1. Giấy phép tài nguyên nước là gì
Giấy phép tài nguyên nước là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, tổ chức thực hiện khai thác, sử dụng nước dưới đất, nước mặt, nước biển để sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan và các mục đích khác.. Giấy phép tài nguyên nước bao gồm 04 loại giấy phép:
- Giấy phép thăm dò nước dưới đất được sử dụng trong trường hợp khai thác, sử dụng nguồn nước tồn tại trong các tầng chứa nước dưới đất;
- Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là giấy phép được sử dụng để khai thác nước tồn tại trên mặt đất liền hoặc hải đảo cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; Sử dụng mặt nước sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ có quy mô vừa và lớn;
- Giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất là giấy phép được cấp để khai thác quy mô nhỏ để sử dụng không vì mục đích hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phòng cháy, chữa cháy, phục vụ mục đích quốc phòng và an ninh, tưới cây và rửa đường;
- Sử dụng nước dưới đất chảy tự nhiên trong moong khai thác để tuyển quặng tại moong hoặc bơm hút nước hoặc khai thác, sử dụng nước biển cho hoạt động sản xuất trên đất liền;
- Giấy phép khai thác, sử dụng nước biển là giấy phép được cấp trong trường hợp Khai thác, sử dụng quy mô vừa để sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nuôi trồng thủy sản trên hải đảo, đất liền, sản xuất muối.
2. Ai có thẩm quyền cấp phép tài nguyên nước
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 02/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước năm 2012, các cơ quan sau đây có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp giấy phép đối với các trường hợp:
- Khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ;
- Thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
- Khai thác nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng từ 3.000 m3/ngày đêm trở lên;
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 03 triệu m3 trở lên hoặc sử dụng với mục đích khác nhưng có dung tích toàn bộ từ 20 triệu m3 trở lên;
- Công trình khai thác, sử dụng nước khác cấp cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng khai thác từ 5 m3/giây trở lên;
- Khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kW trở lên;
- Khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;
- Khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng từ 1.000.000 m3/ngày đêm trở lên.
- Sở Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước trong các trường hợp:
- Cấp giấy phép thăm dò nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm;
- Cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất đối với công trình có lưu lượng dưới 3.000m3/ngày đêm;
- Cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với hồ chứa, đập dâng thuỷ lợi có lưu lượng khai thác dưới 2m3/giây và dung tích toàn bộ dưới 20 triệu m3, hoặc lưu lượng khai thác từ 2m3/giây trở lên và dung tích toàn bộ dưới 3 triệu m3;
- Cấp giấy phép đối với công trình khai thác, sử dụng nước khác với lưu lượng khai thác dưới 5 m3/giây; phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000 kw; cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ngày đêm; cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng dưới 1.000.000 m3 /ngày đêm.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép trong các trường hợp:
- Cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với hồ chứa, đập dâng thủy lợi có lưu lượng khai thác dưới 2m3/giây và dung tích toàn bộ dưới 20 triệu m3 hoặc lưu lượng khai thác từ 2m3/giây trở lên và dung tích toàn bộ dưới 3 triệu m3;
- Cấp giấy phép đối với công trình khai thác, sử dụng nước khác với lưu lượng khai thác dưới 5 m3/giây; phát điện với công suất lắp máy dưới 2.000kw; cho các mục đích khác với lưu lượng dưới 50.000 m3/ngày đêm;
- Cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước biển cho mục đích sản xuất nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ trên đất liền với lưu lượng dưới 1.000.000 m3/ ngày đêm.
Tuy nhiên, thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên trên chỉ áp dụng đối với các trường hợp xin giấy phép tài nguyên nước trước ngày 01/7/2024 – ngày Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành. Bởi căn cứ theo Điều 53 Luật tài nguyên nước năm 2023, thẩm quyền cấp giấy phép chỉ thuộc về Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh không còn thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước. Cụ thể:
- Bộ Tài nguyên và môi trường cấp giấy phép tài nguyên nước cho công trình khai thác có quy mô lớn, có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình khai thác còn lại có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước không thuộc trường hợp thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và môi trường.
3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tài nguyên nước
Bước 1: Nộp 01 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép tài nguyên nước tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận hồ sơ (Sở Tài nguyên và môi trường hoặc Bộ phận tiếp nhận) xem xét, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ:
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì thực hiện thẩm định, phê duyệt đề án;
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận thông báo nộp bổ sung;
- Trong trường hợp sau khi nộp bổ sung vẫn không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 30 ngày làm việc từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và môi trường thực hiện thẩm định đề án, báo cáo, nếu cần thiết kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo.
- Trường hợp đủ điều kiện cấp phép thì cơ quan tiếp nhận trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
- Trường hợp không đủ điều kiện thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do;
- Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận thông báo cụ thể nội dung sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo;
- Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu phải làm lại.
Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh thì thời hạn để thẩm định là 18 ngày làm việc.
Bước 4: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đến nhận giấy phép.
4. Một số câu hỏi liên quan
4.1. Giấy phép tài nguyên nước gồm những nội dung gì?
Hiện nay, nội dung giấy phép tài nguyên nước gồm 08 nội dung:
- Thông tin cơ bản về cá nhân, tổ chức, vị trí công trình, nguồn nước thăm dò, khai thác;
- Quy mô, công suất, lưu lượng, thông số chủ yếu của công trình thăm dò, khai thác nước; mục đích sử dụng đối với giấy phép khai thác, sử dụng nước;
- Chế độ, phương thức khai thác, sử dụng;
- Thời hạn của giấy phép.
4.2. Trường hợp không được cấp giấy phép tài nguyên nước nhưng vẫn tiến hành khai thác, sử dụng thì bị xử lý thế nào
Trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải xin phép nhưng không xin giấy phép thì bị xử lý không giấy phép bằng biện pháp hành chính hoặc xử lý hình sự
Theo Điều 9 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP), trong trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép thì bị xử phạt hành chính với hình thức xử phạt là phạt tiền tối thiếu 2.000.000 đồng và tối đa lên đến 250.000.000 đồng đối với cá nhân. Mức phạt của tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Trường hợp hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước không xin giấy phép đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cá nhân, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên căn cứ theo Điều 227 Bộ luật Hình sự