1. Chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại được hiểu là gì?
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 302 Luật Thương mại 2005 có định nghĩa về bồi thường thiệt hại. Trong đó, bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
Mặt khác, theo quy định Khoản 3 Điều 292 Luật Thương mại 2005, buộc bồi thường thiệt hại là một trong các loại chế tài trong thương mại.
Như vậy, chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại có thể được hiểu là hình phạt dành cho bên vi phạm trong hợp đồng thương mại khi có thiệt hại xảy ra. Trong hợp đồng thương mại, nếu một bên vi phạm hợp đồng và không thực hiện nghĩa vụ hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ gây ra những tổn thất cho bên còn lại thì bên còn lại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất khi bên vi phạm hợp đồng gây ra.
Hình huống ví dụ:
Công ty A tổ chức chương trình tri ân khách hàng. Mỗi khách hàng đặt hàng tại công ty A, hợp đồng trên 100 triệu sẽ được tặng một chiếc xe điện. Do đó, công ty A và công ty B giao kết hợp đồng thương mại mua bán hàng hoá là một lô xe điện do công ty B sản xuất. Nghĩa vụ của công ty A là giao tiền và nghĩa vụ của công ty B là giao hàng theo đúng số lượng, chất lượng.
Tuy nhiên đến ngày hẹn như trong hợp đồng, công ty B chỉ giao được một nửa số hàng theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, công ty A không có đủ số xe để giao đến cho khách hàng. Do đó, các khách hàng của công ty A đã huỷ hợp đồng, khiến công ty A phải chịu tổn thất lớn. Như vậy, bên công ty B đã vi phạm hợp đồng và hành vi của công ty B là hậu quả trực tiếp khiến bên A bị tổn thất lớn. Do đó, bên A có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
2. Quy định về chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại
2.1. Không được áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại khi nào?
Không được áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại khi bên vi phạm hợp đồng thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại dưới đây:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Ngoài ra, khi thuộc một trong các trường hợp trên thì bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm. Và bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm và hậu quả có thể sảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại.
2.2. Các yếu tố phát sinh nhằm áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại
Để có thể áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại cần đưa ra những căn cứ về các yếu tố phát sinh trong quá trình hợp đồng thương mại còn hiệu lực. Các yếu tố phát sinh bao gồm:
Trong đó:
- Có hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi (một hoặc nhiều) bên vi phạm nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng thương mại mà hai bên đã ký kết;
- Có thiệt hại thực tế là hành vi vi phạm nghĩa vụ thỏa thuận của người vi phạm nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng thương mại đã ký kết và hành vi vi phạm đó gây ra những thiệt hại thực tế đối với các bên còn lại trong hợp đồng;
- Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Khi đó, giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
2.3. Nghĩa vụ cần thực hiện khi áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại
Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải tuân thủ các nghĩa vụ cần thực hiện nghĩa cụ chứng minh và áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra. Các nghĩa vụ phải được đảm bảo bao gồm:
- Nghĩa vụ chứng minh tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
- Nghĩa vụ hạn chế tổn thất
Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được.
2.4. Mức phạt khi không thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại đúng với thời gian quy định trên hợp đồng
Thực tế, khi lập hợp đồng thương mại, các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Ngoài ra, có một vài trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Vậy nên khi không thực hiện chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại đúng với thời gian quy định trên hợp đồng thì các bên có thể dựa vào mức phạt đã được thỏa thuận nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Trên đây với những thông tin về chế tài bồi thường thiệt hại trong Luật Thương mại được quy định như thế nào? Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp sẽ giúp ích đến với vấn đề mà khách hàng đã gặp phải