Thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng


Thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng

Trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng tăng cao, việc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng trở thành một cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn. Hãy cùng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu những quy định pháp luật hiện hành về đăng ký doanh nghiệp trong lĩnh vực này. 

>>>> Gợi ý: Dịch vụ thành lập doanh nghiệp.

1. Giới thiệu về công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 

Giới thiệu về công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 
Giới thiệu về công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 

Theo Khoản 12 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì công ty tài chính chuyên ngành là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hoạt động chính thuộc một trong các lĩnh vực bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng, cho thuê tài chính.  

Đồng thời, tham khảo thêm định nghĩa được quy định tại Nghị định 39/2014/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) thì tín dụng tiêu dùng là hình thức cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân bằng nghiệp vụ cho vay bao gồm cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng và phát hành thẻ tín dụng.

Như vậy, có thể được ra khái niệm về công ty tài chính tín dụng tiêu dùng như sau: Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là một tổ chức tín dụng phi ngân hàng chuyên cung cấp dịch vụ cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân thông qua các nghiệp vụ cho vay. 

Hiện nay, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được thực hiện các hoạt động sau: 

  • Phát hành thẻ tín dụng. 
  • Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức. 
  • Phát hành chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn của tổ chức.
  • Cho vay.
  • Chiết khấu, tái chiết khấu. 
  • Hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. 

Với phạm vi hoạt động rộng, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là lựa chọn của nhiều chủ thể muốn gây dựng sự nghiệp của mình. 

2. Điều kiện thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 

Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư năm 2020 thì hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có tín dụng tiêu dùng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy chủ thể có nhu cầu đăng ký doanh nghiệp tài chính tín dụng tiêu dùng không chỉ cần quan tâm tới điều kiện thành lập nói chung mà còn phải đáp ứng các điều kiện cấp Giấy phép hoạt động nói riêng. Cụ thể: 

2.1. Điều kiện thành lập 

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 và Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024, để thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng cần đáp ứng các điều kiện: 

(a); Loại hình doanh nghiệp: Căn cứ Khoản 3 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chỉ có thể thành lập dưới 02 hình thức pháp lý: 

  • Công ty cổ phần. 
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn. 

(b); Chủ thể thành lập: Theo Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, có thể thấy, điều kiện với chủ thể thành lập công ty nói chung và công ty tài chính tín dụng tiêu dùng nói riêng là không thuộc các trường hợp dưới đây: 

  • Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
  • Cán bộ, công chức, viên chức.
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 
  • Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người hạn chế năng lực hành vi dân sự như người chưa thành niên; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định…
  • Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc tổ chức không có tư cách pháp nhân. 

Ngoài ra, theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, chủ thể thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng còn phải đảm bảo các yêu cầu sau: 

  • Đối với công ty tài chính tín dụng tiêu dùng tổ chức theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn: Thành viên góp vốn phải là pháp nhân và tổng số thành viên góp vốn không vượt quá 05. Tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tối đa của một thành viên, một thành viên và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn điều lệ của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. 
  • Đối với công ty tài chính tín dụng tiêu dùng tổ chức theo loại hình công ty cổ phần: cổ đông sáng lập phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% vốn điều lệ trong thời hạn 5 năm kể từ khi được cấp Giấy phép. Đồng thời, các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải nắm giữ số cổ phần tối thiểu bằng 50% tổng số cổ phần do các cổ đông sáng lập nắm giữ.

(c); Người đại diện theo pháp luật: Theo Điều 11 Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024, người đại diện theo pháp luật của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng phải đáp ứng điều kiện sau: 

  • Được quy định tại Điều lệ và là một trong các chức danh sau: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc). 
  • Phải cư trú tại Việt Nam. Trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành công ty tài chính tín dụng tiêu dùng đang cư trú tại Việt Nam.

(d); Tên công ty tài chính tín dụng tiêu dùng: pháp luật hiện hành quy định về vấn đề đặt tên cho công ty như sau: 

  • Đối với tên tiếng Việt: tên công ty phải gồm 02 bộ phận: “Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng”. 
  • Đối với tên nước ngoài: phải là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. 

Bên cạnh đó, tên của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng không được vi phạm các điều sau: 

  • Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. 
  • Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp mà không có sự đồng ý của cơ quan, tổ chức đó. 
  • Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc. 

(e); Trụ sở chính công ty: theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và công ty có quyền sử dụng hợp pháp với địa điểm đặt trụ sở (thể hiện qua hợp đồng thuê/mướn địa điểm hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). 

