[Cập nhật 2024] Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế


[Cập nhật 2024] Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là một trong những tài liệu có giá trị pháp lý khi thực hiện phân chia di sản của người đã mất. Một văn bản thỏa thuận trên bao gồm những nội dung gì? Pháp luật quy định như thế nào? Bài viết hôm nay sẽ giải đáp những thắc mắc trên.

1. Quy định chung về văn bản thỏa thuận phân chia di sản

Theo quy định Điều 659 Bộ luật Dân sự năm 2015, văn bản thỏa thuận phân chia di sản được lập trong trường hợp người để lại di sản chết không để lại di chúc hoặc di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người được thừa kế.

Sự thỏa thuận giữa các bên mà không có sự tham gia của cơ quan tài phán thể hiện sự tôn trọng, tự do ý chí của các đồng thừa kế, từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Từ định nghĩa trên có thể suy ra, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có những đặc điểm sau:

  • Là một giao dịch dân sự;
  • Chủ thể của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là người được thừa kế:
    • Người thừa kế là tổ chức hoặc cá nhân. Đối với cá nhân thì phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chất. Đối với tổ chức thì tổ chức phải tồn tại tại thời điểm mở thừa kế.
    • Người thừa kế là người được nêu tên trong di chúc hoặc người thuộc các hàng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015.
  • Đối tượng của văn bản thỏa thuận phân chia di sản là tài sản của người chết:
    • Tài sản riêng của người chết là tài sản mà người đó tại thời điểm còn sống được sở hữu một cách độc lập, không bị phụ thuộc vào bất kì ai.
      • Tài sản có được trước khi kết hôn;
      • Tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân;
    • Tài sản của người chết trong khối tài sản chung của vợ chồng. Thông thường, trong trường hợp này, tài sản của người đó bằng ½ tổng khối tài sản chung của vợ chồng;
    • Tài sản trong khối tài sản chung theo phần với người khác.
    • Ngoài ra, di sản thừa kế còn bao gồm: quyền tài sản như tuyền được nhận tiền bảo hiểm nếu khi còn sống người để lại di sản có ký hợp đồng bảo hiểm; quyền nhận tiền công, tiền nhuận bút, trợ cấp xã hội,...
    • Tuy nhiên, một số loại tài sản không thể được phân chia hoặc bị hạn chế phân chia, gồm:
      • Di sản dùng vào việc thờ cúng. Phần di sản này được giao cho người đã được chỉ định hoặc cử quản lý để thực hiện việc thờ cúng.
      • Di tặng;
      • Di sản bị hạn chế phân chia do thủ tục hành chính, ví dụ quyền sử dụng đất mà khi thực hiện thủ tục tách thửa không đảm bảo về diện tích tách thửa theo quy định;
      • Di sản là nguồn sống duy nhất của vợ hoặc chồng người để lại di sản;
  • Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bao gồm các nội dung chính sau:
    • Thông tin người thừa kế
    • Tên người để lại di sản và di sản thừa kế
    • Nội dung thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
    • Cam kết của những người thỏa thuận phân chia di sản
  • Các đồng thừa kế có thể tự thỏa thuận phân chia phần di sản thừa kế theo nhiều cách thức và hình thức:
    • Phân chia từng phần hoặc toàn bộ;
    • Phân chia theo giá trị hoặc theo hiện vật;
  • Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế có giá trị pháp lý là chứng cứ khi phát sinh tranh chấp và là căn cứ pháp lý để thực hiện việc phân chia di sản thừa kế;
  • Hình thức văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế phải được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực.

Xem thêm bài viết: Những lưu ý khi phân chia di sản thừa kế

2. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

VĂN BẢN  THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN

Hôm nay, ngày 03 tháng 03 năm 2024, tại ....................., chúng tôi gồm:

1) Bà:   NGUYỄN THỊ M                            Sinh năm: 1966

CCCD số:  038157xxx    Ngày cấp: 21/2/2021  Nợi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội

Địa chỉ thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Là  vợ ông Lê Văn T.

2) Ông: LÊ HOÀNG A                                        Sinh năm: 1988

Căn cước công dân số: 04618xxx          Ngày cấp: 21/8/2021    Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Địa chỉ thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Là con ông Lê Văn T.

