1. Giấy phép hoạt động điện lực là gì?
Giấy phép hoạt động điện lực là văn bản pháp lý cho cơ quan có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và bán buôn, bán lẻ điện.
Căn cứ theo từng lĩnh vực hoạt động điện lực thì có tương ứng từng loại giấy phép hoạt động điện lực và phạm vi hoạt động của giấy phép điện lực khác nhau:
- Giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực có phạm vi trong cả nước;
- Giấy phép hoạt động phát điện có phạm vi hoạt động là từng nhà máy điện;
- Các loại giấy phép còn lại, gồm: Giấy phép hoạt động truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện được phép hoạt động trong phạm vi quản lý, vận hành lưới điện cụ thể.
Dù có nhiều loại giấy phép điện lực khác nhau nhưng giấy phép điện lực đều bao gồm các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Loại hình hoạt động điện lực;
- Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Phạm vi hoạt động điện lực;
- Kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong hoạt động điện lực;
- Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực. Hiện nay, giấy phép hoạt động điện lực có thời hạn tối thiểu là 05 năm (giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực), tối đa 20 năm đối với một số nhà máy điện lớn theo quy định, các loại giấy phép còn lại có thời hạn là 10 năm.
2. Các trường hợp không phải xin Giấy phép hoạt động điện lực
Theo quy định tại Điều 7 Luật Điện lực 2004, một trong những hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện là hoạt động điện lực không giấy phép theo quy định. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn, bán lẻ điện,… đều cần phải xin phép.
Căn cứ theo Điều 34 Luật Điện lực, Điều 3 Thông tư 21/2020/TT-BCT, tổ chức, cá nhân được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực trong các trường hợp sau đây:
- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở phát điện để tự sử dụng không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác;
- Tổ chức, cá nhân hoạt động phát điện có hệ thống tổ hợp các phương tiện, máy móc, thiết bị, kết cấu xây dựng phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện có công suất lắp đặt đến 01 MW để bán điện cho tổ chức, cá nhân khác (01MWP đối với nhà máy điện mặt trời lắp đặt tại 01 địa điểm và 01 điểm đấu nối);
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo mua điện với công suất nhỏ hơn 50 kVA từ lưới điện phân phối để bán điện trực tiếp tới khách hàng sử dụng điện tại vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.
- Điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện lực:
- Điều độ hệ thống điện là hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ huy, điều khiển quá trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện trong hệ thống điện quốc gia theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và phương thức vận hành đã được xác định;
- Điều hành giao dịch thị trường là hoạt động quản lý và điều phối các giao dịch mua bán điện và dịch vụ phụ trợ trên thị trường điện lực
Mặc dù không phải xin giấy phép hoạt động điện lực nhưng các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực trong các trường hợp nêu trên phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, quản lý vận hành, các quy định về giá điện, điều kiện về kỹ thuật, an toàn.
Trường hợp tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực không thuộc một trong các trường hợp nêu trên nhưng không xin cấp phép hoạt động điện lực theo đúng quy định thì có thể bị xử phạt không phép với mức phạt tiền từ 160.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng và bị buộc nộp lại số lợi bất chính có được do thực hiện hành vi vi phạm.
3. Một số câu hỏi thường gặp
3.1. Xin Giấy phép hoạt động điện lực cần những gì?
Theo quy định tại Chương II Thông tư 21/2020/TT-BCT, hồ sơ xin cấp phép hoạt động điện lực bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận thành lập (đối với các tổ chức không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
- Danh sách trích ngang chuyên gia tư vấn đảm nhiệm chức danh chủ nhiệm, chức danh giám sát trưởng và các chuyên gia tư vấn khác/người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ ca trưởng nhà máy, vận hành/người trực tiếp quản lý kinh doanh;
- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên, chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (đối với các ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành);
- Bản khai lý lịch công tác có xác nhận của người sử dụng lao động hoặc các giấy tờ có giá trị tương đương);
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn của các chuyên gia tư vấn;
- Quyết định phân công nhiệm vụ hoặc giấy xác nhận của chủ đầu tư công trình, dự án đã thực hiện hoặc các tài liệu có giá trị tương đương;
- Tài liệu liên quan đến văn bản chấp thuận quyết định đầu tư; Biên bản nghiệm thu công trình, Quyết định phê duyệt quy trình vận hành hồ chứa, Quyết định phê duyệt Báo cáo tác động môi trường;
- Tài liệu về kết quả tập huấn sát hạch yêu cầu về an toàn, thẻ an toàn điện, giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp,..
3.2. Ai có quyền cấp, sửa đổi bổ sung Giấy phép hoạt động điện lực
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 21/2020/TT-BCT, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép là Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
- Bộ Công Thương có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép điện lực cho nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong danh mục được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt trong hoạt động phát điện và truyền tải điện;
- Cục Điều tiết Điện lực có thẩm quyền cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép của tổ chức, cá nhân hoạt động phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện, tư vấn chuyên ngành điện lực và hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất từ 03 MW trở lên nhưng không thuộc trường hợp do Bộ Công Thương cấp hoặc trường hợp cấp giấy phép hoạt động bán lẻ đồng thời giấy phép hoạt động phân phối điện nếu có một giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Cục Điều tiết điện lực;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, sửa đổi bổ sung, cấp lại giấy phép cho tổ chức, cá nhân:
- Hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có quy mô công suất dưới 03 MW đặt tại địa phương;
- Hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;
- Hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương;
- Hoạt động tư vấn thiết kế công trình và tư vấn giám sát thi công công trình đường dây và trạm biến áp có cấp điện áp đến 35 kV, đăng ký doanh nghiệp tại địa phương.
Như vậy, pháp luật hiện hành quy định bốn trường hợp đơn vị điện lực không phải xin giấy phép. Nếu độc giả còn bất kỳ vấn đề thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý tại Luật Ánh Ngọc, xin vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.