1. Điều kiện xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm
Bởi vì hoạt động môi giới bảo hiểm cung cấp thông tin tư vấn về hợp đồng bảo hiểm - ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm. Vì vậy, pháp luật quy định tương đối chi tiết và đầy đủ các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm.
Căn cứ theo Điều 133 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:
1.1. Điều kiện về tư cách chủ thể
Theo quy định tại Điều 135 dẫn chiếu đến Điều 62 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, pháp luật quy định công ty môi giới bảo hiểm buộc phải được thành lập theo 02 loại hình doanh nghiệp là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
So với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (được sửa đổi, bổ sung), Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 bổ sung thêm hình thức hoạt động của công ty môi giới bảo hiểm dưới loại hình công ty cổ phần. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công ty môi giới lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với điều kiện, vốn góp và khả năng của mình.
Tuy nhiên, dù thành lập công ty và hoạt động theo bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, công ty môi giới bảo hiểm phải được thành lập và quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
1.2. Điều kiện về tài chính của doanh nghiệp
1.2.1. Về vốn điều lệ
Căn cứ theo Điều 81 Nghị định 46/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm, tùy thuộc vào loại hình hoạt động mà doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng tỷ lệ vốn điều lệ khác nhau:
- Nếu doanh nghiệp chỉ hoạt động môi giới bảo hiểm gốc hoặc môi giới tái bảo hiểm thì mức vốn điều lệ tối thiểu là 05 tỷ VNĐ;
- Nếu doanh nghiệp hoạt động đồng thời môi giới bảo hiểm gốc và môi giới tái bảo hiểm thì mức vốn điều lệ tối thiểu là 10 tỷ VNĐ;
Đối với phần vốn điều lệ, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần lưu ý hai ý chính:
- Khác với loại hình doanh nghiệp khác, vốn điều lệ thành lập công ty môi giới bảo hiểm phải được góp bằng Đồng Việt Nam và nguồn vốn góp không phải nguồn vốn vay, vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác;
- Đảm bảo trong suốt quá trình hoạt động môi giới bảo hiểm phải luôn duy trì nguồn vốn sở hữu trên;
1.2.2. Về khả năng góp vốn của thành viên sáng lập doanh nghiệp
Pháp luật không quy định điều kiện góp vốn đối với thành viên là cá nhân. Tuy nhiên, đối với tổ chức tham gia góp vốn, thành lập công ty môi giới bảo hiểm, pháp luật quy định tương tối chặt chẽ tại Điều 11 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Trường hợp tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp thì tổ chức phải đáp ứng được các điều kiện sau:
- Nếu góp vốn từ 10% vốn điều lệ trở lên, tổ chức trong 03 năm liền kề trước khi xin cấp giấy phép phải kinh doanh có lãi và phải có báo cáo tài chính trong 03 năm đó đã được kiểm toán với ý kiến chấp thuận toàn phần;
- Nếu góp vốn dưới 10% vốn điều lệ, tổ chức phải có báo cáo tài chính năm liền kề trước đó;
- Trường hợp tổ chức là doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề yêu cầu vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tối thiểu hoặc vốn tối thiểu phải đảm bảo số vốn dự kiến góp phải nhỏ hơn hoặc bằng số vốn chủ sở hữu trừ đi vốn pháp định tối thiểu;
- Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán,… tham gia góp vốn phải đảm bảo duy trì và đáp ứng các điều kiện an toàn tài chính và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tham gia.
Trường hợp tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Tổ chức đang trực tiếp hoạt động hoặc có công ty con thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm trong thời hạn 05 năm liên tục gần nhất;
- Có xác nhận không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về môi giới bảo hiểm trong 03 năm liên tục gần nhất;
- Việc thành lập công ty môi giới bảo hiểm tại Việt Nam phải được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép;
- Đảm bảo trong tình trạng tài chính lành mạnh, không có lỗ lũy kế đến thời điểm xin cấp phép và có tổng tài sản từ 02 triệu đô la Mỹ trong báo cáo tài chính trước đó.
1.3. Điều kiện về nhân lực của doanh nghiệp xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm
- Đối với người quản lý doanh nghiệp
- Người quản lý doanh nghiệp môi giới bảo hiểm bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc/Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc/Giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng bộ phần nghiệp vụ.
- Người quản lý doanh nghiệp trước tiên phải có quyền quản lý doanh nghiệp và không bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, không bị sa thải do vi phạm quy trình nội bộ trong 03 năm liên tục trước khi bổ nhiệm và không bị khởi tố tại thời điểm bầu, bổ nhiệm.
