Cho vay nặng lãi bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?


Cho vay nặng lãi bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Hành vi cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật. Mức xử phạt hành chính cho vay nặng lãi ít nhất từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy cụ thể mức xử phạt cho vay nặng lãi như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết.

1. Mức xử phạt hành chính cho vay nặng lãi

Trường hợp người cho vay cho bên vay tiền với mức lãi suất từ 21% đến dưới 100%/năm thì người cho vay nặng lãi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử lý vi phạm hành chính.  Căn cứ theo Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người cho vay nặng lãi bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu thực hiện một trong các hành vi dưới đây:

  • Người cho vay nặng lãi kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho vay tiền có cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá 20%/năm nhưng dưới 100%/năm.
  • Người cho vay nặng lãi không đăng ký ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay từ 21% đến dưới 100%.

Ngoài ra, người cho vay nặng lãi còn buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi cho vay nặng lãi hoặc buộc nộp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ đối với người cho vay nặng lãi kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

2. Cách tính khoản thu lợi bất chính cho vay nặng lãi

Căn cứ theo Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, số tiền thu lời bất chính từ hành vi cho vay nặng lãi được xác định như sau:

  • Khoản tiền thu lời bất chính từ hành vi cho vay nặng lãi được xác định là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất cao nhất theo quy định và các khoản thu trái pháp luật khác do người cho vay nặng lãi đặt ra (chi phí thu tiền, chi phí phạt chậm trả,…).
  • Nếu khoản lợi bất chính là tài sản khác không phải là tiền thì được quy đổi thành tiền tại thời điểm vay tài sản.

Khoản thu lợi bất chính = [( Số tiền vay gốc x lãi suất cho vay nặng lãi x thời hạn cho vay nặng lãi) – ( khoản vay gốc x 20% x thời hạn cho vay nặng lãi (năm))] + khoản thu trái pháp luật khác

    • Trường hợp người phạm tội cho vay nặng lãi đối với nhiều người thì khoản tiền thu lợi bất chính là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả người vay nếu hành vi cho vay nặng lãi được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.
    • Trường hợp người phạm tội cho vay nặng lãi nhằm mục đích thu lợi bất chính trên 30.000.000 đồng nhưng vì nguyên nhân khách quan mà chưa thu được khoản lợi bất chín hoặc thu được khoản lời bất chính ít hơn 30.000.000 đồng thì số tiền thu lời bất chính được xác định để truy cứu trách nhiệm hình sự là số tiền thu lời bất chính người phạm tội thực nhận.
    • Trường hợp cho vay nặng lãi chưa hết thời hạn vay mà bị phạt hiện thì khoản thu lời bất chính để truy cứu trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người đi vay đã trả cho người cho vay nặng lãi sau khi trừ đi số tiền lãi được tính với lãi suất hợp pháp tính đến thời điểm bị phát hiện và ngăn chặn.
    • Trường hợp người vay đã trả tiền lãi trước hạn và các khoản thu khác cho người phạm tội thì số tiền thu lời bất chính từ hành vi cho vay nặng lãi là tổng số tiền lãi vượt quá lãi suất cho phép và các khoản thu trái phép luật khác mà người vay đã thực trả.

3. Xử lý các khoản tiền lãi và tiền gốc khi cho vay nặng lãi

- Tịch thu sung quỹ nhà nước đối với:

  • Số tiền vay gốc là phương tiện phạm tội, là đối tượng được người cho vay lãi nặng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ tịch thu sung công nhà nước. Nếu người đi vay chưa trả được khoản vay gốc thì người đi vay có trách nhiệm phải nộp lại để sung vào ngân sách nhà nước;
  • Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm là số tiền phát sinh từ hành vi phạm tội cho vay lãi nặng mà có nên cũng bị xử lý tịch thu sung quỹ nhà nước;
  • Khoản tiền, tài sản mà người cho vay nặng lãi có được thông quá số tiền lãi và các khoản thu lời bất chính

- Trả lại cho người đi vay số tiền thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng lãi. Trường hợp người đi vay tiền sử dụng tiền vay được từ người cho vay nặng lãi vào mục đích bất hợp pháp (đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,….) thì khoản tiền này bị tịch thu sung quỹ nhà nước.

4. Cho vay nặng lãi bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự? 

 

Cho vay nặng lãi bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Cho vay nặng lãi hơn 100%/năm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Trong trường hợp hành vi cho vay nặng lãi đã đủ cấu thành tội phạm thì người thực hiện hành vi không bị xử phạt hành chính mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một người cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” nếu hành vi cho vay nặng lãi của người đó thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm này:

  • Về mặt khách quan: Người phạm tội đã thực hiện hành vi cho người khác vay tiền, vàng, các tài sản khác với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Hình sự, nhằm mục đích thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt trước đó về hành vi cho vay nặng lãi;
  • Về mặt chủ quan: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay lãi nặng với lỗi cố ý;
  • Về mặt khách thể: Hành vi cho vay nặng lãi đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng.
  • Về mặt chủ thể: Người cho vay nặng lãi phạm tội là những người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự, có khả nặng nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi do mình thực hiện và có thể tự quyết định việc thực hiện hay không thực hiện hành vi phạm tội.

Mọi người cũng xem: Sự khác biệt giữa hành vi vi phạm hình sự và vi phạm hành chính

5. Cho vay nặng lãi bao nhiêu thì bị đi tù?

5.1. Cho vay nặng lãi thu lời bất chính từ 30 triệu đến dưới 100 triệu đồng

Người cho vay nặng lãi bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu thực hiện một trong những hành vi sau:

  • Người cho vay nặng lãi với mức lãi suất hơn 100%/năm và thu lời bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
  • Người phạm tội cho vay nặng lãi với lãi suất trên 100%/năm đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cho vay nặng lãi hoặc đã bị kết án về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đây là trường hợp người phạm tội cho vay lãi nặng đã được pháp luật răn đe, đã được áp dụng các hình phạt nhưng người phạm tội không lấy đó làm bài học để tu sửa bản thân trở thành công dân có ích cho xã hội mà tiếp tục thực hiện hành vi cho vay nặng lãi. Do đó, khi người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự để tiếp tục răn đe, phòng ngừa.

5.2. Cho vay nặng lãi thu lời bất chính từ trên 100 triệu đồng

Trường hợp người phạm tội cho vay nặng lãi thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Ngoài ra, người phạm tội cho vay nặng lãi còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu người đó không bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội sẽ tiếp tục thực hiện hành vi khi tiếp tục đảm nhiệm chức vụ.

Thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề là từ 01 năm đến 05 năm tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu người đó bị áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc tính từ thời điểm người cho vay nặng lãi chấp hành xong hình phạt tù.

Như vậy, hành vi cho vay nặng lãi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong các hoạt động tín dụng, ngân hàng. Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính cho vay nặng lãi từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Trường hợp hành vi cho vay nặng lãi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy tố.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.