Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn


Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn

Giấy phép kinh doanh nổ mìn được cấp cho doanh nghiệp kinh doanh theo trình tự, thủ tục nhất định. Vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì, việc cấp giấy phép được thực hiện thế nào? Trong bài viết dưới đây, Luật Ánh Ngọc sẽ giới thiệu chi tiết đến quý đọc giả các quy định liên quan đến vấn đề này.

1. Những trường hợp cần xin giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn

Kinh doanh dịch vụ nổ mìn là hoạt động của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nổ mìn cho các tổ chức, doanh nghiệp khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ dưới hình thức hợp đồng nổ mìn. 

Đây là ngành nghề kinh doanh đặc thù và chỉ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn cho một số ngành đặc biệt như vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất nổ. Giấy phép này là văn bản chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được kinh doanh dịch vụ nổ mìn. 

Xin giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn trong trường hợp nào?

Khi tiến hành dịch vụ nổ mìn, các trường hợp dưới đây phải xin giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn bao gồm

- Dịch vụ nổ mìn tại địa phương có phạm vi hoạt động trong địa bàn đất liền của 1 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương;

- Dịch vụ nổ mìn diễn ra trên thềm lục địa;

- Dịch vụ nổ mìn trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Các trường hợp này phải được cấp giấy phép mới được tiến hành hoạt động kinh doanh dịch vụ nổ mìn.

Ngoài ra, để được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn, doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ về đăng ký kinh doanh, về các điều kiện cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động nổ mìn.

2. Thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn được quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu xin giấy phép thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn bao gồm các nội dung:

+ Văn bản đề nghị cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn trong từng trường hợp:

  • Trong trường hợp doanh nghiệp xin cấp giấy phép thuộc Bộ Quốc phòng thì phải kèm theo văn bản đề nghị của Bộ Quốc phòng hoặc cơ quan được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ;
  • Văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp dịch vụ nổ mìn thực hiện tại địa phương mà phạm vi hoạt động được giới hạn trong địa bàn đất liền của 1 tỉnh, thành phố;
  • Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng chuyên môn trong trường hợp dịch vụ nổ mìn được thực hiện trên thềm lục địa hoặc dịch vụ nổ mìn trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

+ Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp hoặc bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;

+ Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh, trật tự được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;

+ Đề án dịch vụ nổ mìn bao gồm đầy đủ các nội dung quan trọng: phạm vi, quy mô nổ mìn, mục tiêu cũng như tính phù hợp của dự án, quy hoạch, khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các điều kiện và giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ nổ mìn;

+ Bản sao giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đã được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện trong 02 năm về trước kể từ thời điểm đề nghị xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn;

+ Các loại giấy tờ theo quy định tại điểm g, h, i khoản 1 Điều 42;

+ Giấy giới thiệu, bản sao giấy tờ tùy thân của người của người đến liên hệ.

- Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ là Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Bộ công thương.

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, ghi giấy biên nhận nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ theo quy định pháp luật. Trường hợp hồ sơ còn thiếu, chưa hợp lệ thì hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

- Bước 3: Cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ công thương xem xét, quyết định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp được biết.

3. Những lưu ý trong quá trình xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn

Kinh doanh dịch vụ nổ mìn liên quan đến trực tiếp đến việc đảm bảo an toàn an ninh trật tư, an toàn xã hội và tuân thủ các quy định liên quan. Chính vì vậy, quá trình xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn cũng vô cùng phức tạp và phải qua các bước kiểm duyệt hồ sơ kỹ càng. 

- Nắm vững quy định pháp luật: Đây là một vấn đề quan trọng bởi dịch vụ nổ mìn là ngành nghề đặc thù và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của pháp luật. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu và hiểu rõ các quy định liên quan về an toàn nổ mìn và đảm bảo việc tuân thủ các quy định này;

- Thực hiện đào tạo và chứng chỉ: Doanh nghiệp phải đảm bảo nhân sự tham gia trong quá trình nổ mìn đều đã được đào tạo đầy đủ và có chứng chỉ kỹ thuật, an toàn nổ mìn;

-Sở hữu thiết bị an toàn: Doanh nghiệp cần đảm bảo sử dụng các thiết bị an toàn và công nghệ tiên tiến nhất để giảm thiểu rủi ro tai nạn;

- Lưu ý về đề án kinh doanh dịch vụ nổ mìn: Có kế hoạch kinh doanh an toàn: Doanh nghiệp phải có kế hoạch chi tiết về mục tiêu, nội dung, phạm vi, tính phù hợp, địa điểm, thời gian thực hiện... trong quá trình thực hiện dịch vụ nổ mìn;

- Kiểm tra địa điểm trước khi nổ: Trước khi thực hiện nổ mìn, doanh nghiệp phải tiến hành kiểm tra và đảm bảo rằng địa điểm đã được kiểm tra an toàn và không có nguy cơ gây nguy hiểm;

- Xin giấy phép đúng cơ quan có thẩm quyền: Doanh nghiệp phải liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép kinh doanh và đảm bảo tuân thủ mọi quy định;

- Thông báo với cộng đồng: Doanh nghiệp trước khi tiến hành dịch vụ nổ mìn cần thông báo với cộng đồng xung quanh về kế hoạch nổ mìn và đảm bảo rằng mọi người đã được thông tin và đề phòng;

- Chuấn bị đầy đủ hồ sơ và chứng chỉ: Doanh nghiệp cần chuẩn bị và bảo quản một bản sao của tất cả các tài liệu liên quan như chứng chỉ an ninh trật tự, giấy phép kinh doanh, giấy phép phòng cháy chữa cháy và các văn bản pháp lý khác để bổ sung khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Nếu quý khách hàng còn thắc mắc về các vấn đề liên quan hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin giấy phép kinh doanh dịch vụ nổ mìn tại Luật Ánh Ngọc, vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.