Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác


Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác
HIV/AIDS là một căn bệnh toàn cầu, gây ra những tác động tiêu cực không chỉ đến bản thân người nhiễm HIV mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội. Vì vậy, hành vi truyền HIV cho người khác là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý về tội cố ý truyền HIV cho người khác. Vậy hiểu như thế nào về tội cố ý truyền HIV cho người khác? Định danh tội phạm này như thế nào? Trong bài viết hôm nay chúng ta cùng làm rõ.

1. Như thế nào gọi là định danh Tội cố ý truyền HIV cho người khác

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện và phải chịu hình phạt.

Như vậy, có thể hiểu tội cố ý truyền HIV cho người khác là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý khiến cho nạn nhân bị nhiễm HIV, từ đó xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người được pháp luật hình sự bảo vệ và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

tội Cố ý truyền HIV cho người khác
Tội cố ý truyền HIV cho người khác

Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác có thể hiểu là quá trình nhận thức logic thông qua hoạt động thực tiễn áp dụng pháp luật để xác định sự phù hợp giữa hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tội Cố ý truyền HIV cho người khác theo Điều 149 Bộ luật hình sự.

2. Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác theo cấu thành tội phạm

Việc định danh được xác định dựa vào 04 căn cứ:  Khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm

2.1. Khách thể của tội phạm

Hành vi phạm tội là một dạng hành vi của con người, vì thế khi thực hiện hành vi, người đó mong muốn hướng đến một đối tượng nhất định.

Khác với hành vi khác, hành vi phạm tội hướng đến mục đích gây thiệt hại cho đối tượng đó. Những đối tượng này được gọi là khách thể của tội phạm. Thông qua khách thể, chúng ta có thể nhận biết được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được pháp luật bao vệ và bị tội phạm xâm hại (bao gồm độc lập, chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ hậu quả của việc bị nhiễm HIV và từ thực tiễn tình trạng nhiễm HIV hiện nay, có thể xác định khách thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác là quyền sống, quyền được bảo hộ tính mạng, sức khỏe:

  • Khi một người bị nhiễm HIV thì cả tính mạng, sức khỏe của người đó đều bị xâm phạm ở các mức độ khác nhau
  • Đầu tiên có thể dễ dàng nhận biết nhất đó là sức khỏe của người đó bị giảm sút, tính mạng có thể bị đe dọa
  • Ngoài ra, nạn nhân của tội cố ý truyền HIV cho người khác còn phải đối mặt với những định kiến, sự kỳ thị của mọi người, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

Đối tượng tác động của tội cố ý truyền HIV cho người khác là con người, chủ thể của quan hệ xã hội, cụ thể hơn là những con người khỏe mạnh và không bị nhiễm HIV.

Như vậy, có thể thấy, khách thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác tương đối rộng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm – những quyền cơ bản của con người.

2.2. Chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội. Như vậy, chủ thể của tội phạm này có những đặc điểm sau đây:

  • năng lực trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức, năng lực điều khiển hành vi.
    • Trong từng trường hợp cụ thể, người đó nhận thức được sự đòi hỏi của xã hội đối với từng hành vi cụ thể và có năng lực điều khiển được hành vi của mình sao cho phù hợp với sự đòi hỏi đó
    • Người đó phải phân biệt được hành vi của bản thân là đúng hay sai, có lỗi hay không có lỗi để chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
      • Cụ thể, người phạm tội nhận thức được HIV/AIDS là đại dịch nguy hiểm cho xã hội, được Đảng và Nhà nước tuyên truyền về hậu quả và phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, người phạm tội vẫn cố tình sử dụng vi rút HIV để truyền cho người khác.
  • Đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là độ tuổi mà khi đạt đến độ tuổi đó, người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi do mình thực hiện. Căn cứ theo Điều 12 và Điều 149 Bộ luật Hình sự, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tội Cố ý truyền HIV cho người khác là từ đủ 16 tuổi trở lên.

Ngoài ra, khác với tội Lây nhiễm HIV cho người khác theo Điều 148 Bộ luật hình sự, chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác là người không bị HIV/AIDS hoặc bị nhiễm HIV, tin rằng mình không bị nhiễm HIV hoặc không biết mình bị nhiễm HIV.

Đây là một dấu hiệu đặc biệt quan trong đặc điểm về nhân thân người phạm tội để phân biệt với các tội liên quan đến HIV khác. Trường hợp người phạm tội bị nhiễm HIV, sử dụng vi rút HIV từ cơ thể của mình để truyền cho người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lây nhiễm HIV cho người khác.

