Lãi chậm trả: Hướng dẫn chi tiết để tránh công nợ đèn đỏ


Lãi chậm trả: Hướng dẫn chi tiết để tránh công nợ đèn đỏ
Lãi chậm trả là lãi suất phát sinh khi bên có quyền trả không thực hiện việc trả nợ, hoặc trả nợ không đúng, không đầy đủ trong một thời gian chậm trả và có thể dẫn tới công nợ đèn đỏ, nợ xấu.Trong bài viết này, Luật Ánh Ngọc sẽ hướng dẫn chi tiết về lãi suất chậm trả để tránh công nợ đèn đỏ, nợ xấu.

1. Lãi suất chậm trả là gì?

Lãi suất là tỷ lệ phần trăm mà một bên phải trả thêm một số tiền (tiền lãi) ngoài số tiền hoặc tài sản đã vay/mua của bên kia, để có thể sử dụng tài sản của bên kia theo một đơn vị thời gian như tháng, năm, tuần. Số tiền lãi tỷ lệ thuận với lãi suất, số tiền ban đầu và thời gian. Lãi suất thường xuất hiện trong các hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng mua bán tài sản.

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất tối đa có thể đặt ra là 20%/năm. Nếu các bên sử dụng lãi suất quá 20%/năm thì phần lãi suất vượt quá không được áp dụng trừ lãi suất của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất này chỉ áp dụng trong trường hợp các bên thực hiện đúng nghĩa vụ trong thời hạn (trả toàn bộ khoản vay khi hết kỳ hạn, thanh toán tiền mua bán tài sản khi đến hạn..). Vậy, nếu đến hạn nhưng bên vay tài sản hoặc mua tài sản không trả tiền thì sẽ phát sinh thêm khoản lãi suất mới, gọi là lãi suất chậm trả.

Lãi suất chậm trả là lãi suất phát sinh trong trường hợp đến hạn, bên vay/bên mua không trả nợ, thanh toán tiền hoặc trả nợ, thanh toán không đầy đủ thì bên cho vay/bên bán được quyền yêu cầu trả thêm tiền lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, bao gồm lãi suất chậm trả nợ gốc và lãi suất chậm trả nợ lãi.

  • Lãi suất chậm trả nợ gốc là khi đến hạn, bên vay, bên mua chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, thanh toán thì số tiền chậm trả còn lại sẽ được tính lãi cho đến khi bên vay hoặc bên mua trả toàn bộ khoản vay hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua tài sản.
  • Lãi suất chậm trả nợ lãi là lãi suất phát sinh trong hợp đồng vay có lãi suất. Khi đến hạn trả lãi, bên vay không trả lãi hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi cho chính số tiền lãi mà mình đang còn nợ - lãi mẹ đẻ lãi con.

Lãi suất chậm trả có thể xem như sự bồi thường cho những tổn thất mà bên cho vay/bên bán tài sản phải chịu do việc chậm trả gây ra trong thời gian chậm trả.

2. Phân biệt lãi suất chậm trả với lãi suất quá hạn

Phân biệt lãi suất chậm trả với lãi suất quá hạn
Phân biệt lãi suất chậm trả với lãi suất quá hạn

Lãi suất quá hạn là lãi suất phát sinh trên khoản nợ gốc quá hạn chưa trả tương ứng với thời gian quá hạn được tính từ thời điểm trả nợ. Dường như không có sự phân biệt quá rõ ràng giữa lãi suất chậm trả và lãi suất quá hạn. Tuy nhiên, có thể chỉ ra một số điểm khác biệt như:

  • Lãi suất chậm trả phát sinh trên cả nợ gốc chậm trả và tiền lãi chậm trả. Lãi suất quá hạn chỉ phát sinh trên nợ gốc quá hạn.
  • Phạm vi phát sinh lãi suất chậm trả rộng hơn lãi suất quá hạn. Lãi suất quá hạn chỉ phát sinh trong hợp đồng vay có lãi, còn lãi suất chậm trả phát sinh trong cả các hợp đồng mua bán tài sản.
  • Bản chất của lãi suất chậm trả là một khoản phạt vi phạm hợp đồng.
  • Mức lãi suất quá hạn có thể lớn hơn lãi suất chậm trả. Trong trường hợp vay với lãi suất vay 20% thì lãi suất quá hạn có thể bằng 1,5 lần 20% tức là 30%/năm, trong khi mức lãi suất chậm trả không quá 20%/năm.
  • Lãi suất chậm trả có thể áp dụng đối với nợ gốc và nợ lãi phát sinh từ gốc nhưng lãi suất quán hạn chỉ phát sinh trên nợ gốc.

3. Khi nào phát sinh lãi suất chậm trả?

Theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự, lãi suất chậm trả phát sinh khi bên có nghĩa vụ chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Thời gian để tính lãi chậm trả là thời gian chậm trả. Theo Điều 6 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, thời gian chậm trả được xác định như sau:

  • Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn, thời gian chậm trả nợ gốc được tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết hạn thời gian đủ để bên vay có thể trả nợ đến ngày Tòa án ra Quyết định hoặc bản án sơ thẩm giải quyết tranh chấp.
  • Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn, thời gian chậm trả nợ gốc tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết hạn kỳ hạn vay đến ngày Tòa án cấp sơ thẩm ra Bản án, Quyết định.
  • Thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả được tính từ ngày liền kề tiếp theo của ngày phải trả lãi đến khi có Bản án, Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nếu không có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, lãi suất chậm trả còn phát sinh trong hợp đồng mua bán vật đồng bộ, bên mua đã trả tiền nhưng chưa được nhận vật do giao không đồng bộ thì bên bán phải trả lãi đối với số tiền đã nhận từ bên mua. Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nếu bên mua đã ứng trước tiền mua hàng nhưng bên bán không giao hoặc giao không đủ hàng hóa thì lãi chậm trả phát sinh trên số tiền ứng trước khi bên bán chậm thanh toán cho bên mua.

Trong một số trường hợp, dù bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ không đúng hạn hoặc thực hiện không đầy đủ nhưng không phát sinh lãi chậm trả: tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng,....

4. Mức lãi suất chậm trả và cách tính lãi chậm trả

Mức lãi suất chậm trả và cách tính lãi chậm trả
Mức lãi suất chậm trả và cách tính lãi chậm trả

4.1. Trong hợp đồng vay tài sản

a. Hợp đồng vay không có lãi

Khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, thì bên vay phải trả tiền lãi trên nợ gốc chưa trả với lãi suất chậm trả nợ gốc là 10%/năm.

Tiền lãi chậm trả = tiền nợ chưa trả  x 10%  x thời gian chậm trả (tính theo năm)

b. Hợp đồng vay có lãi

  • Nếu hai bên có thỏa thuận về lãi suất chậm trả thì lãi suất chậm trả được tính theo thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm. Nếu hai bên vẫn thỏa thuận mức lãi suất quá 20%/năm thì phần tiền vượt quá không được tính.

   Số tiền lãi chậm trả = (Tiền lãi trên nợ gốc chưa trả) + (Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả) + (Tiền lãi quá hạn)

            Trong đó, công thức chung tính tiền lãi = (Tiền nợ gốc/nợ lãi chưa trả) x Lãi suất x Thời gian chậm trả. Lãi suất quá hạn không quá 30%/năm.

  • Nếu hai bên thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ về lãi suất chậm trả thì lãi suất chậm trả là 10%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hợp đồng. Bên vay phải trả 03 khoản lãi ngoài lãi vay: tiền lãi khi chậm trả tiền vay, tiền lãi khi chậm trả tiền lãi vay và tiền lãi khi khoản vay quá hạn

      Tổng số tiền lãi chậm trả phải trả = [(Nợ gốc chưa trả) x 10%/năm x thời gian chậm trả (năm)] + [(Nợ lãi chưa trả) x 10%/năm x thời gian chậm trả (năm)] + [(Nợ gốc chưa trả) x (150% của lãi suất vay) x thời gian chậm trả (năm)]

Mọi người cũng xem: Tư vấn Hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật mới nhất

4.2. Đối với hợp đồng thương mại

Nếu hai bên trong hợp đồng thương mại thỏa thuận về lãi suất chậm trả thì thực hiện theo thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận, lãi suất chậm trả được xác định là mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng thương mại (Vietcombank, Agribank, Viettinbank,… nơi Tòa án giải quyết tranh chấp tại thời điểm xét xử.

4.3. Đối với hợp đồng khác

Đối với hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng thuê tài sản người bán chậm thanh toán tiền, lãi suất chậm trả sẽ do các bên thỏa thuận nhưng không được quá 20%/năm. Nếu các bên không có thỏa thuận, lãi suất chậm trả không quá 10%/ năm.

Mọi người cũng xem: Dịch vụ soạn thảo Hợp đồng cho thuê nhà theo quy định mới nhất

5. Lãi suất chậm trả trong hợp đồng tín dụng

Hợp đồng tín dụng là một hợp đồng vay tài sản mà bên cho vay là Tổ chức tín dụng cho cá nhân, tổ chức vay tiền trong một thời hạn nhất định và phải hoàn trả gốc và tiền lãi phát sinh từ khoản tiền gốc.

  • Lãi suất và lãi suất chậm trả trong hợp đồng tín dụng không bị giới hạn bởi mức lãi suất cơ bản (20%/năm) của khoản tiền vay.
  • Thời gian chậm trả tiền nợ gốc bắt đầu từ ngày chuyển nợ quá hạn đến thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm nếu hai bên không có thỏa thuận khác. Ngày chuyển nợ quá hạn là ngày mà bên cho vay chuyển toàn bộ hoặc một phần số dư nợ gốc của khoản vay thành nợ quá hạn do bên vay chậm trả nơ và không được chấp thuận gia hạn khoản vay hoặc gia hạn kỳ hạn trả nợ.

6. Những lưu ý để tránh công nợ đèn đỏ

Khi phát sinh các hợp đồng, giao dịch có nghĩa vụ thanh tóa, khi bên có nghĩa vụ thanh tóa chưa thanh toán tiền cho bên kia trong một thời hạn nhất định và số tiền còn lại được chuyển sang kì sau. Số tiền này được gọi là công nợ. Mức trần công nợ là hạn mức đặt ra để bảo đảm an toàn nợ công. Một cá nhân, tổ chức chạm trần công nợ nghĩa là cá nhân, tổ chức đó đã chạm tới giới hạn vay và không thể vay thêm. Tình trạng này gọi là công nợ đèn đỏ.

Để tránh công nợ đèn đỏ, các tổ chức, cá nhân chỉ vay trong khả năng trả nợ để tránh phát sinh lãi suất chậm trả.

Xem thêm các bài viết:

Trên đây là toàn bộ nội dung về Lãi chậm trả: Hướng dẫn chi tiết để tránh công nợ đèn đỏ. Nếu độc giả còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc trả lãi chậm trả khi vay tiền, mua bán tài sản,… hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề khác về Hôn nhân gia đình, Dân sự, Hình sự, xin liên hệ với Luật Ánh Ngọc qua số điện thoại: 0878.548.558 hoặc lienhe@luatanhngoc.vn để được hỗ trợ, tư vấn sớm nhất.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.