1. Điều kiện thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về điều kiện để thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh nhưng căn cứ theo Điều 65 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Luật Ánh Ngọc khái quát yêu cầu cần đáp ứng để thực hiện thủ tục này là không thuộc các trường hợp sau:
- Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp.
- Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc Cơ quan điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
- Doanh nghiệp đang trong tình trạng pháp lý “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký”.
Mặt khác, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, pháp luật hiện hành cũng quy định trường hợp doanh nghiệp rơi vào một trong các tình huống trên thì vẫn có thể tiếp tục đăng ký, thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp khi đáp ứng yêu cầu sau:
- Đã có biện pháp khắc phục những vi phạm theo yêu cầu trong Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được Phòng Đăng ký kinh doanh chấp nhận.
- Phải đăng ký thay đổi một số nội dung đăng ký doanh nghiệp để phục vụ quá trình giải thể và hoàn tất bộ hồ sơ giải thể theo quy định. Trong trường hợp này, hồ sơ đăng ký thay đổi phải kèm theo văn bản giải trình của doanh nghiệp về lý do đăng ký thay đổi.
- Có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân gửi yêu cầu quy định tại điểm c khoản 1 Điều này về việc cho phép tiếp tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đã được chuyển tình trạng pháp lý từ “Không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký” sang “Đang hoạt động”.
>>>> Xem thêm bài viết: Thuê kho liệu có cần đăng ký địa điểm kinh doanh?
2. Thủ tục thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh

Do bản chất pháp lý của doanh nghiệp và hộ kinh doanh có sự khác nhau do vậy thủ tục thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh với 2 hình thức này cũng có sự khác biệt. Cụ thể:
3.1. Đối với doanh nghiệp
Theo điểm a khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Do vậy, để phân tích rõ từng khía cạnh pháp luật, Luật Ánh Ngọc sẽ chia thành các trường hợp sau:
(a); Thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính của doanh nghiệp: trường hợp này doanh nghiệp sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế cho địa điểm kinh doanh, do vậy, thủ tục thay đổi địa chỉ sẽ thực hiện đơn giản hơn.
Theo Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, quy trình được thực hiện bao gồm các bước:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ
Doanh nghiệp muốn thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh tiến hành gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-9 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) đến cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể trực tiếp nộp hồ sơ hoặc sử dụng Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để nộp hồ sơ trực tuyến.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
Khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền tiến hành trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thay đổi thông tin đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, cơ quan nhà nước cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
(b); Thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính của doanh nghiệp: trường hợp này doanh nghiệp có thể kê khai thuế cho địa điểm kinh doanh hoặc địa điểm kinh doanh đăng ký mã số thuế phụ thuộc và tự kê khai thuế tại cơ quan thuế địa phương.
Nếu địa điểm kinh doanh có mã số thuế phụ thuộc thì khi thay đổi địa chỉ khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý. Do vậy, thủ tục thay đổi có sự phức tạp hơn.
Căn cứ Điều 62 Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Điều 10, 11 Thông tư 86/2024/TT-BTC, quy trình thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh trong trường hợp này được thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng ký thay đổi thông tin thuế với cơ quan thuế cũ
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (cơ quan thuế nơi chuyển đi) để thực hiện các thủ tục về thuế. Hồ sơ nộp tại cơ quan thuế nơi chuyển đi bao gồm:
- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC.
- Bản sao Giấy phép thành lập và hoạt động, hoặc Văn bản tương đương do cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp địa chỉ trên các Giấy tờ này có thay đổi.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết luận kiểm tra (đối với hồ sơ thuộc diện phải kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế), 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế (đối với hồ sơ không thuộc diện phải kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế), đồng thời người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan thuế nơi chuyển đi, cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho người nộp thuế và cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến.
Bước 2: Thực hiện thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh
Doanh nghiệp gửi Thông báo thay đổi nội dung đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh (theo mẫu Phụ lục II-9 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) đến cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi địa điểm kinh doanh chuyển đến theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Khi nhận được Thông báo của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi địa điểm kinh doanh chuyển đến trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh.
Bước 3: Đăng ký thuế với cơ quan thuế mới
Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh mới, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nơi chuyển đi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST.
Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế bao gồm:
- Văn bản đăng ký chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến mẫu số 30/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh mới.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế, ban hành Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế đã cập nhật thông tin thay đổi gửi cho người nộp thuế.
