1. Thành viên hợp danh trong công ty hợp danh được hiểu là gì?
Theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh có thể hiểu là các đồng chủ sở hữu công ty hợp danh và phải có số lượng ít nhất là 2 thành viên.
Trong đó, thành viên hợp danh phải là cá nhân chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa các thành viên hợp danh trong công ty thường gần gũi có mối quan hệ mật thiết với nhau về mặt nhân thân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định.
Thành viên hợp danh là nhân tố quan trọng để thành lập và vận hành công ty hợp danh. Việc thay đổi thành viên hợp danh như trường hợp họ chết, mất năng lực hành vi dân sự hay rút vốn khỏi công ty sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu vốn, hoạt động tổ chức, thậm chí là đến nguy cơ tồn tại chấm dứt của công ty.
2. Những điều kiện đối với thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
Điều kiện để trở thành "thành viên hợp danh trong công ty hợp danh" là có ít nhất hai cá nhân làm chủ sở hữu chung và họ phải kinh doanh dưới một tên chung. Quy định này theo luật doanh nghiệp Việt Nam chỉ cho phép cá nhân làm thành viên của công ty hợp danh và không giới hạn số lượng thành viên.
Vì vai trò quan trọng của thành viên hợp danh, Luật doanh nghiệp năm 2020 đã quy định một số hạn chế theo Điều 180, cụ thể:
- Thành viên hợp danh không được đồng thời làm chủ doanh nghiệp tư nhân và không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ khi có sự nhất trí của tất cả các thành viên hợp danh còn lại;
- Thành viên hợp danh không được sử dụng tên riêng hoặc tên của người khác để kinh doanh trong cùng ngành nghề với công ty với mục đích tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc cá nhân khác;
- Thành viên hợp danh không được chuyển giao phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình trong công ty cho tổ chức hoặc cá nhân khác mà không có sự chấp thuận của tất cả các thành viên hợp danh còn lại;
- Chế độ chịu trách nhiệm của thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh.
3. Trách nhiệm của thành viên hợp danh được thực hiện theo chế độ nào?
Chế độ chịu trách nhiệm của thành viên hợp danh trong công ty hợp danh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 177 của Luật doanh nghiệp năm 2020 thì thành viên hợp danh phải là cá nhân và cá nhân này chịu trách nhiệm toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ của công ty. Trách nhiệm này là vô hạn và liên đới đối với các nghĩa vụ của công ty.
Trách nhiệm vô hạn đồng nghĩa với việc chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ sử dụng tài sản cá nhân để thanh toán nợ thay mặt cho công ty, đặc biệt khi tài sản của doanh nghiệp không đủ để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của công ty
Nghĩa vụ liên đới có nghĩa rằng nhiều người sẽ cùng chịu trách nhiệm và bên nào có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người đó thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới về các nghĩa vụ của thành viên hợp danh đồng nghĩa với việc các thành viên này sẽ cùng sử dụng tài sản cá nhân để thanh toán nợ thay cho công ty trong trường hợp công ty không đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình. Trách nhiệm này phụ thuộc vào mức nợ của công ty, tỷ lệ đóng góp của từng thành viên, hoặc theo thỏa thuận trước đó của thành viên hợp danh.
Ngay cả khi thành viên hợp danh đã chấm dứt tư cách thành viên trong thời hạn 2 năm, từ ngày rút vốn tự nguyện hoặc bị khai trừ, người đó vẫn phải chịu liên đới trách nhiệm toàn bộ tài sản cá nhân đối với các khoản nợ của công ty phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.
4. Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh theo Luật Doanh nghiệp 2020
Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định tại Điều 181 của Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:
4.1. Quyền của thành viên hợp danh
Thành viên hợp danh được hưởng các quyền sau đây:
- Tham gia các buổi họp, thảo luận và thực hiện biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên có một phiếu biểu quyết hoặc theo quy định của Điều lệ công ty;
- Nhân danh công ty, tham gia kinh doanh các ngành và nghề của công ty. Có quyền đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch, hoặc giao ước với điều kiện được xem là lợi ích nhất cho công ty;
- Sử dụng tài sản của công ty để kinh doanh các ngành và nghề của công ty;
- Trong trường hợp ứng trước tiền cá nhân để kinh doanh cho công ty, có quyền yêu cầu công ty hoàn trả cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường;
- Yêu cầu công ty bồi thường thiệt hại từ hoạt động kinh doanh theo nhiệm vụ được giao, nếu thiệt hại không phải do lỗi cá nhân của thành viên;
- Yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty và kiểm tra tài sản, sổ kế toán, và các tài liệu khác khi cần thiết;
- Chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thỏa thuận trong Điều lệ công ty;
- Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia giá trị tài sản còn lại theo tỷ lệ vốn góp, trừ khi Điều lệ có quy định khác;
- Trong trường hợp thành viên hợp danh mất, người thừa kế có thể được hưởng phần giá trị tài sản của công ty sau khi trừ nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của thành viên đó; Người thừa kế cũng có thể trở thành thành viên nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
- Các quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
4.2. Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Thành viên hợp danh phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;
- Tuân thủ quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và các quyết định của Hội đồng thành viên trong quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh;
- Bồi thường thiệt hại nếu làm trái quy định và gây thiệt hại cho công ty;
- Không sử dụng tài sản của công ty vì mục đích cá nhân hoặc lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Hoàn trả số tiền, tài sản nhận được và bồi thường thiệt hại gây ra cho công ty khi nhân danh công ty để nhận tiền hoặc tài sản khác mà không nộp lại cho công ty;
- Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán nợ còn lại của công ty nếu tài sản không đủ để trả nợ;
- Chịu khoản lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;
- Báo cáo tình hình kinh doanh đúng, chính xác định kỳ và cung cấp thông tin khi được yêu cầu;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Xem thêm bài viết: Dịch vụ hướng dẫn thành lập công ty Cổ phần mới nhất
Trên đây là một số nội dung pháp lý quan trọng về Quy định pháp luật về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh. Nếu còn vướng mắc hoặc có yêu cầu hỗ trợ, bạn đọc hãy liên hệ trực tiếp với Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ.