Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini


Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini

Cách phòng cháy chữa cháy cho chung cư mini được thực hiện ra sao? Yêu cầu đặt ra như thế nào? Ai là người chịu trách nhiệm khi xảy ra cháy chung cư mini? Trong bài viết dưới đây, Luật Ánh Ngọc sẽ cùng bạn đọc giải đáp cho các vấn đề trên. Mời quý khách hàng cùng theo dõi!

Thực trạng hiện nay đã và đang xuất hiện cháy chung cư mini, cháy nhà xưởng, bãi kho... đặc biệt là ở 2 thành phố lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điển hình vừa qua, vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngày 12/09 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người thương vong. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc "đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với chung cư mini"?

1. Chung cư mini là gì?

Theo quy định Luật nhà ở 2014, định nghĩa chung cư mini có thể hiểu là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên, mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín (có phòng ở riêng, khu bếp riêng, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng, diện tích sàn xây dựng phải đạt tiêu chuẩn nhất định và đáp ứng các tiêu chuẩn khác của Luật nhà ở hiện hành.

Trong đó, phần sở hữu riêng bao gồm:

  • Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó;
  • Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư;
  • Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng;
  • Phần còn lại thuộc phần sở hữu chung.

 

Chung cư mini là gì?
Chung cư mini là gì?

Xuất phát từ nhu cầu sử dụng và những ưu điểm của loại hình chung cư mini (giá tiền khá rẻ, an ninh tốt, vị trí ở trung tâm...) nên được đông đảo số lượng người lao động lựa chọn, điều này cũng đồng nghĩa với việc khi có sự kiện an ninh bất bảo đảm (hỏa hoạn, cháy...) thì mức ảnh hưởng tác động tới tính mạng, tài sản và môi trường rất lớn. Kiến thức về đảm bảo phòng cháy chữa cháy sẽ là giá trị pháp trị quan trọng đối với mỗi chủ thể kinh doanh, hoạt động ở chung cư mini.

2. Chung cư mini có cần phải xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy không?

Giấy phép phòng cháy chữa cháy là một loại giấy phép con chứng thực doanh nghiệp, tổ chức đáp ứng đủ điện kiện để tiến hành hoạt động kinh doanh, sản xuất, đầu tư những ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến phòng cháy chữa cháy

Căn cứ theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 3 và phụ lục IV, phụ lục V ban hành kèm Nghị định 136/2020/NĐ-CP có đề cập đến phòng cháy chữa cháy chung cư như sau:

  • Nhà chung cư cao dưới 05 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3... phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

  • Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 07 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên... phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

Như vậy, căn cứ theo quy định này, chung cư mini phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Nếu chung cư mini cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy.

3. Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini

 

Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini
Các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini

Pháp luật đã căn cứ vào phạm vi, tính chất ảnh hưởng của chung cư mini,... quy định riêng về các yêu cầu cần thực hiện, tuân thủ. Những yêu cầu trong quy định về Luật phòng cháy chữa cháy nhà chung cư mini phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện trước khi đưa vào hoạt động, đồng thời duy trì trong suốt quá trình hoạt động.

3.1. Nhà chung cư mini cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000m3

  • Có nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, thoát nạn đúng chuẩn, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an (nội dung chi tiết tại Điều 5 Thông tư 149/2020/TT-BCA);

  • Có phương án chữa cháy đã được phê duyệt;

  • Hệ thống điện, chống sét, tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc dùng nguồn lửa, nguồn nhiệt đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy đúng theo tiêu chuẩn;

  • Có hệ thống cấp nước, giao thông, thông tin liên lạc phục vụ công tác chữa cháy; hệ thống báo cháy, ngăn cháy, ngăn khói và thoát nạn, phương tiện cứu người đảm bảo đúng tiêu chuẩn, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

  • Có phân công và quy định nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Những người được phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ.

3.2. Nhà chung cư mini cao từ 7 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên

Ngoài những yêu cầu về phòng cháy chữa cháy chung cư mini ở trên, cần phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có), và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.

