Cháy chung cư mini: Truy cứu trách nhiệm về lỗi phòng cháy chữa cháy


Cháy chung cư mini: Truy cứu trách nhiệm về lỗi phòng cháy chữa cháy
Đêm ngày 12/9/2023, tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Sau hơn 45 phút, đám cháy cơ bản được khống chế, không để lây lan sang các hộ dân xung quanh. Tính đến thời điểm hiện tại, vụ cháy đã khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương và chưa có thống kê cụ thể thiệt hại về tài sản. Liên quan đến trách nhiệm để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tối ngày 13/9, chủ của chung cư mini trên là ông Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979, trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị tạm giam để điều tra về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy? Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lỗi phòng cháy chữa cháy được áp dụng như thế nào?

1. Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là gì?

Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi có lỗi phòng cháy, chữa cháy, thể hiện bằng việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Căn cứ vào Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính Phủ, có thể chia vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thành các loại vi phạm sau:

  • Có hành vi vi phạm trong việc banh hành, phổ biến và tổ chức thực hiện nội quy, biển báo, sơ đồ chỉ dẫn phòng, chữa cháy.
  • Hành vi vi phạm trong kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy;
  • Vi phạm trong việc sử dụng các nguồn lửa, nhiệt, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt;
  •  Vi phạm quy định trong đầu tư, xây dựng;
  • Vi phạm về thoát nạn trong phòng cháy, chữa cháy;
  • Vi phạm về trang bị, bảo quản và sử dụng phương tiện phòng cháy chữa cháy.

Căn cứ theo Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy có thể biểu hiện qua một số hành vi sau:

  • Có các hành vi cố ý gây cháy, nổ làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của con người; gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức, Nhà nước như sử dụng sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, ở nhưng nơi có quy định cấm, sử dụng các nguồn nhiệt, lửa không đảm bảo khoảng cách an toàn,..
  • Thực hiện hành vi báo cháy giả hoặc khi có cháy xảy ra, họ không thực hiện báo cháy dù có điều kiện báo cháy hoặc trì hoãn việc báo cháy
  • Có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc mang các vật dễ cháy, nổ trái phép đến các nơi tập trung đông người, khu dân cư.
  • Có hành vi thi công xây dựng các công trình, nhà ở có nguy hiểm về cháy nổ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại mà chưa được phê duyệt về phòng cháy, chữa cháy, chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng.
  • Có cách hành vi cản trở các hoạt động phòng cháy chữa cháy khác như hủy hoại, làm hư hỏng, chiếm đoạt, tự ý thay đổi, di chuyển các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, biển báo chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, cản trở lối thoát nạn như sắp xếp đồ vật, phương tiện cản trở lối thoạt nạn, không lắp đặt các biển báo, biển chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn,..…

2. Có hay không vi phạm quy định về phòng cháy đối với Chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ

Có hay không vi phạm quy định về phòng cháy đối với Chung cư mini số tại nhà 37 ngách 2970 phố Khương Hạ
Có hay không vi phạm quy định về phòng cháy đối với Chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ

Theo quy định tại Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy về phòng cháy đối với nhà ở, nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun, nơi thờ cúng đảm bảo an, toàn; đảm bảo các vật dụng, chất dễ cháy, nổ ở xa nguồn nhiệt, nguồn lửa và phải chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy như bình cứu hỏa, thang dây, mặt nạ chống độc,…

Trường hợp nhà ở riêng lẻ là đối tượng của hoạt động kinh doanh của hộ gia đình, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy, hộ gia đình phải đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy, như sau:

  • Có nội quy về việc sử dụng điện, lửa và các chất dễ cháy, quy định về phòng, chữa cháy phù hợp với quy định, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
  • Có các giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa các khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực sinh sống.
  • Chủ hộ gia đình phải thường xuyên tổ chức, thực hiện và bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy trong suốt quá trình sinh sống.
  • Đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên thì ngoài những điều kiện trên, nhà ở riêng lẻ còn phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.

Như vậy, hành vi vi phạm về phòng cháy đối với nhà ở là hành vi không thỏa mãn các điều kiện trên.

Quay lại vụ cháy thương tâm xảy ra tại Chung cư mini ở Khương Hạ, mặc dù được gọi là “Chung cư mini” nhưng qua tìm hiểu, tại thời điểm thi công, xây dựng năm 2015, chủ chung cư ông Nghiêm Quang Minh đã xin cấp phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Theo Giấy phép xây dựng số 89/2015/GPXD do Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân (Hà Nội) cấp, ông Minh chỉ được phép xây dựng tòa nhà 06 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kĩ thuật (độ cao tương đương 20,2m không tính tum thang), trong đó, diện tích xây dựng tầng 1 có gác lửng là 167,4m2 với mật độ xây dựng là 70%. Điều này có nghĩa là Tòa nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ là công trình xây dựng của hộ gia đình, cá nhân ông Nghiêm Xuân Minh chứ không phải là chung cư được cơ quan nhà nước chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà chung cư. 

