1. Khung hình phạt gây tai nạn giao thông chết người áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi
Hành vi tham gia giao thông gây tai nạn chết người được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà làm chết người thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Hành vi này được hiểu là khi một người tham gia giao thông mặc dù không cố ý nhưng khi tham gia giao thông vi phạm quy định về luật giao thông dẫn đến gây ra tai nạn và làm cho người bị nạn chết. Nếu người phạm tội mà có ý định (cố ý) gây ra tai nạn để làm chết người thì sẽ không bị xử về tội này mà lúc đó đã cấu thành tội giết người hoặc tội khác.
2. Khung hình phạt áp dụng cho người dưới 18 tuổi
2.1. Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội phạm, trừ một số tội có quy định cụ thể là người phạm tội từ đủ 18 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi tham gia giao thông gây tai nạn dẫn đến chết người quy định tại Điều 260 BLHS thì người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, khung hình phạt gây tai nạn giao thông chết người áp dụng cho người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được quy định như sau:
- Nếu vi phạm khoản 1: Khoản này quy định mức phạt tù là từ 01 năm đến 05 năm tù thì họ sẽ bị phạt không quá ¾ mức cao nhất, vậy người gây tai nạn là người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi mà làm chết 01 người thì có thể bị phạt tù đến 3 năm 9 tháng tù.
- Nếu vi phạm khoản 2: Gây tai nạn mà làm chết 02 người sẽ bị vi phạm khoản 2 với quy định là phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Vậy người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có thể bị phạt tù đến 7 năm 6 tháng tù.
- Nếu vi phạm khoản 3 tức là làm chết từ 03 người trở lên mà khoản này quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù thì người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi sẽ phải chịu mức cao nhất của hình phạt tù là 11 năm 3 tháng tù có thời hạn.
2.2. Đối với người từ dưới 16 tuổi
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Nếu có vi phạm thì chỉ có thể yêu cầu người đại diện hợp pháp hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc chính người gây tai nạn nếu họ đã đủ 15 tuổi bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Theo đó, ngoài bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, người gây tai nạn (hoặc người đại diện hợp pháp) còn phải bồi thường tổn hại về tinh thần cho những người thân thích của nạn nhân trong vụ tai nạn mà mình gây ra theo quy định tại các Điều 585, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Ngoài ra, người chưa đủ tuổi mà điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn còn bị xử phạt vi phạm giao thông thường bộ. Xem thêm tại: Người chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy thì bị xử phạt như thế nào?
3. Trình tự áp dụng khung hình phạt gây tai nạn giao thông chết người cho người dưới 18 tuổi
Theo nguyên tắc việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Hơn nữa, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm nên quá trình giải quết một vụ án do người dưới 18 tuổi gây tai nạn giao thông chết người cũng có những điều cần lưu ý trong mỗi giai đoạn.
3.1. Khởi tố, điều tra vụ án hình sự
Khi tiếp nhận được nguồn tin về có vụ tai nạn xảy ra, các cán bộ điều tra tiếp nhận phải nhanh chóng đến tiếp cận hiện trường, lấy lời khai ban đầu để xác định người gây ra tai nạn.
Phải tiến hành khám nghiệm hiện trường để xác định các dấu vết liên quan đến việc giải quyết vụ án như vị trí va chạm, tốc độ xe trước khi va chạm, vị trí tử thi,…
Khi có thông tin người gây tai nạn là người dưới 18 tuổi thì việc xác định độ tuổi của người này rất quan trọng, chỉ cần chênh lệch 01 – 02 ngày cũng là yếu tố quyết định có khởi tố vụ án hay không.
Ví dụ: Chiều ngày 22/8/2023, A nhân lúc bố mẹ không ở nhà đã lấy xe máy để đi chơi, đang đi thì đâm vào một người đi xe đạp ở sát mép đường làm người này bay xa 5m, tử vong tại chỗ, còn A thì bị gãy chân và xước da. Quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra biết được A chưa đủ 18 tuổi. Như đã phân tích ở mục trước, chưa đủ 18 tuổi đối với tội này được chia thành 02 nhóm: nhóm từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự nếu vi phạm; nhóm dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
Để xác định được tuổi của A, có những cách sau:
- Căn cứ vào các giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng sinh, giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu của A
- Phối hợp với các bên liên quan đến nơi A học tập, lao động, sinh hoạt để hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ nếu các giấy tờ tùy thân của A có mâu thuẫn nhau.
