Xử phạt không có giấy phép thành lập và hoạt động của công ty môi giới bảo hiểm


Xử phạt không có giấy phép thành lập và hoạt động của công ty môi giới bảo hiểm
Để hoạt động môi giới bảo hiểm tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân phải xin giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số công ty vẫn ngang nhiên hoạt động môi giới bảo hiểm mà không được Bộ Tài chính cấp phép. Vậy pháp luật quy định xử lý các trường hợp này như thế nào?

1. Các trường hợp phải xin giấy phép thành lập công ty môi giới bảo hiểm

Hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, loại hình bảo hiểm, các vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm,… và thực hiện các hoạt động đàm phán, giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người mua bảo hiểm.

Theo quy định hiện hành, hành vi hoạt động môi giới bảo hiểm không xin phép đều bị nghiêm cấm. Do đó, mọi tổ chức, cá nhân dự kiến thành lập công ty môi giới bảo hiểm phải được cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm.

Giấy phép thành lập công ty môi giới bảo hiểm cũng chính là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Nội dung giấy phép thể hiện các thông tin về chủ đầu tư, công ty môi giới bảo hiểm dự kiến thành lập, nội dung, phạm vi hoạt động, thời hạn hoạt động và hiệu lực của giấy phép.

2. Không xin giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm bị xử lý như thế nào

 

Công ty hoạt động không phép bị xử phạt hành chính
Công ty hoạt động không phép bị xử phạt hành chính

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 98/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, tổ chức, cá nhân kinh doanh môi giới bảo hiểm không có giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp này, công ty môi giới bảo hiểm vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt là phạt tiền với mức phạt từ 80.000.000 đến 100.000.000 đồng.

Ngoài ra, công ty môi giới bảo hiểm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Bên cạnh việc bị xử phạt hành chính khi hoạt động môi giới bảo hiểm không có giấy phép, công ty môi giới bảo hiểm còn có thể bị xử phạt các hành vi liên quan đến giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm. Cụ thể như sau:

  • Trường hợp công ty môi giới bảo hiểm sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo hồ sơ đã được cấp giấy phép thành lập và hoạt động thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời công ty còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng đối với phần nội dung liên quan đến vi phạm và bị buộc tiêu hủy tài liệu gian dối, giả mạo và bãi nhiệm các chức danh người quản trị, điều hành của công ty;
  • Trường hợp công ty môi giới bảo hiểm không thực hiện công bố hoặc công bố sai sự thật nội dung hoạt động và thay đổi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép chấp thuận hoặc sửa chữa giấy phép thành lập và hoạt động thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
  • Trường hợp công ty môi giới bảo hiểm có sự thay đổi về vốn điều lệ, vốn được cấp hoặc nội dung, phạm vi và thời hạn hoạt động nhưng không được chấp thuận hoặc không xin điều chỉnh giấy phép thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi thay đổi, buộc nộp lại số lợi bất chính thu được trong thời gian hoạt động;
  • Trường hợp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm đã hết thời hạn hoặc đã bị đình chỉ nhưng công ty vẫn cố tình hoạt động thì bị phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Đồng thời, công ty môi giới bảo hiểm còn bị tịch thu giấy phép thành lập và hoạt động đã hết hiệu lực và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
  • Theo Điều 135 dẫn chiếu đến Điều 72 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, công ty môi giới bảo hiểm phải công bố các nội dung của giấy phép thành lập và hoạt động trước ít nhất 30 ngày chính thức hoạt động trên 01 tờ báo in trong 03 số liên tiếp hoặc trên báo điện tử. Trường hợp công ty không thực hiện đúng thời hạn trên thì bị phạt cảnh cáo.

Tuy nhiên, căn cứ theo điểm b Khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2023/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung), mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân là người thành lập công ty, trường hợp tổ chức thành lập thì mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt tiền của cá nhân đối với từng hành vi tương ứng.

3. Thẩm quyền xử phạt không có giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 98/2013/NĐ-CP, tùy thuộc vào mức tiền phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả mà thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là khác nhau:

  • Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính có thẩm quyền phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 100.000.000 đồng, được đình chỉ hoạt động một phần Giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực kinh doanh môi giới bảo hiểm;
  • Tương tự như thẩm quyền của Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Bộ Tài chính có thẩm quyền tương tự nhưng mức phạt tiền bị giới hạn từ 50.000.000 đồng trở xuống;
  • Riêng đối với người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành thuộc Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thì chỉ có quyền áp dụng hình thức xử phạt là cảnh cáo, không có thẩm quyền áp dụng hình thức phạt tiền. Ngoài ra, người được giao nhiệm vụ thanh tra còn có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện có giá trị từ 500.000 đồng trở xuống, được quyền buộc tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại tình trạng ban đầu và buộc tiêu hủy tài liệu gian dối, giả mạo.

Như vậy, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh môi giới bảo hiểm được thu hẹp đối với từng cá nhân được quyền xử phạt.

4. Những lưu ý để tránh bị xử phạt khi thành lập, hoạt động công ty môi giới bảo hiểm

  • Trước khi chính thức thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân phải xem xét có đủ điều kiện cấp giấy phép và thực hiện hồ sơ, thủ tục xin cấp phép đúng theo quy định, tránh gian dối, sửa chữa hồ sơ;
  • Sau khi được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, công ty môi giới bảo hiểm tiến hành công bố nội dung của giấy phép theo đúng quy định;
  • Trường hợp có sự thay đổi nội dung trên giấy phép thỏa mãn điều kiện được sửa đổi, bổ sung giấy phép thì công ty môi giới phải thực hiện xin điều chỉnh giấy phép và công bố các nội dung điều chỉnh theo đúng quy định;
  • Trường hợp công ty thực hiện hành vi vi phạm thì cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp có sự vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý vi phạm, công ty môi giới bảo hiểm có thể khiếu nại sai phạm đến cơ quan có thẩm quyền.
  • Trường hợp doanh nghiệp cảm thấy khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm hoặc có nhu cầu ủy quyền thực hiện, doanh nghiệp có thể liên hệ Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ, tư vấn. Tại Luật Ánh Ngọc, chúng tôi sẽ tư vấn trọn gói các vấn đề pháp lý về thủ tục xin cấp giấy thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm, gồm:
    • Tư vấn điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
    • Tư vấn, soạn thảo hồ sơ xin cấp giấy phép và những lưu ý liên quan;
    • Hỗ trợ, đại diện doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp phép tại cơ quan có thẩm quyền;
    • Tư vấn, hỗ trợ các vấn đề pháp lý phát sinh sau khi được cấp phép (nếu có).

Từ những phân tích trên có thể thấy, liên quan đến giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền tối đa 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Công ty môi giới bảo hiểm cần lưu ý để hoạt động môi giới bảo hiểm đúng quy định tại Việt Nam để tránh bị xử phạt vi phạm.

 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.