Thách thức pháp luật: Xử phạt đua xe trái phép


Thách thức pháp luật: Xử phạt đua xe trái phép
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay cùng với sự phổ biến của phương tiện giao thông, không khó để chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh từng tốp thanh thiếu niên nối đuôi nhau lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ hoặc đua xe trái phép. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại cho chính người trực tiếp điều khiển xe mà còn gây thiệt hại cho những người tham gia giao thông xung quanh. Thực trạng đua xe trái phép không còn là vấn đề xã hội mà còn là thách thức pháp luật rằng làm sao để ngăn chặn hành vi đua xe trái phép. Vậy hiện nay, pháp luật quy định phạt đua xe trái phép như thế nào? Trong bài viết hôm nay chúng ta cùng làm rõ.

1. Phạt đua xe trái phép là gì

Phạt đua xe trái phép là hình phạt áp dụng cho người tham gia giao thông thực hiện hành vi đua xe trái phép. Hành vi đua xe trái phép là hành vi của hai người trở lên trực tiếp điều khiển xe ô tô, xe máy hoặc các phương tiện giao thông đường bộ khác có gắn động cơ cùng nhau chạy thi trên trục đường giao thông gây mất trật tự an toàn giao thông, đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người cùng tham gia giao thông trên đường.

Hành vi đua xe trái phép có một số đặc điểm sau đây:

  • Hành vi đua xe trái phép được thực hiện bởi hai hay nhiều người trở lên, những người này không bị giới hạn về tuổi tác. Thực tế cho thấy, đối tượng đua xe trái phép thường ở lứa tuổi học sinh, thanh thiếu niên.
  • Hành vi đua xe không được Cơ quan có thẩm quyền cho phép. Theo quy định của pháp luật, trong một số trường hợp, hành vi đua xe vẫn được xem là hợp pháp nếu cá nhân, tổ chức muốn tiến hành cuộc đua phải có báo cáo nêu rõ mục đích, tên giải đua, thời gian, địa điểm, nội dung, điều kiện an ninh, y tế cũng như trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc đua xe gửi lên Sở Văn hóa và Thể Thao của tỉnh nơi tổ chức cuộc đua. Nếu Sở Văn hóa và Thể thao chấp thuận thì cuộc đua đó mới được tổ chức và hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế, các cuộc đua xe thường diễn ra một cách tự phát, không xin phép các cơ quan chức năng.
  • Hành vi đua xe thường vi phạm quy định về giao thông đường bộ như vi phạm quy định về tốc độ, lạng lách, đánh võng, nẹt bô,… kèm theo đó là hành vi hú hét, gây huyên náo, hành hung ở nơi đông người.
  • Phương tiện giao thông trong các hành vi đua xe trái phép thường rất đa dạng như xe ô tô, xe máy, xe đạp hoặc các loại xe khác có gắn động cơ.
  • Hành vi đua xe trái phép thường gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội do các hành vi đua xe trái phép thường đi kèm các hành vi cổ vũ, hò hét. Ngoài ra, hành vi đua xe trái phép có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người trực tiếp đua xe hoặc người tham gia giao thông khác.
  • Hành vi đua xe trái phép chủ yếu thường diễn ra vào ban đêm hoặc tối muộn – thời điểm ít xe qua lại và người đua xe có thể tránh được sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Xem thêm bài viết: Tổ chức đua xe trái phép có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

2. Phạt đua xe trái phép bằng hình thức xử lý hành chính

 

Phạt hành chính hành vi đua xe trái phép
Phạt đua xe trái phép bằng hình thức xử lý hành chính

Người đua xe trái phép sẽ bị xử phạt đua xe trái phép khi người đó thực hiện các hành vi vi phạm quy định của nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ một cách cố ý nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Để có thể xác định được hành vi đua xe có thuộc trường hợp chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay không, pháp luật đặt ra quy định về mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đua xe trái phép dựa vào các yếu tố như chủ thể, tính chất khách thể xâm phạm, mức độ thiệt hại do hành vi gây ra,…

Hành vi xử lý hành chính về phạt đua xe trái phép có thể diễn ra ở bất kì đâu miễn là nơi đó có người tham gia giao thông. Thông thường, người bị xử lý hành chính về phạt đua xe trái phép thường là bị bắt quả tang và chỉ bị xử phạt một lần đối với một hành vi phạt đua xe trái phép.

Theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung năm 2021), người bị phạt đua xe trái phép sẽ bị áp dụng hình thức xử lý là phạt tiền tùy thuộc vào phương tiện giao thông người đó đã sử dụng để thực hiện đua xe trái phép.

  • Đối với hành vi đua xe đạp, đua xe đạp máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật trái phép trên đường giao thông thì người bị phạt đua xe trái phép bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Xe đạp máy là là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, khi tắt máy thì đạp xe đi được và có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 24km/h.
  • Đối với hành vi đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép thì người bị phạt đua xe trái phép bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  • Đối với hành vi đua xe ô tô trái phép, người bị phạt đua xe trái phép mức tiền phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Khi áp dụng hình phạt đua xe trái phép là phạt tiền, mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi phạt đua xe trái phép thường là mức trung bình khung tiền phạt quy định. Nếu người bị phạt đua xe trái phép có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không quá mức tối thiểu khung tiền phạt. Tương tự, nếu người bị phạt đua xe trái phép có nhiều tình tiết tăng nặng thì mức phạt có thể tăng cao nhưng không quá mức tối đa khung tiền phạt.

Ngoài việc bị phạt đua xe trái phép bằng hình thức phạt tiền, người đua xe trái phép còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như sau:

  • Bị tịch thu xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô, xe súc vật kéo trừ súc vật kéo, cưỡi, ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện. Đây là biện pháp nhằm tước bỏ quyền sở hữu của người bị phạt đua xe trái phép đối với phương tiện giao thông đã được sử dụng để đua trái phép và chuyển về sung công quỹ Nhà nước. Tuy nhiên, việc tịch thu các phương tiện này chỉ áp dụng nếu người bị phạt đua xe trái phép là chủ sở hữu hợp pháp của chiếc xe bị tịch thu đó. Nếu người bị phạt đua xe trái phép có được phương tiện đó thông qua các hành vi trái pháp luật thì phải trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của phương tiện đó.
  • Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng và tịch thu xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, ô tô không thời hạn. Giấy phép lái xe là giấy tờ pháp lý do Cơ quan Công an cấp cho cá nhân nhằm cho phép cá nhân được điều khiển xe lưu thông trên đường. Việc tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe sẽ ngăn chặn được hành vi tiếp tục tham gia giao thông của người bị phạt đua xe trái phép.

Có thể bạn quan tâm: Thủ tục cấp lại giấy phép lái xe mới nhất năm 2023

3. Hình phạt đua xe trái phép trong luật hình sự

 

Hình phạt đua xe trái phép trong luật hình sự
Hình phạt đua xe trái phép trong luật hình sự

Trong trường hợp hậu quả do hành vi của người bị phạt đua xe trái phép gây thiệt hại đáng kể đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó có thể bị phạt đua xe trái phép bằng việc bị truy tố về tội Đua xe trái phép quy định tại Điều 266 Bộ luật hình sự.  Để có thể xác định xem người bị phạt đua xe trái phép có phạm vào tội Đua xe trái phép hay không, chúng ta cần phải xem xét hành vi của người đó có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không. Tội Đua xe trái phép có các đặc điểm sau đây:

  • Tội đua xe trái phép xâm phạm trật tự, an toàn công cộng, vi phạm các quy định, quy tắc về bảo đảm an toàn, ổn định công cộng nói chung và trong lĩnh vực giao thông nói riêng, gây nguy hiểm đối với mọi người xung quanh nơi thực hiện đua xe trái phép. Ngoài ra, tội đua xe trái phép còn xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người tham gia đua xe khác hoặc những người tham gia giao thông không đua xe khác.
  • Người bị phạt đua xe trái phép trực tiếp điều khiển các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy và các loại xe gắn động cơ khác đua trái phép trên các trục đường giao thông công cộng. Người ngồi sau phương tiện giao thông, không trực tiếp cầm lái xe thì không bị phạt đua xe trái phép và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đua xe. Người bị phạt đua xe trái phép thường thực hiện các hành vi như chuẩn bị tập kết phương tiện xe đua, điều khiển xe tham gia cuộc đua. Các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, xe gắn động cơ khác thường chứa đựng các khả năng gây nguy hiểm cho an toàn công cộng, tính mạng của người khác nếu phát sinh các tình huống tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hành vi đua xe trái phép chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó gây thiệt hại hoặc nếu chưa gây thiệt hại thì người đua xe trái phép đã bị phạt đua xe trái pháp luật bằng hình thức xử phạt hành chính hoặc bị kết tội về tội liên quan nhưng chưa được xóa án tích.
  • Người bị phạt đua xe trái phép là những người có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên và không thuộc các trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự. Tùy vào tính chất của tội phạm mà độ tuổi của người bị phạt đua xe trái phép bị truy tố hình sự cũng bị giới hạn theo. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị phạt đua xe trái phép về Tội đua xe trái phép nếu hành vi của người đó thỏa mãn dấu hiệu định khung hình phạt là hình phạt tù với mức hình phạt cao nhất trên 07 năm tù. Ngoài ra, người bị phạt đua xe trái phép phải thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Người bị phạt đua xe trái phép biết rõ hành vi đua xe của mình bị pháp luật nghiêm cấm và thấy được những hậu quả có thể xảy ra do hành vi đua xe của mình nhưng vẫn cố tình thực hiện, có mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng chấp nhận để hậu quả xảy ra.