- Trường hợp không thể xác định cụ thể: lấy ngày cuối cùng của tháng; lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý ; lất cuối cùng của tháng trong cuối cùng trong nửa năm; lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng của năm;
- Trường hợp không thể xác định thì tiến hành giám định để xác định tuổi.
Chẳng hạn như trường hợp của A, nếu không có các giấy tờ tùy thân chứng minh chính xác ngày sinh mà chỉ xác định được là sinh vào tháng 2 năm 2006 thì ngày sinh được xác định là ngày cuối cùng của Tháng 2/2006 là ngày 28/02/2007 là ngày sinh của A thì thời điểm A gây tai nạn là 16 tuổi 7 tháng 24 ngày đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội này thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra; hoặc nếu chỉ xác định được theo năm thì ngày 31/12/2007 sẽ là ngày sinh của A và thời điểm A gây tai nạn là 15 tuổi 8 tháng 22 ngày, chưa đủ 16 tuổi nên không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này, khi đó cơ quan điều tra sẽ không được khởi tố vụ án hình sự này đối với A.
3.2. Truy tố vụ án
Khi xác định là A đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hồ sơ vụ án được chuyển qua Viện kiểm sát đề truy tố, khi này, Viện kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ, xem xét lại về độ tuổi, trường hợp có những mâu thuẫn thì Viện kiểm sát có thể yêu cầu điều tra, xác minh lại để đưa ra bản cáo trạng truy tố A về tội gì? Mức xử phạt mà Viện kiểm sát sẽ đề nghị là bao nhiêu?
3.3. Xét xử
Tại phiên tòa xét xử, Tòa án sẽ phải căn cứ vào hồ sơ vụ án, bản cáo trạng, những lời khai của A, của người liên quan đến vụ án như người chứng kiến,…và bản luận tội của Kiểm sát viên để quyết định A phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thuộc khoản nào của điều luật tại Điều 260 Bộ luật Hình sự và chịu hình phạt tù bao nhiêu năm.
4. Giải đáp một số thắc mắc
4.1. Có phải bồi thường khi gây tai nạn giao thông chết người?
Căn cứ Điều 584, Điều 589 Bộ luật Dân sự, mọi trường hợp gây tai nạn giao thông chết người đều phải bồi thường các chi phí như chi phí mai táng, chi phí bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí cấp dưỡng,....trừ trường hợp bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc có thỏa thuận khác.
4.2. Gây tai nạn chết người do lỗi vô ý có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?
Trường hợp người gây tai nạn chết người thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự thì vẫn có thể được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Một số tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi, đã khắc phục được hậu quả, có đơn xin giảm nhẹ của bên bị hại,.....
4.3. Gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn bị xử lý như thế nào?
Người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn được quy định là một tình tiết tăng nặng. Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
4.4. Gây tai nạn giao thông làm chết người, gia đình người bị hại không yêu cầu truy tố thì có bị xử lý không?
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Hình sự, hành vi gây tai nạn giao thông làm chết người không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu bị hại. Do đó, trong trường hợp gia đình người bi hại không yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có quyền truy tố. Trong trường hợp này, người bị hại có thể làm đơn bãi nại để làm căn cứ tình tiết giảm nhẹ cho người phạm tội.
Như vậy, bài viết đã tổng hợp các khung hình phạt gây tai nạn giao thông chết người theo quy định mới nhất hiện nay. Tuỳ thuộc vào từng chủ thể thực hiện hành vi mà khung hình phạt có sự điều chỉnh và mức độ nặng nhẹ của hình phạt khác nhau. Có thể thấy, khung hình phạt đối với người chưa đủ 18 tuổi sẽ thấp hơn và chỉ bằng 3/4 so với mức phạt cao nhất mà khung hình phạt áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên vi phạm.