Luật Ánh Ngọc

Thủ tục xin Giấy phép phân phối điện

Thủ tục hành chính | 2024-08-27 21:20:58

1. Điều kiện được cấp Giấy phép phân phối điện?

Theo quy định hiện hành, phân phối điện là quá trình truyền tải và phân phối điện năng từ nguồn sản xuất đến các địa điểm sử dụng. Tại các trạm phân phối, điện năng được chuyển từ mức điện áp cao của mạng truyền tải xuống mức điện áp thấp hơn, phù hợp với việc sử dụng trong các hộ gia đình, doanh nghiệp, và các cơ sở khác.

Phân phối điện là hoạt động điện lực thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, do vậy, cần phải được cấp giấy phép phân phối điện theo quy định. Giấy phép phân phối điện là văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện hoạt động phân phối điện.

Để được cấp giấy phép phân phối điện, tổ chức, cá nhân cần đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 31 Nghị định 137/2013/NĐ-CP và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP. 

Tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật phải đáp ứng các điều kiện sau

- Tổ chức, cá nhân phải có đầy đủ các trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật, công trình xây dựng, lắp đặt đường dây và trạm biến áp tuân theo quy định và đã được kiểm tra, nghiệm thu đầy đủ;

-Đáp ứng điều kiện về nguồn nhân lực, theo đó: Người trực tiếp quản lý kỹ thuật, vận hành phân phối điện phải có bằng cấp từ đại học trở lên, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 03 năm trong lĩnh vực phân phối điện và phải được đào tạo chuyên ngành về điện hoặc có giấy chứng nhận đào tạo điện theo quy định.

Khi đó, cá nhân, tổ chức có nhu cầu chuẩn bị hồ sơ và nộp tại cơ quan có thẩm quyền để được cấp giấy phép phân phối điện.

2. Hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép phân phối điện

2.1. Hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện

Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 hồ sơ theo các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư 21/2020/TT-BCT bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp giấy phép phân phối điện theo mẫu;

- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp phép;

- Danh sách trích ngang, bản sao hợp đồng lao động, các chứng chỉ như bằng tốt nghiệp, giấy tờ chứng minh thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện, tài liệu về kết quả tập huấn,... của người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ ca trưởng vận hành hoạt động phân phối điện;

- Danh mục các hạng mục công trình phân phối điện bao gồm các nội dung: trang thiết bị, đường dây, trạm biến áp, bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành việc lắp đặt các hạng mục công trình lưới điện,... và phạm vi hoạt động của lưới điện do tổ chức đang quản lý.

2.2. Thủ tục xin cấp giấy phân phối điện

Để được cấp giấy phép phân phối điện, cá nhân, tổ chức, đơn vị điện lực thực hiện theo trình tự, thủ tục sau

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đầy đủ và nộp đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông qua các hình thức:

+ Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Cục Điều tiết điện lực, tổ chức nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và chỉ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc tài liệu không được gửi qua mang thông tin điện tử;

+ Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Công thương thì có thể nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua nộp trực tuyến trên trang điện tử của cơ quan.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân, đơn vị điện lực nộp lệ phí xin cấp giấy phép kèm theo khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện.

- Bước 2: Kiểm tra và cấp giấy phép phân phối điện

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung để hoàn thiện hồ sơ. Nếu hết thời hạn trên mà hồ sơ xin cấp phép vẫn chưa được bổ sung, hoàn thiện thì cơ quan cấp phép trả lại hồ sơ;

+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động trong 15 ngày làm việc. Riêng trường hợp tổ chức sửa đổi, bổ sung giấy phép thì thời gian thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép là 07 ngày làm việc.

Sau khi đã hoàn thành các thủ tục, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị điện lực xin cấp phép, 02 bản còn lại lưu tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, đơn vị điện lực muốn được cấp lại giấy phép điện lực thì nộp văn bản đề nghị cấp lại giấy phép điện lực, trong đó nêu rõ lý do.

3. Một số câu hỏi liên quan đến giấy phép phân phối điện

3.1. Thời hạn của giấy phép phân phối điện là bao lâu?

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 21/2020/TT-BCT, giấy phép phân phối điện có thời hạn hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp. 

Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có đề nghị về thời hạn của giấy phép ngắn hơn so với quy định thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện theo thời hạn đề nghị, trừ các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư này.

3.2. Có được gia hạn Giấy phép hoạt động phân phối điện?

Khoản 12 Điều 14 Thông tư 21/2020/TT-BCT (được sửa đổi bởi Thông tư 10/2023/TT-BCT) quy định trước khi giấy phép phân phối điện hết thời hạn 30 ngày, cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép có nhu cầu tiếp tục hoạt động phân phối điện phải lập hồ sơ cấp giấy phép phân phối điện theo quy định.

Như vậy, có thể hiểu, giấy phép phối điện lực không thể gia hạn. Thay vào đó, tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục phân phối điện phải xin cấp mới giấy phép phân phối điện. Đồng thời, giấy phép phân phối điện có thể được sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại trong một số trường hợp nhất định.

3.3. Thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT, cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp giấy phép phân phối điện cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

4. Dịch vụ xin cấp giấy phép phân phối điện tại Luật Ánh Ngọc

Việc xin cấp giấy phép phân phối điện là quá trình mà các tổ chức hoặc cá nhân phải tuân theo để có thể tham gia vào ngành công nghiệp phân phối và cung cấp điện. Đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi cá nhân, tổ chức có nhu cầu phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hồ sơ cũng như nắm rõ được thủ tục cấp phép.

Là một đơn vị chuyên cung cấp các vấn đề pháp lý, đặc biệt trong việc xin cấp giấy phép phân phối điện, Luật Ánh Ngọc sẽ giúp quý khách hàng đơn giản hóa quá trình xin cấp giấy phép, giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức của mình.

Sử dụng dịch vụ của Luật Ánh Ngọc, chúng tôi cung cấp dịch vụ:

- Tư vấn pháp lý toàn diện về các quy định liên quan đến giấy phép phân phối điện, về hồ sơ, thủ tục cũng như các vấn đề khác như: cấp lại giấy phép, thu hồi giấy phép, xử phạt hành vi vi phạm;...

- Ký kết hợp đồng trọn gói phù hợp với nhu cầu của khách hàng, không phát sinh chi phí trong suốt quá trình thực hiện;

- Hỗ trợ khách hàng trong việc soạn thảo hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện cũng như kiểm tra tính pháp lý của các hồ sơ, tài liệu;

- Đại diện theo ủy quyền của khách hàng, nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;

- Nhận và bàn giao kết quả cho khách hàng theo yêu cầu.

Quý khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ của Luật Ánh Ngọc, vui lòng liên hệ để được hỗ trợ bởi đội ngũ luật sư và chuyên viên giàu kinh nghiệm.


Bài viết khác