4. Xử phạt hành vi vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy của chung cư mini

Nếu vi phạm về phòng cháy chữa cháy chung cư, người vi phạm có thể bi xử phạt hành chính (bị phạt tiền, các hình phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả) hoặc chịu trách nhiệm hình sự (người phạm tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể bị phạt tù lên đến 12 năm theo quy định), bồi thường thiệt hại (nếu có).

5. Ai là người bồi thường khi cháy chung cư mini?

 

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cháy chung cư mini
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi cháy chung cư mini

Để giải quyết vấn đề ai bồi thường, phải xác định được các yếu tố cấu tạo nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại, bao gồm:

  • Hành vi gây cháy chung cư mini là hành vi trái pháp luật;
  • Lỗi của chủ thể vi phạm (vô ý hay cố ý);
  • Nguyên nhân xảy ra vụ cháy là gì;
  • Mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả.

Tùy từng trường hợp cụ thể mà những người chịu trách nhiệm bồi thường lại khác nhau.

5.1. Trường hợp lỗi gây thiệt hại hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư, chủ thể kinh doanh

Vấn đề lỗi của chủ đầu tư được xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, có thể kể đến như: 

  • Thi công, lắp đặt các thiết bị của chung cư không đúng quy trình;

  • Sử dụng các trang thiết bị nói chung và các thiết bị phòng cháy chữa cháy nói riêng không đúng tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn;

  • Hệ thống báo cháy và chữa cháy không theo quy định của pháp luật, không đủ khả năng phòng cháy, chữa cháy;

  • Vi phạm công tác quản lý chung cư;….

Pháp luật đã quy định chung cư mini phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn về phòng cháy chữa cháy. Cơ quan phải xác minh rõ việc cấp phép, phê duyệt về phòng cháy chữa cháy được thực hiện và triển khai như thế nào? Việc đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy đã tuân thủ đúng quy định pháp luật chưa?

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở kinh doanh này đã không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC (Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 năm 2017 về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy).

Lưu ý: chủ đầu tư vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ những thiệt hại về mặt tài sản và những thiệt hại về sức khỏe, tình mạng nếu nạn nhân yêu cầu.

5.2. Trường hợp lỗi gây ra thiệt hại thuộc về cư dân sống tại chung cư hay người ngoài

Đối với trường hợp thiệt hại gây ra là lỗi của cư dân sống tại chung cư hay của người ngoài, tức là họ đã có những tác động dù vô ý hay cố ý gây nên các vụ cháy ở chung cư mini như: sạc pin xe điện bị chập dẫn đến cháy nổ, bếp ga bị nổ, hút thuốc lá,... Lúc này, lỗi thuộc về cả người vi phạm và chủ đầu tư. Có thể thấy trường hợp này xảy ra khá phổ biến, điển hình tại vụ cháy chung cư mini Khương Hạ thời gian qua.

Yếu tố "lỗi" của người gây cháy có thể được phân thành hai loại: lỗi cố ý và lỗi vô ý để căn cứ áp dụng mức xử phạt bồi thường.

Vì vậy, trong trường hợp vụ cháy, việc xác định trách nhiệm và bồi thường thiệt hại thường phụ thuộc vào việc điều tra kỹ lưỡng và xác minh nguyên nhân cụ thể của sự cố. Trong tất cả các trường hợp trên, những người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đều phải thực hiện bồi thường thiệt hại.

Có thể thấy hậu quả của những vụ cháy đã để lại những mất mát rất lớn về con người, tài sản,... vì vậy để hạn chế tối đa những tổn thất, mọi chủ thể (chủ đầu tư, kinh doanh chung cư mini và những người sinh sống tại đó phải luôn tuân thủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra và rà soát hoạt động cho thuê nhà ở tại các chung cư mini. Kiểm tra xem các công trình này có đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, đặc biệt nếu chúng nằm trong khu vực có mật độ dân cư đông đúc, lối đi ra vào nhỏ để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn tương tự.

Trên đây là những thông tin quy định về "yêu cầu thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini". Trong quá trình tham khảo, quý khách gặp các vấn đề thắc mắc vui lòng liên hệ tới chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn chi tiết nhất.

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.