1. Tội hành hạ người khác là gì?
Tội hành hạ người khác là hành vi làm cho người khác đau đớn, khổ sở bằng việc thực hiện các hành vi mang tính chất tàn ác, dã man như đánh đập, mắng chửi xúc phạm người khác, không nhằm mục đích cướp đoạt tính mạng hay cố ý gây thương tích nặng cho nạn nhân mà mục đích là hành hạ người bị hại.
2. Các yếu tố cấu thành tội hành hạ người khác
Tội hành hạ người khác là tội phạm được quy định tại Điều 140 BLHS phải thỏa mãn đầy đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm bao gồm: khách thể, mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan. Các dấu hiệu pháp lý của tội hành hạ người khác được thể hiện như sau:
- Khách thể của tội hành hạ người khác: Xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ sức khỏe của người bị lệ thuộc.
- Đối tượng tác động của tội hành hạ người khác phải thỏa mãn 2 điều kiện sau:
- Đối tượng tác động của tội hành hạ người khác phải là con người cụ thể, đang sống và đang hiện hữu.
- Phải là người có quan hệ lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần với người phạm tội, nếu người bị hành hạ không có quan hệ lệ thuộc với người thực hiện hành vi hành hạ về vật chất hoặc tinh thần thì người thực hiện hành vi đối xử tàn ác không bị truy cứu TNHS về tội hành hạ người khác mà sẽ bị truy cứu TNHS về tội phạm khác trong BLHS tương ứng với hành vi phạm tội.
- Mặt khách quan của tội hành hạ người khác: Đây là tội phạm cấu thành hình thức nên chỉ cần hành vi khách quan. Gồm có 2 loại đó là hành vi đối xử tàn ác hoặc hành vi làm nhục người lệ thuộc mình. Chỉ cần người phạm tội thực hiện 1 trong 2 loại hành vi này sẽ thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan của tội hành hạ người khác.
- Hành vi đối xử tàn ác được hiểu là hành vi đối xử có tính chất độc ác, tàn bạo như đánh đập, giam cầm gây tổn hại về thể chất và tinh thần nhưng chưa đến mức gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị lệ thuộc…
- Hành vi làm nhục người lệ thuộc mình có thể được hiểu là hành vi xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự người lệ thuộc mình.
- Mặt chủ quan của tội hành hạ người khác: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
- Chủ thể của tội hành hạ người khác: Là chủ thể đặc biệt. Người phạm tội phải là người mà nạn nhân lệ thuộc như là quan hệ công tác, kinh tế hoặc quan hệ thầy trò, trông nom, chăm sóc, giáo dục… trừ mối quan hệ lệ thuộc về hôn nhân và gia đình. Nếu là mối quan hệ lệ thuộc về hôn nhân và gia đình thì người phạm tội sẽ phạm tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo quy định tại Điều 185 BLHS 2015.
3. Mức xử phạt tội hành hạ người khác
Bộ luật Hình sự 2015 quy định 2 khung hình phạt sau đây:
- Khung hình phạt cơ bản: bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm khi có hành vi sau:
Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật Hình sự đó là trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình.
=> Căn cứ quy định này thì người nào có hành vi hành hạ người khác thì có thể chịu 1 trong 2 hình phạt phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù
- Khung hình phạt tăng nặng bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm khi thuộc 1 trong các trường hợp sau:
- Đối với người dưới 16 tuổi: bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng chỉ cần đối tượng tác động của tội phạm là người dưới 16 tuổi mà không cần biết người phạm tội có biết hay không biết nạn nhân là người dưới 16 tuổi.
- Đối với phụ nữ mà biết là có thai: áp dụng khi thỏa mãn 2 điều kiện sau:
- Nạn nhân phải là phụ nữ đang mang thai
- Người phạm tội phải biết nạn nhân đang có thai
- Đối với người già yếu, ốm đau
- Đối với người không có khả năng tự vệ
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên
- Đối với 2 người trở lên: tức là có hành vi phạm tội với nhiều người.
