Ngày 12/6/2023, Luật Ánh Ngọc nhận được một vụ kiện, người tìm đến sự hỗ trợ pháp lý là anh Lê Văn Minh, sinh năm 1988, trú tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, anh muốn khởi kiện một người bạn của mình vì đã vi phạm hợp đồng vay tài sản giữa hai người, đã quá hạn trả mà anh Minh đòi mãi người bạn này không trả và có dấu hiệu không muốn trả nên anh Minh quyết định khởi kiện và tìm đến Luật Ánh Ngọc để được tư vấn.
1. Nội dung chi tiết vụ án: Tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Ngày 21/8/2020, Minh có cho anh Trần Thế Thành (bạn của anh Minh) sinh năm 1988, trú tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vay số tiền là 320.000.000 đồng để kinh doanh cửa hàng ăn uống, việc vay tiền được hai bên thỏa thuận lập thành hợp đồng vay tài sản tại Văn phòng công chứng và được công chứng cùng ngày. Lãi suất thì do hai bên tự thỏa thuận thực hiện trong phạm vi pháp luật cho phép nên hai bên chỉ thỏa thuận miệng lấy lãi suất 3%/tháng. Thời hạn vay là 02 năm, từ ngày 21/8/2020 đến ngày 21/8/2022. Về phương thức thanh toán, anh Thành có thể trả tiền cho anh Minh bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải thông báo trước, có thể là bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Sau khi lập hợp đồng vay, anh Minh đã giao đủ số tiền là 320.000.000 cho anh Thành và anh Thành không thế chấp tài sản gì để đảm bảo cho khoản vay này.
Sau khi nhận được đủ tiền và bắt đầu kinh doanh, anh Thành đã không thanh toán tiền lãi cho anh Minh, sau 01 năm kể từ khi vay thì trả được 70.000.000 đồng tiền vốn vay, còn nợ 250.000.000 đồng. Đến ngày 21/8/2022 là thời hạn thành toán số tiền nợ còn lại và lãi thì anh Thành vẫn chưa trả, nể tình anh em có chơi qua lại nên Minh đã để dôi thời gian trả. Nhưng mãi về sau, anh Thành vẫn không thực hiện trong khi anh Minh nhiều lần yêu cầu trả tiền gốc và lãi. Do đó, tính đến thời điểm này, anh Minh muốn khởi kiện để có thể buộc Thành phải trả tiền gốc và lãi cho mình.
2. Phương án giải quyết tranh chấp
Sau khi nghe kể lại sự việc, Luật Ánh Ngọc đã phân tích như sau:
Thứ nhất, đây là vi phạm hợp đồng vay tài sản, cụ thể hơn là Hợp đồng vay tài sản được hiểu là sự thỏa thuận giữa anh Minh và Thành, theo đó Minh giao tiền, tài sản cho bên vay là Thành, khi đến hạn trả thì Thành phải hoàn trả cho Minh đúng số tiền và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự thì anh Thành là bên vay có nghĩa vụ phải trả đủ tiền khi đến hạn.
Vì đây là vay có lãi nên phải trả cả gốc lẫn lãi đúng thời hạn (phải trả trước ngày 22/8/2022). Tuy nhiên, vì đến hạn Thành vẫn chưa trả hết nên ngoài phải trả phần nợ gốc, Thành phải trả thêm lãi suất như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả (3%/tháng)
- Lãi của lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay chưa trả (10%/năm của khoản lãi chậm trả)
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được tính bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng (phải trả là 4,5%/tháng tính theo thỏa thuận giữa Minh và Thành)
Vậy những khoản tiền mà anh Thành sẽ buộc phải trả cho Minh khi khởi kiện gồm 4 khoản: Nợ gốc; lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay; Lãi của lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay chậm trả; lãi trên nợ gốc quá hạn vay mà chưa trả.
