Tình huống pháp lý: Ông A là chủ doanh nghiệp tư nhân X, vào tháng 2/2022 vì lý do ra nước ngoài sinh sống với con cái nên có dự định bán lại doanh nghiệp của mình. Được biết doanh nghiệp hiện đang còn khoản nợ vay Ngân hàng (vì kinh doanh thua lỗ do ảnh hưởng của dịch covid 19). Ông A muốn được tư vấn và hỗ trợ về thủ tục bán doanh nghiệp tư nhân và những trách nhiệm mà ông phải thực hiện sau khi bán?
Việc mua bán doanh nghiệp tư nhân được quy định như thế nào? Thủ tục thực hiện ra sao? Khó khăn trong quá trình thực hiện thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân? Công ty Luật Ngọc Ánh sẽ tư vấn và hỗ trợ khách hàng chi tiết và rõ ràng trong bài viết này.
1. Quy định về bán doanh nghiệp tư nhân
Theo quy định của pháp luật hiện hành, "doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp là một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp".
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Những rủi ro khi bán doanh nghiệp tư nhân
Mặc dù pháp luật đã quy định khá rõ ràng nhưng khi triển khai vào thực tế, hoạt động bán doanh nghiệp tư nhân lại tạo ra nhiều bất cập, khó khăn, mà chủ yếu là xoay quanh trách nhiệm của người chủ cũ và chủ mới đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể:
2.1. Rủi ro đối với người mua
Theo quy định của pháp luật, trường hợp các bên (chủ doanh nghiệp tư nhân cũ, người mua và chủ nợ) không có thỏa thuận thì về nguyên tắc chung, sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân cũ vẫn tồn tại.
“Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.” (Khoản 2 Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020).
Ví dụ trong tình huống nêu trên, sau khi chuyển nhượng doanh nghiệp lại cho bà B. Doanh nghiệp hoạt động được 03 tháng thì Ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp X trả khoản tiền vay đã đến hạn (2 tỷ đồng). Bà B yêu cầu con trai của ông A trả khả nợ đó (Do ông A đã chết cách đây 01 tháng), tuy nhiên người con trai không đồng ý vì trách nhiệm trả nợ chỉ liên quan đến ông A vì ông là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân.
2.2. Rủi ro đối với chủ nợ
Quy định tại Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ đề cập đến việc giải phóng trách nhiệm của chủ doanh nghiệp tư nhân cũ, còn trách nhiệm của chủ mới vẫn có thể hiểu rằng gắn liền với tất cả các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, mà không phân biệt đã phát sinh trước hay sau thời điểm mua bán doanh nghiệp.
Mặc dù pháp luật đã ưu tiên sự thỏa thuận giữa các bên trước, nhưng trong thực tiễn hoạt động bán doanh nghiệp tư nhân vẫn mang lại nhiều vấn đề vướng mắc và khó khăn đối với chủ nợ - người có quyền đối với doanh nghiệp tư nhân. Họ không thể tìm được chủ cũ để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ, còn chủ mới lại luôn khăng khăng từ chối thực hiện bất kỳ trách nhiệm nào.
Ví dụ ở trong tình huống nêu trên, việc yêu cầu bà B thanh toán các khoản vay nợ là rất khó vì theo quy định của pháp luật, ông A (chủ cũ) phải có trách nhiệm trả các khoản vay. Tuy nhiên, ông A đã qua đời, việc tìm người con trai của ông A để thanh toán thay cha là vấn đề cũng rất nan giải.
3. Hồ sơ đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
- Thông báo thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân (Phụ lục II-3 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT) có chữ ký của người bán và người mua doanh nghiệp tư nhân;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua doanh nghiệp tư nhân:
+ Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực.
+ Đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực.
- Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán doanh nghiệp (giấy biên nhận tiền mua bán doanh nghiệp, Biên bản thanh lý hợp đồng mua bán doanh nghiệp tư nhân và thực hiện việc đăng ký doanh nghiệp cho người mua).
4. Thủ tục thực hiện bán doanh nghiệp tư nhân
Trình tự thủ tục được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ và nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, nộp hồ sơ theo các phương thức sau:
Nộp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
- Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;
- Nộp online qua mạng thông tin điện tử trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn/
Bước 2: Xử lý hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.
Thời hạn làm việc trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
5. Hậu quả pháp lý sau khi bán doanh nghiệp tư nhân
- Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân bị bán vẫn tồn tại hoạt động, tuy nhiên có sự thay đổi về chủ sở hữu tư nhân;
- Thứ hai, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác mà doanh nghiệp chưa thực hiện, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thoả thuận khác;
- Thứ ba, người bán, người mua doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động;
- Thứ tư, chủ sở hữu mới phải đăng ký kinh doanh lại theo quy định của Luật này.
Với sự hỗ trợ chuyên nghiệp của các luật sư, khách hàng có thể yên tâm tin tưởng vào chất lượng dịch vụ và đạt được kết quả như mong muốn. Công ty Luật Ánh Ngọc luôn sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ Quý khách hàng những thông tin cần thiết trong quá trình khách hàng thực hiện hoạt động bán doanh nghiệp tư nhân. Xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Ánh Ngọc để được tư vấn cụ thể.