1. Công ty cơ khí và những điều cần biết

Hiện nay pháp luật không ghi nhận định nghĩa thế nào là công ty cơ khí, nhưng theo thực tiễn hoạt động, có thể hiểu công ty cơ khí là loại hình doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, ứng dụng các nguyên lý vật lý, khoa học kỹ thuật, khoa học vật liệu và kỹ thuật hiện đại để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới cơ khí.
Theo đó, công ty cơ khí thường thực hiện các hoạt động sau:
- Sản xuất máy móc, thiết bị công nghiệp.
- Gia công cơ khí.
- Sản xuất phụ tùng, linh kiện.
- Chế tạo kết cấu thép.
- Sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị.
- Các hoạt động khác như tư vấn về cơ khí…
Với sự đa dạng các hoạt động kinh doanh trên, công ty cơ khí là một lựa chọn đáng cân nhắc cho các chủ thể muốn bắt đầu kinh doanh.
2. Điều kiện thành lập công ty cơ khí
Để thành lập công ty cơ khí, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cần tuân thủ các yêu cầu của Luật Doanh nghiệp 2020 đặt ra đối với doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí. Cụ thể:
(a); Chủ thể thành lập: người thành lập công ty cơ khí phải đáp ứng các điều kiện dưới đây
- Có năng lực hành vi dân sự nếu là cá nhân hoặc có tư cách pháp nhân nếu là tổ chức.
- Không thuộc các trường hợp không có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành như cán bộ, công chức, viên chức….
(b); Tên doanh nghiệp: công ty cơ khí khi lựa chọn tên cần lưu ý các điểm sau
- Trường hợp đặt tên tiếng Việt: tên công ty phải đầy đủ 02 bộ phận: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
- Trường hợp đặt tên nước ngoài: tên doanh nghiệp phải là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh.
- Không được vi phạm các điều cấm của luật về tên doanh nghiệp như tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký…..
(c); Trụ sở doanh nghiệp: trụ sở chính của công ty cơ khí phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính. Đồng thời, công ty cơ khí phải giữ quyền sử dụng hợp pháp với địa điểm đặt trụ sở đó.
(d); Mã ngành nghề: đây là một trong những điều kiện tiên quyết để công ty thành lập ra hoạt động được trong lĩnh vực cơ khí. Theo Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, các mã ngành liên quan tới cơ khí có thể đăng ký gồm:
Mã ngành |
Tên ngành |
2410 |
Sản xuất sắt, thép, gang |
2420 |
Sản xuất kim loại màu và kim loại quý |
2431 |
Đúc sắt thép |
2432 |
Đúc kim loại màu |
2511 |
Sản xuất các cấu kiện kim loại |
2512 |
Sản xuất thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại |
2513 |
Sản xuất nồi hơi (trừ nồi hơi trung tâm) |
2591 |
Rèn, dập, ép và cán kim loại; luyện bột kim loại |
2592 |
Gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại |
2593 |
Sản xuất dao kéo, dụng cụ cầm tay và đồ kim loại thông dụng |
2599 |
Sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đâu |
2610 |
Sản xuất linh kiện điện tử |
2620 |
Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính |
2640 |
Sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng |
2816 |
Sản xuất các thiết bị nâng, hạ và bốc xếp |
2822 |
Sản xuất máy công cụ và máy tạo hình kim loại |
3312 |
Sửa chữa máy móc, thiết bị |
3315 |
Sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) |
3320 |
Lắp đặt máy móc và thiết bị công nghiệp |
(e); Vốn điều lệ: kinh doanh cơ khí là ngành không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu cần đăng ký. Do vậy, khi thành lập, tổ chức, cá nhân có thể để mức vốn điều lệ phù hợp với khả năng của mình và tương thích với hoạt động về sau của công ty.
3. Hồ sơ thành lập công ty cơ khí
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, để thành lập công ty nói chung và công ty cơ nói riêng cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu tại Phụ lục I-2 ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
- Điều lệ công ty cơ khí.
- Danh sách thành viên hoặc Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài tùy theo loại hình công ty muốn thành lập.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Trường hợp người đại diện theo ủy quyền thì cần thêm văn bản cử đại diện theo ủy quyền.
- Bản sao giấy tờ pháp lý của chủ sở hữu công ty.
