1. Tiền giả là gì
Căn cứ theo Điều 17 Luật Ngân hàng quy định, ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy và tiền kim loại của nước ta cũng như là đơn vị thiết kế mệnh giá, kích thước, trọng lượng, hoa văn, hình vẽ khác của tờ tiền.
Căn cứ Điều 1 Thông tư 28/2013/TT-NHNN quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng, tiền giả là những loại tiền được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng nhà nước tổ chức in, đúc và phát hành.
Từ định nghĩa trên, có thể suy ra một số đặc điểm của tiền giả như sau:
- Về mặt hình thức, tiền giả có hình dáng, hoa văn, hình vẽ tương đối giống với tiền thật tương ứng, thường rất khó để phân biệt giữa tiền giả và tiền thật. Tuy nhiên, khi xem xét tờ tiền giấy giả, ta vẫn có thể nhận thấy một số điểm khác biệt như sau:
- Thông thường tiền giả hiếm khi được in bằng giấy polymer và không có hình bông hoa sen chìm dưới tờ tiền. Biểu tượng chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và chữ Việt Nam nằm dưới hình chủ tịch Hồ Chí Minh trong tờ tiền giả thường được in đậm hơn trên nền giấy, không có kỹ thuật và không sáng trắng khi soi tiền giả trước nguồn sáng như trên tờ tiền thật
- Một số chi tiết in nét nổi trên tờ tiền thật không được thể hiện trên tờ tiền giả như dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chân dung bác Hồ, chữ và mệnh số giá
- Khi soi dưới ánh đèn cực tím, mặt trước của tờ tiền giả không có cụm số ghi mệnh giá và không phát quang dưới ánh đèn cực tím; các chi tiết màu vàng cam xung quanh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và màu vàng cam mặt sau của tờ tiền giả không phát quang màu vàng dưới ánh sáng đèn cực tím; dòng số seri dọc màu đỏ trên tờ tiền giả không phát quang màu da cam khi soi dưới ánh sáng đèn cực tím.
- Tiền giả bao gồm các loại tiền sau:
- Tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả
- Ngân phiếu giả ngân phiếu của Việt Nam hoặc nước ngoài nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam. Ngân phiếu là phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và có mệnh giá in sẵn, không ghi tên và có giá trị như tiền mặt được sử dụng để nộp thuế, trả nợ ngân sách Nhà nước, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc trả nợ các đơn vị, tổ chức khác
- Công trái giả công trái do Việt Nam hoặc nước ngoài ban hành nhưng có trị thanh toán trong nước. Công trái hay còn gọi là trái phiếu là một trong những loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành nhằm xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành trái phiếu hay công trái.
Mọi người cũng xem: Thủ tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp
2. Xử phạt người phạm tội sử dụng tiền giả để mua bán như thế nào?
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 23 Luật ngân hàng, pháp luật nghiêm cấm hành vi làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả. Do đó, người nào thực hiện hành vi sử dụng tiền giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu người phạm tội sử dụng tiền giả để tiến hành giao dịch, mua bán tài sản.
