Tình huống pháp lý: Ông Trần Văn K hiện tại đang muốn mở doanh nghiệp tham gia hoạt động cho thuê lại lao động. Nhưng ông lại chưa nắm rõ những quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề này. Ông Trần Văn K có câu hỏi như sau: Doanh nghiệp của tôi muốn tham gia hoạt động này phải đáp ứng điều kiện gì không? Hồ sơ thủ tục như thế nào? Những ngành nghề được cho thuê lại lao động... Hãy cùng Luật Ánh ngọc giải đáp những thắc mắc trên! Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho quý doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
1. Cho thuê lại lao động là gì?
Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động (khoản 1 Điều 52 BLLĐ năm 2019). Trong tình huống trên, ông Trần Văn có thể hiểu khái niệm này như sau: Người lao động giao kết hợp đồng với công ty ông, sau đó người lao động được công ty ông chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với công ty ông K.
2. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Căn cứ Điều 54 BLLĐ năm 2019 và hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 145/2020, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải đảm bảo các điều kiện: Được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.
Điều 21 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động đã đưa ra các điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động như sau:
"Điều 21. Điều kiện cấp giấy phép:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động phải bảo đảm điều kiện:
a) Là người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Không có án tích;
c) Đã có thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép.
2. Doanh nghiệp đã thực hiện ký quỹ 2.000.000.000 đồng (hai tỷ đồng)".
Như vậy, để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, ông K với tư cách là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện như không có án tích, phải có thời gian trực tiếp làm chuyên môn trong 1 khoảng thời gian nhất định trước khi đề nghị cấp giấy phép và phải là người quản lí theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh đó doanh nghiệp của ông K phải là doanh nghiệp đã thực hiện kí quỹ 2 tỷ đồng.
3. Thủ tục cấp giấy phép cho thuê lại lao động
3.1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp theo Mẫu số 05/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
- Bản lý lịch tự thuật của ông Trần Văn K theo Mẫu số 07/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
- Văn bản chứng minh thời gian trực tiếp làm chuyên môn hoặc quản lý về cho thuê lại lao động hoặc cung ứng lao động của ông Trần Văn K từ đủ 03 năm (36 tháng) trở lên trong thời hạn 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép là một trong các loại văn bản sau:
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp văn bản là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
+ Bản sao được chứng thực từ bản chính quyết định bổ nhiệm (đối với người làm việc theo chế độ bổ nhiệm) hoặc văn bản công nhận kết quả bầu (đối với người làm việc theo chế độ bầu cử) của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (đối với trường hợp là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cho thuê lại hoặc cung ứng lao động).Trường hợp văn bản là văn bản của nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt, chứng thực và được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định pháp luật.
- Giấy chứng nhận tiền ký quỹ hoạt động cho thuê lại lao động theo Mẫu số 01/PLIII Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ.
3.2. Trình tự cấp giấy phép cho thuê lại lao động
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép |
Ông Trần Văn K gửi 01 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ đã liệt kê ở trên đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để đề nghị cấp giấy phép. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy biên nhận ghi rõ ngày, tháng, năm nhận hồ sơ. Có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. |
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thẩm tra hồ sơ |
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đảm bảo theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động đối với doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo theo quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ. |
Bước 3: Xem xét, cấp giấy phép cho thuê lại lao động cho doanh nghiệp | Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cấp giấy phép đối với doanh nghiệp; trường hợp không cấp giấy phép thì có văn bản trả lời doanh nghiệp trong đó nêu rõ lý do không cấp giấy phép. |
4. Các trường hợp không được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại doanh nghiệp
Theo khoản 5 Điều 25 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ không được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại doanh nghiệp nếu rơi vào những trường hợp như sau:
a) Không bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 21 Nghị định này;
b) Đã sử dụng giấy phép giả để hoạt động cho thuê lại lao động;
c) Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép vì những lý do tại các điểm d, đ và điểm e khoản 1 Điều 28 Nghị định này trong 05 năm liền kề trước khi đề nghị cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động;
d) Có người đại diện theo pháp luật đã từng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng giấy phép giả.
Ngoài ra, còn có các trường hợp khác như đang bị phá sản, đang trong thời gian bị tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh và cho thuê lại.
