1. Người có hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác bị đi tù bao nhiêu năm?
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác mà thời hạn tù giam của người phạm tội là khác nhau.
Căn cứ theo Điều 148 Bộ luật Hình sự hiện hành, người phạm tội có thể bị đi tù từ 01 năm đến 03 năm hoặc từ 03 năm đến 07 năm.
1.1. Có thể bị đi tù từ 01 năm đến 03 năm
Đây là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi lây truyền HIV từ cơ thể của mình sang cơ thể của người khác và không có các tình tiết định khung tăng nặng. Bất kể người nào bị nhiễm HIV có hành vi lây nhiễm HIV đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng khung hình phạt cơ bản của tội này là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Trong trường hợp này, hành vi lây truyền HIV của người phạm tội mang tính chất ít nghiêm trọng, thiệt hại gây ra chưa đủ để cấu thành tăng nặng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người có hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là trường hợp người phạm tội mặc dù có hành vi lây truyền HIV cho người khác nhưng nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người phạm tội và tự nguyện quan hệ tình dục. Trong trường hợp này, người phạm tội thực hiện hành vi không vì lỗi cố ý mà là sự tự nguyện của cả hai.
1.2. Có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm
Đây là khung hình phạt tù nặng nhất đối với người phạm tội lây truyền HIV sang người khác. Theo đó, người phạm tội có thể bị đi tù với thời gian từ 03 năm đến 07 năm nếu hành vi lây truyền HIV từ cơ thể người phạm tội sang cơ thể người khác thuộc các trường hợp sau:
- Người phạm tội lây truyền HIV cho 02 người trở lên
- Đây là trường hợp trong cùng một lần phạm tội, người phạm tội đã lây truyền HIV từ cơ thể của mình cho từ 02 người trở lên hoặc người phạm tội 02 lần trở lên đối với 02 người trở lên và những lần phạm tội này chưa bị xử lý hình sự, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đưa ra truy tố, xét xử cùng một lúc.
- Mặc dù người phạm tội biết sự nguy hiểm của căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS nhưng người phạm tội vẫn cố ý lây truyền cho nhiều người, điều này thể hiện sự suy đồi trong đạo đức, lệch lạc trong nhân cách của người phạm tội.
- Trường hợp người phạm tội với mục đích làm lây lan HIV cho nhiều người nhưng trên thực tế chỉ làm một người bị nhiễm HIV hoặc không ai bị nhiễm HIV nhưng xét về mong muốn của người phạm tội là nhiều người bị nhiễm HIV, còn hậu quả là ý chí khách quan nên vẫn được xác định với tình tiết “đối với 02 người trở lên” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt.
- Trường hợp người phạm tội chỉ cố ý lây truyền HIV cho một người, còn những người còn lại là do vô tình thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt cơ bản quy định tại Khoản 1 Điều 148 Bộ luật Hình sự.
- Lây truyền HIV cho người dưới 18 tuổi nếu không thuộc trường hợp người phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi và tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
- Người dưới 18 tuổi là những người chưa thành niên, chưa hoàn toàn phát triển đầy đủ về nhân cách và là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt. Đồng thời, đây là những người còn trẻ tuổi, cuộc sống và tương lai phía trước đang còn rộng mở chờ đón và là lực lượng xây dựng đất nước sau này.
- Nhưng người phạm tội vì mong muốn, động cơ cá nhân thực hiện hành vi lây truyền HIV cho những người dưới 18 tuổi thể hiện tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội. Do đó, người phạm tội cần được xử phạt nghiêm khắc hơn với thời hạn tù giam dài hơn.
- Tuy nhiên, trong trường hợp người phạm tội lây truyền HIV đồng thời hành vi này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành các tội Hiếp dâm người dưới 18 tuổi hoặc tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không bị truy cứu về tội danh này mà bị truy cứu đối với tội tương ứng với tình tiết tăng nặng “Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội”.
- Sở dĩ pháp luật ngoài trừ trường hợp này xuất phát từ mục đích phạm tội khi người đó thực hiện hành vi. Thực tế người phạm tội thực hiện hành vi lây truyền HIV từ người phạm tội sang người dưới 18 tuổi nhưng không vì hậu quả nạn nhân bị nhiễm HIV mà vì những mục đích, động cơ khác với mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng của hành vi cao hơn so với hành vi lây truyền HIV theo Điều 148 Bộ luật Hình sự.