- Ngoài ra, tùy thuộc vào từng chức danh nghề nghiệp, người quản lý doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật:
- Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm và có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm một trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có 03 năm giữ chức vụ quản lý, kiểm soát. Trường hợp người đó có bằng đại học không thuộc chuyên ngành bảo hiểm thì phải có chứng chỉ bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm;
- Trong thời gian đương nhiệm phải sinh sống và cư trú tại Việt Nam;
- Không được đồng thời làm giám đốc, tổng giám đốc của công ty môi giới bảo hiểm này và làm việc hoặc là thành viên Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên cho công ty môi giới bảo hiểm khác tại Việt Nam cũng như doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;
- Giám đốc/Tổng giám đốc chỉ được giữ chức danh người đứng đầu tối đa 01 chi nhánh hoặc văn phòng đại diện hoặc bộ phận nghiệp vụ của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm;
- Tương tự như điều kiện đối với chức danh Giám đốc/Tổng giám đốc, người giữ chức vụ Phó Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phải có trình độ bậc đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc không thuộc chuyên ngành trên thì phải có chứng chỉ bảo hiểm/môi giới bảo hiểm. Chỉ khác rằng, người giữ chức vụ Phó Giám đốc/Tổng giám đốc chỉ yêu cầu tối thiểu 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng;
- Đối với thành viên hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, người giữ chức danh phải:
- Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên không yêu cầu chuyên ngành;
- Đã có tối thiểu 03 năm trực tiếp làm việc trong các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng. Trường hợp người giữ chức danh chủ tịch Hội đồng thì thời gian tối thiểu làm việc là 05 năm;
- Trong khoảng thời gian là thành viên Hội đồng, người đó không được đồng thời làm thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên của công ty môi giới bảo hiểm khác;
- Giám đốc, Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật:
- Người giữ chức danh kế toán trưởng phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên và có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng và phải đáp ứng các điều kiện khác về hành nghề kế toán;
- Người giữ chức vụ trưởng bộ phận nghiệp vụ phải là người có trình độ tốt nghiệp từ đại học trở lên, có chứng chỉ bảo hiểm/môi giới bảo hiểm nếu tốt nghiệp không chuyên về bảo hiểm và có ít nhất 03 năm làm việc tại các lĩnh vực bảo hiểm, tài chính.
- Đối với người trực tiếp hoạt động môi giới bảo hiểm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo hiểm hoặc có chứng chỉ bảo hiểm, môi giới bảo hiểm được cấp theo đúng trình tự, thủ tục theo Luật định.
2. Một số vấn đề liên quan đến điều kiện xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm
2.1. Có trường hợp nào doanh nghiệp đủ điều kiện cấp giấy phép lại bị từ chối cấp giấy phép thành lập và hoạt động không?
Công ty môi giới bảo hiểm đã đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép thành lập và hoạt động vẫn có thể bị từ chối cấp giấy phép. Bởi điều kiện cấp giấy phép là điều kiện cần. Để thực sự được cấp giấy phép, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 46/2023/NĐ-CP, trường hợp hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của công ty môi giới bảo hiểm không đầy đủ, hợp lệ nhưng công ty không tiến hành bổ sung, hoàn thiện trong thời hạn tối đa 06 tháng kể từ ngày nhận thông báo thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép từ chối xem xét cấp giấy phép.
Như vậy, trong trường hợp công ty môi giới bảo hiểm đủ điều kiện cấp phép nhưng không đáp ứng về hồ sơ xin cấp giấy phép thì vẫn không được cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm.
2.2. Trường hợp công ty môi giới bảo hiểm không đủ điều kiện cấp phép nhưng vẫn hoạt động môi giới bảo hiểm thì có bị xử lý không?
Căn cứ Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là hoạt động môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động. Vì vậy, công ty môi giới bảo hiểm không đủ điều kiện cấp phép nhưng vẫn cố tình hoạt động thì sẽ bị xử phạt.
Căn cứ Điều 7 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung các năm 2018, 2019), công ty môi giới bảo hiểm không có giấy phép thành lập và hoạt động hoặc đã có giấy phép nhưng bị đình chỉ hoạt động giấy phép hoặc giấy phép đã hết hiệu lực thì bị phạt tiền với mức tiền phạt từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Ngoài ra, công ty môi giới bảo hiểm còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hoạt động môi giới bảo hiểm không xin cấp phép.
Trên đây là toàn bộ điều kiện xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty môi giới bảo hiểm mới nhất năm 2024. Có thể thấy, so với Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã có sự thay đổi về điều kiện vốn góp cũng như đã quy định chi tiết điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh quan trọng trong công ty môi giới bảo hiểm.