Hợp đồng mượn tiền


Hợp đồng mượn tiền
Hợp đồng mượn tiền là một trong những loại hợp đồng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về bản chất của hợp đồng vay tiền. Vì vậy, qua bài viết sau đây, Luật Ánh Ngọc xin chia sẻ một số thông tin pháp lý về hợp đồng vay tiền.

1. Bản chất của hợp đồng mượn tiền

Hợp đồng mượn tiền chính là một hình thức cụ thể của hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, hợp đồng vay tiền được hiểu như sau: 

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tiền cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay số tiền đã vay và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Có cần thiết phải lập hợp đồng mượn tiền không?

Theo quy định hiện hành, pháp luật không có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tiền mà cơ bản chỉ là sự thoả thuận của các bên về việc vay tiền và trả tiền. 

Sự thỏa thuận này có thể được thực hiện thông qua hành vi, lời nói hoặc văn bản. 

Ví dụ: 

  • Hành vi: Việc sử dụng và rút tiền trong tài khoản tín dụng. 
  • Lời nói: Thỏa thuận miệng về việc vay tiền. 
  • Văn bản: Hợp đồng vay tiền, giấy mượn tiền, …

Do đó, kể cả trong trường hợp không lập hợp đồng mượn tiền bằng văn bản thì việc vay, mượn tiền vẫn có giá trị pháp luật. 

Tuy nhiên, xét trên góc độ thực tế, việc vay tiền thông qua lời nói hoặc hành vi đem lại rất nhiều rủi ro cho người cho vay, thậm chí có những trường hợp “trắng tay” vì không đòi được tiền. 

Bởi lẽ, việc cho vay như vậy sẽ khiến bên cho vay khó có thể chứng minh việc cho vay tiền, số tiền vay và lãi suất. 

Vì vậy, khi cho vay, các bên có thể không cần thiết phải lập hợp đồng vay nhưng nên lập một văn bản xác nhận về việc cho vay tiền. 

Ví dụ như: Giấy cam kết trả nợ, Giấy xác nhận giao tiền, …

3. Mẫu hợp đồng mượn tiền mới nhất

Để đảm bảo quyền lợi của các bên, hợp đồng mượn tiền hoặc văn bản cho mượn tiền cần thể hiện được những nội dung cơ bản như sau: 

  • Thông tin của bên vay và bên cho vay (gồm: họ và tên, số CCCD, địa chỉ và phương thức liên hệ)
  • Số tiền cho vay
  • Thời hạn vay
  • Lãi suất

Lưu ý: Theo quy định hiện hành tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất tại hợp đồng vay dân sự không được vượt quá 20%/ năm. 

Vì vậy, trong trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất vay tiền thì mức lãi suất phải đảm bảo không vượt quá lãi suất quy định như nêu trên. 

Trong trường hợp mức lãi suất vượt quá mức quy định thì phần vượt quá sẽ không có giá trị pháp luật và rất có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cho vay lãi nặng nếu lãi suất cho vay quá cao. 

Dưới đây là mẫu hợp đồng mượn tiền của Luật Ánh Ngọc, bạn đọc có thể tham khảo và tải về TẠI ĐÂY

Mẫu hợp đồng cho vay tiền
Mẫu hợp đồng cho mượn tiền

 

4. Một số lưu ý khi cho người khác mượn tiền

Trên thực tế, có rất nhiều tranh chấp phát sinh xoay quanh hợp đồng cho mượn tiền. Trong đó, một số nguyên nhân chủ yếu như sau: 

  • Bên vay không trả tiền hoặc trả không đủ, không đúng hạn
  • Bên vay vỡ nợ, bỏ trốn, mất khả năng thanh toán
  • Bên vay sử dụng tiền vay không đúng mục đích
  • Bên cho vay lấy lãi suất quá cao hoặc giao không đủ tiền theo thỏa thuận
  • Bên cho vay đòi tiền trước thời hạn
  • Tranh chấp liên quan đến cầm cố, thế chấp tài sản trong hợp đồng vay. 

Để hạn chế những rủi ro, tranh chấp phát sinh, các bên cần lưu ý những vấn đề như sau: 

Lưu ý khi cho mượn tiền
03 lưu ý khi cho người khác mượn tiền

4.1. Lập hợp đồng, văn bản mượn tiền 

Như trên đã phân tích, mặc dù pháp luật hiện hành không bắt buộc việc vay mượn tiền phải được lập thành văn bản. 

Tuy nhiên, việc vay tiền thông qua hành vi, lời nói mà không có văn bản chứng minh đem lại rất nhiều rủi ro cho các bên, nhất là đối với bên cho mượn tiền. Nhiều trường hợp đã phải “trắng tay”. 

Bởi lẽ, nếu không thể áp dụng các biện pháp thương lượng, đàm phán để giải quyết tranh chấp giữa hai bên trong quan hệ vay mượn tiền thì biện pháp cuối cùng là “nhờ cậy” đến cơ quan có thẩm quyền như Toà án, Công an. 

Khi đó, người có yêu cầu phải chứng minh việc vay mượn tiền giữa hai bên. Nếu không có hợp đồng bằng văn bản hoặc những giấy tờ khác có liên quan thì khó có thể chứng minh việc vay mượn đó. 

Như vậy, cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để giải quyết vụ việc. 

4.2. Nắm rõ thông tin của người mượn tiền

Trên thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp nhiều cá nhân “nhắm mắt cho vay tiền” dù không biết rõ về thông tin cá nhân, thông tin về tài sản của bên vay. Do đó, khi bên vay bỏ trốn hoặc tẩu tán hết tài sản thì bên cho vay không thể đòi được tiền, dù các cơ quan có thẩm quyền đã vào cuộc can thiệp. 

4.3. Chú ý quy định pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản

Theo quy định hiện hành, việc thế chấp quyền sử dụng đất buộc phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, nhiều trường hợp thực tế cho thấy, bên cho vay nhận cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất thông qua hành vi đơn thuần “nhận, giữ sổ đỏ” của bên vay, thậm chí có những trường hợp sổ đỏ không do bên vay đứng tên mà chỉ do người thân như cha, mẹ, anh chị em ruột, … đứng tên. 

Có thể thấy, việc thế chấp, cầm sổ quyền sử dụng đất như vậy không có giá trị hiệu lực. Hay nói cách khác, giao dịch vay này là giao dịch không có tài sản bảo đảm. Nếu bên vay không trả tiền, bên cho vay hoàn toàn không có quyền “xiết nợ” tài sản đã cầm cố, thế chấp đó. 

>>>Xem thêm: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất: Sử dụng mẫu hợp đồng nào?

Trên đây là một số nội dung pháp lý quan trọng về hợp đồng mượn tiền. Nếu còn vướng mắc hoặc có yêu cầu hỗ trợ, bạn đọc hãy liên hệ trực tiếp với Luật Ánh Ngọc để được hỗ trợ. 

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.