1. Như thế nào là giấy phép phân phối điện
Phân phối điện là một trong các lĩnh vực của hoạt động điện lực. Đây là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nên trước khi hoạt động, doanh nghiệp phải xin giấy phép phân phối điện.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm giấy phép phân phối điện. Căn cứ theo các quy định, có thể hiểu, đây là giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp cho đơn vị điện lực đáp ứng được các điều kiện để có thể hoạt động phân phối điện.
Để được cấp giấy phép phân phối điện, tổ chức, cá nhân, đơn vị điện lực phải đáp ứng được các điều kiện:
- Đáp ứng được đầy đủ về trang thiết bị, đường dây và trạm biến áp được lắp đặt, xây dựng theo thiết kế đã được kiểm tra, kiểm duyệt, và đã được nghiệm thu theo quy định;
- Phải tuân thủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy;
- Đáp ứng các điều kiện về người trực tiếp thực hiện hoạt động phân phối điện lực: về trình độ chuyên môn phải có bằng từ đại học trở lên, thời gian công tác tổi thiểu 03 năm trong lĩnh vực phân phối điện, số lượng công trình điện đã thi công,...
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp phân phối điện đều phải xin giấy phép phân phối điện. Pháp luật quy định về các trường hợp được miễn giấy phép phân phối điện bao gồm:
- Tổ chức, cá nhân phát điện tự sử dụng nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
- Tổ chức, cá nhân phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
2. Thẩm quyền cấp Giấy phép phân phối điện
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 21/2020/TT-BCT, thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện được quy định như sau:
- Cục điều tiết điện lực có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện đối với nhà máy có quy mô công suất từ 03 MW trở lên nhưng không thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Công thương;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Công thương được ủy quyền có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phân phối điện trong trường hợp phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương mình quản lý.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm:
- Tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra và quản lý hồ sơ xin cấp giấy phép phân phối điện; hướng dẫn tổ chức, cá nhân xin giấy phép thực hiện đúng nội dung, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép phân phối điện;
- Giải quyết các khiếu nại về giấy phép phân phối điện lực theo thẩm quyền;
- Trường hợp có sai sót về nội dung ghi trong giấy phép phân phối điện đã cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải có trách nhiệm sửa đổi giấy phép;
- Thực hiện kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện hoạt động phân phối điện của đơn vị được cấp phép;
- Trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động phân phối điện lực thì có trách nhiệm thu hồi giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của mình, đồng thời gửi quyết định thu hồi đến đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép và các cơ quan, đơn vị liên quan; công bố thông tin thu hồi giấy phép trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép phân phối điện lực trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi giấy phép phân phối điện lực.
(Căn cứ pháp lý: Điều 13 Thông tư 21/2020/TT-BCT)
3. Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép
Để được cấp giấy phép phân phối điện, cá nhân, tổ chức, đơn vị điện lực thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Tổ chức, cá nhân chuẩn bị 01 hồ sơ theo các nội dung quy định tại Điều 8 Thông tư 21/2020/TT-BCT bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép phân phối điện theo mẫu;
+ Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập, giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp phép;
+ Danh sách trích ngang, bản sao hợp đồng lao động, các chứng chỉ như bằng tốt nghiệp, giấy tờ chứng minh thời gian làm việc trong lĩnh vực phân phối điện, tài liệu về kết quả tập huấn,... của người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ ca trưởng vận hành hoạt động phân phối điện;
+ Danh mục các hạng mục công trình phân phối điện bao gồm các nội dung: trang thiết bị, đường dây, trạm biến áp, bản sao biên bản nghiệm thu hoàn thành việc lắp đặt các hạng mục công trình lưới điện,... và phạm vi hoạt động của lưới điện do tổ chức đang quản lý.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thông qua các hình thức:
+ Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Cục Điều tiết điện lực, tổ chức nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và chỉ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc tài liệu không được gửi qua mang thông tin điện tử;
+ Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Sở Công thương thì có thể nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua nộp trực tuyến trên trang điện tử của cơ quan.
- Bước 3: Kiểm tra và cấp giấy phép phân phối điện
Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung để hoàn thiện hồ sơ. Nếu hết thời hạn trên mà hồ sơ xin cấp phép vẫn chưa được bổ sung, hoàn thiện thì cơ quan cấp phép trả lại hồ sơ;
+ Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động trong 15 ngày làm việc. Riêng trường hợp tổ chức sửa đổi, bổ sung giấy phép thì thời gian thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép là 07 ngày làm việc.
Sau khi đã hoàn thành các thủ tục, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị điện lực xin cấp phép, 02 bản còn lại lưu tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
Trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, đơn vị điện lực muốn được cấp lại giấy phép điện lực thì nộp văn bản đề nghị cấp lại giấy phép điện lực, trong đó nêu rõ lý do.
4. Một số lưu ý trong quá trình xin giấy phép phân phối điện
- Tuân thủ pháp luật và quy định: Tổ chức, cá nhân cần nắm rõ các quy định pháp luật liên quan đến việc phân phối điện tại khu vực hoạt động của mình để có thể xác định được trường hợp của mình có phải xin giấy phép hay không, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép;
- Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ: Tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, hồ sơ xin cấp giấy phép để tránh trường hợp hồ sơ còn sai sót, không đúng quy định và bị trả lại;
- Doanh nghiệp cần có kế hoạch phân phối điện và hệ thống an toàn nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình cung cấp điện năng;
- Quản lý rủi ro và khẩn cấp: Doanh nghiệp cần xác định rủi ro có thể xảy ra và cung cấp kế hoạch khẩn cấp để giải quyết các vấn đề xuất hiện;
- Theo dõi thời hạn của giấy phép phân phối điện để có phương án, kế hoạch xin gia hạn giấy phép nếu tiếp tục thực hiện việc phân phối điện;
- Tuân thủ các quy định trong suốt quá trình hoạt động phân phối điện, tránh các hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến bị xử phạt theo quy định cũng như bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép phân phối điện;
-Thực hiện phân phối điện đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cũng như bảo vệ môi trường.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện của Luật Ánh Ngọc. Quý khách hàng còn các vấn đề thắc mắc liên quan đến nội dung này, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.