Họ, hụi, biêu, phường - Tranh chấp và cách giải quyết


Họ, hụi, biêu, phường - Tranh chấp và cách giải quyết
Họ (hụi, biêu, phường) đã được nhân dân ta sử dụng từ rất lâu và đã trở thành tập quán. Nó được hình thành trên cơ sở một nhóm người tập hợp nhau lại, định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác dùng thể thức góp tiền vào họ, các thành viên sẽ lần lượt nhận phần họ đó và khi tham gia vào nhóm thì sẽ có quyền, trách nhiệm nhất định do các bên thỏa thuận ngay từ khi lập họ.  Ban đầu, họ được góp từ nhiều nguồn tài sản khác nhau, có thể là tiền, gạo, vật nuôi,…Tuy nhiên, sau này với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì hầu hết họ đều được góp bằng tiền.

Họ, hụi, biêu, phường hay còn gọi chung là họ là một loại giao dịch dân sự về tài sản, được quy định tại Điều 471 Bộ luật dân sự năm 2015 và được hướng dẫn cụ thể trong Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019. Cách gọi họ, hụi, biêu, phường là do có sự khác biệt về ngôn ngữ của mỗi vùng miền, còn về bản chất thì đều như nhau. Đã là giao dịch thì không thể tránh khỏi có sự tranh chấp, vậy giải quyết tranh chấp đối với loại giao dịch này là như nào, hãy cùng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu qua một vụ án cụ thể trong bài viết này.

Khoảng cuối tháng 7/2023, cô Trương Thị Chinh (sinh năm 1950), trú tại Duy Tiên, Hà Nam đã tìm đến văn phòng công ty Luật Ánh Ngọc để yêu cầu giúp đỡ.

Nội dung chi tiết vụ án

Cô kể rằng:

Từ năm 2019 đến 2020, cô Trương Thị Chinh có mở một số dây họ có bà Ú và ông Sang (là hai vợ chồng) tham gia như sau: Dây thứ nhất là họ vụ 5.000.000 đồng, một năm mở họ 3 lần vào tháng 02, tháng 6 và tháng 10 (ngày âm lịch). Mở họ đầu tiên ngày 06/02/2019 có 20 phần, bà Ú và ông Sang tham gia 02 phần, trong danh sách họ viên cô Chinh ghi tên “Út Sơn” và bà Ú đã hốt họ cả 02 phần vào ngày 06/02/2019 và ngày 06/10/2029. Đến thời điểm hiện tại bà Ú, ông Sang còn nợ 08 lần họ chết đến hạn (gồm các kỳ tháng 2, tháng 6, tháng 10 năm 2021; tháng 2, tháng 6, tháng 10 năm 2022 và tháng 2, tháng 6 năm 2023) nên 02 phần họ còn nợ bà Chinh 80.000.000 đồng. Dây họ này còn 6 lần mở họ nữa mới mãn họ. Dây họ thứ 2 là họ tháng 2.000.000 đồng mở họ ngày 10/02/2020 (ngày âm lịch), có 39 phần, bà Ú, ông Sang tham gia 02 phần, trong danh sách họ viên cô Chinh ghi tên “Út Sơn” và bà Ú đã hốt họ cả 02 phần. Dây họ hiện đã mãn, bà Ú, ông Sang còn nợ lại cô Chinh 52.000.000 đồng nên cô Chinh muốn khởi kiện cả hai người là bà Ú và ông Sang

Sau khi nghe qua lời kể của cô Chinh, Luật Ánh Ngọc xác định đây là một loại hợp đồng vay tài sản, theo đó các bên thỏa thuận với nhau, bên cho vay giao tài sản cho bên vay và bên vay phải trả đúng, đủ số tiền đã vay khi đến hạn, nếu là vay có lãi thì phải trả thêm lãi. Tuy nhiên, họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là họ) cũng có những điểm riêng biệt, khác với những hợp đồng vay tài sản khác.

Quy định của pháp luật dân sự về họ, hụi, biêu phường

Bộ luật dân sự quy định, họ là một hình thức giao dịch về tài sản và nó thiên theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, từ đó định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác dựa trên hình thức góp tiền, lĩnh tiền và quyền, nghĩa vụ của các thành viên trong họ. Việc tổ chức họ này nhằm mục đích chủ yếu là tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường
Điều 471. Họ, hụi, biêu, phường

Họ thì có 3 loại tổ chức: Họ có lãi, họ không có lãi và họ hưởng hoa hồng, trong đó:

  • Họ có lãi được hiểu là họ mà các thành viên khi được lĩnh nhận các phần họ thì đến kỳ mở họ phải trả lãi suất cho các thành viên khác.
  • Họ không có lãi là họ mà các thành viên khi được lĩnh nhận các phần họ thì khi đến kỳ mở họ không phải trả lãi suất cho các họ viên khác.
  • Họ hưởng hoa hồng là họ có lãi hoặc không có lãi mà thành viên được lĩnh họ phải trả một khoản hoa hồng cho chủ họ theo mức do những người tham gia dây họ thỏa thuận.

Trường hợp của cô Chinh, theo như lời cô trình bày và nội dung trong thỏa thuận của dây họ thì thuộc loại họ không có lãi và chủ họ cũng không có hoa hồng. Vì vậy, đến kỳ mở họ sau, họ viên đã được lĩnh họ không cần phải trả lãi và hoa hồng cho chủ họ mà chỉ cần trả đủ số tiền đã được lĩnh họ.

