Quy trình công bố mỹ phẩm theo pháp luật hiện hành


Quy trình công bố mỹ phẩm theo pháp luật hiện hành
Một điều kiện bắt buộc trước khi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường đó là cần thực hiện thủ tục công bố sản phẩm đó. Vậy quy trình làm công bố mỹ phẩm theo quy định hiện hành được thực hiện như thế nào, cần lưu ý vấn đề gì, hãy cùng Luật Ánh Ngọc tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Quy trình làm công bố mỹ phẩm

Tương tự như những thủ tục khác, quy trình công bố mỹ phẩm cũng trải qua những bước cơ bản như chuẩn bị hồ sơ, nộp, thẩm định, chỉnh sửa hồ sơ và nhận kết quả. Vui lòng tham khảo bảng dưới đây để nắm được cụ thể hơn về quy trình công bố mỹ phẩm.

Trình tự Công việc Chú thích
Bước 1 Chuẩn bị hồ sơ 1) Thành phần hồ sơ
- Phiếu công bố mỹ phẩm (2 bản);
- Giấy uỷ quyền (Tuỳ trường hợp);
- Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) (Tuỳ trường hợp).
2) Số lượng: 01 bộ
Bước 2 Nộp hồ sơ 1) Cơ quan nhà nước (sau đây gọi là “CQNN”) có thẩm quyền:
Phụ thuộc vào loại mỹ phẩm, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục sẽ nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan sau:
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế; Sở Y tế nơi đặt nhà máy sản xuất; Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị
2) Hình thức nộp hồ sơ
- Nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện;
- Nộp online qua Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn
Bước 3 CQNN thẩm định hồ sơ Nội dung thẩm định:
- Thành phần hồ sơ;
- Hình thức của từng tài liệu trong hồ sơ
Bước 4 Chỉnh sửa hồ sơ 1) Điều kiện áp dụng:
- Hồ sơ chưa hợp lệ, và
- Nhận được Thông báo của CQNN có thẩm quyền về nội dung chưa đáp ứng.
2) Thành phần hồ sơ bổ sung:
- Văn bản giải trình về việc sửa đổi, bổ sung;
- Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (kèm bản mềm), hoặc tài liệu khác được sửa đổi, bổ sung
Bước 5 Nhận kết quả 1) Trường hợp hồ sơ hợp lệ
CQNN có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (“Số tiếp nhận”);
2) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ
CQNN có thẩm quyền thông báo không cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm này

Trên đây là quy trình tổng quan khi làm công bố mỹ phẩm. Để hiểu rõ hơn, mời Quý độc giả tham khảo phần 2 của bài viết này.
Nếu gặp khó khăn khi thực hiện quy trình công bố này, Quý độc giả có thể liên hệ Luật Ánh Ngọc để được tư vấn, hỗ trợ.

Xem thêm: Danh mục mỹ phẩm cần công bố năm 2024 kèm ví dụ cụ thể

2. 5 lưu ý liên quan đến quy trình công bố mỹ phẩm

Để đảm bảo hồ sơ nhanh chóng được cấp số tiếp nhận (CQNN chấp thuận), Quý độc giả vui lòng tham khảo và “bỏ túi” ngay những lưu ý dưới đây:

2.1. Hồ sơ công bố có yêu cầu gì đặc biệt không?

Bộ hồ sơ chuẩn yêu cầu phải đủ về số lượng, chuẩn về hình thức và đúng các nội dung theo quy định.

  • Về thành phần hồ sơ:
    Trong một số trường hợp, tổ chức, cá nhân không phải cung cấp CFS và hoặc Giấy uỷ quyền.
    Ví dụ:
  • Công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước, do chính tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa mỹ phẩm ra thị trường sản xuất.
    => Không phải cung cấp Giấy uỷ quyền và CFS;
  • Công bố mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm tại nước thuộc ASEAN.
    => không phải cung cấp CFS.
  • Về số lượng: Hồ sơ làm thành 01 bộ, trong đó Phiếu công bố cần chuẩn bị 02 bản.
  • Về hình thức:
  • Phiếu công bố cần lập theo mẫu 01-MP quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT và văn bản sửa đổi, bổ sung (sau đây gọi là Thông tư 06) - bản gốc;
  • Giấy uỷ quyền và CFS là bản chính, bản sao chứng thực và bản hợp pháp hoá lãnh sự nếu có quy định;
  • Về nội dung: Phiếu công bố, Giấy uỷ quyền và CFS đảm bảo có đầy đủ nội dung lần lượt theo Phụ lục số 02-MP, điều 6 Thông tư 06; Điều 36 Luật quản lý ngoại thương và khoản 3 Điều 10 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP.

2.2. Nộp hồ sơ online qua Hệ thống công bố mỹ phẩm

Như trình bày ở trên, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua đường bưu điện; hoặc thuận tiện hơn là nộp online (đối với mỹ phẩm nhập khẩu).
Website nộp hồ sơ và nhận kết quả: Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn.
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cần đăng ký tài khoản và sử dụng chữ ký số để nộp hồ sơ theo hướng dẫn trên hệ thống.
Ngoài ra, đây cũng là hệ thống giúp chúng ta tra cứu các thông tin liên quan đến công bố mỹ phẩm như: Số công bố; Ngày cấp; Tên sản phẩm; Doanh nghiệp công bố; Đơn vị nhập khẩu.