2.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Khác với mặt khách quan của tội cố ý truyền HIV cho người khác, mặt chủ quan của tội danh này là hoạt động tâm lý, diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội, bao gồm: lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Trong đó, lỗi là biểu hiện quan trọng nhất.

Lỗi có thể hiểu là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi gây thiệt hại và hậu quả do hành vi đó gây ra trong điều kiện nhất định. Nghĩa là trong trường hợp người đó có thể lựa chọn giữa thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội và hành vi khác phù hợp với điều kiện xã hội, người đó đã lựa chọn hành vi gây thiệt hại.

Ngay từ tên của tội phạm này “Tội cố ý tryền HIV cho người khác”, chúng ta cũng có thể khẳng định, lỗi trong tội danh này là lỗi cố ý trực tiếp. Lỗi cố ý trực tiếp là lỗi mà người đó nhận thức rõ hậu quả của HIV và hành vi truyền HIV của mình là nguy hiểm cho người khác, thấy trước hậu quả do hành vi đó gây ra nhưng vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn hậu quả khiến nạn nhân bị nhiễm HIV.

Ngoài lỗi, mục đích, động cơ phạm tội cũng là một trong những yếu tố quan trọng xác định tội danh như thực hiện hành vi vì động cơ đê hèn, trả thù,…Nhưng đối với tội cố ý truyền HIV cho người khác, mục đích, động cơ không phải là yêu tố có ý nghĩa trong việc định danh.

2.4. Mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan của tội cố ý truyền HIV cho người khác là những biểu hiện ra bên ngoài, tồn tại trong thực tại khách quan của tội phạm, bao gồm: hành vi gây thiệt hại cho xã hội, hậu quả thiệt hại, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và các điều kiện khách quan gắn liền với hành vi phạm tội như công cụ, phương tiện, thủ đoạn, thời gian, địa điểm phạm tội.

Mặt khách quan của tội cố ý truyền HIV cho người khác
Ảnh mô tả
  • Hành vi khách quan
    • Hành vi khách quan là những biểu hiện ra bên ngoài của con người dưới hình thức cụ thẻ nhằm đạt được mục đích nhất định.
    • Đây là trung tâm kết nối các yếu tố khác của tội phạm, là cầu nối giữa chủ thể và khách thể của tội phạm.
    •  Hành vi khách quan của tội phạm có ba đặc điểm chính: Có tính gây thiệt hại cho xã hội, tính được quy định trong pháp luật hình sự, tính có ý thức và có ý chí của chủ thể và có thể được thể hiện bằng hai hình thức: hành động và không hành động.
    • Đối với tội Cố ý truyền HIV cho người khác, hành vi khách quan là hành vi truyền vi rút HIV sang cơ thể của người khác chưa bị nhiễm HIV bằng các hình thức khác nhau có khả năng làm cho nạn nhân bị nhiễm HIV như truyền qua máu hoặc các sản phẩm của máu có nhiễm HIV (dùng kim tiêm đâm vào người khác, dùng dao, mảnh chai chứa máu của người bị nhiễm HIV rồi rạch vào người khác….
    • Cần phân biệt giữa hành vi truyền và hành vi lây truyền HIV. Hành vi truyền chỉ có ý nghĩa truyền tải, đưa vi rút HIV vào trong cơ thể người khác được xem là tội phạm hoàn thành, không cần biết nạn nhân có bị nhiễm HIV hay không. Trong khi lây truyền là khiến tình trạng cơ thể người khác phải trở nên giống với người phạm tội.
  • Hậu quả của tội cố ý truyền HIV cho người khác: Tội cố ý truyền HIV cho người khác gây ra thiệt hại đến quyền nhân thân của con người – quyền được sống, quyền về tính mạng, sức khỏe,….là những quyền gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời với con người.
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi
    • Trong tội cố ý truyền HIV cho người khác, giữa hậu quả và hành vi khách quan phải có mối quan hệ nguyên nhân – kết quả với nhau, hậu quả thiệt hại này là do hành vi truyền HIV gây ra.
    • Trường hợp nạn nhân bị nhiễm HIV thì nguyên nhân chính và trực tiếp gây ra xuất phát từ hành vi truyền HIV của người phạm tội.
    • Việc xác định mối quan hệ nhân quả này có thể căn cứ vào thứ tự giữa hành vi và hậu quả: hành vi truyền HIV phải xảy ra trước khi nạn nhân bị nhiễm HIV và phải chứa đựng khả năng lây truyền HIV, đồng thời, trong khoảng thời gian người phạm tội thực hiện hành vi truyền HIV không có tác nhân nào khác có khả năng làm lây truyền HIV.

