1. Thực trạng mở phòng khám ngoài giờ hiện nay
Mở phòng khám ngoài giờ đang là xu hướng phổ biến hiện nay tại Việt Nam, mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh nhân và đội ngũ y tế. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, vẫn tồn tại một số hạn chế cần được quan tâm và giải quyết.
Ưu điểm:
- Tiện lợi cho bệnh nhân: Bệnh nhân có thể linh hoạt sắp xếp thời gian khám chữa bệnh phù hợp với công việc và cuộc sống, đặc biệt là những người bận rộn;
- Giảm tải cho hệ thống y tế công lập: Góp phần giảm bớt tình trạng quá tải tại các bệnh viện công, giúp bệnh nhân được khám chữa bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hạn chế:
- Nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng dịch vụ: Một số phòng khám mở ngoài giờ do thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, có thể dẫn đến tình trạng "chạy theo lợi nhuận", sử dụng thuốc giả, kê đơn thuốc không hợp lý, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân;
- Gây áp lực cho đội ngũ y tế: Việc làm thêm ngoài giờ có thể khiến các bác sĩ, y tá quá tải công việc, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng khám chữa bệnh.
2. Điều kiện mở phòng khám ngoài giờ
2.1 Điều kiện về người thành lập của phòng khám
Theo quy định tại Luật viên chức 2010 và Luật Doanh nghiệp, những bác sĩ là cán bộ, công viên chức đang làm việc tại bệnh viện của nhà nước sẽ không được phép đứng ra lập nên hay quản lý một bệnh viện tư nhân khác. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể mở phòng khám ngoài giờ, có thể là phòng khám đa khoa, phòng khám nha khoa hay phòng khám y học cổ truyền,... phù hợp với chuyên môn y khoa của mình.
Đối với trường hợp bác sĩ làm tại các bệnh viện thuộc nhà nước nhưng chưa phải là cán bộ, công viên chức thì vẫn được quyền lựa chọn thành lập một bệnh viện tư nhân, tức là được tự do thành lập cơ sở kinh doanh ngoài giờ theo hình thức doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh.
Xem thêm bài viết: Điều kiện, hồ sơ, thủ tục để thành lập phòng khám Nha khoa
2.2 Điều kiện về nhân sự tại phòng khám
Điều kiện về người chịu trách nhiệm về phòng khám:
- Chứng chỉ hành nghề phải hợp lệ và chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề phải tương thích với lĩnh vực kinh doanh của phòng khám;
- Kinh nghiệm khám và chữa bệnh tối thiểu 36 tháng kể từ khi được phát chứng chỉ hành nghề. Hoặc ít nhất 54 tháng trực tiếp tham gia các hoạt động khám và chữa bệnh;
- Là người lao động cơ hữu tại phòng khám, làm việc đủ theo thời gian đăng ký với cơ quan thẩm quyền, thông thường là 8 tiếng/ ngày.
Điều kiện nhân sự tại phòng khám:
- Các nhân sự khác thực hiện nhiệm vụ theo phân công của người chịu trách nhiệm;
- Việc phân công phải phù hợp với chuyên môn được đề cập trên chứng chỉ hành nghề của nhân sự.
2.3. Điều kiện cơ sở vật chất
- Địa điểm phòng khám phải cố định (trừ các trường hợp đăng ký khám chữa bệnh lưu động) vị trí cao ráo, tránh xa sự ô nhiễm;
- Không gian phòng khám thoáng đãng, sạch sẽ, không tạo cảm giác bí bách;
- Thực hiện các trang bị về phòng cháy chữa cháy và an toàn bức xạ;
- Bố trí khu vực riêng dùng để tiệt trùng các thiết bị, dụng cụ y tế tái sử dụng;
- Có các khu vực dành cho việc tiếp khách, ngồi chờ, tư vấn, khám và chữa trị,...
2.4. Điều kiện trang thiết bị
- Trang thiết bị và vật tư y tế phù hợp với phạm vi hoạt động, chuyên khoa của phòng khám;
- Đối với cơ sở điều trị bệnh nghề nghiệp phải có bộ xét nghiệm sinh hóa;
- Đối với phòng khám tư vấn sức khỏe phải có các phương tiện viễn thông, công nghệ thông tin phù hợp với phạm vi kinh doanh.