Quy định của pháp luật về lao động trẻ em tại Việt Nam


Quy định của pháp luật về lao động trẻ em tại Việt Nam

Tình huống pháp lý: Hiện anh M đang là chủ một công ty sản xuất giày da. Do khối lượng công việc nhiều mà đang là thời điểm nghỉ hè của học sinh nên anh M muốn sử dụng lao động trẻ em. Tuy nhiên anh chưa có hiểu biết nhiều về vấn đề này nên muốn tư vấn một số nội dung sau: Như thế nào là lao động trẻ em? Điều kiện để được ký hợp đồng với trẻ em là gì? Nội dung hợp đồng ra sao.. Hãy cùng luật Ánh Ngọc tìm hiểu để có thể nắm được quy định của pháp luật.

1. Căn cứ pháp lý

2. Lao động trẻ em là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019: "người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp khác." Khoản 1 Luật trẻ em 2016 lại quy định: "Trẻ em là người dưới 16 tuổi". Như vậy, anh M có thể hiểu một cách đơn giản như sau: lao động trẻ em là người đủ 15 tuổi làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người đó

3. Điều kiện để ký hợp đồng với lao động trẻ em dưới 15 tuổi

Điều kiện ký hợp đồng với lao động dưới 15 tuổi
Điều kiện ký hợp đồng với lao động dưới 15 tuổi

 

Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động về lao động chưa thành niên chỉ ra rằng để ký hợp đồng lao động với người chưa đủ 15 tuổi, người có thẩm quyền ký hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động (trong trường hợp này là anh M) sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em;
  • Có Bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em theo Mẫu số 02 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 09.

Thêm vào đó, nếu sử dụng người lao động chưa đủ 13 tuổi thì anh M phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền như sau.

  • Nếu NSDLĐ là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…;
  • Nếu NSDLĐ là hộ gia đình, cá nhân: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đăng ký hộ khẩu thường trú/tạm trú.

Như vậy, trong trường hợp cần tư vấn, nếu anh M muốn thuê lao động trẻ em chưa đủ 13 tuổi làm việc cho công ty sản xuất giày da của mình thì phải có sự đồng ý của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi có địa chỉ được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên anh M mới có thể ký hợp đồng lao động với lao động trẻ em dưới 15 tuổi.

4. Hợp đồng lao động với lao động trẻ em

4.1. Hợp đồng có phải lập thành văn bản không?

Theo điểm a khoản 1 Điều 145 BLLĐ năm 2019:" Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định sau đây: Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó". Theo quy định trên công ty của anh M bắt buộc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động chưa đủ 15 tuổi và người đại diện của họ (người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền).

4.2. Hợp đồng lao động phải có những nội dung gì?

HĐLĐ với lao động dưới 15 tuổi cần những nội dung gì.

HĐLĐ với lao động dưới 15 tuổi cần những nội dung gì.

 

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 09/2020/TT-BLĐTBXH và Điều 21 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng giữa công ty của anh M và lao động dưới 15 tuổi phải đảm bảo các nội dung sau:

  • Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
  • Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi cư trú; số điện thoại (nếu có); số thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi;
  • Công việc và địa điểm làm việc;
  • Chỗ ở đối với người chưa đủ 15 tuổi làm việc xa gia đình;
  • Thời hạn của hợp đồng lao động; mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương;
  • Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
  • Việc bảo đảm điều kiện học tập; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
  • Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

5. Chế độ làm việc dành cho lao động trẻ em

5.1. Công việc và nơi làm việc

 

Công việc và nơi làm việc cho lao động dưới 15 tuổi.
Công việc và nơi làm việc cho lao động dưới 15 tuổi.

 

Theo Điều 143 BLLĐ năm 2019, người lao động dưới 15 tuổi được làm những công việc sau:

  • Nếu chưa đủ 13 tuổi: theo khoản 3 Điều 145 BLLĐ 2019 thì chỉ được làm công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
  • Nếu từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi: theo quy định tại khoản 3 Điều 143 BLLĐ 2019 gồm: Biểu diễn nghệ thuật, vận động viên thể thao, lập trình phần mềm; các nghề truyền thống: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; làm trống,…gói nem, gói kẹo, gói bánh (trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói), nuôi tằm; chăn thả gia súc tại nông trại; phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản...

Trong trường hợp này, nếu công ty anh M muốn thuê lao động trẻ em thì cần lưu ý đến độ tuổi của người lao động để phân bổ công việc một cách hợp lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra công ty cần lưu ý vấn đề không được bóc lột sức lao động của những đối tượng này.

5.2. Thời gian làm việc

Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc của người chưa thành niên như sau: "Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm".

Người chưa đủ 15 tuổi vừa làm việc vừa học tập hoặc có nhu cầu học tập thì việc bố trí thời giờ làm việc của công ty anh M cho người lao động phải bảo đảm không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

5.3. Thời giờ nghỉ ngơi

Người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động. theo Điều 109 BLLĐ 2019 thì công ty anh M có thể tham khảo thời giờ nghỉ ngơi như sau: người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.

Trường hợp Quý khách hàng cần tư vấn và thắc mắc về quy định của pháp luật khi sử dụng lao động trẻ em, xin hãy liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn.

 

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.