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 136/2020/NĐ-CP, đối với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 07 tầng trở lên phải được thẩm duyệt thiết kế và được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy của Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy thì mới đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy để được đưa vào sử dụng. Thực tế, chung cư tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ có 9 tầng với mật độ xây dựng 100% là đã được xây dựng không đúng quy định. Đồng nghĩa với việc, chung cứ này sẽ không được thẩm duyệt và nghiệm thu kết quả thi công phòng cháy chữa cháy. Do đó, chung cư này không đảm bảo điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

3. Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại

Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại
Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại

Theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, người nào có hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại thì sẽ bị xử lý về Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.

Một hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi đó đầy đủ các dấu hiệu sau:

  • Về mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện với lỗi vô ý. Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy hành vi của mình có thể gây nguy hiểm, mặc dù phải thấy trước hậu quả đó.
  • Về khách thể: Hành vi của người phạm tội đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước về phòng cháy chữa cháy, xâm phạm đến an toàn công cộng, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.  
  • Về chủ thể: Người thực hiện hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là người đủ từ 16 tuổi trở lên và và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
  • Về mặt khách quan:
    • Người phạm tội đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ những quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đó là quy định về phòng ngừa vụ cháy có thể xảy ra cũng như các biện pháp nhằm kịp thời dập tắt đám cháy, chống cháy lan, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
    • Hậu quả là dấu hiệu quyết định người vi phạm có bị truy cứu trách nhiệm hay không. Có nghĩa là, nếu người đó thực hiện các hành vi vi phạm về phòng cháy, chữa cháy nhưng không gây thiệt hại thì chỉ bị xử phạt hành chính. Họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây thiệt hại về tính mạng như làm chết người, gây tổn hại cho sức khỏe, thiệt hại về tài sản cho người khác.

Xem thêm bài viết: Tìm hiều về năng lực trách nhiệm Hình sự theo quy định hiện hành!

Căn cứ vào thiệt hại do hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, người phạm tội có thể bị áp dụng các hình phạt khác nhau, cụ thể nhau sau:

3.1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Đây là mức hình phạt cơ bản đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, gây thiệt hại về người và tài sản. Theo đó, người phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt trên nếu hành vi cháy đó gây ra một trong những thiệt hại sau:

  •  Có người chết.
  •  Gây thương tích, tổn hại sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 121% (Căn cứ vào Kết luận giám định thương tích);
  • Gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3.2. Phạt tù từ 05 năm đến 08 năm tù

Người phạm tội sẽ chịu hình phạt tù giam từ 05 năm đến 08 năm nếu có các hậu quả sau:

  • Hành vi của người phạm tội làm phát sinh đám cháy hoặc cản trở việc chữa cháy, khiến cho 02 người chết.
  • Có ít nhất 02 nạn nhân bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.
  • Gây thiệt hại về tài sản cho người khác từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.5000.000 đồng.

3.3. Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm

Trong trường hợp do nguyên nhân của hành vi vi phạm phát sinh đám cháy hoặc cản trở chữa cháy, có 03 người chết trở lên hoặc gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 03 người trở lên mà mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì người đó bị phạt từ từ 07 năm đến 12 năm.

Như vậy, khung hình phạt cao nhất cho Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là 12 năm tù.

3.4. Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với các trường hợp đặc biệt

Đây là những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa gây ra thiệt hại trên thực tế mà mới chỉ gây ra tình trạng nguy hiểm, có khả năng thực tế dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như chết người, thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại
Truy cứu TNHS về phạm quy định về phòng cháy chữa cháy gây thiệt hại trong trường hợp đặc biệt

Ngoài việc phải chấp hành hình phạt chính trên, người phạm tội còn phải chịu các hình phạt bổ sung như:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
  • Người phạm tội bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định nếu có căn cứ xác định nếu để người đó tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hiểm cho xã hội. Thời hạn từ 01 năm đến 05 năm, được tính từ ngày người đó chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án của Tòa án tuyên có hiệu lực pháp luật nếu người đó bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và một khoản bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa 50 tháng lương cơ sở đối với những người bị thương tích. Đối với những nạn nhân tử vong,người phạm tội còn phải bồi thường chi phí mai táng; chi phí bồi thường tổn thất tinh thần cho thân nhân của nạn nhân và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định.

Có thể bạn quan tâm:

Có thể thấy, khi một người có lỗi phòng cháy chữa cháy và gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, người đó phải đối mặt với mức án tù cao nhất là 12 năm và phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại, nạn nhân trong vụ cháy. Dẫu người phạm tội sẽ phải chịu những hình phạt thích đáng cho lỗi lầm của mình nhưng những nỗi đau, mất mát vẫn còn đó, mãi âm ỉ trong lòng những thân nhân, hàng xóm xung quanh, chẳng thể nào nguôi ngoai. 

Thông qua bài viết Hồi chuông cảnh tỉnh sau vụ cháy chung cư mini: Truy cứu trách nhiệm hình sự về lỗi phòng cháy chữa cháy, Luật Ánh Ngọc mong rằng đã giúp độc giả có thêm những thông tin liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm phòng cháy chữa cháy. Nếu độc giả còn gặp khó khăn, vướng mắc hoặc có nhu cầu tư vấn các vấn đề về phòng cháy, chữa cháy, Luật Ánh Ngọc rất hân hạnh được giải đáp, tư vấn. Mọi thông tin thắc mắc xin liên hệ:

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.