2.1. Xử phạt người phạm tội sử dụng tiền giả về “Tội lưu hành tiền giả”
Tội lưu hành tiền giả là một trong 04 nhóm tội thuộc "Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả” quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự (Tội làm tiền giả, Tội tàng trữ tiền giả, Tội vận chuyển tiền giả, Tội lưu hành tiền giả). Tội lưu hành tiền giả có một số đặc điểm sau đây:
- Về khách thể của tội sử dụng tiền giả, hành vi sử dụng tiền giả xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về phát hành và lưu thông tiền tệ, xâm phạm đến chính sách phát triển kinh tế của nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Về mặt khách quan: Người phạm tội sử dụng tiền giả vào lưu thông trong các quan hệ dân sự như mua bán, tặng cho, cho vay tiền giả. Hành vi sử dụng tiền giả gây ra những thiệt hại về kinh tế cho những người bị lừa, đồng thời gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, suy thoái nền kinh tế
- Về mặt chủ thể: Người phạm tội sử dụng tiền giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự tại thời điểm phạm tội
- Về mặt chủ quan: người phạm tội sử dụng tiền giả với lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ số lượng tiền mình sử dụng là tiền giả, nhận thức được hành vi mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi trái pháp luật và bị Nhà nước nghiêm cấm. Đồng thời, người phạm tội thấy trước được hậu quả do hành vi của mình gây ra sẽ xâm hại đến trật tự quản lý của Nhà nước về an ninh tiền tệ nhưng vẫn cố tình thực hiện với mong muốn hậu quả sẽ xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý định bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
Như vậy, người phạm tội sử dụng tiền giả thỏa mãn các dấu hiệu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội “Lưu hành tiền giả” với mức hình phạt sau đây:
- Trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng dưới 5.000.000 đồng thì người phạm tội sử dụng tiền giả sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù. Nếu người phạm tội sử dụng tiền giả có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể áp dụng hình phạt dưới 03 năm tù. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng mà không có tình tiết giảm nhẹ hoặc có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tối đa 07 năm tù
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
- Trong trường hợp người chuẩn bị phạm tội sử dụng tiền giả thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm. Người chuẩn bị phạm tội sử dụng tiền giả là người đang trong quá trình thực hiện sử dụng tiền giả nhưng chưa có hành vi xâm phạm đến đối tượng tác động khác do yếu tố khách quan như chuẩn bị kế hoạch phạm tội, thăm dò, tìm hiểu địa điểm phạm tội, chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội hoặc loại trừ những trở ngại khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện tội phạm
- Ngoài ra, người phạm tội sử dụng tiền giả còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
2.2. Xử phạt người phạm tội sử dụng tiền giả về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”
Người phạm tội sử dụng tiền giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu người đó đồng thời thỏa mãn các đặc điểm sau:
- Người phạm tội sử dụng tiền giả là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ. Người phạm tội nhận thức và phân biệt được sự khác nhau giữa tiền thật và tiền giả, xác định được nguồn gốc của tiền luôn là từ Ngân hàng nhà nước và không thể thực hiện việc mua bán tiền
- Người phạm tội thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối trong trường hợp này là người phạm tội sử dụng tiền giả trong các giao dịch dân sự và khiến cho chủ sở hữu, người quản lý tài sản đã tin tưởng đó là tiền thật và đồng ý giao tài sản cho người phạm tội. Người bị hại không biết mình bị lừa. Người phạm tội biết số tiền mình đưa là những thông tin gian dối nhưng mong người quản lý, chủ sở hữu tin đó là tiền thật
- Thông qua hành vi sử dụng tiền giả, người phạm tội đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho người khác về tài sản. Giá trị của tài sản khi xác định tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là giá trị tài sản người đó thu được từ việc sử dụng tiền giả và được trưng cầu giám định bởi cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, người phạm tội sử dụng tiền giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị áp dụng một trong các mức hình phạt sau đây:
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả chiếm đoạt tài sản có trị giá từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng hoặc chiếm đoạt tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Tội trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm; tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc sử dụng tiền giả để chiếm đoạt tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù:
- Sử dụng tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp
- Người phạm tội sử dụng tiền giả chiếm đoạt tài sản đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng chưa được xóa án tích mà lại phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý
- Người phạm tội sử dụng tiền giả làm thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng
- Người phạm tội sử dụng tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi phạm tội. Quyền hạn, chức vụ là điều kiện tiên quyết để người đó phạm tội. Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả không có chức vụ, quyền hạn nhưng sử dụng hành vi lừa dối, giả dạng là người có chức, có quyền thì không bị truy cứu trách nhiệm về tình tiết này.
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để lừa đảo thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
- Trường hợp người phạm tội sử dụng tiền giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để thực hiện hành vi phạm tội thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
- Ngoài ra, người phạm tội còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Thời gian cấm được xác định khi người phạm tội chấp hành xong án phạt tù hoặc tính từ thòi điểm bản án có hiệu lực pháp luật nếu người phạm tội bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ.