- Lây truyền HIV cho phụ nữ mà biết là có thai
- Tương tự như tình tiết trên, trong trường hợp này, người phạm tội cố ý lây truyền HIV cho phụ nữ có thai – đối tượng yếu thế và không có khả năng chống trả trước hành vi phạm tội. Việc xác định “biết là có thai” căn cứ vào việc người phạm tội và mọi người biết việc có thai của nạn nhân.
- Hành vi lây truyền HIV cho phụ nữ có thai gây ra hậu quả nguy hiểm nặng nề hơn so với những đối tượng khác. Bởi vì trong trường hợp nạn nhân bị nhiễm HIV có thể gây nguy hiểm cho đứa trể đang mang do HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con.
- Phạm tội đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình
- Trong trường hợp này, người phạm tội đã cố ý thực hiện hành vi lây truyền HIV từ mình sang những y bác sĩ, hộ lý hoặc nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, chữa bệnh cho người phạm tội.
- Đây là những đối tượng tiếp xúc thường xuyên với người phạm tội, do đó, người phạm tội nhận thức được việc thực hiện hành vi lây truyền HIV là tương đối dễ dàng, nên đã lợi dụng sự chăm sóc, chữa trị của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Điều này thể hiện đông cơ đê hèn của người phạm tội, vì vậy cần đáng lên án và cần phải áp dụng hình phạt tăng nặng.
- Tuy nhiên, người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tình tiết này nếu nạn nhân là người trực tiếp chữa bệnh cho mình. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp người phạm tội lây truyền HIV cho bác sĩ, y tế hoặc các nhân viên y tế khác nhưng nạn nhân không trực tiếp chăm sóc, chữa trị người phạm tội thì không áp dụng tình tiết này.
- Phạm tội đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
- Đây là trường hợp người phạm tội lây truyền HIV cho người được Nhà nước giao nhiệm vụ, công vụ theo quy định nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Công vụ của nạn nhân nghĩa là nhiệm vụ, công vụ liên quan trực tiếp đến người phạm tội nên người phạm tội đã có hành vi lây truyền HIV cho người khác nhằm mục đích ngăn chặn nạn nhân thực hiện công vụ hoặc mục đích trả thù.
Như vậy, khác với hành vi cố ý truyền HIV cho người khác, người nào cố ý lây truyền HIV cho người khác có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất là tù có thời hạn với mức cao nhất là 07 năm tù và không bị áp dụng hình phạt bổ sung. Việc không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội này xuất phát từ đặc điểm của người phạm tội là những người đang phải điều trị, đối mặt với căn bệnh thế kỷ. Điều này có thể ảnh hưởng một phần đến quá trình phạm tội.
2. Phân biệt cố ý lây truyền HIV và cố ý truyền HIV cho người khác
Mặc dù chỉ khác nhau giữa cụm từ “lây truyền HIV” và “truyền HIV” nhưng khi xét trên góc độ luật hình sự, hành vi “cố ý lây truyền HIV cho người khác” và “cố ý truyền HIV cho người khác” là hai hành vi khác nhau và chịu các hình phạt khác nhau.
Trước khi phân biệt hai hành vi trên, có thể thấy hai hành vi này có một vài nét tương đồng:
- Cả hành vi lây truyền HIV và truyền HIV đều được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi lây truyền và truyền HIV cho người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm sức khỏe của người khác nhưng người phạm tội đã lựa chọn thực hiện và mong muốn hoặc để mặc hậu quả xảy ra
- Hai hành vi đều hướng đến mục đích là khiến nạn nhân bị nhiễm HIV nhằm để trả thù, …
Bên cạnh hai điểm tương đồng trên, hai hành vi trên có những sự khác biệt sau đây:
2.1. Khác nhau về bản chất
Hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác nghĩa là người phạm tội bị HIV và sau đó mới đi lây bệnh cho người khác, nghĩa là truyền bệnh từ cơ thể của mình sang cơ thể của người khác.