Như vậy, một người thực hiện hành vi đua xe trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Đua xe trái phép nếu thỏa mãn tất cả các đặc điểm trên. Tùy theo tính chất và mức độ hành vi mà người phạm tội thực hiện, người bị phạt đua xe trái phép sẽ bị áp dụng các mức hình phạt khác nhau.

Xem thêm bài viết: Xóa án tích và đương nhiên được xóa án tích trong pháp luật hình sự

3.1. Phạt đua xe trái phép số tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Người bị phạt đua xe trái phép sẽ bị áp dụng mức hình phạt này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người phạm tội đã bị phạt đua xe trái phép qua hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc tổ chức đua xe trái phép hoặc đã bị kết án về tội đua xe trái phép hoặc tội tổ chức đua xe trái phép, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Đây là trường hợp dù người thực hiện hành vi đua xe trái phép chưa gây ra thiệt hại đáng kể nhưng trước đó người thực hiện hành vi đua xe trái phép đã cùng thực hiện hành vi này, cho thấy, bản thân người bị phạt đua xe trái phép chưa thực sự biết hối cải. Do đó, cần áp dụng mức hình phạt nặng hơn để mang tính răn đe, ngăn ngừa người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi.
  • Người phạm tội bị phạt đua xe trái phép lần đầu tiên nhưng gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho một người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người khác có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng. Nếu người bị phạt đua xe trái phép tự gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe, tài sản của chính mình thì không được xem là phạm tội theo tình tiết này.

3.2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm

 

