Công chứng giấy uỷ quyền là gì?


Công chứng giấy uỷ quyền là gì?
Khái niệm về giấy ủy quyền thường được nhắc đến nhiều trong các giao dịch dân sự về bất động sản và các hoạt động trong thủ tục hành chính. Thực tế hiện nay, khi thực hiện yêu cầu công chứng, một số cơ quan có thẩm quyền sẽ đề nghị thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền thay vì giấy ủy quyền.

1. Công chứng giấy ủy quyền là gì?

Giấy ủy quyền là một loại văn bản được sử dụng để xác lập quyền đại diện giữa người được ủy quyền và người ủy quyền (cả cá nhân và tổ chức) trong việc đại diện một phần hoặc toàn bộ quyền hạn và nghĩa vụ của người được đại diện, mặc dù pháp luật Việt Nam chưa cụ thể định nghĩa khái niệm này.

Giấy ủy quyền
Giấy ủy quyền

Công chứng giấy ủy quyền là việc xác nhận và chứng nhận tính chính xác và hợp pháp của nội dung văn bản ủy quyền tại cơ quan có thẩm quyền bởi công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng.

2. Các trường hợp cần công chứng giấy ủy quyền

Theo quy định, việc công chứng có thể thực hiện tự nguyện theo yêu cầu của người có yêu cầu công chứng. Nhưng trong một số trường hợp nhất định theo quy định pháp luật, cần có sự xác nhận tính xác thực và hợp pháp của giấy ủy quyền nên quý khách hàng cần phải thực hiện công chứng giấy ủy quyền theo quy định.

Các trường hợp phải công chứng giấy ủy quyền:

Theo quy định Luật Công chứng thì không có thủ tục công chứng giấy uỷ quyền mà chỉ đề cập đến công chứng Hợp đồng uỷ quyền. Do đó, giấy uỷ quyền không cần phải công chứng.

Tuy nhiên, căn cứ điểm d khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về việc chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền. Theo đó, giấy ủy quyền chỉ được chứng thực chữ ký trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.

Xem thêm bài viết: Khi nào cần lập giấy uỷ quyền nhà đất? Những lưu ý khi uỷ quyền?

3. Thủ tục công chứng giấy ủy quyền

Tương tự với những văn bản, hợp đồng, giao dịch có yêu cầu công chứng, việc công chứng giấy ủy quyền được thực hiện theo thủ tục sau đây:

Thành phần hồ sơ: Phiếu yêu cầu công chứng, Giấy tờ pháp lý, giấy ủy quyền cần công chứng, giấy tờ chứng minh liên quan đến nội dung giấy ủy quyền.

Nội dung giấy ủy quyền:

  • Thông tin của bên ủy quyền và bên được ủy quyền: Họ và tên (đối với cá nhân), tên doanh nghiệp (đối với tổ chức), mã số giấy tờ pháp lý, địa chỉ, số điện thoại, thông tin người đại diện, chức vụ,...
  • Nội dung ủy quyền (phạm vi ủy quyền);
  • Hiệu lực, giá trị pháp lý của giấy ủy quyền;
  • Chữ ký của bên ủy quyền và bên được ủy quyền.

Cơ quan thực hiện:

Luật Công chứng 2014 quy định tổ chức hành nghề công chứng bao gồm:

  • Phòng công chứng (tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh);
  • Phòng công chứng (tại Sở tư pháp);
  • Văn phòng công chứng.

Quý khách hàng có thể tìm đến những cơ quan trên trong khu vực lân cận để thực hiện thủ tục công chứng giấy ủy quyền một cách thuận tiện nhất.

Thời gian thực hiện:

Theo Điều 43 Luật Công chứng 2014 quy định, thời hạn công chứng có thể kéo dài từ 02 - 10 ngày làm việc tùy theo nội dung công chứng phức tạp hay đơn giản. 

Thông thường trên thực tế, nếu quý khách hàng đã chuẩn bị đầy đủ các thành phần hồ sơ theo yêu cầu, kết quả công chứng sẽ được hoàn thành cùng ngày yêu cầu công chứng.

4. Giải đáp thắc mắc 

4.1. Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng không? 

Theo quy định Luật Công chứng thì không có thủ tục công chứng giấy uỷ quyền mà chỉ đề cập đến công chứng Hợp đồng uỷ quyền. Do đó, giấy uỷ quyền không cần phải công chứng.

Ngoài ra, quý khách hàng vẫn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục công chứng nếu có nhu cầu.

Xem thêm bài viết: Mẫu GIẤY ỦY QUYỀN mới nhất

4.2. Bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đi công chứng thì phải làm gì?

Về bản chất, ủy quyền là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền, tuy nhiên, pháp luật quy định khi thực hiện thủ tục công chứng thì cần có sự có mặt của cả hai bên. Do đó, trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đi công chứng thì hai bên có thể thực hiện công chứng lần lượt.

Cụ thể, khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014 quy định bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.