Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định


Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra theo quy định
Thời gian qua, báo chí liên tục đưa tin nhiều vụ việc người bị chó cắn chẳng hạn như “Ở Bắc Giang bị chó pitbull cắn, 4 người nhập viện” hay “Vụ chó pitbull cắn chết mẹ ruột nữ chủ nhà tại Bình Dương” không khỏi gây bàng hoàng, thương xót và phẫn nộ trong xã hội, gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy hiểm nuôi dưỡng vật nuôi. Đó chỉ 2 trong số nhiều vụ việc do súc vật gây thiệt hại cho người khác. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra của chủ nuôi súc vật được pháp luật quy định như thế nào?

 

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra được hiểu như thế nào?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra của chủ nuôi súc vật là 1 trường hợp của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra không xuất phát từ hành vi của chủ sở hữu súc vật mà thông qua hoạt động của súc vật và chủ nuôi súc vật phải có trách nhiệm bồi thường do lỗi trong quản lý hoạt động súc vật. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra chỉ phát sinh khi có thiệt hại xảy ra và có thể phát sinh giữa bất kỳ chủ thể nào hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không liên quan đến những thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Những trường hợp nào mà chủ nuôi súc vật không phải bồi thường do súc vật gây ra?

 

Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Theo quy định của pháp luật Điều 603 BLDS 2015 thì các trường hợp chủ sở hữu súc vật không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra bao gồm:

Thứ nhất, người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Thứ hai, chủ sở hữu không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra nếu thiệt hại xảy ra do lỗi của người thứ ba, người thứ ba có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. 

Thứ ba, súc vật của chủ sở hữu bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì chủ sở hữu không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra mà người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có trách nhiệm bồi thường.

Thứ tư, nếu việc gây thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì sẽ không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện ngoài ý muốn, không phải do lỗi của bên nào, các bên không thể dự đoán được cũng như không thể tránh và khắc phục được. Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng thiên nhiên như lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, dịch bệnh,…Do đó, sự kiện bất khả kháng là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây thiệt hại.

Ví dụ: ông S có nuôi 1 đàn trâu, có xây chuồng trại chắc chắn. Vào một buổi tối, ông S buộc trâu và đóng chuồng trại cẩn thận như mọi ngày nhưng vì có mưa lớn, sấm sét, gió lốc làm cho chuồng trâu của ông S bị hư hại và làm cho đàn trâu trong chuồng bị hoảng sợ, làm đứt dây buộc và chạy toán loạn. Vô tình đàn trâu chạy sang nhà hàng xóm húc đổ nhiều vật dụng, cây cảnh và cây ăn trái gây thiệt hại cho nhà hàng xóm đó. Như vậy, trường hợp này, ông S không phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Vì ông S không có lỗi trong việc quản lý đàn trâu của mình và thiệt hại xảy ra cho nhà hàng xóm là do đàn trâu của ông S gây ra tuy nhiên nguyên nhân dẫn tới việc đàn trâu gây thiệt hại là do hiện tượng tự nhiên tác động đến đàn trâu làm cho đàn trâu sợ hãi đó là sự kiện mưa lớn, sấm sét và gió lốc (sự kiện bất khả kháng) và gây ra thiệt hại. Do đó, ông S là chủ sở hữu vật nuôi gây thiệt hại không phải bồi thường.

3. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

 

Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra là 1 dạng của trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng nên theo nguyên tắc tại Điều 584 BLDS 2015 có những điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại sau:

Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra. Để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra thì phải có yếu tố có thiệt hại xảy ra và thiệt hại này phải do súc vật gây ra.

Thứ hai, có sự kiện gây thiệt hại là sự kiện trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra bao gồm hành vi thể hiện ở dạng hành động và không hành động. Cụ thể:

Thể hiện ở dạng hành động:

  • Hành vi cố ý sử dụng súc vật như công cụ, phương tiện để gây thiệt hại cho chủ thể khác. Ví dụ: A ghét B, nên lừa và đẩy B vào vườn chó dữ nhốt lại, để bầy chó dữ cắn B.
  • Hành vi tác động đến súc vật như trêu chọc, tấn công,.. để súc vật gây thiệt hại cho người khác.
  • Hành vi chăn thả súc vật trái pháp luật. Ví dụ như chăn bò đi qua đường quốc lộ khi người đi đường quốc lộ, nhiều xe qua lại, bấm còi xe khiến bò chạy tán loạn vì hoảng sợ gây tai nạn giao thông.

Thể hiện ở dạng không hành động:

Là việc không quản lý , nuôi giữ súc vật dẫn tới súc vật gây thiệt hại. Ví dụ, rọ mõm cho chó sơ sài hoặc không rọ mõm cho chó dữ, dắt chó đi dạo không cột dây chắc chắn khiến nó tấn công người đi đường gây thiệt hại cho người khác.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân giữa sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật và thiệt hại trái  pháp luật. Nghĩa là thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu bởi hành vi gây thiệt hại trái pháp luật do súc vật gây ra và hành vi súc vật gây thiệt hại trái pháp luật là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra. 