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
  • Hành vi đua xe trái phép diễn ra làm chết một người. Trong quá trình đua xe, người bị phạt đua xe trái phép đã vô ý làm chết người đua xe khác hoặc người tham gia giao thông trên tuyến đường có tổ chức đua xe do các hành vi vi phạm an toàn giao thông của mình, ví dụ như chạy quá tốc độ khiến đâm vào người đi đường,…
  • Hành vi đua xe trái phép không làm chết người nhưng gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây cho hai người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
  • Hành vi đua xe trái phép gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
  • Người bị phạt đua xe trái phép gây tai nạn cho người khác nhưng bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu người bị nạn. Hành vi bỏ chạy ở đây chỉ được coi là tình tiết tăng nặng khi người bị phạt đua xe trái phép bỏ chạy nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm. Trường hợp người bị phạt đua xe trái phép bỏ chạy vì lý do bị đe dọa đến tính mạng như bị đuổi đánh,… nhưng sau đó đã trình báo với cơ quan công an gần nhất và cung cấp đầy đủ các thông tin xác thực về vụ tai nạn thì không bị truy tố với tình tiết này. Riêng đối với hành vi cố ý không cứu người bị nạn là trường hợp người đua xe trái phép đã gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác, có điều kiện cứu nhưng cố tình không cứu. Hành vi cố ý không cứu người bị nạn không đặt ra vấn đề hậu quả phải xảy ra do hành vi cố ý không cứu.
  • Người bị phạt đua xe trái phép tham gia cá cược bằng hình thức đánh bạc. Người đua xe trái phép đã tham gia dự đoán mang tính thắng thua và nếu phỏng đoán đúng, người đó được trả thưởng bằng tiền hoặc vật.
  • Người bị phạt đua xe trái phép có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc giải tán cuộc đua xe trái phép. Bên cạnh việc trực tiếp thực hiện hành vi đua xe trái phép, người phạm tội còn trực tiếp thực hiện các hành vi ngăn cản người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm mục đích ngăn chặn việc bị bắt giữ vì hành vi đua xe trái phép. Trường hợp người phạm tội có hành vi chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn hoặc giải tán cuộc đua trái phép không phải để thoát thân mà nhằm mục đích lấy lại phương tiện đua hoặc tạo cơ hội để cho những người tham gia đua khác trốn thoát thì người đua xe trái phép có thể bị truy cứu thêm về tội Chống người thi hành công vụ. Trường hợp hành vi chống đối của người phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bảo đảm trật tự thì cũng có thể bị xử lý thêm về tội Cố ý gây thương tích hoặc Giết người bên cạnh việc bị phạt đua xe trái phép.
  • Người phạm tội thực hiện đua xe trái phép ở nơi tập trung đông dân cư. Người bị phạt đua xe trái phép thực hiện hành vi đua xe ở những nơi có mật độ dân số đông đúc như thị trấn, thị xã, khu đô thị, khu đông dân cư nơi có nhiều người sinh sống, làm việc. Thậm chí, trong một số thời điểm, người phạm tội thực hiện các hành vi đua xe ở nơi đang diễn ra lễ hội, sự kiện đông người hoặc sân vân động đông người thì vẫn được xem là phạm tội ở nơi tập trung đông dân cư.
  • Phương tiện đua của người bị phạt đua xe trái phép đã bị tháo dỡ các thiết bị an toàn. Các thiết bị an toàn ở đây có thể là phanh xe, ống bô, ống xả, gương xe là các thiết bị giúp người điều khiển phương tiện có thể quan sát các sự vật xung quanh hoặc xử lý khi có nguy hiểm hoặc bảo đảm sự an toàn của những người tham gia giao thông khác. Trường hợp người bị phạt đua xe trái phép biết phương tiện đua của mình đã bị tháo dỡ các thiết bị an toàn nhưng vẫn chấp nhận điều khiểm xe đó để thực hiện hành vi phạm tội thì mới bị truy cứu trách nhiệm về tình tiết này.
  • Người phạm tội trước đó đã bị kết án về tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy từ trên 07 năm tù do thực hiện cố ý, chưa được xóa án tích mà lại bị phạt đua xe trái phép với tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc tái phạm chưa được xóa án tích mà tiếp tục bị phạt đua xe trái phép.

Xem thêm bài viết: Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn thì bị xử lý như thế nào?

3.3. Phạt đua xe trái phép hình phạt tù có thời hạn từ 07 năm đến 15 năm 

Người bị phạt đua xe trái phép với hình thức phạt tù 07 năm đến 15 năm nếu hành vi đua xe trái phép thỏa mãn một trong các trường hợp sau:

  • Người bị phạt đua xe trái phép gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
  • Hành vi đua xe trái phép đã gây ra cái chết cho 02 người trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3.4. Phạt đua xe trái phép hình phạt tù có thời hạn từ 12 năm đến 20 năm

Đây là khung hình phạt nặng nhất của tội đua xe trái phép. Theo đó, nếu người bị phạt đua xe trái phép khiến 03 người chết, hoặc gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn phải chịu phạt đua xe trái phép bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu hình phạt chính không phải là phạt tiền.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị phạt đua xe trái phép còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như bồi thường thiệt hại của tài sản bị mất, hư hỏng, những lợi ích vật chất người bị thiệt hại có được từ tài sản; bồi thường các khoản chi phí hợp lý cho việc chữa trị, cho thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại về sức khỏe và người chăm sóc họ. Trường hợp người bị phạt đua xe trái phép thực hiện hành vi đua xe gây chết người thì người phạm tội có trách nhiệm bồi thường chi phí mai táng cho nạn nhân, bồi thường tổn thất, tinh thần cho thân nhân và có nghĩa vụ bồi thường khoản tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng khi họ còn sống.

Có thể bạn quan tâm:

Trên đây là toàn bộ cách thức xử phạt đua xe trái phép theo pháp luật hiện hành. Nếu độc giả còn vấn đề thắc mắc liên quan đến phạt đua xe trái phép hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề pháp luật khác, Luật Ánh Ngọc rất hân hạnh được hỗ trợ độc giả một cách nhanh chóng, đầy đủ và tận tâm nhất.

Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề pháp lý, xin vui lòng liên hệ:

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.