Thủ tục giải thể doanh nghiệp hiện nay


Thủ tục giải thể doanh nghiệp hiện nay
Thủ tục giải thể là thủ tục đóng công ty khi không còn nhu cầu hoạt động nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp đó. Vậy thủ tục giải thể thực hiện như thế nào? Trong bài viết hôm nay, Luật Ánh Ngọc sẽ hướng dẫn cụ thể tám bước cá nhân, tổ chức đóng cửa công ty.

1. Giải thể doanh nghiệp là gì?

Tiếp tục hoạt động kinh doanh không phải lúc nào cũng là quyết định đúng đắn cho một doanh nghiệp. Đôi khi, việc giải thể doanh nghiệp có thể là một quyết định sáng suốt và cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Quá trình giải thể doanh nghiệp có thể gây ra những rắc rối phức tạp, từ việc hoàn thành các thủ tục pháp lý đến xử lý tài chính và các yếu tố khác.

Theo quy định của pháp luật, giải thể doanh nghiệp được hiểu là: Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.

2. Thủ tục giải thể doanh nghiệp

Thủ tục giải thể doanh nghiệp?
Tám bước để đóng cửa công ty

2.1. Thông qua quyết định giải thể doanh nghiệp

Quyết định giải thể doanh nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.
  • Lý do giải thể là gì?
  • Thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp; thời hạn thanh toán nợ, thanh lý hợp đồng không được vượt quá 06 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.
  • Phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.
  • Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

2.2. Gửi thông báo giải thể doanh nghiệp

Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thông báo tới các cơ quan khác nhau trong khi thực hiện các thủ tục khác nhau tương tự.

  • Gửi tới Sở Kế hoạch và đầu tư để làm thủ tục Công bố giải thể doanh nghiệp.
  • Gửi tới cơ quan Hải quan để làm thủ tục Xác nhận nghĩa vụ hải quan.
  • Gửi tới cơ quan bảo hiểm làm thủ tục chốt nghĩa vụ bảo hiểm, chốt sổ bảo hiểm.
  • Gửi tới Cơ quan thuế: Làm thủ tục quyết toán đóng cửa mã số thuế.
  • Gửi tới người lao động trong doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi người lao động.
  • Gửi quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.
  • Phải niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Thời hạn gửi quyết định: Thời hạn 07 ngày kể từ ngày công ty ban hành quyết định giải thể doanh nghiệp.

Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp ngay sau khi nhận được quyết định giải thể của doanh nghiệp. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định giải thể và phương án giải quyết nợ (nếu có).

Cơ quan Hải quan có trách nhiệm xác nhận nghĩa vụ hải quan cho doanh nghiệp;

Cơ quan thuế căn cứ theo hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp ra biên bản kiểm tra thuế và truyền dữ liệu sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để doanh nghiệp tiếp thực hiện thủ tục đóng của mã số thuế và giải thể doanh nghiệp tại Kế hoạch và Đầu tư.

2.3. Công bố thông tin về việc giải thể doanh nghiệp

Đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Hồ sơ công bố thông tin giải thể doanh nghiệp

  • Thông báo về việc giải thể;
  • Quyết định giải thể của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
  • Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc giải thể doanh nghiệp.

Thời hạn nộp hồ sơ: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể.

Thời hạn giải quyết hồ sơ công bố quyết định giải thể: 03 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được tiếp nhận trên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan thực hiện: Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2.4. Thanh lý tài sản của doanh nghiệp

Chủ doanh nghiệp tư nhân, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị trực tiếp tổ chức thanh lý tài sản doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định thành lập tổ chức thanh lý riêng.

2.5. Xác nhận nghĩa vụ hải quan tại cơ quan hải quan

Sau khi doanh nghiệp đăng quyết định giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tiến hành gửi công văn tới Tổng cục Hải quan xin xác nhận nghĩa vụ hải quan để giải thể doanh nghiệp. Trong vòng 10 -15 ngày cơ quan Hải quan ra thông báo về tình trạng hồ sơ hải quan của doanh nghiệp.

2.6. Thủ tục đóng cửa mã số thuế tại cơ quan thuế

  • Gửi công văn xin giải thể doanh nghiệp lên Chi cục thuế (kèm bản sao công chứng Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký thuế);
  • Gửi Công văn xin quyết toán thuế;
  • Đóng các loại thuế còn nợ;
  • Nộp phạt (nếu có).