2.3. Nộp trực tiếp/ gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới cơ quan nào?

Căn cứ vào phân loại mỹ phẩm, tổ chức cá nhân tiến hành nộp hồ sơ tới cơ quan sau:

Các cơ quan có thẩm quyền xử lý
Ảnh minh hoạ

2.4. Quy trình thẩm định hồ sơ của cơ quan nhà nước

Sau khi nhận được hồ sơ của tổ chức, cá nhân gửi tới, CQNN sẽ xem xét hồ sơ và ban hành những văn bản tương ứng với tình trạng hồ sơ của bạn, trong thời hạn nhất định. Mời Quý độc giả tham khảo lưu trình dưới đây để nắm rõ hơn về trình tự xử lý hồ sơ của CQNN.

Quy trình thực hiện
Ảnh minh hoạ

Tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm cần lưu ý nắm rõ thời hạn thực hiện của từng giai đoạn, để tránh trường hợp hồ sơ không còn giá trị do chậm nộp hồ sơ bổ sung gây tốn thời gian, chi phí thực hiện lại thủ tục.

2.5. Điều kiện công bố mỹ phẩm

  • Đã nộp đầy đủ lệ phí công bố sản phẩm mỹ phẩm;
  • Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.
  • Việc công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm (mục đích sử dụng của sản phẩm) phải đáp ứng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm.
    Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường cần tuân thủ đầy đủ các điều kiện này trước khi công bố mỹ phẩm. Đây là những điều kiện cần đáp ứng để CQNN xem xét hồ sơ của bạn.

3. Lợi ích khi thực hiện quy trình công bố mỹ phẩm

Một sản phẩm mỹ phẩm đã được công bố theo quy định pháp luật sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả Người tiêu dùng và Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường.

3.1. Đối với người tiêu dùng

Người tiêu dùng có thể an tâm hơn khi tìm hiểu, sử dụng những mỹ phẩm đã được công bố.
Bởi lẽ, theo quy định, trên nhãn mỹ phẩm bắt buộc phải thể hiện thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường lưu thông. Đây là tổ chức sẽ chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của mỹ phẩm đó.
Nghĩa là, người tiêu dùng có thể thấy được uy tín, và trách nhiệm của họ. Từ đó, có thể tin tưởng, và yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm.
Nếu phát sinh bất kỳ vấn đề nào liên quan tới mỹ phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn có thông tin để liên hệ yêu cầu hỗ trợ, giải quyết.

3.2. Đối với doanh nghiệp

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa mỹ phẩm ra thị trường (dưới đây gọi là “doanh nghiệp”) khi thực hiện thủ tục công bố mỹ phẩm sẽ đạt được những lợi ích nhất định:

  • Giúp doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm, tránh trường hợp bị xử phạt vi phạm;
  • Giúp tăng độ tin cậy, thể hiện sự uy tín và tính trách nhiệm của mình với sản phẩm mỹ phẩm được công bố, cũng như với người tiêu dùng;
  • Tạo lợi thế cạnh tranh so với những sản phẩm giả, sản phẩm trôi nổi cùng phân khúc.

4. Một số câu hỏi liên quan đến quy trình công bố mỹ phẩm 2024

4.1. Thời gian giải quyết hồ sơ công bố mỹ phẩm trong bao lâu?

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp lệ và phí công bố theo quy định, cơ quan nhà nước sẽ ban hành Số tiếp nhận.
Trường hợp hồ sơ công bố chưa đáp ứng theo quy định thì trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước sẽ thông báo cho tổ chức, cá nhân công bố biết các nội dung chưa đáp ứng để sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Khi nhận được hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra và trả kết quả cho tổ chức, cá nhân trong vòng 5 ngày làm việc.

4.2. Hiệu lực của phiếu công bố mỹ phẩm là bao lâu?

Số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp.
Hết thời hạn 05 năm, tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục đưa mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường, cần thực hiện lại thủ tục công bố mỹ phẩm và nộp lệ phí theo quy định.

4.3. Nếu vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm thì sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

Cá nhân vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền, tuỳ vào hành vi vi phạm, mức phạt sẽ dao động từ 10.000.000 đến 40.000.000 đồng.
Mức phạt áp dụng với tổ chức cũng áp dụng với tuỳ vào hành vi vi phạm, dao động từ 20.000.000 đến 80.000.000 đồng.

Như vậy, Luật Ánh Ngọc đã cùng bạn tìm hiểu về quy trình làm công bố mỹ phẩm, cũng như điểm qua một vài lưu ý liên quan. Hy vọng thông tin trên đã giúp ích được Quý độc giả trong quá trình tìm hiểu về thủ tục này.

Luật sư Phương

Luật sư Phương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội. Có hơn 10 kinh nghiệm công tác trong ngành luật. Hiện đang là giám đốc kiêm luật sư chính của Luật Ánh Ngọc.

Xem thêm thông tin

Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, người viết áp dụng các quy định của pháp luật tại thời điểm nghiên cứu viết bài. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, vui lòng Liên hệ trực tiếp với chúng tôi.