1. Thế nào là kinh doanh vận tải du lịch?

Theo Khoản 1 Điều 45 Luật Du lịch 2017 thì kinh doanh vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.
Hiện nay, việc thành lập công ty vận tải du lịch đang dần trở nên phổ biến xuất phát từ tiềm năng phát triển của ngành này. Cụ thể:
- Sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch: Du lịch nội địa và quốc tế tại Việt Nam đều có xu hướng tăng trưởng ổn định dẫn tới nhu cầu về dịch vụ vận chuyển để phục vụ du khách di chuyển giữa các điểm đến, tham quan, nghỉ dưỡng là rất lớn.
- Lợi nhuận kinh tế cao: Với nhu cầu cao và dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng, kinh doanh vận tải du lịch có thể mang lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp.
- Hỗ trợ từ Nhà nước: Hiện nay, Nhà nước đang có nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” do vậy các doanh nghiệp vận tải du lịch có cơ hội phát triển.
Tóm lại, việc thành lập công ty vận tải du lịch ngày càng trở nên phổ biến là một xu hướng tất yếu, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, nhu cầu đa dạng của du khách và tiềm năng phát triển của ngành.
2. Điều kiện thành lập công ty vận tải du lịch chi tiết

Theo Khoản 2 Điều 45 Luật Du lịch 2017 và Luật Doanh nghiệp 2020 thì để thành lập công ty vận tải du lịch, chủ thể có nhu cầu phải đảm bảo các điều kiện thành lập doanh nghiệp nói chung và điều kiện để hoạt động trong ngành nghề này nói riêng. Cụ thể:
2.1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp
(a); Chủ thể thành lập: Pháp luật hiện hành quy định chủ sở hữu công ty phải là cá nhân đủ năng lực hành vi dân sự hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân. Đồng thời, người thành lập công ty không được rơi vào trường hợp cấm của pháp luật như cán bộ, công chức, viên chức nhà nước,...
(b); Tên doanh nghiệp: Theo Luật Doanh nghiệp 2020, tên của công ty phải bao gồm 2 bộ phận: loại hình doanh nghiệp và tên riêng. Bên cạnh đó, tên đặt không được trùng, gây nhầm lẫn với tên công ty đã thành lập trước đó.
Mặt khác, pháp luật cũng đưa ra một số quy định cấm trong đặt tên công ty như không được sử dụng tên của cơ quan nhà nước….nhằm phòng tránh các doanh nghiệp tiến hành cạnh tranh không lành mạnh.
(c); Vốn điều lệ: Đối với các ngành không đặt ra quy định về mức vốn pháp định thì việc để vốn điều lệ bao nhiêu phụ thuộc vào quy mô và nhu cầu kinh doanh của chính doanh nghiệp.
Theo Luật Du lịch 2017 và Nghị định 10/2022/NĐ-CP thì đối với ngành kinh doanh vận tải du lịch pháp luật không đặt ra mức vốn tối thiểu.
(d); Trụ sở chính: Theo Điều 42 Luật doanh nghiệp 2020 thì trụ sở chính của doanh nghiệp phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính
Đồng thời, doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp với địa điểm đặt trụ sở chính thông qua giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê mướn địa điểm đó.
2.2. Điều kiện hoạt động công ty vận tải du lịch
Theo Luật Du lịch 2017 và Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải du lịch phải đáp ứng các điều kiện để hoạt động ngành nghề này. Cụ thể:
(a); Điều kiện kinh doanh vận tải: Căn cứ Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì trường hợp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, chủ thể có nhu cầu cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp hoặc của thành viên hợp tác xã nếu có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã.
- Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe.
- Trường hợp vận tải hành khách theo tuyến cố định: xe ô tô phải có sức chứa từ 08 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) và không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300km, còn lại không quá 20 năm.
- Trường hợp vận tải hành khách theo hợp đồng: xe ô tô phải có sức chứa trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) không quá 15 năm đối với xe hoạt động trên tuyến cự ly trên 300km, còn lại không quá 20 năm. Nếu sức chứa dưới 08 chỗ thì niên hạn sử dụng không quá 12 năm.
(b); Điều kiện về phương tiện vận tải: Theo Thông tư 42/2017/TT-BGTVT thì công ty vận tải du lịch muốn hoạt động hợp pháp còn phải đáp ứng các yêu cầu pháp luật đặt ra cho phương tiện vận tải.
Đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường bộ: Bên cạnh những điều kiện chung đã phân tích ở trên, phương tiện vận tải còn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin, bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố.
- Trường hợp xe ô tô dưới 09 chỗ: phải có điều hòa nhiệt độ, thùng chứa đồ uống, dụng cụ y tế sơ cấp cứu, túi thuốc dự phòng, dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe.
- Trường hợp xe ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ: ngoài những tiện nghi như xe ô tô dưới 09 chỗ, xe còn phải trang bị thêm rèm cửa chống nắng, bảng hướng dẫn an toàn, thùng đựng rác.
- Trường hợp xe ô tô từ 24 chỗ trở lên (trừ ô tô chuyên dụng caravan): bên cạnh những nội thất như 02 trường hợp trên, phương tiện còn phải có thêm micro, nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch; có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật.
Đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa: Ngoài những điều kiện chung, loại hình vận tải này còn phải đáp ứng các điều kiện riêng về phương tiện vận tải:
- Phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo.
- Chuẩn bị số lượng phao, áo phao cho toàn bộ du khách trên tàu.
- Trường hợp phương tiện từ 12 - 20 ghế ngồi: phải có bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách; có biểu đồ hành trình tuyến du lịch; có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.
- Trường hợp phương tiện từ 20 - 50 ghế ngồi: ngoài những thiết bị như phương tiện 12 - 20 ghế, còn cần thêm dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn. Đồng thời đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ tại khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có).
- Trường hợp phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên: ngoài nội thất như 02 trường hợp trên, còn phải chuẩn bị mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch; phòng vệ sinh.
(c); Điều kiện về nhân viên phục vụ:
Đối với vận tải khách du lịch đường bộ: nhân viên phục vụ phải đáp ứng các điều kiện:
- Được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.
- Trường hợp lái xe cũng là nhân viên phục vụ thì tập huấn nghiệp vụ du lịch như nội dung tập huấn cho nhân viên phục vụ.
Đối với vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa: nhân viên phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nhân viên phục vụ phải được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời, được huấn luyện về cứu sinh, cứu hỏa, cứu đắm và sơ cứu y tế.
- Nhân viên phục vụ phải được đơn vị kinh doanh vận tải tập huấn nghiệp vụ du lịch, trừ trường hợp nhân viên phục vụ là Hướng dẫn viên du lịch hoặc đã được bồi dưỡng, đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc các ngành có liên quan tại các cơ sở đào tạo từ trung cấp nghiệp vụ du lịch trở lên.
(d); Điều kiện về phù hiệu phương tiện vận tải: Theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì tùy loại hình mà yêu cầu về phù hiệu có sự khác nhau. Cụ thể:
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định: có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Đối với xe ô tô sử dụng để vận tải trung chuyển hành khách: có phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
- Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng: có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe và phải niêm yết đầy đủ các thông tin khác trên xe.
3. Quy trình thành lập công ty vận tải du lịch
Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP và Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì quy trình thành lập công ty vận tải du lịch gồm những bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty vận tải du lịch
Đây là bước khởi đầu, quyết định quá trình thành lập công ty dài hay ngắn. Theo đó, bộ hồ sơ đầy đủ bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo Mẫu I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và chủ sở hữu công ty. Hoặc bản sao giấy tờ pháp lý và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền nếu là đại diện theo ủy quyền.
Bước 2: Nộp hồ sơ thành lập
Sau khi chuẩn bị đủ giấy tờ, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ tới Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính. Hình thức nộp hồ sơ có thể là một trong các hình thức dưới đây:
- Trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người nộp hồ sơ.
Bước 4: Xin giấy phép kinh doanh vận tải
Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty vận tải du lịch đã tồn tại như một thực thể pháp lý. Tuy nhiên, để hoạt động trong lĩnh vực này, công ty cần phải có giấy phép kinh doanh vận tải.
Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP.
- Bản sao hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc bản chính các giấy tờ sau: Văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải; Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ bộ phận quản lý an toàn của doanh nghiệp; Quyết định giao nhiệm vụ đối với người điều hành vận tải.
Sau khi đủ giấy tờ, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, trực tuyến, dịch vụ bưu chính.
Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến doanh nghiệp.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan thực hiện cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho doanh nghiệp.
Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty về giáo dục
4. Những lưu ý quan trọng khi thành lập công ty vận tải du lịch
Để công ty vận tải du lịch hoạt động hiệu quả, hợp pháp, doanh nghiệp không chỉ cần quan tâm điều kiện thành lập mà còn phải lưu ý tới những thủ tục sau thành lập. Cụ thể như sau:
4.1. Mã ngành đăng ký
Đây là một yếu tố quan trọng, là bước đầu đặt nền móng để công ty có thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch. Theo đó, công ty phải đăng ký mã ngành phù hợp mới có thể thực hiện hoạt động kinh doanh.
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg thì để thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải du lịch, doanh nghiệp cần đăng ký mã ngành sau:
STT |
Mã ngành |
Tên ngành |
1 |
4932 |
Vận tải hành khách đường bộ khác (trừ vận tải bằng xe buýt theo tuyến cố định) |
2 |
4931 |
Vận tải hành khách bằng xe buýt theo tuyến cố định |
3 |
5011 |
Vận tải hành khách ven biển và viễn dương Chi tiết: Hoạt động của tàu thuyền du lịch hoặc thăm quan. |
4 |
5229 |
Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải |
5 |
7920 |
Dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch chi tiết: Các dịch vụ phục vụ khách du lịch (không bao gồm kinh doanh phòng hát Karaoke, quán bar, vũ trường) |
6 |
7911 |
Đại lý du lịch |
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty vận tải ở Việt Nam
4.2. Thực hiện các thủ tục sau thành lập
Ngoài những thủ tục thành lập doanh nghiệp, công ty còn phải thực hiện các thủ tục sau thành lập để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi, hợp pháp.
- Công bố thông tin: trong vòng 30 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận, công ty tiến hành công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Khắc dấu công ty: Sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần khắc dấu và đăng ký dấu để thực hiện giao dịch, ký kết hợp đồng và đảm bảo tính pháp lý cho các văn bản do doanh nghiệp phát hành.
- Mua chữ ký số: Đây không phải thủ tục bắt buộc nhưng hiện nay nhiều hoạt động về thuế,...đều thực hiện trực tuyến cần chữ ký số nên thủ tục này nên được hoàn thành sớm.
- Treo biển bảng: Sau khi có mã số doanh nghiệp và mã số thuế, công ty phải làm biển công ty và treo tại địa chỉ ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Đăng ký thuế: Sau khi thành lập, doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đặt trụ sở chính và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ theo quy định pháp luật.
- Hóa đơn điện tử: Theo luật quản lý thuế 2019 thì hiện nay các doanh nghiệp bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nên doanh nghiệp cần mua hóa đơn điện tử và thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế để có thể xuất hóa đơn.
Trên đây chúng tôi đã đưa ra và phân tích một số lưu ý cơ bản khi thành lập công ty vận tải du lịch, quý bạn đọc có thể tham khảo và thực hiện để đảm bảo công ty hoạt động đúng pháp luật.
>>>> Xem thêm bài viết: Phí, lệ phí xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
5. Một số câu hỏi thường gặp
Luật Ánh Ngọc có cung cấp dịch vụ thành lập công ty vận tải du lịch không?
Có. Luật Ánh Ngọc đã hoàn tất thủ tục thành lập công ty cho nhiều khách hàng có nhu cầu, trong đó có thành lập công ty vận tải du lịch.
Hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch bao gồm những gì?
Hiện nay, theo Nghị định 158/2024/NĐ-CP thì pháp luật đã bỏ quy định về vận tải khách du lịch. Tuy nhiên trên thực tế, việc kinh doanh này bao gồm những hoạt động sau:
- Vận tải hành khách theo tuyến cố định.
- Vận tải hành khách theo hợp đồng.
- Vận tải hành khách kết hợp tham quan du lịch.
Mất bao lâu công ty có thể hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch?
Để thực hiện hết 02 giai đoạn: thành lập công ty và xin Giấy phép kinh doanh vận tải, quý khách hàng thường mất 15 - 30 ngày.
Qua bài viết về điều kiện thành lập công ty vận tải du lịch, hy vọng quý khách hàng đã hiểu rõ hơn về yêu cầu pháp luật đặt ra để thành lập công ty trong lĩnh vực này. Nếu có câu hỏi cần giải đáp hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!