Thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động điện lực


Thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động điện lực
Pháp luật hiện hành quy định mọi tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực như phát điện, phân phối điện, bán buôn, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện… đều phải xin giấy phép hoạt động điện lực. Vậy tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực phải xin giấy phép ở đâu? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực?

1. Như thế nào là Giấy phép hoạt động điện lực

Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể như thế nào là giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên căn cứ theo Điều 1 Thông tư 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực, có thể hiểu giấy phép hoạt động điện lực là giấy phép cấp cho đơn vị điện lực hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

  • Tư vấn chuyên ngành điện lực gồm tư vấn thiết kế và tư vấn giám sát thi công công trình: Thủy điện, điện gió, điện mặt trời, nhiệt điện (than, khí, dầu, sinh khối, chất thải rắn), đường dây và trạm biến áp;
  • Hoạt động phân phối điện;
  • Hoạt động truyền tải điện;
  • Hoạt động bán buôn, bán lẻ điện;
  • Hoạt động phát điện.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tổ chức hoạt động điện lực đều phải xin giấy phép điện lực. Pháp luật hiện hành quy định một số trường hợp không phải xin phép, cụ thể:

  • Tổ chức, cá nhân phát điện tự sử dụng nhưng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
  • Tổ chức, cá nhân phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
  • Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo;
  • Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực.

Tùy thuộc vào từng lĩnh vực hoạt động điện lực mà pháp luật quy định những điều kiện cấp phép khác nhau. Nhưng nhìn chung, để được cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân, đơn vị điện lực phải đáp ứng được các điều kiện:

  • Điều kiện về trang thiết bị công nghệ, công trình điện, hệ thống hạ tầng được xây dựng, lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật được duyệt, được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu;
  • Điều kiện về người trực tiếp thực hiện hoạt động điện lực: về trình độ chuyên môn, thời gian công tác trong lĩnh vực hoạt động, số lượng công trình điện đã thi công,..

2. Thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động điện lực

 

03 cơ quan có thẩm quyền
03 cơ quan có thẩm quyền

Căn cứ theo Điều 12 Thông tư 21/2020/TT-BCT, thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động điện lực được quy định như sau:

  • Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp giấy phép trong các trường hợp sau đây:
    • Cấp cho nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong danh mục được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt trong hoạt động phát điện và truyền tải điện. Căn cứ theo Điều 4 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung năm 2018, 2020, 2022), nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh bao gồm: nhà máy điện hạt nhân và một số nhà máy thủy điện. Hiện nay, theo Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 24/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, có 06 nhà máy điện lớn có ý nghĩa về kinh tế xã hội, quốc phòng – an ninh, bao gồm:
      • Thủy điện Sơn La – Sông Đà;
      • Thủy điện Hòa Bình – Sông Đà;
      • Thủy điện Lại Châu – Sông Đà;
      • Thủy điện Ialy – Sông Sê San;
      • Thủy điện Trị An – Sông Đồng Nai;
      • Thủy điện Tuyên Quang – Sông Gâm.
  • Cục Điều tiết điện lực có thẩm quyền cấp giấy phép trong các trường hợp sau:
    • Hoạt động điện lực đối với hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên nhưng không thuộc trường hợp do Bộ Công Thương cấp;
    • Trường hợp tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực bán lẻ được cấp đồng thời với lĩnh vực phân phối điện, trong đó có lĩnh vực thuộc thẩm quyền cấp phép của Cục Điều tiết điện lực;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc ủy quyền cho Sở Công thương cấp giấy phép điện lực đối với các trường hợp sau:
    • Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương;
    • Hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;
    • Hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương;
    • Hoạt động tư vấn thiết kế công trình và tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV, đăng ký doanh nghiệp tại địa phương.