Xem thêm bài viết tại: Hình phạt nào áp dụng cho người phạm tội cố ý gây thương tích?
4. Phân biệt tội hành hạ người khác với các tội danh khác
4.1. Phân biệt với tội bức tử (Điều 130 BLHS 2015)
- Giống nhau: Cả 2 tội đều có hành vi khách quan giống nhau là hành vi đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình.
- Khác nhau:
+ Khách thể của tội hành hạ người khác là sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người còn khách thể tội bức tử là tính mạng con người. Ngoài ra hành vi khách quan của tội bức tử là hành vi thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình.
+ Hậu quả của hành vi phạm tội: đối với tội hành hạ người khác thì hậu quả không là yếu tố bắt buộc mà chỉ cần hành vi có khách quan (đã phân tích ở trên). Còn hậu quả của tội bức tử là làm nạn nhân tự sát mà không yêu cầu hậu quả chết xảy ra
Như vậy, nếu cùng hành vi đối xử tàn ác mà người phạm tội có hành vi đối xử tàn ác với nạn nhân mà:
- Nạn nhân chịu đựng được không tự sát thì khi bị phát giác người có hành vi đối xử tàn ác chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 BLHS 2015.
- Nạn nhân không chịu đựng được và lựa chọn tự sát thì người có hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử theo quy định tại Điều 130 BLHS 2015.
+ Về mặt chủ quan của tội phạm thì tội bức tử thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp hoặc lỗi vô ý (vô ý vì qua tự tin và vô ý do cẩu thả). Còn tội hành hạ người khác thực hiện với lỗi cố ý.
4.2. Phân biệt với tội ngược đãi, hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng con
- Giống nhau: Cả 2 tội này đều giống nhau cơ bản ở khách thể đó là xâm phạm đến sức khỏe, danh sự, nhân phẩm con người và thực hiện với lỗi cố ý.
- Khác nhau:
+ Tội hành hạ người khác thì mối quan hệ lệ thuộc là lệ thuộc về công việc, tín ngưỡng tôn giáo, giáo dục,..Còn tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình đó là mối quan hệ lệ thuộc về hôn nhân, gia đình, huyết thống.
+ Tội hành hạ người khác không yêu cầu hậu quả xảy ra chỉ cần có hành vi khách quan nhưng tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình yêu cầu thỏa mãn dấu hiệu hậu quả đó là thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
5. Bản án về tội hành hạ người khác
- Bản án số 42/2023/HSST ngày 15/03/2023
- Cấp xét xử: Sơ thẩm
- Nội dung vụ việc:
- Trong khoảng thời gian từ ngày 04/7/2022 đến ngày 16/7/2022, Vương Nhật Thảo V được bà Cao Thị Đ giao cháu Cao Phương L, sinh ngày 02/8/2020 để V trông giữ, chăm sóc. Trong quá trình V chăm sóc cháu L, Huỳnh Thị Thanh H cũng đến chăm sóc, trông giữ cháu L tại nhà.
- Trong thời gian này, V và H nhiều lần dùng tay chân đánh vào cơ thể cháu Cao Phương L, bắt phạt cháu L đứng úp mặt vào tường và giơ hai tay lên trời mỗi lần khoảng 10 phút, ngoài ra V còn bắt cháu L đứng một mình trên nắp bồn cầu nhà vệ sinh khiến cháu L bị té đập đầu xuống sàn nhà.
- Kết quả, khiến cháu L bị thương tích chấn thương sọ não, dập phổi, được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng từ ngày 16/7/2022 đến ngày 24/7/2022.
- Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là: 44%,
- Kết quả xét xử:
- Bị cáo Vương Nhật Thảo V 02(hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/7/2022.
- Bị cáo Huỳnh Thị Thanh H 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 17/7/2022
Trên đây là phân tích của Luật Ánh Ngọc về "Yếu tố cấu thành tội phạm của hành vi phạm tội hành hạ người khác: Bản án nào cho tội hành hạ người khác?" Quý khách hàng cần tư vấn hay hỗ trợ hãy liên hệ tới chúng tôi nhé!