Cơ quan thuế căn cứ theo hồ sơ quyết toán thuế của doanh nghiệp ra biên bản kiểm tra thuế và truyền dữ liệu sang Sở Kế hoạch và Đầu tư để doanh nghiệp tiếp thực hiện thủ tục đóng của mã số thuế và giải thể doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2.7. Hoàn thành nghĩa vụ giao nộp dấu công ty

Thủ tục hủy dấu công ty tại cơ quan công an đối với doanh nghiệp được cấp dấu trước ngày 01/07/2015 và nộp thông báo hủy dấu tại Phòng đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp được cấp dấu sau ngày 01/07/2015.

2.8. Thủ tục tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi đề nghị giải thể cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp

Lưu ý: Thứ tự thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp giải thể như thế nào?

Tài sản được ưu tiên thanh toán cho các khoản nợ theo thứ tự như sau:

  • Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết;
  • Nợ thuế;
  • Các khoản nợ khác.
  • Sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và chi phí giải thể doanh nghiệp, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

3. Một số câu hỏi thường gặp

3.1. Điều kiện để làm thủ tục giải thể doanh nghiệp

Để làm thủ tục đóng cửa công ty, Doanh nghiệp được giải thể khi đáp ứng 02 điều kiện dưới đây:

  • Doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Điều kiện này được hiểu như sau:
    • Các khoản nợ của doanh nghiệp đã được thanh toán dứt điểm (thể hiện qua hồ sơ giải thể).
    • Một số khoản nợ được tổ chức, cá nhân khác, kể cả tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu doanh nghiệp liên quan, cam kết thanh toán nợ sau khi doanh nghiệp giải thể. Trường hợp này cần lưu ý đến các quy định về chuyển giao nghĩa vụ trong Bộ luật Dân sự. Pháp luật đã có quy định theo hướng mở rộng quyền tự do của chủ thể kinh doanh - "cam kết" bảo đảm thanh toán được khoản nợ khi tiến hành giải thể.
    • Thứ ba, đối với giải thể chi nhánh, doanh nghiệp có chi nhánh giải thể có nghĩa vụ thực hiện trả nợ, vì thực chất các khoản nợ được tạo ra từ hoạt động của chi nhánh là khoản nợ của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Toà án hoặc trọng tài.

3.2. Làm thủ tục giải thể mất bao lâu?

Thông thường thời gian thực hiện thủ tục giải thể là từ 20 -25 ngày. Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp rơi vào trường hợp giải thể bắt buộc do bị thu hồi giấy phép kinh doanh thì tối thiểu 180 ngày để cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng doanh nghiệp đã giải thể trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

3.3. Hồ sơ thực hiện giải thể doanh nghiệp

Hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông báo về giải thể doanh nghiệp và Quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên/ Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc giải thể doanh nghiệp. thủ tục giải thể công ty với cơ quan thuế.
  • Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);
  • Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có).
  • Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Xác nhận của cơ quan thuế về việc hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế.

3.4. Phân biệt giải thể doanh nghiệp tự nguyện và giải thể bắt buộc

Tiêu chí phân biệt Giải thể tự nguyện Giải thể bắt buộc
Cơ quan/ Chủ thể quyết định giải thể Do doanh nghiệp thực hiện việc giải thể công ty của chính mình. Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp thực hiện việc giải thể công ty
Mục đích giải thể Do ý chí chủ quan của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không muốn tiến hành việc kinh doanh trên thị trường nữa, nên muốn thực hiện hành vi giải thể công ty mình. Do ý chí khách quan của doanh nghiệp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định giải thể khi doanh nghiệp không đáp ứng những điều kiện nhất định mà pháp luật đã quy định.
Lý do giải thể

- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn.

- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

 

- Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.

-  Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn của Luật Ánh Ngọc về trình tự thủ tục giải thể doanh nghiệp. Có thể thấy, thủ tục giải thể hay thủ tục đóng công ty là một quy trình quan trọng và phức tạp. Việc sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp về thủ tục giải thể giúp đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đối với các chủ doanh nghiệp, đây là một lựa chọn thông minh để tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời đảm bảo sự chuyên nghiệp và an toàn pháp lý.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.