Căn cứ theo Điều 13 Thông tư 21/2020/TT-BCT, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm, nghĩa vụ sau:

  • Tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra và quản lý hồ sơ xin cấp phép; hướng dẫn tổ chức, cá nhân xin giấy phép thực hiện đúng nội dung, trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
  • Giải quyết các khiếu nại về giấy phép hoạt động điện lực theo thẩm quyền;
  • Trường hợp có sai sót về nội dung ghi trong giấy phép đã cấp cho tổ chức, cá nhân thì phải có trách nhiệm sửa đổi giấy phép;
  • Thực hiện kiểm tra, giám sát việc đảm bảo các điều kiện hoạt động điện lực của đơn vị được cấp phép;
  • Trường hợp tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động điện lực thì có trách nhiệm thu hồi giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của mình, đồng thời gửi quyết định thu hồi đến đơn vị điện lực bị thu hồi giấy phép và các cơ quan, đơn vị liên quan; công bố thông tin thu hồi giấy phép trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.

3. Trình tự, thủ tục xin cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép

 

Ba bước cơ bản xin cấp, sửa đổi giấy phép
Ba bước cơ bản xin cấp, sửa đổi giấy phép

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 21/2020/TT-BCT, thủ tục xin cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép điện lực gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép:

Tùy thuộc vào các loại giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân xin cấp phép chuẩn bị hồ sơ cấp phép theo quy định đối với từng lĩnh vực:

  • Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Công Thương hoặc Cục Điều tiết điện lực, tổ chức nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến và chỉ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu chính trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc tài liệu không được gửi qua mang thông tin điện tử;
  • Đối với trường hợp xin giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì tổ chức có thể nộp trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc qua nộp trực tuyến trên trang điện tử của cơ quan (nếu có).

Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ cấp phép

Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép thực hiện tiếp nhận, kiểm tra tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ:

  • Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ thì thông báo yêu cầu bổ sung, sửa đổi tài liệu, số liệu và thông tin liên quan cho tổ chức, cá nhân xin cấp phép biết để hoàn thiện hồ sơ. Tổ chức, cá nhân có thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo bổ sung để hoàn thiện hồ sơ. Nếu hết thời hạn trên mà hồ sơ xin cấp phép vẫn chưa được bổ sung, hoàn thiện thì cơ quan cấp phép trả lại hồ sơ;
  • Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cơ quan cấp phép tiến hành thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép hoạt động trong 15 ngày làm việc. Riêng trường hợp tổ chức sửa đổi, bổ sung giấy phép thì thời gian thẩm định hồ sơ và cấp giấy phép là 07 ngày làm việc.

Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị điện lực xin cấp phép, 02 bản còn lại lưu tại cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hỏng, đơn vị điện lực muốn được cấp lại giấy phép điện lực thì nộp văn bản đề nghị cấp lại giấy phép điện lực, trong đó nêu rõ lý do.

4. Một số lưu ý trong quá trình xin giấy phép hoạt động điện lực

Trước và trong quá trình xin cấp phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân xin cấp phép cần lưu ý một số vấn đề như sau:

  • Đảm bảo đáp ứng các điều kiện về công trình điện, trang thiết bị điện đối với từng lĩnh vực, đảm bảo người chịu trách nhiệm chính đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm làm việc;
  • Đảm bảo các điều kiện về quy hoạch đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, đấu nối và các quy định pháp luật có liên quan trước khi đưa công trình điện lực vào vận hành chính thức và phải có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền trước ngày công trình điện lực vận hành thương mại hoặc đưa vào vận hành chính thức;
  • Thông tư 10/2023/TT-BCT có hiệu lực thi hành ngày 21/4/2023 đã bổ sung quy định về hồ sơ xin cấp phép, cụ thể là quy định rõ những tài liệu có trong hồ sơ như bản khai lý lịch công tác chứng minh thời gian làm việc, bản sao biên bản nghiệm thu hoành thành lắp đặt hạng mục công trình,…
  • Trường hợp đơn vị điện lực thay đổi một trong các nội dung ghi trên giấy phép thì sau khi xin cấp giấy phép, thời hạn của giấy phép mới sẽ được cấp theo thời hạn của giấy phép cũ.

 

 

 

 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.