Mọi người cũng xem: Cố ý lây truyền HIV cho người khác bị đi tù bao nhiêu năm?

3. Một số câu hỏi thường gặp khi định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác

3.1. Định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác được thực hiện như thế nào?

Được thực hiện theo 4 bước:

Bước 1: Xác định các tình tiết thực tế của vụ án: TÌnh tiết thu thập phải khách quan, chính xác, trung thực, khoa học, đầy đủ, toàn diện.

Bước 2: Xác định quy phạm pháp luật tương ứng: Hành vi vi phạm hướng tới xâm phạm nhóm quan hệ nào?

Bước 3: Xác định sự phù hợp giữa hành vi phạm tội trên thực tế với cấu thành tội phạm được quy định trong luật.

Bước 4: Xác định khung hình phạt trong trường hợp dấu hiệu định khung của tội có thể là dấu hiệu định tội của một tội khác.

3.2. Phương pháp xác định lỗi trong định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác như thế nào?

Có thể căn cứ vào các yếu tố sau để xác định lỗi:

  • Diễn biến của hành vi phạm tội: vị trí người bị hại khi bị tấn công, điều kiện thực hiện hành vi,..
  • Các thức sử dụng công cụ, phương tiện phạm tội
  • Xử sự trước và sau khi có hành vi truyền HIV của người phạm tội
  • Dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân
  • Quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội

3.3. Cách xác định tuổi trong yếu tố chủ thể của tội cố ý truyền HIV cho người khác?

Có thể xác định tuổi theo ngày, tháng, năm bằng các phương pháp như sử dụng giấy khai sinh, thẩm tra tại cơ quan quản lý hộ tịch hoặc nơi cấp giấy khai sinh. Độ tuổi được tính từ ngày người phạm tội sinh nhật lần thứ 16 cộng thêm một ngày và xác định tại thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi. 

Trường hợp không thể xác định chính xác ngày tháng năm sinh của người phạm tội dù đã thực hiện các biện pháp hợp pháp thì được tính như sau: 

Trường hợp chỉ xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.

Trường hợp chỉ xác định được quý nhưng không xác định được ngày tháng thì lấy ngày cuối cùng và tháng cuối cùng của quý làm ngày tháng sinh. 

Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày tháng thì lấy ngày 31/12 làm ngày tháng sinh.

Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm sinh của người phạm tội thì cần tiến hành giám định. Nếu kết quả giám định ra khoảng thời gian thì lấy ngày thấp nhất để xác định tuổi của người phạm tội.

3.4. Tại sao lại cần định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác?

Điều này xuất phát từ các căn cứ:

  • Xuất phát từ ảnh hưởng nghiêm trọng của HIV. HIV không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của người mắc bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình, mỗi quốc gia có người bị nhiễm HIV.
  • Đồng thời, những người bị nhiễm HIV/AIDS còn có thể dễ dàng trở thành nạn nhân bị phân biệt đối xử, cuộc sống của người thân, gia đình có người bị nhiễm HIV trở nên căng thẳng, nặng nề, xuất hiện nhiều mâu thuẫn.
  • Căn cứ pháp lý: hành vi cố ý truyền HIV cho người khác là hành vi vi hiến, bởi hành vi này đã xâm phạm trực tiếp đến quyền con người – quyền sống, tính mạng, sức khỏe là những nội dung được Hiến pháp thừa nhận và bảo hộ.

Xem thêm bài viết: Hình phạt nào cho người có hành vi cố ý truyền HIV cho người khác

Tội cố ý truyền HIV cho người khác lần đầu tiên được quy định tại Bộ luật hình sự năm 1999. Qua 18 năm thi hành, những quy định về tội cố ý truyền HIV cho người khác tiếp tục được kế thừa, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện tại Điều 149 Bộ luật hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

Việc định danh tội cố ý truyền HIV cho người khác đã đánh dấu một bước phát triển mới, thể hiện sự kiên quyết của Đảng và nhà nước trong việc xử lý nghiêm khắc những người cố ý lan truyền căn bệnh thế kỷ này. Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền vận động, việc định tội danh đối với hành vi cố ý truyền HIV cho người khác góp phần tăng cường giáo dục ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về phòng tránh HIV/AIDS.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.