Xem thêm: Lãi suất chậm trả: Hướng dẫn chi tiết để tránh công nợ đèn đỏ
Thứ hai, về lãi suất vay theo thỏa thuận của Minh và Thành. Trong hợp đồng vay tài sản không có điều khoản cụ thể về mức lãi suất, mà đây sẽ do hai bên tự thỏa thuận với nhau trong mức pháp luật quy định, vì vậy Minh và Thành đã thỏa thuận lãi suất là 3%/tháng, tính theo năm là 36%/năm. Mà theo quy định của Bộ luật dân sự về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm (khoảng 1,66%/tháng) của khoản tiền vay, trường hợp lãi suất theo thỏa thuận mà vượt quá lãi quy định nãy thì thỏa thuận về phần quá kia sẽ không có hiệu lực (Điều 468 Bộ luật dân sự 2015). Theo quy định này, mức lãi suất mà Minh và Thành thỏa thuận với nhau là 3%/tháng đã vượt quá mức tối đa mà Bộ luật dân sự quy định, vì vậy chỉ được tính lãi là 20%/năm, còn 16% vượt quá kia sẽ không có hiệu lực.
Sau khi phân tích, Luật Ánh Ngọc đã tính ra cụ thể số tiền mà Thành sẽ phải trả cho Minh gồm:
- Tiền nợ gốc chưa trả: 250.000.000 đồng;
- Tiền lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay tính từ ngày 21/8/2020 đến 21/8/2021 có 365 ngày: 320.000.000 x 20%/năm x 01 năm = 64.000.000 đồng;
- Tiền lãi trên nợ gốc chậm trả trong thời hạn vay tính từ ngày 22/8/2021 đến ngày 21/8/2022 có 365 ngày: 250.000.000 x 20%/năm x 01 năm = 50.000.000 đồng;
- Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn từ ngày 22/8/2022 đến ngày 12/6/2023 là 296 ngày: 250.000.000 x 20%/năm /365 x 296 ngày = 40.547.000 đồng.
- Lãi của lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay chưa trả tính từ ngày 21/8/2020 đến ngày 12/6/2023 là 893 ngày: 10%/năm x (64.000.000 + 50.000.000) / 365 ngày x 893 ngày = 27.890.000 đồng.
Tổng tiền anh Thành sẽ phải trả cho anh Minh là: 432.437.000 đồng.
Xem thêm: Biện pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản hiện nay
Sau khi được phân tích, anh Minh có yêu cầu là chỉ cần tính tiền nợ gốc và lãi trên nợ gốc trong và quá hạn hợp đồng, không cần phải trả lãi của lãi quá hạn vì cũng là chỗ anh em nên chỉ cần như trong thỏa thuận của hợp đồng vay tài sản là được, nên tổng số tiền còn lại là 404.547.000 đồng. Vì đây là mong muốn của anh Minh nên Luật Ánh Ngọc cũng đã đồng ý và hướng dẫn anh Minh làm và nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận Hà Đông để giải quyết.
Vụ án nhanh chóng được thụ lý, ngày Tòa tiến hành hòa giải, hai bên đều thống nhất rằng đã vay 320.000.000 đồng và đã trả được 70.000.000 đồng trong năm đầu tiên, lãi suất thỏa thuận với nhau là 3%/tháng. Tuy nhiên, phía bị đơn là anh Thành lại không đồng ý với phần lãi suất, Thành nói mình đã được trả nhiều lần bằng cả tiền mặt và chuyển khoản nhưng không nhớ cụ thể là bao nhiêu và cũng chưa cung cấp được căn cứ tại phiên hòa giải nên Luật Ánh Ngọc vẫn giữ nguyên nội dung khởi kiện, buộc anh Thành phải trả toàn bộ số tiền cho anh Minh cả gốc và lãi là: 404.547.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, với những lập luận sắc bén của Luật sư Luật Ánh Ngọc, ban đầu đã chỉ ra những khoản nợ và lãi suất bên bị đơn phải trả, tổng là 432.437.000 đồng, tuy nhiên do nguyên đơn và bị đơn có quan hệ bạn bè với nhau, trước khi đi đến kiện cáo thì vẫn thường xuyên qua lại và giúp đỡ nhau trong cuộc sống nên phần lãi của lãi trên nợ gốc trong thời hạn vay chưa trả tính từ ngày 21/8/2020 đến ngày 12/6/2023 là 27.890.000 đồng thì nguyên đơn không yêu cầu bị đơn phải trả mà chỉ cần trả đủ số tiền nợ gốc và lãi chưa trả trên số tiền nợ gốc tính đến ngày 12/6/2023 là 404.547.000 đồng.