4. Chủ nuôi súc vật chịu trách nhiệm bồi thường như thế nào?

 

Chủ nuôi súc vật chịu trách nhiệm bồi thường như thế nào?
Chủ nuôi súc vật chịu trách nhiệm bồi thường như thế nào?

* Những trường hợp mà chủ nuôi súc vật phải bồi thường thiệt hại cho người khác khi súc vật của mình gây ra:

Trường hợp 1: Theo quy định tại khoản 1 Điều 603 BLDS 2015 “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác”. Do chủ sở hữu là người trực tiếp chiếm hữu, khai thác, sử dụng súc vật nên họ phải có trách nhiệm quản lý, kiểm soát súc vật để không gây ra thiệt hại cho người khác. Vì vậy, trường hợp chủ sở hữu súc vật để súc vật gây thiệt hại cho người khác thì chủ sở hữu súc vật được suy đoán là có lỗi trong quản lý súc vật nên phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Để buộc chủ sở hữu súc vật bồi thường thì cần phải chứng minh được thiệt hại gây ra là do súc vật của chủ sở hữu.

Trường hợp 2: Người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Người thứ ba ở đây không là chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người chiếm hữu, sử dụng gia súc trái pháp luật nhưng đã thực hiện hành vi làm súc vật gây thiệt hại cho người khác. Cho nên trường hợp người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Trường hợp 3: Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật là người được chủ sở hữu giao cho chiếm hữu, sử dụng súc vật; còn người chiếm hữu, sử dụng súc vật trái pháp luật là người đã thực hiện hành vi chiếm hữu, sử dụng súc vật ngoài ý muốn của chủ sở hữu như trộm cắp. Như vậy, khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp 4: Súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

* Sau khi đáp ứng những điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại có thể được bồi thường những khoản nào?

Thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng quy định tại các Điều 589, Điều 590, Điều 591 BLDS 2015.

  • Thiệt hại về tài sản

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, trong trường hợp này thiệt hại bao gồm: Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Các thiệt hại khác theo quy định của pháp .

  • Thiệt hại về sức khỏe

Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm, trong trường hợp này thiệt hại bao gồm:

    • Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
    • Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
    • Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
    • Các thiệt hại khác theo quy định của pháp .

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khoẻ của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thoả thuận; Mức bồi thường tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định trong trường hợp không thoả thuận được.

  • Thiệt hại về tính mạng bao gồm:
    • Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của BLDS 2015;
    • Chi phí mai táng hợp lý;
    • Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
    • Các thiệt hại khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm thì phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì bồi thường cho người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại hưởng. Mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định cho một người có tính mạng bị xâm phạm.

5. Câu hỏi thường gặp

5.1. Người dưới 18 tuổi có phải bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây ra?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 BLDS 2015 thì người dưới 18 tuổi có 2 nhóm đối tượng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật của mình gây thiệt hại cho người khác:

  • Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp người chưa đủ 15 tuổi đang trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
  • Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 gây thiệt hại phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

5.2. Ngoài bồi thường theo trách nhiệm dân sự thì chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Tính đến thời điểm hiện tại đã có rất nhiều vụ việc thương tâm do súc vật gây ra chẳng hạn như chó pitbull, chó becgie cắn người. Với những vụ việc thương tâm như dẫn chó pitbull đi dạo ngoài công viên, bỗng nhiên lao tới cắn người đi đường khiến nạn nhân bị thương nặng hay vụ ở Bình Phước bé trai 8 tuổi trong lúc chạy sang nhà bà nội chơi thì bị con chó pitbull nặng hơn 30 kg xích gần đó tấn công khiến cháu bé tử vong. Như vậy, trách nhiệm của chủ sở hữu súc vật được pháp luật quy định như thế nào về những trường hợp trên.

Trường hợp chủ sở hữu súc vật gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác thì chủ sở hữu súc vật có thể chịu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ.

+ Trường hợp súc vật gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì theo quy định tại Điều 138 BLHS 2015 phạm tội “Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi mà chủ sở hữu súc vật bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm; bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Trường hợp súc vật làm chết người thì theo quy định tại Điều 128 BLHS 2015 về tội “Vô ý làm chết người”. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ hành vi mà chủ sở hữu súc vật bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Xem thêm bài viết tại: Thả vật nuôi gây tai nạn giao thông chủ có phải chịu trách nhiệm?

Trên đây là phân tích của Luật Ánh Ngọc về "Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra của chủ nuôi súc vật theo quy định của pháp luật" Quý khách hàng cần hỗ trợ hãy liên hệ tới chúng tôi nhé!

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.