(f); Mã ngành nghề đăng ký kinh doanh: để thực hiện hoạt động tín dụng tiêu dùng, chủ thể có nhu cầu thành lập công ty cần đăng ký mã ngành 6492 - Hoạt động cấp tín dụng khác theo quy định tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg

2.2. Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động 

Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó có công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, công ty còn cần đảm bảo các yêu cầu riêng mà pháp luật đặt ra để hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, Điều 29 Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024 quy định về vấn đề này như sau: 

(a); Vốn điều lệ: pháp luật hiện hành quy định một trong những điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng là phải đảm bảo mức vốn pháp định. Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định 86/2019/NĐ-CP thì mức vốn pháp định của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là 500 tỷ đồng. 

(b); Nhân sự công ty: Theo Điều 41 Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024 thì không chỉ người đại diện theo pháp luật, chủ thể thành lập của công ty phải đáp ứng các điều kiện pháp luật mà các chức danh điều hành khác của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng cũng phải đảm bảo các yêu cầu của pháp luật. Cụ thể: 

Đối với thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên: pháp luật hiện hành quy định các điều kiện như sau: 

  • Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ như người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp…
  • Có đạo đức nghề nghiệp và có trình độ từ đại học trở lên.
  • Có kinh nghiệm phù hợp theo quy định pháp luật. 

Đối với Tổng giám đốc (Giám đốc): 

  • Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ như người thuộc đối tượng không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp….
  • Có đạo đức nghề nghiệp và trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán. 
  • Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm.
  • Có kinh nghiệm phù hợp theo quy định pháp luật. 

Đối với Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ: 

  • Không thuộc trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024. 
  • Có trình độ từ đại học trở lên về một trong các ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, kế toán, kiểm toán hoặc ngành khác thuộc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm hoặc có trình độ từ đại học trở lên về ngành khác và có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình sẽ đảm nhiệm. 
  • Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm. 

(c); Điều lệ công ty tài chính tín dụng tiêu dùng: để được hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, điều lệ công ty phải phù hợp với quy định pháp luật. Theo Khoản 2 Điều 24 Luật doanh nghiệp 2020 thì điều lệ công ty bao gồm các nội dung chủ yếu sau: 

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty. 
  • Ngành, nghề kinh doanh. 
  • Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần. 
  • Thông tin của cổ đông sáng lập hoặc thành viên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn (về họ tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch). 
  • Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của cổ đông đối với công ty cổ phần. 
  • Cơ cấu tổ chức quản lý. 
  • Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. 
  • Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ. 
  • Căn cứ và phương pháp xác định tiền lương, thù lao, thưởng của người quản lý và Kiểm soát viên. 
  • Trường hợp thành viên, cổ đông có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần. 
  • Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh. 
  • Trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty. 
  • Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty. 

(d); Đề án: để hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, công ty còn phải đưa ra đề án phù hợp. Theo đó, đề án thành lập và phương án kinh doanh phải khả thi, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.

Như vậy, khi đáp ứng đủ các điều kiện được phân tích trên, chủ thể có thể tiến hành thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. 

3. Quy trình thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng  

Quy trình thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 
Quy trình thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng 

Vì thành lập công ty hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên quy trình có sự khác biệt so với thành lập công ty trong ngành nghề thông thường. Theo đó, thủ tục thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng bao gồm 02 giai đoạn: 

3.1. Giai đoạn thành lập công ty 

Căn cứ Luật doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì để thành lập công ty cần thực hiện các bước: 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập 

Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng chỉ được tổ chức dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, do vậy, hồ sơ thành lập công ty bao gồm các giấy tờ sau: 

Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: 

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách thành viên.
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật. 
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. 
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Đối với công ty cổ phần: 

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. 
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật. 
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. 

Bước 2: Nộp hồ sơ 

Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ, chủ thể có nhu cầu thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

Bước 3: Xét duyệt hồ sơ và trả kết quả 

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho chủ thể nộp hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho chủ thể nộp hồ sơ. 

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Tài chính phụ trách mảng doanh nghiệp phải thông báo cho chủ thể nộp hồ sơ bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. 

3.2. Giai đoạn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động 

Theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024 và Thông tư 57/2024/TT-NHNN, để được cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng, công ty phải thực hiện các bước sau: 

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép 

Căn cứ Điều 11, 12, 13 Thông tư 57/2024/TT-NHNN, bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động bao gồm các giấy tờ sau: 

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép theo mẫu quy định tại Phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư 57/2024/TT-NHNN.
  • Dự thảo Điều lệ của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. 
  • Đề án thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. 
  • Tài liệu chứng minh năng lực của bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến bao gồm sơ yếu lý lịch, phiếu lý lịch tư pháp, văn bằng chứng minh trình độ chuyên môn, văn bản cam kết đáp ứng đủ các điều kiện để được cư trú và làm việc tại Việt Nam.
  • Biên bản cuộc họp hội nghị thành lập của cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập hoặc văn bản của chủ sở hữu và phê duyệt danh sách các chức danh quản trị, kiểm soát, điều hành dự kiến và lựa chọn Ban trù bị, Trưởng Ban trù bị.

Bên cạnh các giấy tờ trên, tùy theo loại hình doanh nghiệp mà công ty tài chính tín dụng tiêu dùng phải chuẩn bị thêm một số tài liệu khác. Cụ thể: 

Đối với công ty tài chính tín dụng tiêu dùng theo hình thức công ty cổ phần: 

  • Danh sách các cổ đông sáng lập, cổ đông góp vốn thành lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư 57/2024/TT-NHNN. 
  • Hồ sơ của cổ đông góp vốn thành lập như đơn mua cổ phần, bảng kê khai người có liên quan; báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và báo cáo tài chính đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán….
  • Điều lệ của công ty cho thuê tài chính đã được Đại hội thành lập thông qua. 
  • Biên bản và Nghị quyết của Đại hội thành lập về việc thông qua Điều lệ, bầu các chức danh thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.
  • Biên bản họp Hội đồng quản trị về việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng ban kiểm soát.
  • Quyết định của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng.
  • Văn bản của một ngân hàng thương mại Việt Nam nơi Ban trù bị mở tài khoản góp vốn xác nhận số tiền góp vốn của các cổ đông góp vốn thành lập. 
  • Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở chính. 
  • Báo cáo của cổ đông sáng lập là ngân hàng thương mại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam về việc tuân thủ các quy định điều kiện cấp Giấy phép. 

Đối với công ty tài chính tín dụng tiêu dùng theo hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn: 

  • Danh sách các thành viên sáng lập, thành viên góp vốn thành lập theo mẫu quy định tại Phụ lục số 07 ban hành kèm theo Thông tư 57/2024/TT-NHNN.
  • Hợp đồng liên doanh có các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật (nếu có). 
  • Hợp đồng thỏa thuận góp vốn giữa các thành viên sáng lập đối với công ty tài chính tín dụng tiêu dùng trách nhiệm hữu hạn.
  • Hồ sơ đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập là ngân hàng thương mại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam như báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và báo cáo tài chính đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép được kiểm toán bởi doanh nghiệp kiểm toán…
  • Hồ sơ đối với chủ sở hữu là ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt cần cung cấp văn bản ủy quyền người đại diện phần vốn góp…
  • Hồ sơ đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập là tổ chức tín dụng nước ngoài  bao gồm: sơ yếu lý lịch của người được cử đại diện phần vốn góp; phiếu lý lịch tư pháp của người được cử đại diện phần vốn góp…
  • Điều lệ của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng đã được Hội đồng thành viên thông qua. 
  • Văn bản của một ngân hàng thương mại Việt Nam nơi Ban trù bị mở tài khoản góp vốn xác nhận số tiền góp vốn của chủ sở hữu và các thành viên sáng lập.
  • Văn bản chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt trụ sở chính.
  • Báo cáo của ngân hàng thương mại Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoặc báo cáo của ngân hàng thương mại được chuyển giao về việc tuân thủ quy định điều kiện cấp Giấy phép và điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung đề nghị cấp Giấy phép. 
  • Văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước nơi tổ chức tín dụng nước ngoài đặt trụ sở chính đánh giá tổ chức tín dụng nước ngoài tuân thủ các quy định đối với chủ sở hữu, thành viên sáng lập từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung đề nghị cấp Giấy phép. 
  • Quyết định của chủ sở hữu về việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. 
  • Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng ban kiểm soát đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. 
  • Biên bản và Nghị quyết của Đại hội thành lập về việc thông qua Điều lệ, bầu, bổ nhiệm các chức danh thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. 
  • Biên bản họp Hội đồng thành viên thông qua các nội dung về việc bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên; Biên bản họp Ban kiểm soát về việc bầu chức danh Trưởng ban kiểm soát đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. 
  • Quyết định của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm chức danh Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.  

Bước 2: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép 

Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty tài chính tín dụng tiêu dùng thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động tại bộ phận Một cửa trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước.  