Cách giải quyết

Một là: Các bên tự thỏa thuận

Đối với những tranh chấp xảy ra trong lĩnh vực dân sự, về nguyên tắc sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy, nếu có tranh chấp trọng họ, cô Chinh và bà Ú, ông Sang nên thỏa thuận với nhau về việc trả tiền nợ, hình thức trả, thời hạn trả nợ. Chỉ nên khởi kiện ra Tòa khi mà việc thỏa thuận này không đạt được, hai bên không thống nhất quan điểm thì mới khởi kiện ra Tòa, bởi vì việc khởi kiện vừa tốn thời gian, chi phí của cả hai bên, nhưng kết quả lại có tính ràng buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

Hai là: khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu giải quyết, việc khởi kiện sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Cô Chinh trình bày, trước đây cô và vợ chồng bà Ú đã ngồi trao đổi và thỏa thuận với nhau là cho đến tháng 3/2023 thì hai vợ chồng phải thanh toán hết cho cô, nhưng từ khi thỏa thuận với nhau từ giữa năm 2022, hai vợ chồng chưa trả cho cô được một khoản nào, đến nay đã quá thời hạn trả theo thỏa thuận vẫn chưa trả nên cô quyết định khởi kiện ra Tòa án để có biện pháp buộc họ phải trả số tiền đó cho mình.

 

Trình tự giải quyết vụ án dân sự
Trình tự giải quyết vụ án dân sự

Tại đây, Luật Ánh Ngọc cũng đã tư vấn cho cô Chinh chuẩn bị các giấy tờ như: Văn bản thành lập tổ chức họ; giấy biên nhận khi góp họ, lĩnh họ của các họ mà cô đang có tranh chấp. Sau đó làm đơn khởi kiện nộp đến Tòa án nhân dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Xem thêm nhiều vụ án hay tại: Hồ sơ vụ án

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 19/9/2023, bên nguyên đơn trình bày nội dung vụ việc và giữ nguyên nội dung khởi kiện. Phía bị đơn bà Ú có mặt, còn ông Sang vắng mặt, không tham gia phiên tòa. Theo quy định tại khoản 2 Điều 227 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì trường hợp ông Sang là bị đơn, không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, lần thứ hai triệu tập vẫn không có mặt thì Tòa án sẽ tiến hành xét xử vắng mặt ông Sang là đúng quy định.

Tại đây, bị đơn là bà Nguyễn Thị Ú thống nhất toàn bộ với lời trình bày và yêu cầu của cô Chinh, thống nhất rằng vợ chồng bà còn nợ cô Chinh 02 dây họ nói trên với số tiền là 132.000.000 đồng và đồng ý trả nhưng do hoàn cảnh bà đang khó khăn nên xin cho trả dần mỗi thàng 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng cho đến khi hết nợ. Ông Trần Văn Sang vắng mặt không thể hiện ý kiến.

Luật sư Luật Ánh Ngọc đã trao đổi với cô Chinh về vấn đề cho trả dần, nhưng cô Chinh không đồng ý.

 

Luật sư tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm
Luật sư tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm

Kết thúc tranh luận, Tòa án nhận định rằng:

  • Bà Chinh và bà Ú đã thống nhất với nhau việc tham gia hai dây họ, việc bà Ú đã hốt hết các phần họ và thống nhất về số tiền nợ họ bà Ú thiếu bà Chinh là 132.000.000 đồng nên đây là tình tiết không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự.
  • Xét yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu ông Sang có nghĩa vụ liên đới cùng bà Ú trả 132.000.000 đồng tiền họ thấy rằng: Bà Ú và ông Sang là vợ chồng, bà Ú thừa nhận việc bà chơi họ và hốt họ của bà Chinh ông Sang đều biết và mục đích bà chơi họ để làm kinh tế phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình nên yêu cầu của bà Chinh là có căn cứ, phù hợp với quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự; Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình; Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/02/2019 của Chính phủ quy định về họ, họ, biêu, phường nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
  • Về ý kiến xin trả dần của bị đơn: Do bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ của họ viên với chủ họ nên có trách nhiệm trả lại số tiền họ đến hạn phải đóng. Bà Chinh là chủ họ không đồng ý cho bà Ú trả dần nên không có căn cứ chấp nhận đề nghị xin trả dần của bà Ú.

Từ những nhận định trên, Tòa án sơ thẩm quyết định:

  • Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trương Thị Chinh đối với bà Nguyễn Thị Ú và ông Trần Văn Sang. Buộc bà Nguyễn Thị Ú và ông Trần Văn Sang có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Trương Thị Chinh số tiền 132.000.000 đồng (một trăm ba mươi hai triệu đồng) nợ họ.
  • Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Vậy là, vụ án tranh chấp về họ đã được Tòa án giải quyết một cách thỏa đáng, Luật Ánh Ngọc hoàn toàn đồng ý với quyết định giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Duy Tiên. Căn cứ vào bản án, cô Chinh đã có thể ràng buộc pháp lý, có quyền đòi lại tiền của mình một cách hợp pháp và sẽ được đảm bảo.

Trên đây là tư vấn của Luật Ánh Ngọc đối với vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản dưới hình thức họ (hụi, biêu, phường), một loạt hình thức vay và cho vay khá phổ biến trong nhân dân ta ngày nay. Nếu các bạn gặp các vấn đề tường tự hoặc những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác cần được hỗ trợ pháp lý xin vui lòng liên hệ đến Luật Ánh Ngọc qua 0878.548.558 hoặc lienhe@luatanhngoc.vn để được tư vấn, hỗ trợ.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.