1. Cơ sở pháp lý
- Luật Phòng cháy chữa cháy năm 2001; sửa đổi, bổ sung năm 2010;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
- Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
2. Cháy là gì? Phòng cháy chữa cháy được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 "Cháy được hiểu là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường". Có thể thấy, hiện tượng này xảy xa ngoài sự kiểm soát, sức khống chế của con người, con người không thể nhận biết trước được, không theo mong muốn hay một kế hoạch, nguyên tắc nào trước. Hậu quả có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường tùy thuộc vào mức độ tác động của vụ cháy.
Nhận thức được mức độ ảnh hưởng, hậu quả của cháy để lại, pháp luật hiện hành đã đưa ra các quy định về trách nhiệm thực hiện phòng cháy chữa cháy của các chủ thể liên quan và trách nhiệm pháp lý đối với hậu quả đã gây ra đó. Có thể hiểu phòng cháy chữa cháy là việc thực hiện một hoặc nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn không cho xảy ra hoặc nhằm khắc phục nhanh chóng, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Khoản 8 Điều 3 cũng đã quy định rõ "Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy".
3. Các hành vi vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy
- Chủ thể tham gia kinh doanh thuộc đối tượng phải được cấp Giấy phép phòng cháy chữa cháy nhưng trên thực tế doanh nghiệp không có giấy phép này;
- Vi phạm quy định về ban hành, phổ biến và thực hiện nội quy, biển báo, biển cấm, sơ đồ, biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy;
- Vi phạm quy định về kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, bảo quản và sử dụng chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt hoặc các thiết bị điện tử;
- Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện.
...
Các hành vi vi phạm chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, do chưa đảm bảo yếu tố kỹ thuật trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất. Vì vậy Luật đã quy định các trách nhiệm pháp lý đối với hành vi vi phạm nhằm đảm bảo chủ thể tuân thủ an toàn, giảm tổn thất thiệt hại trong hoạt động kinh doanh của mình.
4. Hình thức xử phạt hành vi vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy
Pháp luật hiện hành quy định xử lý chủ thể có hành vi vi phạm các quy định của Luật phòng cháy chữa cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
4.1. Xử phạt hành chính
Tại quy định tại Điều 27 - Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các nhà làm luật đã đưa đa các mức phạt hành chính cụ thể phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm.
Theo đó, đối với hình phạt chính, có 02 hình thức xử phạt là "cảnh cáo" và "phạt tiền". Tùy thuộc vào mức độ mà hậu quả để lại, chủ thể có thể bị phạt từ tiền trăm đến trăm triệu, quy chung lại mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đối với cá nhân là 50.000.000 đồng, đối với tổ chức là 100.000.000 đồng. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần so với mức phạt tiền đối với cá nhân được quy định ở trên.
Bên cạnh hình phạt chính, chủ thể có thể phải chịu một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.
- Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).
Đồng thời, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
- Buộc giảm khối lượng, số lượng chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo định mức quy định.
- Buộc di chuyển chất nguy hiểm về cháy, nổ do vi phạm hành chính gây ra đến kho, địa điểm theo quy định.
- Buộc sắp xếp lại chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định.
- Buộc thu hồi, hủy bỏ giấy tờ, tài liệu, thông tin liên quan đến vi phạm hành chính.
- Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu.
- Các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Chương II Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài có thể là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung.
4.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi áp dụng biện pháp hình sự, cần chứng minh được các yếu tố cấu thành tội phạm về phòng cháy chữa cháy.
* Thứ nhất, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với các hành vi vi phạm sau đây:
- Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
* Thứ hai, phạt tù từ 05 năm đến 08 năm đối với trường hợp phạm tội:
- Làm chết 02 người.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
* Thứ ba, phạt tù từ 07 năm đến 12 năm đối với trường hợp phạm tội:
- Làm chết 03 người trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên.
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
* Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015 đã đưa ra các mức độ hậu quả tương ứng với hình phạt cụ thể nhằm trừng phạt người phạm tội, cũng chính là biện pháp giáo dục, răn đe mọi người thực hiện an toàn quy định phòng cháy chữa cháy trong khuôn khổ của pháp luật.
4.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Quan hệ giữa các chủ thể luôn tồn tại trong xã hội, trong quan hệ này nếu một bên có hành vi vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên kia. Vì thế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn được đặt ra để đảm bảo rằng trách nhiệm này khả thi với yêu cầu được bảo vệ của bên chịu thiệt hại. Khi chứng minh được các yếu tố:
- Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy;
- Yếu tố lỗi của chủ thể;
- Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả;
- Thiệt hại thực tế xảy ra của bên vi phạm.
bên bị vi phạm có quyền yêu cầu quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định tại bộ luật dân sự hiện hành.
5. Không có giấy phép phòng cháy chữa cháy thì bị xử phạt như thế nào?
Quy định pháp luật tại Điều 13 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đã chỉ rõ những trường hợp phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy. Đồng nghĩa với việc, trong trường hợp các chủ thể trên không có hoặc có giấy phép không hợp lệ thì sẽ không đủ điều kiện để đi vào kinh doanh hợp pháp và bị xử lý theo pháp luật quy định. Tại quy định tại Điều 27 - Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, các nhà làm luật đã đưa ra các mức phạt hành chính cụ thể phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm.
Hành vi không có giấy phép phòng cháy chữa cháy bị xử phạt theo quy định tại Điều 30 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau:
* Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.
* Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Không tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
+ Không thực hiện văn bản yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của cơ quan có thẩm quyền;
+ Không xuất trình hồ sơ, tài liệu phục vụ kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
+ Không tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật;
+ Không gửi báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
* Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
* Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Giấy phép phòng cháy chữa cháy là một chứng thư pháp lý quan trọng, là điều kiện cần, bắt buộc khi chủ đầu tư, chủ phương tiện thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xin phép xây dựng, xin phép chế tạo hoặc hoán cải một số phương tiện.
Thời gian xin cấp giấy phép thường sẽ khoảng 15- 20 ngày tùy thuộc vào quá trình tiến hành thủ tục xin cấp Giấy phép của khách hàng, hơn nữa đây là một thủ tục tương đối phức tạp so với các thủ tục hành chính khác.
Vì vậy, nếu khách hàng quan tâm hoặc có nhu cầu thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc trường hợp phải xin cấp giấy phép phòng cháy chữa cháy, vui lòng liên hệ tới Luật Ánh Ngọc để được hướng dẫn và giải đáp chi tiết nhất để đảm bảo quá trình thực hiện thủ tục nhanh, tiết kiệm thời gian và chi phí.