1. Địa điểm kinh doanh là gì?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Địa điểm kinh doanh được phép hoạt động kinh doanh những ngành nghề mà công ty đã đăng ký nhưng không phải được lựa chọn tất cả mà chỉ lựa chọn một nhóm ngành cụ thể từ ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ. Địa điểm kinh doanh chính là đơn vị hạch toán phụ thuộc.
Theo đó những doanh nghiệp khi muốn mở rộng phạm vị kinh doanh của mình tuy nhiên không muốn phát sinh các thủ tục kê khai thuế nhưng lại có thể phát sinh được hoạt động kinh doanh (khác với văn phòng đại diện công ty chỉ là nơi giao dịch, giới thiệu sản phẩm,... ) thì doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức thành lập địa điểm kinh doanh.
2. Khi nào phải đăng ký địa điểm kinh doanh
Căn cứ Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). Trong trường hợp doanh nghiệp muốn kinh doanh tại các địa điểm khác nhau thì doanh nghiệp bắt buộc phải đăng ký chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh tại nơi mình đang đăng ký kinh doanh hoặc khác với trụ sở chính. Ngoài ra, địa điểm kinh doanh là một đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp và không có con dấu riêng.
Ví dụ như sau: Công ty đặt trụ sở chính tại quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, tuy nhiên công ty do muốn mở rộng kinh doanh nên mở các cửa hàng kinh doanh ở nhiều quận khác nhau như Ba Đình, Hà Đông, Hồ Tây. Căn cứ theo Luật Doanh nghiệp đã quy định thì công ty A doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh cho các cửa hàng ở các quận Ba Đình, Hà Đông, Hồ Tây hoặc ở các tỉnh, thành phố khác dưới hình thức địa điểm kinh doanh trực thuộc của công ty.
3. Bốn quy định quan trọng về địa điểm kinh doanh
Khi doanh nghiệp thành lập địa điểm đăng ký kinh doanh cần nắm rõ các quy định, cụ thể như sau:
3.1. Đăng ký tên địa điểm kinh doanh
Căn cứ theo Điều 20 của Nghị định 01/2021-NĐ-CP thì tên địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
- Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh bắt buộc viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W, chữ số, các ký hiệu;
- Ngoài tên bằng tiếng Việt, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt;
- Phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ "công ty" hay "doanh nghiệp";
- Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh.
3.2. Nơi đặt địa điểm kinh doanh
- Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được đăng ký ở ngoài địa chỉ trụ sở chính. Doanh nghiệp được thành lập địa điểm kinh doanh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh;
- Hiện nay, theo Nghị định 108/2018/NĐ-CP quy định thì địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đặt ở tỉnh thành cùng hoặc khác với trụ sở chính.
3.3. Mã số địa điểm kinh doanh
Căn cứ theo khoản 6 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì mã số địa điểm kinh doanh chính là mã số gồm 5 chữ số được cấp theo số thứ tự từ 00001 đến 99999. Mã số này không phải là mã số thuế của địa điểm kinh doanh.
3.4. Phạm vi đăng ký ngành nghề của địa điểm kinh doanh
Địa điểm kinh doanh hoạt động ngành nghề phụ thuộc vào công ty mẹ và ở trong giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh không thể hiện ngành nghề kinh doanh.
Xem thêm bài viết : >> Tư vấn pháp luật tránh rủi ro khi bán doanh nghiệp tư nhân
4. Thủ tục đăng ký địa điểm kinh doanh
Căn cứ theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định trình tự và thủ tục thông báo lập địa điểm kinh doanh cụ thể như sau:
4.1. Nộp hồ sơ đăng ký
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh để thông báo.
Hồ sơ thông báo doanh nghiệp lập địa điểm kinh doanh bao gồm:
- Thông báo lập địa điểm kinh doanh;
- Trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp thì thông báo địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký. Trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh thì sẽ phải thông báo địa điểm kinh doanh do người đứng đầu chi nhánh ký tên;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
4.2. Tiếp nhận và giải quyết
Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh ngay sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ.
- Trường hợp 1: Nếu hồ sơ hợp lệ thì phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp, đồng thời cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
- Trường hợp 2: Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo về việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ và doanh nghiệp có trách nhiệm nộp lại hồ sơ sửa đổi, bổ sung, sau đó sẽ chờ kết quả;
- Hồ sơ sau khi được nộp sẽ được sở kế hoạch đầu tư xem xét tính hợp pháp để có thể tiến hành cấp giấy chứng nhận địa điểm kinh doanh hoặc yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
5. Bảy lưu ý khi đăng ký địa điểm kinh doanh
- Thứ nhất, địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng mà bắt buộc phải dùng chung với công ty mẹ;
- Thứ hai, chế độ kế toán của địa điểm kinh doanh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trụ sở chính của công ty hoặc chi nhánh chủ quản;
- Thứ ba, địa điểm kinh doanh sẽ sử dụng chung mẫu hóa đơn với trụ sở chính của doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản mà khôgn được sử dụng mẫu hoá đơn riêng;
- Thứ tư, mỗi địa điển kinh doanh của doanh nghiệp dù không phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế nhưng phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài là 1.000.000 đồng/năm đầy đủ (Đây là sự khác với văn phòng đại diện công ty không phải thực hiện nghĩa vụ đóng thuế môn bài);
- Thứ năm, đối với trường hợp địa điểm kinh doanh có địa chỉ cùng với tỉnh, thành phố với doanh nghiệp hoặc chi nhánh chủ quản thì chỉ phải kê khai, đóng thuế môn bài theo địa chỉ của doanh nghiệp hoặc chi nhánh;
- Thứ sáu, đối với địa điểm kinh doanh không phát sinh hoạt động kinh doanh thì việc đăng ký sẽ phải cam kết không phát sinh hoạt động kinh doanh;
- Thứ bảy, đối với địa điểm kinh doanh mà phát sinh hoạt động kinh doanh thì địa điểm kinh doanh sử dụng chung mẫu hóa đơn của đơn vị chủ quản cho từng địa điểm kinh doanh, và gửi thông báo phát hành hóa đơn của từng địa điểm kinh doanh cũng như phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế nơi địa điểm đặt.
6. Giải đáp thắc mắc
6.1. Có phải nộp thuế môn bài khi đăng ký địa điểm kinh doanh?
Địa điểm kinh doanh phải nộp thuế môn bài. Cụ thể, theo Điều 2 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật là đối tượng phải nộp lệ phí môn bài.
6.2. Tên địa điểm kinh doanh có bắt buộc phải có tên công ty?
Căn cứ điểm đ khoản 3 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, tên địa điểm kinh doanh bắt buộc gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh. Trường hợp không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn đphòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh sẽ bị phạt từ từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
6.3. Gửi thông báo địa điểm kinh doanh đến đâu?
Theo khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh. Như vậy thông báo địa điểm kinh doanh phải gửi đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Ánh Ngọc về thắc mắc: "Địa điểm kinh doanh là gì". Nếu độc giả còn bất kì điều gì thắc mắc, xin vui lòng liên hệ để được giải đáp.