1. Giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp
1.1. Bán hàng đa cấp là gì?
Bán hàng đa cấp là một hoạt động kinh doanh gồm nhiều người tham gia, nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó người tham gia bán hàng được hưởng hoa hồng, lợi nhuận từ việc bán hàng đó của mình hoặc của những người khác là cấp dưới của mình trong mạng lưới của mình.
Có thể hiểu đơn giản rằng một người có thể mời nhiều người khác trở thành cấp dưới phân phối hàng hóa và những người cấp dưới có thể tạo dựng mạng lưới riêng của mình. Từ đó sẽ hình thành được rất nhiều nhánh, phân phối hàng hóa không dựa trên sự phân phối qua các cửa hàng, chi nhánh bán lẻ,... mà phân phối dựa trên chính “sức người”. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được thực hiện kinh doanh đa cấp.
1.2. Trường hợp cần xin giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp
Trường hợp phải có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp chính là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam muốn hoạt động bán hàng đa cấp. Ngoài trường hợp này, các trường hợp như cá nhân, doanh nghiệp, công ty, dù hoạt động kinh doanh là gì, cũng không được phép bán hàng đa cấp nếu chưa được cấp phép.
Bên cạnh đó, các trường hợp sau sẽ không được xin cấp phép bán hàng và không được phép bán hàng đa cấp: cán bộ công chức, người đang chấp hành hình phạt tù, người từng tham gia bán hàng đa cấp trước đó mà bị xử phạt,... (Khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP; sửa đổi tại Nghị định 18/2023/NĐ-CP).
Nếu bạn không thuộc những trường hợp bị cấm, và nếu bạn muốn kinh doanh bán hàng đa cấp, thì bạn phải xin cấp phép.
Lưu ý: Nghị định 18/2023/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung thêm một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP theo hướng mở rộng các đối tượng được kinh doanh đa cấp; tăng sự bảo đảm quyền và lợi ích của những người tham gia bán hàng đa cấp và phù hợp hơn với tình hình kinh doanh đa cấp tại Việt Nam hiện nay.
2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp
- Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP (kèm theo bản điện tử định dạng ".doc" và ".xls") tới Văn phòng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - Bộ Công Thương (gửi trực tiếp/ qua bưu điện);
- Tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo bằng văn bản để doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
- Trường hợp doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp không sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ cho doanh nghiệp.
- Thẩm định hồ sơ:
- Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo cho doanh nghiệp nộp phí thẩm định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ nếu doanh nghiệp không nộp phí thẩm định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo;
- Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định hồ sơ trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phí thẩm định.
- Nội dung thẩm định:
- Xác nhận bằng văn bản với ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ về tính xác thực của văn bản xác nhận ký quỹ;
- Thẩm định nội dung các tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đảm bảo phù hợp với các quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP;
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp:
- Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
- Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông báo bằng văn bản đề nghị doanh nghiệp bổ sung hồ sơ 1 lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành thông báo. Thời hạn thẩm định hồ sơ sửa đổi, bổ sung là 15 ngày làm việc kể từ ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung.
- Trả lại hồ sơ: Trường hợp doanh nghiệp không sửa đổi, bổ sung đúng thời hạn quy định hoặc hồ sơ của doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP sau khi đã sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trả lại hồ sơ bằng văn bản, nêu rõ lý do;
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, thông báo cho ngân hàng nơi doanh nghiệp ký quỹ và cung cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp kèm theo bản sao các tài liệu quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 9 Nghị định 40/2018/NĐ-CP cho các Sở Công Thương trên toàn quốc bằng một trong các phương thức sau:
- Gửi qua dịch vụ bưu chính;
- Thư điện tử;
- Hệ thống công nghệ thông tin quản lý bán hàng đa cấp của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
3. Một số câu hỏi liên quan
3.1. Xin Giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp cần những gì?
Thứ nhất, cần chuẩn bị đủ các điều kiện nêu trên của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần chuẩn bị Hồ sơ để xin giấy phép kinh doanh đa cấp;
Xem thêm: Kinh doanh bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật hiện nay
Cần lưu ý rằng tất cả các văn bản, giấy tờ là bản sao thì phải được công chứng tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, cần chuẩn bị phí. Người nộp phí thực hiện nộp phí khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, mức phí là 5 triệu đồng/01 lần thẩm định đối với trường hợp xin cấp mới hoặc tái cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoạt động đa cấp.
3.2. Có được sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp?
Giấy phép đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau:
- Doanh nghiệp thay đổi các thông tin liên quan đến doanh nghiệp như địa chỉ, thông tin liên lạc, người đại diện của doanh nghiệp, người góp vốn,...;
- Doanh nghiệp muốn thay đổi, bổ sung danh mục hàng hóa bán hàng đa cấp.
Nếu không thực hiện sửa đổi, bổ sung giấy phép khi có sự thay đổi trong hai trường hợp nêu trên, doanh nghiệp có thể bị xử phạt tiền từ hai lăm đến ba mươi triệu đồng. Do đó việc sửa đổi, bổ sung giấy phép đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi cần thiết là rất quan trọng.
Trong các trường hợp nêu trên, thì doanh nghiệp cần phải tuân theo thủ tục, trình tự tại Điều 12 Nghị định 40/2018/NĐ-CP để được bổ sung, sửa đổi giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp.
Trên đây là những vấn đề liên quan đến Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nếu quý khách hàng có bất kỳ câu hỏi nào hoặc muốn biết thêm về dịch vụ của chúng tôi, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi. Chúng tôi sẽ rất hân hạnh được hỗ trợ và làm đối tác tin cậy của quý vị.