe trái phép

Như đã phân tích ở trên, trong pháp luật quy định, chỉ cần có hành vi tổ chức đua xe trái phép là người phạm tội đã bị truy tố về tội tổ chức đua xe trái phép. Do đó, trong mọi trường hợp thực hiện hành vi tổ chức đua xe trái phép, người phạm tội đều có thể đối diện với tội tổ chức đua xe trái phép, trừ trường hợp người tổ chức đua xe từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nhưng tính chất ít nghiêm trọng hơn như tổ chức cho dưới 10 xe tham gia cuộc đua xe, không thực hiện các hành vi cá cược, tổ chức chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không tổ chức ở nơi đông người, không làm chết người hoặc không gây thương tích, tổn hại sức khỏe hoặc nếu có thì tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61% hoặc gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng,…

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 34 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP), người tổ chức đua xe trái phép có thể bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu thực hiện một trong những hành vi như tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều kiện khiển xe chạy quá tốc độ quy định, thực hiện lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép.

Nếu người đó thực hiện hành vi đua xe mô tô, gắn máy xe máy điện trái phép thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Riêng với hành vi đua xe ô tô, người vi phạm sẽ bị phạt tiền ở mức cao hơn từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu phương tiện tham gia đua xe.

Có thể bạn quan tâm:

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến cách thức xử lý của tội tổ chức đua xe trái phép. Có thể thấy, trong hầu hết mọi trường hợp, khi một người thực hiện hành vi chỉ huy, khởi xướng, tổ chức đua xe trái pháp luật đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi, quy mô của cuộc đua xe, thiệt hại về vật chất, sức khỏe, tính mạng mà người tổ chức có thể bị áp dụng hình phạt nhẹ nhất là phạt tiền hoặc phải đối diện với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Nếu độc giả còn vấn đề thắc mắc liên quan đến Tổ chức đua xe trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề giao thông hoặc hình sự khác,.. , xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc theo thông tin bên dưới để có thể được hỗ trợ, tư vấn sớm nhất.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.