1. Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là gì?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là hoạt động đo lường nhằm xác định đặc tính của đất xây dựng, vật liệu xây dựng, môi trường xây dựng, sản phẩm xây dựng, bộ phận công trình hoặc công trình xây dựng theo quy trình nhất định.
Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm các hoạt động đo lường xác định đặc tính về cơ, lý, hóa, hình học của các đối tượng thí nghiệm:
- Sản phẩm, vật liệu xây dựng: độ bền, độ nén, độ hút nước, độ thầm, độ chịu lửa, độ bền kéo, độ bền uốn, đồ bền nén, độ bền kéo đứt, độ bền uốn gãy, độ bền chống cắt, độ bền chống uốn gãy, độ cứng, độ rỗng, độ ẩm, khối lượng thể tích, khối lượng riêng, độ co ngót, độ giãn nở, độ sụt lún, độ chống thấm, độ chịu lực, độ chống cháy, độ chống ăn mòn, độ chống lão hõa, độ bền màu, độ ổn định kích thước, độ ổn định hình dạng, độ chính xác kích thước, độ chính xác hình dạng...
- Đất xây dựng: độ ẩm, độ xốp, độ dẻo, độ chặt, độ nén, độ lún, độ chịu tải, độ thấm, độ chua, đồ kiềm, độ nhiễm mặn, độ nhiễm phèn,...
- Cấu kiện, kết cấu công trình xây dựng: độ bền, độ chịu lực, độ ổn định, độ an toàn,...
- Môi trường xây dựng: độ ẩm, nhiệt độ, độ pH, độ ô nhiễm,...
Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng công trình xây dựng. Thông qua các kết quả thí nghiệm, có thể đánh giá được chất lượng của nguyên vật liệu, cấu kiện, kết cấu công trình, từ đó đảm bảo công trình có thể chịu được các tác động của môi trường và tải trọng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
2. Điều kiện cấp phép?
2.1. Phạm vi và lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
Theo Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BXD có quy định về phạm vi và lĩnh vực thí nghiệm chuyên ngành xây dựng quy định trong Nghị định số 62/2016/NĐ-CP:
- Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng bao gồm các hoạt động đo lường xác định đặc tính về cơ, lý, hóa, hình học của các đối tượng thí nghiệm: sản phẩm, vật liệu xây dựng; đất xây dựng; cấu kiện, kết cấu công trình xây dựng; môi trường xây dựng đối với các loại công trình xây dựng.
- Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc ngoài hiện trường.
- Thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có thể được thực hiện bằng phương pháp phá hủy hoặc không phá hủy, xác định các đặc tính của đối tượng thí nghiệm tại một thời điểm trong một khoảng thời gian nhất định.
2.2. Điều kiện năng lực
Tổ chức kinh doanh muốn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng cần đảm bảo các điều kiện về năng lực sau:
(1) Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;
(2) Đáp ứng các yêu cầu chung của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 và đáp ứng các yêu cầu cụ thể phù hợp với các chỉ tiêu thí nghiệm đăng ký;
(3) Người quản lý trực tiếp hoạt động thí nghiệm chuyển ngành xây dựng phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với một trong các lĩnh vực thí nghiệm của tổ chức;
(4) Có thí nghiệm viên phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp cho mỗi lĩnh vực thí nghiệm
3. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
3.1. Hồ sơ đăng ký
Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định như sau:
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo Mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Nghị định 62/2016/NĐ-CP (đối với trường hợp đề nghị cấp mới, cấp lại) hoặc đơn đăng ký bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo Mẫu số 02 Phụ lục I kèm theo Nghị định 62/2016/NĐ-CP (đối với trường hợp đề nghị cấp bổ sung, sửa đổi);
- Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư (đối với trường hợp đề nghị cấp mới);
- Danh sách cán bộ quản lý, thí nghiệm viên kèm theo các văn bằng, chứng chỉ được đào tạo liên quan;
- Các tài liệu chứng minh năng lực hoạt động thí nghiệm đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2016/NĐ-CP phù hợp với từng trường hợp đề nghị cấp mới, cấp lại hoặc bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
>>> Xem thêm: Mẫu đơn xin cấp Giấy phép hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
3.2. Trình tự cấp Giấy chứng nhận
Tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định 62/2016/NĐ-CP quy định trình tư, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
Bước 1: Tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng lập 01 bộ hồ sơ và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trụ sở của Bộ Xây dựng.
Trường hợp nộp hồ sơ qua trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, thực hiện theo văn bản hướng dẫn về giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến theo quy định của Chính phủ về Chính phủ điện tử;
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu các tài liệu chưa đầy đủ, hợp lệ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn để bổ sung và hoàn thiện;
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các tài liệu hợp lệ, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức đánh giá tại phòng thí nghiệm;
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có biên bản đánh giá thực tế và kết quả khắc phục (nếu có) đạt yêu cầu, Bộ Xây dựng có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 62/2016/NĐ-CP.