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty mua bán nợ
4. Quy trình thành lập công ty cơ khí năm 2025

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, chủ thể muốn thành lập công ty cơ khí cần thực hiện quy trình sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo phân tích ở mục 3, chủ thể có nhu cầu thành lập công ty cơ khí nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền thông qua các phương thức sau:
- Trực tiếp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện:
- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp hồ sơ hợp lệ.
- Ra thông báo bằng văn bản nêu rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ.
- Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải thông báo cho chủ thể thành lập bằng văn bản.
Bước 3: Hoàn thiện một số thủ tục pháp lý
Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty cần thực hiện một số thủ tục sau:
- Công bố tin tin đăng ký thành lập doanh nghiệp: pháp luật hiện hành quy định trong vòng 30 ngày kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận, công ty cơ khí phải tiến hành công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Thực hiện định danh điện tử: theo khoản 4 Điều 40 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/07/2025, doanh nghiệp phải định danh điện tử để thực hiện các thủ tục trực tuyến trên trang Dịch vụ công quốc gia.
- Đăng ký với cơ quan thuế: doanh nghiệp có nghĩa vụ đăng ký thuế với cơ quan thuế địa phương nơi đặt trụ sở chính và thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ theo quy định pháp luật.
- Khác: treo biển bảng, mua chữ ký số, sử dụng hóa đơn điện tử,...cũng là những thủ tục doanh nghiệp cần nhanh chóng thực hiện.
5. Các lưu ý khi thành lập công ty cơ khí
Để quá trình thành lập công ty cơ khí diễn ra nhanh chóng, hợp pháp, chủ thể thành lập cần lưu ý một số vấn đề sau:
5.1. Thẩm quyền thành lập công ty cơ khí
Theo Luật Doanh nghiệp 2020 thì cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty cơ khí là Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Tuy nhiên, theo Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 ngày 18/12/2024 về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Công văn số 05/CV-BCĐTKNQ18 ngày 12/01/2025 bổ sung hoàn thiện Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ18 thì Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã đưa ra một số định hướng về sáp nhập các Sở với nội dung như sau:
- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Giữ nguyên tên Sở Tài chính sau khi hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.
- Đối với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện: Duy trì Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Đồng thời, theo Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương cũng quy định Sở Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp.
Từ những phân tích trên, có thể thấy, trong năm 2025, cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cơ khí có sự khác nhau giữa các địa phương, đảm bảo phù hợp với định hướng tổ chức lại cơ quan nhà nước của Chính phủ.
Ví dụ: Tại Hà Nội: Theo Nghị quyết số 06/NQ-HĐND thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký doanh nghiệp là Phòng Đăng ký Kinh doanh và Tài chính Doanh nghiệp thuộc Sở Tài chính Hà Nội.
5.2. Chi phí và thời gian thành lập công ty cơ khí
Theo Phụ lục Thông tư 47/2019/TT-BTC, việc thành lập công ty cơ khí thường phải nộp các khoản phí sau:
- Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng.
- Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng.
- Khác: phí dịch vụ, phí tư vấn, phí sao y công chứng….nếu doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng.
Bên cạnh đó, thời gian trung bình để thành lập công ty cơ khí là từ 03 - 07 ngày làm việc kể từ khi nộp hồ sơ. Thời gian này có thể kéo dài hơn tùy thuộc vào việc hồ sơ nộp đã đầy đủ và cần bổ sung gì với cơ quan nhà nước không.
>>>> Xem thêm bài viết: Thành lập công ty môi giới bất động sản
6. Một số câu hỏi thường gặp
Thành lập công ty cơ khí có cần xin giấy phép con?
Không. Theo Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì kinh doanh cơ khí là ngành nghề hoạt động thông thường nên không cần xin giấy phép con.
Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nên lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào?
Hiện nay pháp luật ghi nhận 04 loại hình doanh nghiệp sau:
- Doanh nghiệp tư nhân.
- Công ty hợp danh.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn.
- Công ty cổ phần.
Việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp nào hoàn toàn phụ thuộc vào chủ thể thành lập như số lượng người thành lập, quy mô vốn,....
Ủy quyền cho tổ chức thành lập công ty cơ khí được không?
Có. Hiện nay pháp luật không cấm việc tổ chức, cá nhân có nhu cầu ủy quyền cho bên dịch vụ thực hiện các hoạt động liên quan tới thành lập công ty cơ khí.
Như vậy, qua bài viết về thành lập công ty cơ khí chúng tôi hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của quý khách hàng. Nếu có thắc mắc cần giải quyết hãy liên hệ ngay với Luật Ánh Ngọc để được tư vấn miễn phí!