5. Danh mục các công việc được cho thuê lại lao động
Theo Luật lao động của Việt Nam, danh mục 20 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động được quy định cụ thể tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Ông K với tư cách người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cần lưu ý đến các danh mục các ngành nghề được cho thuê lại lao động để tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Cụ thể:
1. Phiên dịch/Biên dịch/Tốc ký. | 2. Thư ký/Trợ lý hành chính. | 3. Lễ tân. | 4. Hướng dẫn du lịch. | 5. Hỗ trợ bán hàng. |
6. Hỗ trợ dự án. | 7. Lập trình hệ thống máy sản xuất. | 8. Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông. | 9. Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất. | 10. Dọn dẹp vệ sinh tòa nhà, nhà máy. |
11. Biên tập tài liệu. | 12. Vệ sĩ/Bảo vệ. | 13. Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại. | 14. Xử lý các vấn đề tài chính, thuế. | 15. Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô |
16. Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất. | 17. Lái xe. | 18. Quản lý, vận hành, bảo dưỡng và phục vụ trên tàu biển. | 19. Quản lý, giám sát, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng và phục vụ trên giàn khoan dầu khí. | 20. Lái tàu bay, phục vụ trên tàu bay/Bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay/Điều độ, khai thác bay/Giám sát bay. |
6. Một số câu hỏi hay gặp liên quan đến cho thuê lại lao động
6.1. Thời hạn cho thuê lại lao động là bao nhiêu?
Khoản 1 Điều 53 BLLĐ 2019 quy định: "Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng".Như vậy có thể thấy nếu ông K kí hợp đồng với người lao động về việc đưa người lao động làm việc ở 1 doanh nghiệp khác thì thời hạn tối đa cho thuê lại đối với người lao động là 12 tháng. Thêm vào đó, theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 145, thời hạn của Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động tối đa là 60 tháng và được gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn tối đa là 60 tháng. Nếu hết thời hạn cho thuê lại lao động thì công ty bạn vẫn có thể ký kết hợp đồng lao động mới với công ty cho thuê lại lao động cũ, tuy nhiên phải thực hiện ký kết với những người lao động thuê lại mới, không được ký kết với những người lao động cũ đã thuê trước đó.
6.2. Nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động
Hợp đồng cho thuê lại lao động là một văn bản pháp lý quan trọng trong việc thuê lại người lao động đã từng làm việc cho công ty hoặc tổ chức. Nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động thường gồm có các thông tin sau:
- Thông tin chung: Tên của hai bên, địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế.
- Điều khoản về thời hạn thuê lại lao động: Thời hạn thuê lại lao động được quy định rõ ràng và cụ thể, bao gồm thời gian bắt đầu và kết thúc của hợp đồng.
- Chức vụ và nơi làm việc: Hợp đồng sẽ quy định rõ vai trò, chức vụ
- Lương và phụ cấp: Bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp tiền ăn, xe cộ, điện thoại di động và các chính sách liên quan đến lương bổng theo quy định của Công ty.
- Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê và bên được thuê lại: Hợp đồng sẽ quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của cả hai bên trong quá trình thuê lại lao động.Thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép: Hợp đồng sẽ quy định rõ thời gian làm việc và các chế độ nghỉ phép theo quy định của Công ty.
- Điều khoản về việc chấm dứt hợp đồng: Bao gồm các điều kiện và thủ tục để chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật, các quy định liên quan đến bảo mật thông tin, bảo hiểm xã hội, bảo vệ lao động và các quy định khác liên quan đến việc cho thuê lại lao động.
Hợp đồng cho thuê lại lao động là một tài liệu quan trọng để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên khi thực hiện việc thuê lại lao động. Chính vì vậy, việc lập hợp đồng này cần được thực hiện đầy đủ, chính xác và tuân thủ đúng các quy định pháp luật của Việt Nam. Theo khoản 1 Điều 55 BLLĐ năm 2019, hợp đồng cho thuê lại lao động được ký kết dưới dạng văn bản giữa doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động. Hợp đồng này được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
Việc cho thuê lại lao động trong doanh nghiệp đã trở thành một thực tế phổ biến và cần thiết trong kinh doanh hiện nay. Tuy nhiên, để thực hiện thủ tục này đúng quy định và tránh các rủi ro pháp lý, hãy liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn thêm.