3.2. Đối với hộ kinh doanh
Theo Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh bao gồm các bước:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Pháp luật hiện hành quy định những giấy tờ cần thiết cho thủ tục này bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký Hộ kinh doanh theo mẫu Phụ lục III-2 ban hành kèm theo Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT.
- Bản sao hợp lệ Biên bản họp nhóm cá nhân về việc đăng ký thay đổi địa chỉ đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do, các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Bước 3: Trả kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mới cho hộ kinh doanh.
3. Chi phí và thời gian hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh
Để việc thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh diễn ra nhanh chóng thì vấn đề nộp đủ phí, lệ phí cho Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC, để hoàn thành thủ tục này, doanh nghiệp phải dự tính chi phí và thời gian như sau:
(a); Về lệ phí: Theo phụ lục Thông tư số 47/2019/TT-BTC, lệ phí thay đổi nội dung Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là 50.000VND.
(b); Về thời gian: Theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Thông tư 86/2024/TT-BTC, Luật Ánh Ngọc đưa ra ước tính thời gian hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh là:
- Trường hợp thay đổi địa chỉ cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 03 ngày.
- Trường hợp thay đổi địa chỉ khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 15 - 30 ngày.
4. Thay đổi trụ sở chính của công ty có giống quy trình thay đổi địa điểm kinh doanh không?
Hiện nay nhiều bài viết đang đồng nhất địa điểm kinh doanh và trụ sở chính nên đưa ra hướng dẫn thay đổi địa chỉ của 2 địa điểm này như nhau. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, dù có nhiều điểm tương đồng trong quy trình nhưng việc thực hiện thay đổi địa chỉ của trụ sở chính vẫn có nhiều điểm khác so với địa điểm kinh doanh.
Theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Thông tư 86/2024/TT-BTC, quy trình thay đổi địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Đăng ký thay đổi thông tin thuế với cơ quan thuế cũ
Bước này chỉ áp dụng trong trường hợp thay đổi địa chỉ làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Doanh nghiệp nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp (cơ quan thuế nơi chuyển đi), bao gồm:
- Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Giấy tờ khác theo yêu cầu của cơ quan thuế.
Trong thời hạn 05 - 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế, đồng thời người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan thuế nơi chuyển đi, cơ quan thuế ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST ban hành kèm theo Thông tư này gửi cho người nộp thuế và cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến.
Bước 2: Đăng ký thay đổi trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh
Doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi đặt trụ sở mới. Bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký theo mẫu Phụ lục II-2 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc chuyển địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp theo quy định.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước sẽ thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Đăng ký thay đổi thông tin thuế với cơ quan thuế mới
Doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế tại cơ quan thuế nơi chuyển đến trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nơi chuyển đi ban hành Thông báo về việc người nộp thuế chuyển địa điểm mẫu số 09-MST.
Hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế bao gồm:
- Văn bản đăng ký chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi người nộp thuế chuyển đến mẫu số 30/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư 86/2024/TT-BTC.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm cập nhật các thông tin thay đổi vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế, ban hành Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế đã cập nhật thông tin thay đổi gửi cho người nộp thuế.
5. Muốn đăng ký mã số thuế phụ thuộc cho địa điểm kinh doanh cần làm gì?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 86/2024/TT-BTC, để đăng ký mã số thuế phụ thuộc cho địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đăng ký thuế cho địa điểm kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:
- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 02-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bảng kê địa điểm kinh doanh mẫu số BK03-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này (nếu có).
- Bảng kê các nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài mẫu số BK04-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này.
- Bảng kê các nhà thầu, nhà đầu tư dầu khí mẫu số BK05-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này (nếu có).
- Bản sao Giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
Cơ quan thuế thực hiện xử lý hồ sơ đăng ký thuế lần đầu và trả kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc Thông báo mã số thuế cho người nộp thuế là tổ chức qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận đủ hồ sơ của người nộp thuế.
Trường hợp người nộp thuế đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính, cơ quan thuế có trách nhiệm gửi kết quả qua bộ phận một cửa của cơ quan thuế hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích đến địa chỉ người nộp thuế đã đăng ký.
6. Đặt địa chỉ địa điểm kinh doanh mới ở chung cư được không?
Có. Tuy nhiên, theo điểm c và d Khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở 2023 thì tổ chức, cá nhân muốn lấy địa chỉ nhà chung cư để làm địa điểm kinh doanh mới cần xác định rõ là nhà chung cư có mục đích hỗn hợp thì mới có thể dùng làm địa điểm kinh doanh.
Như vậy, qua bài viết về thủ tục thay đổi địa chỉ địa điểm kinh doanh chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!