Bạn đã biết: Trường hợp cấp lại giấy phép sản xuất rượu?


Bạn đã biết: Trường hợp cấp lại giấy phép sản xuất rượu?
Giấy phép sản xuất rượu được sử dụng trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Vậy khi hết thời hạn, cá nhân, tổ chức có được cấp lại giấy phép không? Pháp luật còn quy định trường hợp nào được cấp lại giấy phép? Cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.

1. Trường hợp nào được cấp lại giấy phép sản xuất rượu

Giấy phép sản xuất rượu bao gồm các nội dung chủ yếu về thông tin cơ sở sản xuất, lĩnh vực sản xuất, thời hạn giấy phép cũng như quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất. 

Pháp luật cho phép cá nhân, tổ chức được xin cấp lại giấy phép trong một số trường hợp cụ thể. Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định 02 trường hợp cá nhân, tổ chức được xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu bao gồm:

- Giấy phép sản xuất rượu hết thời hạn hiệu lực:

Khoản 2 Điều 28 Nghị định này quy định về hiệu lực của giấy phép sản xuất rượu như sau:

+ Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có thời hạn 15 năm kể từ ngày cấp phép;

+ Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp phép.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày trước khi giấy phép sản xuất rượu hết thời hạn, cá nhân, tổ chức phải nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép theo quy định. Pháp luật hiện hành không có quy định về việc gia hạn giấy phép mà quy định hồ sơ, trình tự cấp lại giấy phép được áp dụng như đối với trường hợp cấp mới giấy phép sản xuất rượu.

- Giấy phép sản xuất rượu bị mất, bị hư hỏng:

Việc mất mát, hư hỏng giấy phép có thể xác định do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan gây nên, do thiên tai, hỏa hoạn, sự kiện bất khả kháng,...

Giấy phép sản xuất rượu được cấp lại trong trường hợp này sẽ có thời hạn như giấy phép đã cấp trước đó.

Ví dụ: Doanh nghiệp A được cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp vào năm 2020. Nhưng đã bị mất giấy phép do trận hỏa hoạn tháng 1/2024. Hiện nay, doanh nghiệp này đang làm hồ sơ để xin cấp lại giấy phép để tiếp tục hoạt động sản xuất rượu của mình. 

Theo quy định pháp luật, giấy phép sản xuất rượu của doanh nghiệp A là 15 năm, tức là đến năm 2035 là hết thời hạn hiệu lực. Do đó, khi được cấp lại giấy phép, giấy phép này vẫn sẽ có thời hạn đến 2035, điều này có nghĩa là, giấy phép sản xuất rượu của doanh nghiệp A còn thời hạn hiệu lực trong 11 năm nữa.

2. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu

Hồ sơ xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu
Tùy theo trường hợp cụ thể mà hồ sơ xin cấp lại giấy phép được quy định khác nhau

2.1. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép hết thời hạn hiệu lực

Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu trong trường hợp này được quy định giống với hồ sơ xin cấp mới giấy phép

Căn cứ quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp và giấy phép sản xuất rượu thủ công có sự giống nhau trong một số giấy tờ, tài liệu:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu theo mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (áp dụng đối với cơ sở sản xuất rượu thủ công);

- Bản liệt kê danh mục hàng hóa rượu, kèm theo bản sao hợp lệ nhãn hàng hóa rượu mà cơ sở sản xuất rượu dự kiến sản xuất.

Bên cạnh đó, đối với mỗi loại hình sản xuất rượu, có sự khác biệt về hồ sơ xin cấp giấy phép như sau:

+ Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu công nghiệp:

  • Bản sao hợp lệ Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm hoặc Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc bản sao giấy tờ cụ thể: GMP, HACCP, ISO 22000, EFS, BRC, FSSC 22000;
  • Bản sao hợp lệ quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cơ sở sản xuất rượu;
  • Bản sao hợp lệ bằng cấp, chứng chỉ chứng nhận chuyên môn, giấy tờ tùy thân hoặc hợp đồng lao động, quyết định tuyển dụng đối với cán bộ kỹ thuật.

+ Đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công:

  • Bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật; bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định.

2.2. Hồ sơ xin cấp lại giấy phép bị mất, hư hỏng

Trong trường hợp giấy phép sản xuất rượu bị mất, bị hư hỏng, cơ sở sản xuất rượu chuẩn bị 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP gồm:

- Đơn xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu theo mẫu số 03;

- Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ giấy phép sản xuất rượu đã được cấp (nếu có).

3. Trình tự cấp lại giấy phép sản xuất rượu

Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào hồ sơ đã lưu cũng như hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép của cá nhân, tổ chức để tiến hành cấp lại giấy phép sản xuất rượu trong từng trường hợp cụ thể. 

3.1. Cấp lại trong trường hợp giấy phép hết hạn hiệu lực

Trình tự, thủ tục xin cấp lại giấy phép được thực hiện như đối với trường hợp xin cấp mới giấy phép được quy định tại Điều 25 Nghị định 105/2017/ND-CP như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu

Cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ tùy theo trường hợp xin cấp lại giấy phép sản xuất rượu thủ công hoặc sản xuất rượu công nghiệp.

- Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ

+ Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ xin cấp lại giấy phép tại cơ quan có thẩm quyền thông qua hình thức nộp trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua phương thức trực tuyến;

+ Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy phép và hướng dẫn sửa đổi, bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc. 

- Bước 3: Trả kết quả cấp lại giấy phép sản xuất rượu cho cá nhân, tổ chức

Trong thời hạn 10 ngày làm việc (đối với hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công) và 15 ngày (đối với hồ sơ xin cấp giấy phép rượu công nghiệp), cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xem xét và ra quyết định cấp lại giấy phép sản xuất rượu cho cá nhân, tổ chức theo mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo nghị định này. 

Trường hợp từ chối cấp giấy phép, cơ quan nhà nước phải trả lời bằng văn bản và thông báo đến cá nhân, tổ chức được biết lý do từ chối.

3.2. Cấp lại trong trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hư hỏng

Đối với trường hợp giấy phép bị mất, bị hư hỏng, thủ tục cấp lại giấy phép sản xuất rượu được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định 105/2017/NĐ-CP như sau:

- Bước 1: Cá nhân, tổ chức chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định và nộp đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Bước 2: Khi nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì yêu cầu bổ sung trong thời hạn 03 ngày làm việc.

- Bước 3: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét và ra quyết định cấp lại giấy phép sản xuất rượu cho cá nhân, tổ chức. Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Kết quả là cá nhân, tổ chức được cấp lại giấy phép sản xuất rượu theo mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.