1. Nợ xấu ngân hàng là gì?
Có thể hiểu nợ xấu ngân hàng là những khoản vay mà ngân hàng cho khách hàng vay nhưng khách hàng vay không thể trả khi đến hạn trả nợ (nợ quá hạn). Theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư 11/2021/TT-NHNN, nợ xấu là nợ xấu nội bảng, gồm nợ nhóm 3,4 và 5.
Như vậy, nợ xấu ngân hàng bao gồm 03 loại nợ quá hạn như sau:
- Nợ nhóm 3 là khoản nợ quá hạn từ 91 đến 180 ngày, khoản nợ được gia hạn nhưng lại quá hạn dưới 30 ngày, và những món nợ được gia hạn lần hai;
- Nợ nhóm 4 là khoản nợ quá hạn từ 181 ngày đến 360 ngày hoặc có thêm khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn đến 90 ngày; khoản nợ phải thu hồi nợ trước thời hạn của chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng vi phạm thỏa thuận chưa thu hồi được trong thời gian từ 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi;
- Nợ nhóm 5 là khoản nợ quá hạn trên 360 ngày hoặc khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu quá hạn từ 91 ngày trở lên theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại từ đầu; khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn trở lên; khoản nợ phải thu hồi theo quy định thu hồi nợ mà chưa thu hồi được;
Bản chất của nợ xấu có thể xem như một dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn của ngân hàng trong trường hợp ngân hàng xác định không thể thu hồi lại được khoản nợ và bị xóa sổ khỏi danh sách các khoản nợ phải thu do doanh nghiệp, cá nhân vay làm ăn thua lỗ, phá sản, không có khả năng chi trả,…
2. Tại sao chúng ta cần tra cứu nợ xấu?
Việc tra cứu nợ xấu giúp khách hàng nắm bắt được khả năng tài chính của mình cũng như các khoản vay cần thanh toán. Trường hợp khách hàng có nợ xấu sẽ gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực như:
- Nợ xấu khiến uy tín của khách hàng bị giảm sút. Trong một số trường hợp, nợ xấu là lý do khiến khách hàng bị hạn chế một số giao dịch nhất định như bị hạn chế vay vốn, mua nhà (nếu có nợ xấu nhóm 2, nhóm 5), …
- Đối với nợ xấu nhóm 2, khách hàng chỉ được tiếp tục vay sau 01 năm;
- Đối với nợ xấu nhóm 3,4,5: Khách hàng chỉ có thể tiếp tục vay sau 05 năm;
- Có thể bị thu hồi tài sản. Trong trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ có thể bị ngân hàng khởi kiện, đồng thời có thể bị thu hồi tài sản để thanh toán khoản vay;
- Khi có nợ xấu, khách hàng phải chịu phí phạt quá hạn rất cao do lãi suất được tính dựa trên số tiền gốc.
- Bị lưu thông tin trên Trung tâm dữ liệu tín dụng quốc gia CIC trong thời gian từ 03 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên các tổ chức tín dụng, nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin với nội dung chưa trả nợ xấu hoặc tài khoản phát sinh nợ xấu, gửi dẫn đường link dẫn đến khi chúng ta nhấn vào đường link có thể bị ăn cắp thông tin, số tài khoản ngân hàng,…
3. Cách tra cứu nợ xấu
Hiện nay, khi khách hàng vay tiền tại ngân hàng, lịch sử tín dụng sẽ được lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu tín dụng quốc gia CIC. Do đó, để tra cứu nợ xấu ngân hàng, chúng ta có thể thực hiện thông qua CIC.
3.1. Tra cứu thông tin nợ xấu qua CIC
Bước 1: Truy cập trang web: https://cic.gov.vn/ và đăng ký tài khoản. Lưu ý cung cấp đầy đủ thông tin, căn cước công dân, số điện thoại chính chủ đã từng sử dụng để vay vốn...
Bước 2: Sau khi được cung cấp tài khoản đăng nhập, tiến hành tra cứu thông tin trong mục “Khai thác báo cáo”.
Bước 3: Chọn loại Báo cáo muốn khai thác, xác thực khách hàng, chọn mua báo cáo tín dụng.
Bước 4: Thanh toán và nhận báo cáo.
Tương tự như trên trang web, độc giả có thể tra cứu thông qua ứng dụng “CIC credit connect" trên điện thoại thông qua CH Play hoặc Appstore. Sau khi tải về ứng dụng, độc giả tiến hành đăng ký tài khoản tương tự như trên trang web. Để tra cứu nợ xấu, độc giả chọn mục “Kiểm tra CIC” và “Báo cáo tín dụng thể nhân” để tra cứu.
Tuy nhiên, khi tra cứu trên CIC, độc giả chỉ được miễn phí 01 lần truy cập tra cứu đầu năm. Mỗi lần tra cứu sau thì sẽ mất phí là 20.000 đồng/lượt đối với báo cáo thông tin tín dụng cá nhân và 50.000 đồng đối với báo cáo thông tin tín dụng doanh nghiệp;
3.2. Tra cứu nợ xấu ngân hàng trực tiếp
Bên cạnh việc tra cứu nợ xấu ngân hàng online qua CIC, độc giả có thể mang căn cước công dân và các giấy tờ liên quan đến trực tiếp tại các Ngân hàng, Tổ chức tín dụng mà mình từng sử dụng khoản vay hoặc trụ sở của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC để được hỗ trợ.
Địa chỉ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC:
Tại Hà Nội: Số 10 Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội.
Tại Hồ Chí Minh: Tầng 1, số 68 Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1. Phải làm gì khi có nợ xấu?
Trước tiên, cần xem xét kỹ về hợp đồng vay, thông tin vay xem có chính xác là khoản vay mình đã từng đăng kí hay không. Trường hợp nội dung chính xác thì cần nhanh chóng thực hiện tất toán, thanh toán toàn bộ khoản nợ. Trường hợp chưa có khả năng chi trả, độc giả có thể xin gia hạn khoản vay. Trường hợp khoản vay không chính xác thì cần liên hệ với ngân hàng để làm việc.
Xem thêm bài viết: Thời gian xoá nợ xấu và biện pháp khắc phục
4.2. Xử lý thông tin tra cứu nợ xấu bị sai lệch, thiếu sót?
Trường hợp sau khi tra cứu, độc giả phát hiện thông tin tín dụng bị sai sót thì có thể phản ánh với CIC qua số điện thoại 1800585891 hoặc tại website của CIC: http://cic.gov.vn, chuyên mục “Khiếu nại/phản hồi”. Lưu ý độc giả nên gửi kèm giấy tờ chứng minh để quá trình xử lý diễn ra thuận tiện, nhanh chóng.
4.3. Làm sao để tránh nợ xấu?
- Chỉ thực hiện vay vốn trong trường hợp thực sự cần thiết và đảm bảo khả năng trả nợ của bản thân;
- Thường xuyên kiểm tra thông tin tín dụng, có kế hoạch trả nợ đầy đủ và đúng hạn;
- Không nên phát sinh nhiều khoản nợ mới khi vẫn còn nhiều khoản nợ cùng lúc;
- Không cho người khác mượn giấy tờ cá nhân, CCCD để thực hiện giao dịch tài chính hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho các bên cung cấp dịch vụ;
- Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan chức năng.