Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.


Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định của pháp luật. Khi có hành vi chiếm hữu không có căn cứ, người chiếm hữu tài sản có nghĩa vụ phải hoàn trả tài sản và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản nếu chủ sở hữu tài sản có yêu cầu.

1. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là gì?

Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định của pháp luật về chiếm hữu tài sản. Một hành vi gọi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật khi việc người đó nắm giữ, chiếm hữu tài sản không thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình, nắm giữ, chi phối đối với tài sản thuộc sở hữu nhưng không được trái pháp luật, đạo đức. Hành vi “chiếm hữu” ở đây thể hiện việc nắm giữ, chi phối tài sản đồng thời ở cả trên thực tế và pháp lý. 
  • Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản. Ủy quyền trong trường hợp này là sự thỏa thuận của chủ sở hữu với người khác, để người đó thay chủ sở hữu thực hiện việc nắm giữ, quản lý tài sản, chủ sở hữu vẫn có quyền chiếm giữ tài sản.
  • Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự đúng pháp luật. Khác với việc ủy quyền ở trên, việc chuyển giao quyền ở đây là chủ sở hữu không tự mình hưởng quyền chiếm hữu mà chuyển giao cho người khác thực hiện.
  • Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, vùi lấp, chìm đắm. Đây là những tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản hoặc không thể xác định được chủ sở hữu sau một khoảng thời gian thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Nếu tài sản vô chủ là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.
  • Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc nhưng phải thông báo công khai để chủ sở hữu được biết để nhận lại. Sau 06 tháng – 01 năm đối với gia súc và 01 tháng đối với gia cầm, nếu không ai đến nhận thì người phát hiện và giữ có quyền sở hữu với con vật đó.

Như vậy, nếu một người nắm giữ, chi phối tài sản không thuộc các trường hợp trên thì được xem là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

2. Các hình thức chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Các hình thức chiếm hữu không có căn cứ pháp luật
Các hình thức chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

2.1. Chiếm hữu không ngay tình

Một người được coi là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình là khi việc nắm giữ, chi phối tài sản của họ không có căn cứ pháp luật và người đó biết việc chiếm hữu là không hợp pháp hoặc là tuy không biết nhưng pháp luật quy định họ buộc phải biết việc chiếm hữu là không có căn cứ.

Trong trường hợp này, người chiếm hữu tài sản biết rõ về việc chiếm hữu không có căn cứ hợp pháp nhưng vẫn chiếm giữ tài sản, hoặc tuy về chủ quan, họ không biết việc mình chiếm giữ tài sản là bất hợp pháp nhưng pháp luật đặt ra vấn đề bất kỳ ai trong trường hợp đó đều phải biết là không có căn cứ.

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là việc chúng ta mua xe máy cũ không thể sang tên đổi chủ do không có giấy tờ. Điều này cho thấy người bán không có quyền sở hữu xe máy nhưng vì ham rẻ nên vẫn mua.

2.2. Chiếm hữu ngay tình

Đối ngược với không ngay tình là ngay tình là hành vi chiếm hữu trong đó:

  • Không có căn cứ pháp lý xác định cho việc nắm giữ, chi phối tài sản của người chiếm giữ.
  • Người chiếm giữ không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu của mình là không có căn cứ. Người chiếm giữ ngay tình tin rằng mình có quyền đối với tài sản. Nhận thức chủ quan của họ cho rằng họ có quyền nắm giữ, chi phối tài sản.
  • Hành vi chiếm giữ không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thường xảy ra đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu.

3. Đặc điểm của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

  • Có hành vi chiếm hữu trên thực tế. Tức là người chiếm hữu bằng hành vi của mình, thực hiện các hoạt động nắm giữ, chi phối, quản lý đến tài sản mà mình đang giữ.  Họ tự do sử dụng, khai thác, định đoạt tài sản, xử sự đối với tài sản như chủ sở hữu và thực hiện các hoạt động mua bán, tặng cho, trao đổi tài sản đó.
  • Hành vi nắm giữ, chi phối tài sản của người chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật. Nghĩa là trên phương diện pháp luật, họ không được quyền nắm giữ, cầm giữ và tác động lên tài sản. Nhưng trong thực tế họ là người đang giữ tài sản.
  • Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật có thể biết hoặc không biết việc chiếm giữ của mình là bất hợp pháp. Nếu họ biết hoặc buộc phải biết mình không có quyền nhưng vẫn chiếm giữ tài sản thì người đó được gọi là “không ngay tình”. Ngược lại, nếu họ không biết hoặc không thể biết việc chiếm hữu của mình là bất hợp pháp thì được gọi là “ngay tình”.

4. Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Về bản chất, hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu không hợp pháp. Do đó, pháp luật thường không bảo vệ cho việc chiếm hữu bất hợp pháp này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp với những điều kiện nhất định, người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình được pháp luật bảo vệ.

Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ là những kết cục, hệ quả theo quy định của pháp luật khi phát sinh hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và chủ sở hữu, chủ thể khác có quyền đối với tài sản yêu cầu hoàn trả tài sản.

Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật
Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

4.1. Người chiếm hữu phải hoàn trả tài sản cho chủ sở hữu, chủ thể khác có quyền đối với tài sản

Bản chất họ là người không có quyền đối với tài sản và đang tước đi quyền chiếm hữu chính đáng của chủ sở hữu, chủ thể khác có quyền đối với tài sản. Do vậy, pháp luật đặt ra nghĩa vụ hoàn trả đối với hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không phân biệt là chiếm hữu ngay tình hay không ngay tình, cụ thể:

  • Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản gốc – tài sản chiếm hữu. Nếu tài sản chiếm giữ là vật đặc định, người chiếm hữu phải hoàn trả đúng vật đó; nếu nó đã bị hư hỏng, mất thì phải đền bù bằng tiền. Vật đặc định là những vật có những dấu hiệu đặc trưng riêng biệt về hình dáng, kích thước, màu sắc mang tính độc nhất và không thể thay thế bằng vật khác. (Khoản 2 Điều 580 Bộ luật Dân sự).
  • Trường hợp tài sản là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền nếu không có thỏa thuận khác. Khác với vật đặc định ở trên, vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, công dụng giống nhau, việc thay thế giữa chúng không ảnh hưởng đến người sử dụng. (Khoản 3 Điều 580 Bộ luật Dân sự).

4.2. Người chiếm hữu phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức gắn với tài sản

Hoa lợi là những sản vật tự nhiên do chính tài sản mang lại như gia súc con, trứng của gia cầm. Lợi tức là khoản lợi thu được trong quá trình sử dụng, khai thác tài sản như tiền thuê xe ô tô,…

  • Đối với việc chiếm hữu không có căn cứ nhưng ngay tình, người chiếm hữu không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được trong thời gian còn tồn tại sự ngay tình mà chỉ phải hoàn trả từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu là không có căn cứ pháp luật.  Một khi sự ngay tình chấm dứt đồng nghĩa với việc họ không còn tư cách chiếm hữu tài sản đúng pháp luật. Tuy nhiên, nếu đã phát sinh việc xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì bên chiếm hữu ngay tình không phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức do họ đã trở thành chủ sở hữu của tài sản đó.
  • Đối với trường hợp chiếm hữu không có căn cứ pháp luật và không ngay tình, người chiếm hữu phải hoàn trả toàn bộ hoa lợi, lợi tức từ tài sản từ thời điểm chiếm hữu. Ngoài ra, nếu chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại do việc không chiếm hữu tài sản thì người chiếm hữu còn phải bồi thường thiệt hại.

Có thể xem nguyên tắc hoàn trả trên như là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, mỗi người phải được hưởng và được giữ những gì thuộc về mình. Bởi vậy, khi một người mất đi tài sản không phải do nguyên nhân khách quan hoặc do chủ quan, lỗi của mình thì người đó có quyền đòi lại tài sản.

4.3. Người chiếm hữu có nghĩa vụ bồi thường cho người thứ ba

Người thứ ba trong trường hợp này là người đã được người chiếm hữu giao tài sản thông qua các giao dịch dân sự. Về bản chất, trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu – người chiếm hữu – người thứ ba, chỉ có người chiếm hữu là người có lỗi, do đó, khi chủ sở hữu được bảo vệ quyền lợi bằng việc được nhận lại tài sản thì quyền lợi của người thứ ba cũng phải được bảo vệ thông qua việc bồi thường thiệt hại.

  • Khi phát sinh yêu cầu hoàn trả từ chủ sở hữu, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó, nếu tài sản đó đã được trả bằng tiền hoặc có đền bù thì người chiếm hữu phải bồi thường thiệt hại cho người thứ ba khi có yêu cầu.
  • Trường hợp người thứ ba ngay tình được giữ lại tài sản (động sản không phải đăng ký,..), người chiếm hữu có nghĩa vụ hoàn trả giá trị của tài sản và phải bổi thường thiệt hại nếu có cho chủ sở hữu.