Xem thêm bài viết: Khung hình phạt tội lợi dụng lòng tin lừa đảo chiếm đoạt tài sản
3. Trường hợp sử dụng tiền giả nhưng không biết tiền đó là giả thì có bị xử phạt không?
Pháp luật hiện hành chỉ quy định hành vi sử dụng tiền giả bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người đó thực hiện hành vi với lỗi cố ý, nghĩa là người đó biết rõ tiền mình sử dụng là tiền giả. Như vậy, có thể nói, trường hợp người nào vô ý sử dụng tiền giả nhưng không biết đó là tiền giả thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu sau đó người đó phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi là giả nhưng che giấu, không nộp lại thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Nghị định số 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP).
- Trường hợp người nào sử dụng tiền không biết là tiền giả, sau đó phát hiện hoặc nghi tiền là giả nhưng không giao nộp tiền giả theo quy định; phát hiện tiền giả loại mới, phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả hoặc bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền thì bị phạt cảnh cáo
- Trường hợp người, tổ chức trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ; phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ hoặc không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Ngoài ra, người vi phạm hành chính còn bị tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hoặc buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả, tiền nghi giả.
4. Nhận biết tiền giả để tránh phạm tội sử dụng tiền giả
Để tránh vô tình sử dụng tiền giả hoặc vi phạm pháp luật do sử dụng tiền giả, chúng ta cần phân biệt được một số điểm khác nhau giữa tiền thật và tiền giả. Dưới đây là một số điểm khác biệt có thể kể đến như sau:
- Đối với tiền thật được phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Khi vò hoặc nắm gọn tờ tiền trong lòng bàn tay và mở ra, tờ tiền thật sẽ tự đàn hồi về trang thái ban đầu. Trong khi đó, tiền giả thường được in trên ni lông nên không có sự đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật
- Nhận biết tiền giả qua bề mặt trước của tờ tiền. Một số vị trí của tờ tiền được in nổi, nhám ráp của nét in khi chạm vào tờ tiền như dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”, chân dung Chủ tịch Hồ Chính Minh, Quốc huy, mệnh giá tiền bằng số và bằng chữ. Trong khi ở tiền giả thì không có cảm giác nổi như tiền thật mà chỉ có cảm giác trơn lì
- Đối với các tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng thì khi nghiêng tờ tiền, màu mực trên tờ tiền của ba mệnh giá này sẽ thay đổi từ mùa vàng sang màu xanh lá cây hoặc người lại. Đối với dải iriodin có ở mặt sau các tờ tiền có mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng thì khi chao nghiêng tờ tiền, dãi màu này sẽ lấp lánh ánh kim và có ghi mệnh giá tiền hoặc hoa văn trên dải. Trong khi đó, tiền giả thì đối với sự đổi màu hoặc sự thay đổi với dải iriodin không đúng như tiền thật
- Đối với các tờ tiền mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng, phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau của tờ tiền đều có một cửa sổ nhỏ. Khi nhìn cửa sổ thông qua ánh sáng từ ngọn lửa, bóng đèn sợi đốt, đèn đường, đèn flash điện thoại sẽ hình thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng. Tuy nhiên, ở tiền giả không xuất hiện hình này.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn thủ tục tố giác người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trên đây, bài viết đã cung cấp một số thông tin về tội sử dụng tiền giả theo pháp luật hiện hành. Có thể thấy, người nào sử dụng tiền giả để mua bán thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lưu hành tiền giả hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức phạt cao nhất là tù chung thân. Nếu độc giả còn bất kì vấn đề nào thắc mắc về Sử dụng tiền giả để mua bán phạm tội gì? Xử phạt tội sử dụng tiền giả hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề pháp lý khác, xin vui lòng liên hệ Luật Ánh Ngọc qua số điện thoại: 0878.548.558 hoặc qua email: lienhe@luatanhngoc.vn để được hỗ trợ, tư vấn trong thời gian sớm nhất.