Trong khi đó, hành vi cố ý truyền HIV cho người khác chỉ đơn thuần là “truyền” tải vi rút HIV từ cơ thể người mắc HIV sang cho người chưa mắc HIV. Trong hành vi này, người phạm tội không trực tiếp là “nguồn lây bệnh” nhưng mang tính nguy hiểm hơn nhiều so với hành vi lây truyền HIV.
Xem thêm bài viết: Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác
2.2. Khác nhau về chủ thể thực hiện
Đối với hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác, chủ thể thực hiện buộc là chủ thể đặc biệt – những người bị nhiễm HIV và họ biết rõ họ bị nhiễm HIV.
Đối với hành vi cố ý truyền HIV cho người khác, người phạm tội có thể là người bị nhiễm HIV hoặc không bị nhiễm HIV. Trường hợp người phạm tội là người bị nhiễm HIV thì chỉ được xem là thực hiện hành vi truyền HIV khi người đó sử dụng máu chứa virut HIV không phải trong cơ thể họ mà từ của cơ thể người khác.
Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi cố ý truyền HIV cho người khác mở rộng hơn so với chủ thể thực hiện hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác. Yếu tố “bị nhiễm HIV” và nguồn gốc của virut HIV được sử dụng là yếu tố đồng thời xác định một người thực hiện hành vi cố ý lây tryền HIV hay cố ý truyền HIV.
2.3. Khác nhau về hình thức thực hiện hành vi
Nếu như hành vi lây truyền HIV có thể được thực hiện qua ba hình thức: lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu và từ mẹ sang con thì hành vi truyền HIV chỉ có thể được thực hiện qua đường máu. Nghĩa là người phạm tội chỉ có thể truyền HIV cho người khác bằng con đường gián tiếp như sử dụng dao, kim tiêm, kéo có chứa máu HIV đâm vào người khác, truyền dịch, máu có chứa HIV sang cho người khác.
2.4. Khác nhau về hình phạt áp dụng
Căn cứ theo các Điều 148, 149 Bộ luật hình sự, người có hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lây truyền HIV cho người khác còn người có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý truyền HIV cho người khác.
So sánh hình phạt giữa hai tội danh này, nhận thấy, hành vi cố ý lây truyền HIV có hình phạt nhẹ hơn so với hành vi cố ý truyền HIV và không áp dụng hình phạt bổ sung:
- Đối với hành vi cố ý lây truyền HIV cho người khác: người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn với mức khung hình phạt cao nhất là từ 03 năm đến 07 năm.
- Đối với hành vi cố ý truyền HIV cho người khác: Người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn với mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, cấm làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Xem thêm bài viết: Hình phạt nào cho người có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác
4. Một số câu hỏi thường gặp
4.1. Trường hợp không biết bản thân bị nhiễm HIV nhưng vô tình lây truyền HIV cho người khác thì có bị đi tù không?
Căn cứ theo Điều 148 Bộ luật Hình sự, người phạm tội phải biết mình bị nhiễm HIV và cố ý lây truyền HIV là dấu hiệu đầu tiên để xác định tội phạm. Do đó, trong trường hợp người đó vô tình lây truyền HIV do không biết mình bị nhiễm HIV thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không phải đi tù.
4.2. Người dưới 18 tuổi cố ý lây truyền HIV cho người khác thì đi tù bao nhiêu năm?
Căn cứ các Điều 101, 148 Bộ luật Hình sự, trường hợp người phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội cố ý lây truyền HIV thì có thể bị phạt tù với mức hình phạt cao nhất không quá ¾ mức phạt tù mà pháp luật quy định.
4.3. Phụ nữ có thai cố ý lây truyền truyền HIV cho người khác thì có bị đi tù không?
Trong trường hợp này, phụ nữ có thai vẫn có thể bị phạt tù nhưng được hoãn thời gian chấp hành hình phạt tù đến khi con đủ 36 tháng tuổi không giới hạn về số lần hoãn chấp hành hình phạt tù và không phân biệt với các hành vi cố ý mang thai và sinh con để trốn tránh thi hành án.
Trên đây là toàn bộ giải đáp của Luật Ánh Ngọc đối với câu hỏi “Cố ý lây truyền HIV cho người khác bị đi tù bao nhiêu năm”. Nếu độc giả còn vấn đề thắc mắc, xin vui lòng liên hệ Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ kịp thời.