Bước 3: Xét duyệt hồ sơ 

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và đưa ra văn bản xác nhận hồ sơ hợp lệ hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ.

Sau khi gửi văn bản xác nhận hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 90 ngày, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa ra văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Trường hợp không chấp thuận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận cho chủ thể nộp hồ sơ. 

Sau khi nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập, trong thời hạn 60 ngày, công ty lập các văn bản bổ sung và gửi cho bộ phận Một cửa của Ngân hàng Nhà nước.  

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước gửi cho công ty nộp hồ sơ văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ văn bản bổ sung. 

Bước 4: Nhận kết quả 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép hoạt động cho công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. 

Trường hợp không cấp Giấy phép, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép cho công ty nộp hồ sơ. 

4. Chi phí thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng  

Vấn đề mà phần lớn chủ thể quan tâm khi thành lập doanh nghiệp là tổng chi phí cần dự trù để hoàn tất quy trình thành lập và đưa công ty tài chính tín dụng tiêu dùng vào hoạt động trên thực tế. Hiểu được điều này, Luật Ánh Ngọc cung cấp thông tin về các khoản phí, lệ phí thành lập cho quý bạn đọc tham khảo. 

(a); Chi phí thành lập doanh nghiệp: Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC thì chi phí thành lập công ty nói chung và công ty tài chính tín dụng tiêu dùng nói riêng bao gồm: 

  • Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng.  
  • Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính.   

Bên cạnh đó, chủ thể thành lập công ty còn có thể phải chi trả thêm các khoản phí khác như chi phí làm biển hiệu công ty, chi phí mua chữ ký số và hóa đơn điện tử,....tùy theo dịch vụ mà chủ thể lựa chọn. 

(b); Chi phí đề nghị cấp Giấy phép hoạt động: vì tín dụng tiêu dùng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện do vậy để thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng thì chủ thể thành lập còn phải nộp một khoản chi phí đề nghị cấp Giấy phép. 

Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 150/2016/TT-BTC, thì trường hợp đề nghị cấp Giấy phép lần đầu mức lệ phí là 70.000.000 đồng/giấy phép.

Như vậy, tổng chi phí đề thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng là một khoản tiền khá lớn, do vậy, nhiều chủ thể có nhu cầu lựa chọn sử dụng dịch vụ để đảm bảo hoàn tất quy trình một cách nhanh chóng, hợp pháp. 

>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty cho thuê tài chính

5. Dịch vụ thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng của Luật Ánh Ngọc 

Với mục đích hỗ trợ tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện được mong muốn thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, Luật Ánh Ngọc cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp với các ưu điểm sau: 

  • Tư vấn chuyên sâu và toàn diện: Luật Ánh Ngọc cung cấp cho quý bạn đọc những tư vấn chuyên sâu về các khía cạnh trong quá trình thành lập doanh nghiệp như lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp, tư vấn về vốn điều lệ, các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các tiêu chuẩn pháp lý đặc thù mà một công ty tài chính tín dụng tiêu dùng phải đáp ứng. 
  • Tiết kiệm thời gian và công sức: Luật Ánh Ngọc hỗ trợ trọn gói cho quý khách hàng, từ công đoạn chuẩn bị hồ sơ đến nhận kết quả và làm việc với cơ quan nhà nước nếu có yêu cầu. 
  • Dịch vụ hậu mãi sau thành lập: Không chỉ dừng lại ở việc thành lập công ty cho quý khách hàng, Luật Ánh Ngọc còn cung cấp dịch vụ hậu mãi như đăng ký nhãn hiệu, lập bảng lương,...để công ty hoạt động hiệu quả và hợp pháp. 

Với những ưu điểm trên, Luật Ánh Ngọc tự tin là một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín cho quý khách hàng. 

>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập tổ chức tài chính vi mô

6. Câu hỏi thường gặp 

Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có được mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài? 

Có. Theo khoản 2 Điều 122 Văn bản hợp nhất số 29/VBHN-VPQH năm 2024 thì công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có hoạt động phát hành thẻ tín dụng được mở tài khoản tại ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối. 

Giấy phép hoạt động của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng có thời hạn không? 

Có. Theo Điều 5 Thông tư 57/2024/TT-NHNN thì thời hạn hoạt động của công ty tài chính tín dụng tiêu dùng được ghi trong Giấy phép, tối đa không quá 50 năm.

Có thể tự thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng không? 

Có. Tuy nhiên với những quy định pháp luật phức tạp hiện nay thì việc sử dụng dịch vụ của bên thứ ba là lựa chọn phổ biến của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu. 

Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.