Tuy nhiên, cũng tại phiên tòa, bên bị đơn đồng ý với tổng tiền gốc và lãi, và đã đưa ra chứng cứ là các giao dịch chuyển khoản ngân hàng và tin nhắn của các bên đã trả được 47.500.000 đồng tiền lãi vào số tiền lãi phải trả là 64.000.000 đồng từ ngày 21/8/2020 đến ngày 21/8/2021 bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng. Vì vậy, số tiền lãi còn lại cần phải trả là 107.047.000 đồng, cộng với nợ gốc tổng là 357.047.000 đồng.
Luật sư Luật Ánh Ngọc bảo về quyền, lợi ích của nguyên đơn có trao đổi lại với nguyên đơn thì nguyên đơn chỉ nói không nhớ đã trả được bao nhiêu và sau khi bên bị đơn cung cấp chứng cứ, nguyên đơn cũng đã đồng ý và hai bên đều nhất trí sẽ khấu trừ số tiền lãi này, và số vốn, lãi phải trả cho Minh là 375.047.000 đồng (ba trăm bảy mươi lăm triệu không trăm bốn mươi bảy ngàn đồng).
Đại diện Viện kiểm sát quận Hà Đông cũng đồng ý với với quan điểm và lập luận mà luật sư hai bên tranh luận, đề nghị chấp nhận đơn khởi kiện của anh Minh, buộc Thành phải trả cho Minh số tiền là 375.047.000 đồng.
Nhận định của Tòa án sơ thẩm như sau:
- Xét đơn khởi kiện của anh Minh, căn cứ hợp đồng vay tài sản ngày 21/8/2020 thể hiện ông Thành vay của ông Minh số tiền 320.000.000 đồng, thời hạn vay hai năm, lãi suất do hai bên tự thực hiện trong phạm vi pháp luật cho phép. Như vậy, theo thoả thuận giữa ông Minh và ông Thành hợp đồng vay ngày 21/8/2020 là hợp đồng vay có lãi, có thời hạn. Sau khi vay ông Thành có thanh toán cho ông Minh 70.000.000 đồng, số tiền vốn vay còn lại đến hạn ông Thành chưa thanh toán nên việc buộc ông Thành phải trả cho ông Minh số tiền vốn vay còn nợ 250.000.000đ là có căn cứ.
- Về lãi suất, tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị đơn và nguyên đơn thống nhất mức lãi suất 20%/năm và thời gian tính lãi của số tiền vay 320.000.000 đồng từ ngày 21/8/2020 đến ngày 21/8/2021 là 64.000.000 đồng, số tiền vay còn lại 250.000.000 đồng tính lãi từ ngày 22/8/2021 đến ngày 12/6/2023 là 90.547.000 đồng. Bị đơn yêu cầu được khấu trừ tiền lãi đã thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua Ngân hàng Techcombank từ ngày 12/10/2020 đến ngày 21/5/2021 là 47.500.000 đồng, bị đơn đồng ý trả số tiền lãi còn lại là 107.047.000 đồng. Về phía người đại diện hợp pháp của nguyên đơn thừa nhận và đồng ý khấu trừ số tiền 47.500.000 đồng nêu trên vào số tiền lãi, đồng ý bị đơn phải trả cho nguyên đơn tiền vốn 250.000.000 đồng và tiền lãi 107.047.000 đồng, tổng cộng vốn và lãi là 357.047.000 đồng.
- Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của bị đơn tự nguyện thỏa thuận thống nhất, ông Trần Thế Thành có nghĩa vụ trả cho ông Lê Văn Minh số tiền vay 250.000.000 đồng và tiền lãi 107.047.000 đồng, tổng cộng vốn và lãi là 357.047.000 đồng. Xét sự thỏa thuận giữa người đại diện hợp pháp của bị đơn, người đại diện của nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội nên Hội đồng xét xử thống nhất công nhận sự tự thỏa thuận của các đương sự.
- Về án phí sơ thẩm: Buộc ông Trần Thế Thành nộp 17.838.673 đồng (Mười bảy triệu tám trăm ba mươi tám ngàn sáu trăm bảy mươi ba đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho ông Lê Văn Minh số tiền tạm ứng án phí 10.136.000 đồng (Mười triệu một trăm ba mươi sáu ngàn đồng) đã nộp ngày 15/06/2023 theo biên lai thu số N00001815của Chi cục Thi hành án Dân sự quận Hà Đông, Hà Nội.
3. Kết luận của Tòa án
Từ những nhận định trên, Tòa án sơ thẩm quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Minh, buộc ông Trần Thế Thành có trách nhiệm trả cho ông Minh các khoản tiền sau: Tiền vốn vay 250.000.000 đồng (hai trăm năm mươi triệu đồng); tiền lãi 107.047.000 đồng (một trăm linh bảy triệu không trăm bốn mươi bảy ngàn đồng). Tổng cộng là 357.047.000 đồng ( ba trăm năm mươi bảy triệu không trăm bốn mươi bảy ngàn đồng).
- Quyền kháng cáo: Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Đây là một vụ án có thật về sự việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản, dưới sự trợ giúp pháp lý tận tình của Luật sư Luật Ánh Ngọc, anh Lê Văn Minh đã khởi kiện và thắng kiện, Tòa án đã buộc anh Trần Thế Thành phải trả toàn bộ số tiền các gốc lẫn lãi mà Thành đã vay anh Minh.
Trong một quan hệ pháp luật dân sự, nhiều khi bởi vì quen biết thân thiết với nhau mà việc cho nhau vay mượn tiền xảy ra rất nhiều, cũng chính vì vậy mà nhiều người họ thỏa thuận bằng miệng với nhau, không có một văn bản chứng từ nào chứng minh hay là có công chứng của bên thứ ba, điều này một khi xảy ra tranh chấp, quyền và lợi ích của người có quyền thường bị ảnh hưởng rất nhiều. Vụ án trên rất may là anh Minh cũng là một người có hiểu biết về giao dịch dân sự, vấn đề tiền bạc vay mượn giữa anh em cần phải tình cảm nhưng cần phải sòng phẳng, cũng cần phải có văn bản là hợp đồng vay để ràng buộc pháp lý giữa hai bên, khi có mâu thuẫn hoặc có người vi phạm hợp đồng còn có chứng cứ để chứng minh để bảo vệ được tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Luật Ánh Ngọc khi nhận vụ kiện này cũng nhờ anh Minh cung cấp được hợp đồng vay nên việc giải quyết vụ án cũng như bào chữa cho anh Minh trở nên dễ dàng hơn, căn cứ vào chứng cứ để lập luận chặt chẽ hơn, giúp cho anh Minh đòi lại được số tiền mà mình đã cho vay.
Xem thêm: Mẫu Hợp đồng hủy bỏ hợp đồng thuê tài sản cập nhật mới nhất
Trên đây là ví dụ về vụ án dân sự mà Luật Ánh Ngọc được anh Minh tin tưởng giao phó. Luật Ánh Ngọc chuyên tư vấn, hỗ trợ pháp lý lĩnh vực dân sự nói riêng, các lĩnh vực pháp luật khác nói chung, nếu các bạn có thắc mắc hay cần tư vấn, hỗ trợ vui lòng liên hệ đến với Luật Ánh Ngọc, với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, Luật Ánh Ngọc hi vọng sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm xứng đáng với những gì các bạn tin cậy.