4. Các nội dung đánh giá phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
4.1. Đánh giá tính xác thực của hồ sơ đăng ký
Đánh giá tính xác thực của hồ sơ đăng ký theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 62/2016/NĐ-CP bao gồm:
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư;
+ Quyết định thành lập phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
+ Các quyết định bổ nhiệm các cán bộ quản lý hoạt động thí nghiệm (trưởng, phó phòng thí nghiệm);
+ Danh sách cán bộ, thí nghiệm viên và bản phân công công việc cho từng cá nhân trong phòng thí nghiệm đã được lãnh đạo phê duyệt, kèm theo các văn bằng, chứng chỉ được đào tạo liên quan;
+ Danh mục các tài liệu, quy trình quản lý chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được lãnh đạo phê duyệt;
+ Danh mục các thiết bị, dụng cụ của phòng thí nghiệm; Hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao thiết bị thí nghiệm; Quyết định của cấp có thẩm quyền đối với các thiết bị được điều chuyển từ cơ quan khác;
+ Chứng chỉ kiểm định/hiệu chuẩn (còn hiệu lực) các thiết bị thí nghiệm và đo lường theo quy định;
+ Hợp đồng sử dụng lao động đối với trưởng, phó phòng thí nghiệm và thí nghiệm viên được đăng ký trong hồ sơ;
+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt phòng thí nghiệm kèm theo bản vẽ mặt bằng (kích thước phòng, vị trí các thiết bị thử nghiệm, vị trí lưu mẫu, bảo dưỡng mẫu...).
4.2. Đánh giá thực tế năng lực của phòng thí nghiệm
Đánh giá thực tế năng lực của phòng thí nghiệm, bao gồm:
+ Sổ tay chất lượng, các quy trình, thủ tục, các biểu mẫu và các tài liệu liên quan;
+ Không gian, điều kiện và môi trường đảm bảo thực hiện các thí nghiệm, lưu giữ và bảo quản mẫu;
+ Tình trạng trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác lấy, lưu, bảo quản mẫu và thí nghiệm mẫu;
+ Tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị, dụng cụ, chứng chỉ của thí nghiệm viên và điều kiện thí nghiệm cho từng chỉ tiêu thí nghiệm đăng ký;
+ Năng lực trưởng, phó phòng thí nghiệm, các thí nghiệm viên.
5. Các trường hợp đình chỉ, hủy bỏ hiệu lực
- Đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng khi tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có một trong các hành vi sau đây:
- Thông báo tạm dừng hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
- Không duy trì thường xuyên các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định 62/2016/NĐ-CP;
- Cung cấp phiếu kết quả thí nghiệm không đúng hoặc không đầy đủ nội dung quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 62/2016/NĐ-CP;
- Thực hiện các chỉ tiêu thí nghiệm không có trong danh Mục kèm theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc thí nghiệm viên không có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với các chỉ tiêu thí nghiệm đó;
- Không thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
- Hủy bỏ Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng khi tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có một trong các hành vi sau đây:
- Bị giải thể, phá sản hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật hiện hành;
- Thông báo chấm dứt hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
- Không đăng ký cấp bổ sung, sửa đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng trong các trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 6 Nghị định 62/2016/NĐ-CP;
- Không khắc phục các sai sót sau khi bị đình chỉ hiệu lực Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;
- Cung cấp khống các số liệu kết quả thí nghiệm;
- Cung cấp số liệu sai lệch so với kết quả thí nghiệm, gây hậu quả nghiêm trọng về chất lượng công trình xây dựng.
6. Vi phạm quy định về thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
Căn cứ Khoản 2 Điều 40 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, vi phạm quy định về thí nghiệm chuyên ngành xây dựng sẽ bị xử phạt như sau:
Điều 40. Vi phạm quy định về kiểm định, thí nghiệm, đào tạo trong hoạt động xây dựng
2. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về thí nghiệm chuyên ngành xây dựng sau đây:
a) Thực hiện thí nghiệm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc không đủ điều kiện năng lực theo quy định;
b) Cung cấp phiếu kết quả thí nghiệm không đúng hoặc không đầy đủ nội dung quy định;
c) Cung cấp khống các số liệu kết quả thí nghiệm hoặc cung cấp số liệu sai lệch so với kết quả thí nghiệm.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
b) Buộc thực hiện lại thí nghiệm và cung cấp kết quả thí nghiệm đúng và đầy đủ nội dung theo quy định với hành vi quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này.
Như vậy, đối với các hành vi vi phạm quy định về thí nghiệm chuyên ngành xây dựng như: thực hiện thí nghiệm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hoặc không đủ điều kiện năng lực theo quy định; cung cấp phiếu kết quả thí nghiệm không đúng hoặc không đầy đủ nội dung quy định; cung cấp khống các số liệu kết quả thí nghiệm hoặc cung cấp số liệu sai lệch so với kết quả thí nghiệm sẽ bị xử phạt từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng và phải thực hiện một số biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.