Giấy phép phân phối điện là gì?


Giấy phép phân phối điện là gì?

Phân phối điện lực là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người hiện nay bởi tầm quan trọng của nó. Mỗi tổ chức, cá nhân thực hiện phân phối điện đều phải xin cấp phép hoạt động điện lực. Vậy như thế nào là giấy phép phân phối điện?

1. Thế nào là Giấy phép phân phối điện

Phân phối điện là quá trình đơn vị điện lực đưa điện từ các trạm biến áp phân phối tới người tiêu dùng thông qua máy hạ áp. Đây là một trong những hình thức của hoạt động điện lực, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước và phải xin giấy phép phân phối điện trước khi hoạt động.

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về khái niệm giấy phép phân phối điện. Tuy nhiên, căn cứ vào Thông tư 21/2020/TT-BCT, có thể hiểu giấy phép phân phối điện là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm cấp cho tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ các điều kiện hoạt động cũng như các điều kiện phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường,... để được phép hoạt động phân phối điện.

Giấy phép phân phối điện là gì
Từ đó, có thể phân tích một số đặc điểm của giấy phép phân phối điện như sau

- Đây là giấy tờ pháp lý được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền, cụ thể là Cục điều tiết điện lực và Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở công thương cấp;

- Giấy phép này được cấp cho tổ chức, cá nhân hoạt động phân phối điện trong phạm vi và thời hạn nhất định;

- Giấy phép được xác định kèm theo các loại giấy phép, giấy chứng nhận an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường;

- Một giấy phép phân phối điện lực bao gồm các nội dung sau:

+ Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực;

+ Loại hình hoạt động điện lực: cụ thể là phân phối điện

+ Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép phân phối điện lực;

+ Phạm vi phân phối điện lực;

+ Kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong phân phối điện lực;

+ Thời hạn của giấy phép phân phối điện lực. Hiện nay, giấy phép phân phối điện lực có hiệu lực 10 năm kể từ ngày cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền.

2. Nguyên tắc cấp Giấy phép phân phối điện

Hoạt động phân phối điện là một trong các hình thức của hoạt động điện lực, do vậy, khi phân phối điện, phải tuân theo các nguyên tắc về hoạt động điện lực. 

Căn cứ theo Điều 4 Thông tư 21/2020/TT-BCT, đơn vị điện lực phải đáp ứng các nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực, cụ thể:

- Trước giai đoạn thị trường bán lẻ cạnh tranh, giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ điện được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phân phối điện trừ trường hợp cấp giấy phép hoạt động mua bán điện lực lĩnh vực bán lẻ điện đồng thời với lĩnh vực phát điện;

- Giấy phép phân phối điện được cấp cho tổ chức là đơn vị sở hữu nhà máy điện đối với từng nhà máy;

- Trường hợp tổ chức xin cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép phân phối điện do thay đổi một trong các nội dung ghi trên Giấy phép như tên, địa chỉ, phạm vi hoạt động đã được cấp giấy phép thì thời hạn của giấy phép sẽ được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ;

- Trường hợp tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép phân phối điện với thời hạn ngắn hơn so với quy định thì được cấp theo đề nghị của tổ chức, cá nhân trừ trường hợp căn cứ vào điều kiện thực tế về hạng mục công trình điện, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phân phối điện có thời hạn ngắn hơn quy định;

- Không phải mọi trường hợp phân phối điện lực đều phải xin giấy phép. Pháp luật hiện hành quy định một số trường hợp được miễn trừ giấy phép phân phối điện lực như:

+ Phát điện để tự sử dụng nhưng không bán điện hoặc bán điện cho tổ chức, cá nhân nhưng có công suất lắp đặt đến 01MW;

+ Kinh doanh, phân phối điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất từ 50 kVA trở xuống từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;

+ Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực thông qua hình thức phân phối điện.

3. Điều kiện để được cấp giấy phép phân phối điện

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 137/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2020/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện sau đây để được cấp giấy phép phân phối điện:

- Đáp ứng được đầy đủ về trang thiết bị, đường dây và trạm biến áp được lắp đặt, xây dựng theo thiết kế đã được kiểm tra, kiểm duyệt, và đã được nghiệm thu theo quy định;

- Phải tuân thủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy;

- Đáp ứng các điều kiện về người trực tiếp thực hiện hoạt động phân phối điện lực: về trình độ chuyên môn phải có bằng từ đại học trở lên, thời gian công tác tổi thiểu 03 năm trong lĩnh vực phân phối điện, số lượng công trình điện đã thi công,...

Cá nhân, tổ chức đáp ứng được các điều kiện trên cũng như các điều kiện hoạt động điện lực thì được làm hồ sơ nộp đến cơ quan có thẩm quyền để được xin cấp giấy phép phân phối điện theo quy định tại Thông tư 21/2020/TT-BCT.

4. Thời hạn của giấy phép phân phối điện

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 21/2020/TT-BCT, giấy phép phân phối điện có thời hạn hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có đề nghị về thời hạn của giấy phép ngắn hơn so với quy định thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phân phối điện theo thời hạn đề nghị, trừ các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 4 Thông tư này.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.