3) Bà: LÊ NGÂN B.                                                             Sinh năm: 1990

Căn cước công dân số: 04675xxx                                      Ngày cấp: 21/8/2021

Nơi cấp: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Hộ khẩu thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Là con ông Lê Văn T.

Chúng tôi thỏa thuận khai nhận và phân chia di sản thừa kế như sau:

I. NGƯỜI ĐỂ LẠI DI SẢN

 Ông LÊ VĂN T (Sinh năm: 196x) chết ngày 17/7/2013 (Theo Giấy chứng tử số 10/2013 Đăng ký tại UBND xã X ngày 30/03/2013)

II. DI SẢN THỪA KẾ

Phần quyền sử dụng đất trong khối tài sản chung hợp nhất với vợ là bà Đặng Thị T – Căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y – 65xxx, vào sổ cấp GCNQSDĐ số 006xx QSDĐ/2546-2005 do Ủy ban nhân dân quận Z, thành phố K cấp ngày 29/4/2005, cụ thể:

  • Thửa đất số: 04
  • Tờ bản đồ số: 01
  • Địa chỉ thửa đất: 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.
  • Diện tích: 100m2 (Một trăm mét vuông)
  • Thời hạn sử dụng: Lâu dài

III. NHỮNG NGƯỜI THỪA KẾ:

Chúng tôi là những người thừa kế theo pháp luật của ông Lê Văn T. Trước khi chết ông Lê Văn T không để lại di chúc hoặc bất kỳ một nghĩa vụ tài sản nào mà người thừa kế ông Lê Văn T phải thực hiện. Những người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Lê Văn T bao gồm:

  1. Ông: LÊ VĂN TH. Sinh năm: 1929 đã chết ngày 22/4/2004 theo Trích lục khai tử số…/TLKT-BS do UBND xã X huyện T, tỉnh T cấp ngày 31/10/2023;

Quan hệ với người để lại di sản thừa kế: Cha ruột ông Lê Văn T;

  1. Bà: Hoàng Thị H. Sinh năm: 1929 đã chết ngày 22/4/2005 theo Trích lục khai tử số…/TLKT-BS do UBND xã X huyện T, tỉnh T cấp ngày 31/10/2023;

Quan hệ với người để lại di sản: Mẹ ruột ông Lê Văn T;

  1. NGUYỄN THỊ M. Sinh ngày: 06/06/1966. Căn cước công dân số: 038157xxx, cấp ngày 21/2/2021 tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Hộ khẩu thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Quan hệ với người để lại di sản thừa kế: vợ ông Lê Văn T;

  1. Ông LÊ HOÀNG A. Sinh ngày: 08/08/1988. Căn cước công dân số: 04618xxx, cấp ngày 21/8/2021 tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Hộ khẩu thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Quan hệ với người để lại di sản thừa kế: con ruột ông Lê Văn T;

  1. LÊ NGÂN B. Sinh ngày: 09/09/1990. Căn cước công dân số: 04675xxx, cấp ngày 21/8/2021 tại Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội;

Hộ khẩu thường trú: Số nhà 20 Đường X, phường Y, quận Z, thành phố K.

Quan hệ với người để lại di sản thừa kế: con ruột ông Lê Văn T;

III. NỘI DUNG THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN:

Cha mẹ ông Lê Văn T chết trước nên không được hưởng di sản.

Bà Nguyễn Thị M là vợ duy nhất của ông Lê Văn T.

Ông Lê Văn T chỉ có 02 người con ruột là ông Lê Hoàng A và bà Lê Ngân B.

Ông Lê Văn T không có ai là cha mẹ nuôi, con nuôi.

Bà Nguyễn Thị M và bà Lê Ngân B đồng ý tặng cho phần di sản mình được hưởng của ông Lê Văn T để lại cho ông Lê Hoàng A.

Ông Lê Hoàng A đồng ý nhận toàn bộ phần di sản mình được hưởng của ông Lê Văn T để lại và nhận toàn bộ quyền hưởng di sản do các đồng thừa kế đã tặng lại nêu trên.

