1. Điều kiện cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt
Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là một trong các loại giấy phép tài nguyên nước. Do đó, căn cứ theo Điều 20 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, để được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện được cấp giấy phép tài nguyên nước:
- Đã hoàn thành việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch tỉnh, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, chuyên ngành có liên quan hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước nếu chưa có các quy hoạch và quy định vùng hạn chế khai thác;
- Phương án thiết kế công trình hoặc công trình khai thác tài nguyên nước mặt phải phù hợp với quy mô, đối tượng khai thác và đáp ứng yêu cầu bảo vệ tài nguyên nước, môi trường.
Ngoài ra, trong trường hợp khai thác, sử dụng có xây dựng hồ, đập trên sống, suối phải đáp ứng yêu cầu:
- Có các hạng mục công trình bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, sử dụng nguồn nước tổng hợp, đa mục tiêu, sử dụng dung tích chết của hồ chứa, bảo đảm sự di cư của các loài cá, sự đi lại của phương tiện vận tải thủy;
- Trường hợp chưa có công trình phải có phương án bố trí thiết bị, nhân lực vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; phương án quan trắc khí tượng, thủy văn, tổ chức dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa;
- Trường hợp đã có công trình phải có quy trình vận hành hồ chứa; có thiết bị, nhân lực đủ năng lực để thực hiện vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt, quan trắc khí tượng, thủy văn và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ.
2. Trình tự, thủ tục xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt
2.1. Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt
Căn cứ theo Điều 32 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép;
- Trong trường hợp có công trình khai thác thì bổ sung thêm báo cáo hiện trạng khai thác, sử dụng nước kèm quy trình vận hành trường hợp phải có quy trình vận hành;
- Trường hợp chưa có công trình khai thác thì bổ sung thêm đề án khai thác, sử dụng nước. Đề án phải bao gồm phụ lục trong đó có bản sao các văn bản pháp lý có liên quan đến việc xin phép khai thác, sử dụng nước mặt (quyết định thành lập tổ chức/giấy đăng ký kin doanh. Quyết định phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành liên quan, văn bản chấp thuận đầu tư, văn bản góp ý của đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan,…., phụ lục thông tin, số liệu, khí tượng, thủy văn và các tài liệu liên quan sử dụng để lập đề án);
- Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá 03 tháng tính đến thời điểm nộp trừ trường hợp sử dụng, khai thác cho mục đích thủy điện;
- Sơ đồ vị trí công trình khai thác. Trường hợp chưa có công trình thì phải bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
2.2. Nộp và tiếp nhận hồ sơ xin giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt
Căn cứ theo Điều 28 Nghị định 02/2023/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức có nhu cầu xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt có thể nộp hồ sơ tại Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh.
- Bộ Tài nguyên và môi trường có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác đối với công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Hồ chứa, đập dâng thủy lợi khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ 2 m3/giây trở lên và có dung tích toàn bộ từ 03 triệu m3 trở lên, khai thác, sử dụng nước mặt để phát điện với công suất lắp máy từ 2.000 kw trở lên; khai thác, sử dụng nước mặt cho các mục đích khác với lưu lượng từ 50.000 m3/ngày đêm trở lên;
- Sở Tài nguyên và môi trường cũng có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đối với hồ chứa, đập dâng thuỷ lợi có lưu lượng khai thác dưới 2m3/giây và dung tích toàn bộ dưới 20 triệu m3, hoặc lưu lượng khai thác từ 2m3/giây trở lên và dung tích toàn bộ dưới 3 triệu m3.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc.
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ thì sẽ chuyển đến Sở Tài nguyên và môi trường;
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, tổ chức, cá nhân sẽ nhận được thông báo bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận trả hồ sơ và thông báo lý do trả.
Tuy nhiên, mới đấy, Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 được ban hành và có hiệu lực ngày 01/7/2024. Do đó, thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước cũng như giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt có một chút thay đổi nên địa điểm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép cũng sẽ được điều chỉnh. Cụ thể từ sau ngày 01/7/2024, tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ nộp hồ sơ tại:
- Bộ Tài nguyên và môi trường đối với công trình có quy mô khai thác nước lớn, công trình khai thác nước có tác động ảnh hưởng liên vùng, liên tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các trường hợp không thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Như vậy, theo quy định của Luật tài nguyên năm 2023, Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh không còn thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt. Các tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép cần lưu ý.
2.3. Thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt
Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận tiến hành thẩm định đề án, báo cáo, kiểm tra thực tế hiện trường nếu cần thiết
- Trường hợp đủ điều kiện cấp phép thì trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép;
- Trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép thì trả lại hồ sơ và thông báo lý do;
- Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép nhận được thông báo nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện đề án báo cáo không tính vào thời gian thẩm định. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 18 ngày làm việc;
- Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo thì tổ chức cá nhân xin cấp sẽ nhận được văn bản thông báo nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và bị trả hồ sơ xin cấp giấy phép.
2.4. Trả hồ sơ và nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép biết để nhận giấy phép.
3. Thời hạn cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt
Có thể thấy thời hạn tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ là 03 ngày, thời gian thẩm định tối đa 30 ngày và thời gian nhận trả kết quả là 03 ngày. Như vậy, có thể thấy, thời hạn tối thiểu để cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt là 36 ngày trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, thẩm định đạt yêu cầu.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời gian bổ sung hồ sơ, bổ sung đề án, báo cáo mà thời hạn cấp giấy phép có thể kéo dài hơn.
4. Dịch vụ xin cấp giấy phép tài nguyên nước tại Luật Ánh Ngọc
Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp lý, đặc biệt đối với các lĩnh vực khai thác tài nguyên nói chung và khai thác tài nguyên nước nói riêng, Luật Ánh Ngọc cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ pháp lý hỗ trợ xin cấp các loại giấy phép tài nguyên nước, trong đó có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt với chi phí tiết kiệm nhưng mang đến hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian của quý khách hàng.
Đến với Luật Ánh Ngọc, quý khách hàng không chỉ được hướng dẫn, tư vấn cách thức, quy trình, thủ tục chuẩn bị hồ sơ từ cách soạn thảo đơn từ, tham vấn việc xây dựng đề án, báo cáo đảm bảo đúng nội dung, hình thức theo quy định mà còn đồng hành, thay mặt ủy quyền quý khách hàng trực tiếp làm việc với cơ quan nhà nước, cơ quan thực hiện các thủ tục hành chính để xin cấp giấy phép tài nguyên nước.