Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép xây dựng có thời hạn


Điều kiện, thủ tục cấp giấy phép xây dựng có thời hạn
Giấy phép xây dựng có thời hạn là một văn bản pháp lý quan trọng, là điều kiện để chủ đầu tư được thực hiện việc xây dựng các loại công trình. Tuy nhiên, để được cấp giấy phép này, cần đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.

1. Đối tượng được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

Dựa theo quy định về giấy phép xây dựng và các quy định liên quan tại Điều 17, Điều 18 Luật xây dựng, có thể hiểu giấy phép xây dựng có thời hạn là giấy phép xây dựng được cơ quan có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư thực hiện xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ được sử dụng trong thời hạn nhất định theo kế hoạch thực hiện quy hoạch xây dựng.

Trong đó, giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý được cấp cho chủ đầu tư để thực hiện việc xây mới, sửa chữa cải tạo và di dời công trình xây dựng.

Theo quy định pháp luật, loại giấy phép xây dựng có thời hạn được cấp cho chủ đầu tư trong trường hợp:

- Xin giấy phép xây dựng trong khu vực có quy hoạch chi tiết, khu vực phân khu xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có kế hoạch thu hồi đất nếu có đủ điều kiện;

- Trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố quy hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện mà cơ quan có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch đã được công bố mà không có kế hoạch hoặc không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm. 

Lưu ý: Chủ đầu tư bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân.

2. Điều kiện cần đáp ứng để được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

Điều 94 Luật xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung bởi khoản 33 Điều 1 Luật xây dựng 2020 quy định chi tiết về các điều kiện chung cũng như điều kiện chuyên môn đối để được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn như sau:

Điều kiện cấp giấy phép
Điều kiện cấp giấy phép

2.1. Điều kiện chung

Điều kiện chung để được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 94 gồm:

- Công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng hoặc quy hoạch chi tiết, phân khu xây dựng xây dựng khu chức năng hay quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đã được công bố, phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được thực hiện và chưa có kế hoạch thu hồi đất;

- Công trình phải phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tình quy định cho từng khu vực cũng như thời hạn tồn tại của công trình theo kế hoạch quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phế duyệt;

- Phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được xác định tại trên giấy tờ hợp pháp của chủ đầu tư;

- Chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình trong trường hợp hết thời hạn tồn tại ghi trên giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có quyết định thu hồi đất. Nếu chủ đầu tư không tự nguyện phá dỡ thì được coi là xây dựng công trình trái phép và bị cưỡng chế phá dỡ và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí phá dỡ. 

Lưu ý: Trong trường hợp đã quá thời hạn mà quy hoạch chưa được thực hiện thì chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan có thẩm quyền có quyết định về việc thu hồi đất.

2.2. Điều kiện chuyên môn

- Đối với công trình xây dựng:

  • Đáp ứng các điều kiện chung để cấp giấy phép xây dựng;
  • Đảm bảo các điều kiện về an toàn công trình, an toàn cho các công trình lân cận cũng như các điều kiện về an toàn phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ các loại công trình,...
  • Thiết kế công trình đã được thẩm định, phê duyệt theo quy định;
  • Có đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy phép phù hợp với từng loại công trình.

- Đối với nhà ở riêng lẻ:

  • Đáp ứng các điều kiện chung để cấp giấy phép xây dựng;
  • Đảm bảo thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Điều 79 Luật này;
  • Đảm bảo an toàn xây dựng công trình, an toàn phòng chống cháy nổ, công trình độc hại, an toàn hạ tầng kỹ thuật,...
  • Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đáp ứng đầy đủ quy định tại Luật xây dựng.

3. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

Việc cấp giấy phép xây dựng có thời hạn được thực hiện theo trình tự, thủ tục dưới đây:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ

Chủ đầu tư chuẩn bị 02 bộ hồ sơ xin cấp giấy giấy phép xây dựng phù hợp với từng loại công trình như: công trình theo tuyến, công trình không theo tuyến, công trình tín ngưỡng, tôn giáo, công trình tượng đài hoành tráng, công trình quảng cáo,... và nhà ở riêng lẻ được quy định chi tiết tại các Điều 43 và Điều 46 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, bao gồm:

  • Đơn đề nghị xin cấp giấy phép xây dựng;
  • Các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu;
  • Bản vẽ thiết kế xây dựng phù hợp với từng loại công trình cụ thể;
  • Tùy theo công trình còn có thêm các giấy tờ như: văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, bản cam kết bảo đảm an toàn,...

Lưu ý:

+ Tiêu đề trên đơn đề nghị được đổi thành "Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn";

+ Các giấy tờ, bản vẽ thiết kế trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử;

+ Bản vẽ thiết kế tuân thủ quy định về quy cách hồ sơ thiết kế xây dựng;

+ Đối với hồ sơ được nộp dưới dạng bản sao điện tử, chủ đầu tư chỉ cần nộp 01 bộ hồ sơ bản vẽ thiết kế xây dựng.

Sau đó, chủ đầu nộp hồ sơ và nộp lệ phí trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền hoặc gửi qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo quy định.

Trình tự cấp giấy phép xây dựng
Trình tự cấp giấy phép xây dựng

- Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:

  • Trong trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì hoàn tất thủ tục tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy biên nhận;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hướng dẫn chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. 

- Bước 3: Thẩm định hồ sơ

Trong thời hạn 07 ngày, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa.

  • Trường hợp tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng quy định, không đúng thực tế thì cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư sửa đổi, bổ sung;
  • Trong trường hợp chủ đầu tư đã bổ sung nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, thì trong vòng 05 ngày, cơ quan có thẩm quyền thông báo bằng văn bản hướng dẫn chủ đầu tư tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
  • Nếu việc bổ sung hồ sơ của chủ đầu tư vẫn không đáp ứng được thì trong thời hạn 03 ngày, cơ quan có thẩm quyền thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép xây dựng.

- Bước 4: Xin ý kiến các cơ quan liên quan

Cơ quan có thẩm quyền đối chiếu các điều kiện theo quy định và gửi văn bản lấy ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan. Các cơ quan quản lý liên quan chịu trách nhiệm trả lời ý kiến của mình trong thời hạn 12 ngày làm việc, trường hợp quá thời hạn mà không có ý kiến thì coi là đồng ý và phải chịu trách nhiệm về các nội dung đó.

- Bước 5: Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn

Sau khi nhận được hò sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cho chủ đầu tư.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.