4.4. Người chiếm hữu ngay tình được thanh toán chi phí

Trong trường hợp chiếm hữu ngay tình, người chiếm hữu ngay tình được yêu cầu thanh toán các chi phí cần thiết mà người chiếm hữu đã sử dụng để bảo quản, duy trì tài sản trong thời gian ngay tình. Người không ngay tình thì không được quyền yêu cầu bởi vì họ là người cố tình và lựa chọn nắm giữ tài sản bất hợp pháp nên họ phải tự chịu chi phi đã bỏ ra đối với tài sản.

4.5. Người chiếm hữu ngay tình có quyền xác lập sở hữu theo thời hiệu

Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật đối với tài sản có thể trở thành chủ sở hữu của tài sản đó khi đáp ứng được các điều kiện sau:

Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình có quyền xác lập sở hữu theo thời hiệu
Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình có quyền xác lập sở hữu theo thời hiệu
  • Việc chiếm hữu là ngay tình.
  • Chiếm hữu tài sản công khai là việc người chiếm hữu, sử dụng tài sản đó một cách minh bạch, không giấu diếm, sử dụng theo công năng, tính chất của tài sản và bảo quản, giữ gìn tài sản đó như tài sản của chính mình. Người chiếm hữu công khai có đầy đủ các bằng chứng chứng minh tình trạng chiếm hữu của mình đối với tài sản.
  • Chiếm hữu tài sản liên tục thể hiện ở việc người chiếm hữu sử dụng tài sản trong khoảng thời gian dài mà không có bất kỳ tranh chấp nào về quyền đối với tài sản đó, hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một quyết định, bản án có hiệu lực của pháp luật. Nghĩa là, trong khoảng thời gian giải quyết, người chiếm hữu tài sản vẫn mặc nhiên được thừa nhận là người có quyền đối với tài sản.
  • Thời hiệu đối với động sản là 10 năm, với bất động sản là 30 năm. Thời hiệu là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó sẽ phát sinh quyền hoặc nghĩa vụ. Trong trường hợp này, nếu người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục tài sản trong 10 năm đối với động sản và 30 năm đối với bất động sản thì họ có quyền được xác lập là chủ sở hữu của tài sản đó. Quyền sở hữu được xác lập từ thời điểm người đó bắt đầu chiếm hữu.

5. Khắc phục tình trạng chiếm hữu không có căn cứ pháp luật

Để khắc phục tình trạng chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, pháp luật đã đặt ra các nghĩa vụ đối với người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật như nghĩa vụ hoàn trả tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại,… Ngoài ra, pháp luật còn quy định trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Ví dụ, nếu người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật biết được tài sản chiếm hữu là tài sản do người bán có được từ việc trộm cắp, nhưng vẫn đồng ý mua và sử dụng thì có thể bị xử lý về tội “Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” tại Điều 323 Bộ luật Hình sự. Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thể hiện ở hành vi như mua bán, trao đổi, cầm cố, thế chấp,… tài sản do người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội (trộm cắp, cướp giật,…).

Người thực hiện tội phạm biết rõ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng vẫn đồng ý mua bán, trao đổi có thể bị phạt tù tối đa 10 năm.

Trường hợp chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng người đó biết rõ tài sản là do phạm tội mà có thì có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, để tránh trở thành người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, trước khi tiến hành việc mua bán tài sản, nhất là tài sản có giá trị lớn, người mua cần kiểm tra chắc chắn xem người bán có phải là chủ sở hữu không, hoặc có được phép bán không bằng các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu như giấy đăng ký xe,...

Như vậy, chiếm hữu không có căn cứ pháp luật là hành vi chiếm hữu bất hợp pháp. Do đó, khi phát sinh các tranh chấp về việc xác định ai là chủ sở hữu, người chiếm hữu bất hợp pháp là người thiệt hại nặng nề nhất. Dẫu biết việc chiếm hữu của họ là bất hợp pháp, nhưng đôi khi, họ không biết việc mình không có quyền đối với tài sản. Vì vậy, pháp luật đã ưu ái hơn cho những người này khi trao cho họ quyền được thanh toán và xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.

Thông qua những thông tin về Hậu quả pháp lý của hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, Luật Ánh Ngọc mong rằng những chia sẻ này có thể giúp cho người chiếm hữu bất hợp pháp biết rõ những bất lợi của mình, cũng như bảo vệ tốt hơn tài sản của mình, tránh tình trạng chiếm hữu không có căn cứ.

Nếu quý khách còn gặp khó khăn, khúc mắc về vấn đề chiếm hữu không có căn cứ nói riêng và quyền sở hữu nói chung, xin vui lòng liên hệ với Luật Ánh Ngọc để được hướng dẫn, giải đáp.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.