IV. CAM KẾT CỦA NHỮNG NGƯỜI KHAI NHẬN VÀ THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN

Chúng tôi - những người có tên nêu trên xin cam đoan rằng những điều mà chúng tôi đã khai là hoàn toàn đúng sự thật, không khai man, không bỏ sót, không giấu thừa kế. Nếu sai hoặc sau này có ai khiếu nại và chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp của ông Lê Văn T thì chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và cam kết đem tài sản riêng của mình để đảm bảo cho lời khai này.

Chúng tôi cam kết:

- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản do ông Lê Văn T để lại (nếu có).

- Di sản nêu trên không bị tranh chấp, không được dùng để đảm bảo một nghĩa vụ nào khác, không thuộc trường hợp hạn chế phân chia di sản theo luật định;

- Những thông tin ghi trong văn bản này là đúng sự thật;

- Cam đoan đã xem xét, tìm hiểu kỹ về tình trạng pháp lý cũng như thực tế và xác nhận đối tượng của văn bản là có thật, không đề nghị công chứng viên xác minh hoặc giám định.

- Văn bản này do Những người khai nhận và thỏa thuận phân chia tự nguyện lập, và việc khai nhận và thỏa thuận phân chia nêu trên không nhằm trốn tránh thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào khác.

Chúng tôi đã đọc (nghe Công chứng viên đọc) lại văn bản này, đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong văn bản đã ký (điểm chỉ) vào văn bản này trước sự có mặt của Công chứng viên.

Người thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Để giúp quý khách hình dung được nội dung và cách thức của văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tác giả đã đưa ra một mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản cụ thể. Để xem chi tiết và tải về mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, click vào link sau để tải về: Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản

3. Lưu ý về văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế chỉ có hiệu lực pháp lý khi được công chứng đúng pháp luật. Do đó, các bên thỏa thuận phải thực hiện thủ tục này tại Văn phòng công chứng hoặc tại Phòng tư pháp cấp huyện.

Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế gồm:

  • Phiếu yêu cầu công chứng;
  • 03 bản Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản;
  • Bản sao giấy tờ tùy thân của người được hưởng di sản;
  • Bản sao Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản (Giấy tờ chứng minh quan hệ cha mẹ với con (Giấy khai sinh, quyết định nhận con nuôi, quyết định công nhận cha, mẹ, con, hộ khẩu;...Giấy chứng nhận kết hôn);
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
  • Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế mà pháp luật quy định phải có.
  • Cam đoan và chịu trách nhiệm về việc không bỏ sót người thừa kế theo pháp luật trừ trường hợp không thể biết còn có người khác được hưởng thừa kế theo pháp luật;
  • Bản di chúc hợp pháp (nếu có);
  • Giấy thỏa thuận phân chia, nhường quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản thừa kế của các đồng thừa kế khác (nếu có).

Xem thêm bài viết: Ủy ban nhân dân xã có công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế?

4. Một số câu hỏi thường gặp

 

02 câu hỏi về văn bản thỏa thuận phân chia di sản
02 câu hỏi về văn bản thỏa thuận phân chia di sản

4.1. Trong trường hợp phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì văn bản thỏa thuận phân chia di sản còn hiệu lực không? Cách thức xử lý?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 622 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp này sẽ không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật mà những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản vẫn có thể có hiệu lực.

4.2. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu khi nào?

  • Các bên vi phạm nguyên tắc về giao kết thỏa thuận;
  • Người thừa kế hưởng quyền nhưng không thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận dẫn đến phát sinh tranh chấp;
  • Việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không đúng, không đủ người thừa kế cũng như người tham gia thỏa thuận phân chia di sản;
  • Vi phạm các quy định của pháp luật về việc đại diện và vì lợi ích của người chưa thành niên, của người được giám hộ;
  • Người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền và vi phạm lợi ích của người ủy quyền;
  • Vi phạm quyền của người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc;
  • Xác định không đúng, không đủ khối tài sản chia và phần được chia của mỗi đồng thừa kế;
  • Thỏa thuận phân chia vượt quá phần tài sản có quyền thỏa thuận phân chia;

 


Ý kiến

()
Bình luận
Các bình luận khác