Anh chị tôi đang có dự định chuyển ra thành phố sinh sống, và muốn chuyển nhượng lại cho tôi diện tích đất trồng lúa của gia đình anh chị. Gia đình tôi vẫn thuần nông nghiệp, còn tôi đang là công chức cấp xã. Vậy theo quy định của pháp luật, tôi có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa hay không? Và các trường hợp nào không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa? Mong anh/ chị giải đáp thắc mắc này của gia đình tôi.
1. Cơ sở pháp lý
2. Chuyển nhượng đất trồng lúa là gì
Căn cứ theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai 2013: " Chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất."
Từ quy định trên, có thể hiểu chuyển nhượng đất trồng lúa là việc chuyển giao quyền sử dụng đất, theo đó người sử dụng đất trồng lúa chuyển giao đất trồng lúa và quyền sử dụng đất trồng lúa cho bên nhận chuyển nhượng đáp ứng các điều kiện, nội dung, hình thức theo quy định. Ngoài chuyển nhượng, pháp luật còn quy định về trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
3. Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa?
3.1 Các trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa
Dựa vào mục đích sử dụng, đất trồng lúa được phân loại là đất trồng cây hàng năm, thuộc nhóm đất nông nghiệp. Trong quá trình sử dụng đất trồng lúa, nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu sang tên, chuyển nhượng đất cho người khác. Tuy nhiên, đất trồng lúa là loại đất bị hạn chế chuyển đổi mục đích và có những điều kiện riêng khi chuyển nhượng. Pháp luật đất đai cũng quy định những trường hợp không phải xin phép khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa tại Điều 191 Luật Đất đai 2013 như sau:
-Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với trường hợp mà pháp luật không cho phép chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.
- Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
- Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
3.2. Cán bộ, công chức có được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa không?
Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013 quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Ngoài ra, căn cứ vào điểm b, điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT xác định cá nhân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp bao gồm:
- Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên, đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
- Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại điểm a khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Như vậy, đối với cán bộ, công chức là những người được hưởng lương thường xuyên và không có thu nhập từ việc sản xuất nông nghiệp, nên không thuộc đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nên không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
4. Hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa
Căn cứ theo quy định tại Điều 130 Luật Đất đai 2013, hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với đất trồng cây hàng năm quy định tại khoản 1 Điều 129.
Khoản 1 Điều 129 Luật Đất đai 2013 quy định: Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
- Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Như vậy, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:
- Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khi vực đồng bằng sông Cửu Long.
- Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
5. Nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sai quy định của pháp luật bị xử phạt như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện như sau:
- Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng mà không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
- Đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng
- Đối với hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời hạn 10 năm kề từ ngày có quyết định giao đất:Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng
- Đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân; trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Như vậy, đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa trái quy dịnh pháp luật sẽ bị phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về Cán bộ, công chức có được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa không? Trường hợp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sai quy định pháp luật thì bị xử phạt ra sao? Công ty Luật Ánh Ngọc hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.