Các trường hợp bắt buộc phải xin Giấy phép xử lý chất thải nguy hại


Các trường hợp bắt buộc phải xin Giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là bắt buộc phải có đối với các cá nhân, tổ chức muốn xử lý chất thải nguy hại, trừ các trường hợp khác do pháp luật quy định.

1. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là gì?

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là giấy tờ cấp phép bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực môi trường cho phép cá nhân/ tổ chức được xử lý các loại rác thải có đặc tính nguy hiểm, độc hại bằng phương thức vận chuyển, trung chuyển, xử lý, tái chế, ...

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại, ngoài quốc hiệu tiêu ngữ, cơ quan có thẩm quyền cấp là Bộ tài nguyên và Môi trường, ngày tháng năm cấp, lần thứ bao nhiêu cấp giấy phép; thì có những thông tin quan trọng sau đây: Mã số quản lý chất thải nguy hại (QL CTNH); Thông tin về chủ xử lý chất thải nguy hại; Nội dung cấp phép; Điều khoản thi hành...

Thời hạn của Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 03 năm kể từ ngày cấp.

Chất thải nguy hại
Chất thải nguy hại

2. Các trường hợp bắt buộc phải xin Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Chất thải nguy hại là những vật chất nguy hiểm được thải ra trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và các hoạt động khác mà nếu không được xử lý kịp thời, an toàn và hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khoẻ con người. Chính vì thế, không phải cá nhân/ tổ chức nào cũng được phép xử lý chất thải nguy hại.

Mọi cá nhân/ tổ chức muốn được xử lý chất thải nguy hại thì phải xin giấy phép xử lý chất thải nguy hại và trải qua những trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để xác định rằng cá nhân/ tổ chức này đủ điều kiện để được cấp phép xử lý chất thải nguy hại. 

Tuy nhiên, các trường hợp sau đây không được coi là cơ sở xử lý chất thải nguy hại và không thuộc đối tượng cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại:

  • Chủ nguồn thải tự xử lý rác thải nguy hại bằng cách tái sử dụng, sơ chế, tái chế, đồng xử lý, xử lý hoặc thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;
  • Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm;
  • Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc tự xử lý và thu gom, xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận.

Như vậy, trừ ba trường hợp nêu trên thì bất kỳ cá nhân/ tổ chức nào, trong trường hợp muốn xử lý chất thải nguy hại, thì đều phải xin cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.

3. Điều kiện được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như:

  • Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động trước 01/07/2006 hoặc Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động.
  • Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.

3.1. Điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật

  • Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), phương tiện vận chuyển bao bì, thiết bị lưu chứa; khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; và quy trình quản lý theo quy định tại Phụ lục 2B Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
  • Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định tại Phụ lục 2B Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

3.2. Điều kiện về nhân lực

Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu như sau:

  • Một cơ sở xử lý chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành; có ít nhất 01 (một) người hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;
  • Một trạm trung chuyển chất thải nguy hại phải có ít nhất 01 (một) người đảm nhiệm việc quản lý, điều hành hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành liên quan đến môi trường hoặc hóa học;
  • Có đội ngũ vận hành và lái xe được đào tạo, tập huấn bảo đảm vận hành an toàn các phương tiện; hệ thống, thiết bị.

3.3. Điều kiện liên quan đến công tác quản lý

  • Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có); và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) chất thải nguy hại;
  • Có phương án bảo vệ môi trường trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường; giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại; 
  • Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động;
  • Điều kiện doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu: Nếu doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu trên có thể lập hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại; trình Bộ Tài nguyên và Môi trường; là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại trên toàn quốc. Thời hạn của Giấy phép xử lý chất thải nguy hại là 03 năm kể từ ngày cấp.

4. Thủ tục xin Giấy phép xử lý chất thải nguy hại

Căn cứ theo Điều 17 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT, trình tự, thủ tục cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại gồm các bước sau đây:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân nộp 02 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Cơ quan cấp phép kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.

TH1: Hồ sơ hợp lệ thì phải xem xét ra văn bản chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại.

TH2: Hồ sơ thiếu thì phải thông báo bằng văn bản để yêu cầu tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Bước 3: Thực hiện vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại:

  • Các tổ chức, cá nhân được phép tạm thực hiện các hoạt động thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại;
  • Nếu cá nhân, tổ chức thấy cần phải gia hạn thời gian vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại thì phải có văn bản giải trình gửi cơ quan cấp phép;
  • Trong trường hợp phát hiện nguy cơ gây ô nhiễm môi trường  mà không có biện pháp khắc phục ngay thì phải báo cáo với cơ quan cấp phép; tạm dừng các hoạt động để có phương án xử lý và giải quyết.

Bước 4: Nộp báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm

Bước 5: Lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cơ sở xử lý chất thải nguy hại

Bước 6: Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại và đăng tải trên trang thông tin của Bộ Tài nguyên và Môi trường

5. Một số câu hỏi liên quan

5.1. Giấy phép xử lý chất thải nguy hại có được cấp lại hoặc sửa đổi hay không?

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép cấp lại hoặc sửa đổi, bổ sung.

Một tổ chức, cá nhân được cấp lại giấy phép xử lý chất thải nguy hại nhiều lần, không có giới hạn, chỉ cần tại thời điểm xin cấp giấy phép; tổ chức, cá nhân đó đáp ứng đủ các yêu cầu do pháp luật quy định.

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cấp lại trong các trường hợp sau:

  • Giấy phép xử lý chất thải nguy hại hết thời hạn;
  • Giấy phép mất hoặc hư hỏng;
  • Nghị định/Thông tư thay đổi nên phải xin cấp lại giấy phép mới.

Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được sửa đổi trong các trường hợp sau:

  • Có sự thay đổi về các thông tin liên quan đến chủ xử lý chất thải nguy hại như địa bàn hoạt động;
  • Có sự thay đổi về số lượng và loại chất thải nguy hại được phép xử lý; các phương tiện, hệ thống, thiết bị cho việc vận chuyển và xử lý chất thải (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng); số lượng trạm trung chuyển; số lượng cơ sở xử lý chất thải nguy hại.

5.2. Không xin giấy phép xử lý chất thải nguy hại có bị xử phạt không?

Cá nhân/ tổ chức nếu muốn xử lý chất thải nguy hại thì đều phải xin giấy phép xử lý, trừ những trường hợp: Chủ nguồn thải tự xử lý chất thải nguy hại phát sinh nội bộ trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải nguy hại; Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ xử lý chất thải nguy hại trong môi trường thí nghiệm; Cơ sở y tế có công trình xử lý chất thải y tế nguy hại đặt trong khuôn viên để thực hiện việc xử lý chất thải y tế nguy hại cho các cơ sở y tế lân cận.

Nếu không xin giấy phép mà tự ý xử lý, khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.